Một đô thị hậu thuộc địa với tham vọng cạnh tranh trên đấu trường kinh tế khu vực và toàn cầu, Sài Gòn bao năm qua đã vùng mình thay đổi đến bất ngờ. Nhiều công trình mang tầm cỡ quốc tế ra đời, các tòa nhà chọc trời thay nhau mọc lên, nhịp sống hiện đại cùng sự du nhập của nhiều nền văn hóa quốc tế đang dần thay thế những lối sống xưa cũ. Nhiều người đã lo sợ, thành phố này sẽ hòa nhập với tốc độ phát triển chóng mặt của thế giới và làm mất đi chất riêng của nó.
Nhưng cũng ít người biết được rằng, Sài Gòn là nơi nhìn bằng mắt, sẽ chỉ thấy được bề nổi của một thành phố ồn ào, đông đúc và ngổn ngang. Nhưng khi cảm nhận bằng tim sẽ phải vỡ òa, “À, hoá ra thành phố này cũng dung dị và an yên lạ thường!”
Sài Gòn là vùng đất đã hơn 300 năm tuổi, dẫu trở thành nơi phồn hoa và hiện đại bậc nhất Việt Nam, vẫn không đánh mất vẻ đẹp vốn có của mình – những biểu trưng không thể phai nhòa theo thời gian.
Trạm biến áp và biểu tượng màu xanh CEE
Bạn đã bao giờ nhìn thấy những trạm biến áp này nằm rải rác khắp trung tâm thành phố Sài Gòn và tự hỏi CEE viết tắt của chữ cái gì chưa?

Trong khi các công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng có quy mô lớn như Bưu điện Trung Tâm Thành Phố, Nhà thờ Đức Bà, hay nhiều trường học rải rác trong thành vẫn được xem như một dấu ấn lịch sử quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa của Sài Gòn, những vết tích nhỏ hơn cũng được tạo nên bởi chính quyền thực dân châu u trước đây đang dần biến mất – bao gồm cả những trạm biến áp này.
Những công trình kiến trúc của trạm biến áp trông như những căn phòng được khóa kín trên đường phố – đặc biệt là các tuyến đường Pasteur, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Lê Quang Định, Lương Nhữ Học,… trở thành một phần của mạng lưới tiện ích do Compagnie des Eaux et d’électricité d’Indochine (Công ty điện nước Đông Dương), hay CEE, thành lập hơn một thế kỷ trước vào năm 1900.
Ban đầu CEE chỉ có nhiệm vụ cung cấp nước cho các vùng Chợ Lớn, Sài Gòn và cả ở Nam Vang (Phnom Penh). Đến năm 1909, CEE đã mua lại Société d’électricité de la ville de Saigon (SEVS) – là “nguồn ánh sáng điện” cho thủ đô Nam Kỳ khi trước đó đường phố Sài Gòn chỉ được thắp sáng bằng đèn dầu.
Sau khi tiếp quản phân phối điện cho thành phố, CEE đã thiết lập các trạm biến áp trên toàn khu vực, tại các khu phố lớn như Boulevard Norodom (Lê Duẩn), Chateau d’eau (Hồ Con Rùa), Phú Thọ, Khánh Hội và Tân Sơn Nhất.






CEE trở thành nhà cung cấp độc quyền cả điện và nước cho 3 thành phố lớn nhất Nam Kỳ và Campuchia đến ngày 31/12/1967. Mặc dù nước Pháp đã chấm dứt sự hiện diện tại Việt Nam từ năm 1954, nhưng công ty CEE vẫn hoạt động đến năm 1967 – trước khi các hoạt động về điện được tiếp quản bởi công ty Sài Gòn Điện Lực (SĐL) được thành lập cùng vào năm 1967. Điều này giải thích cho việc các trạm biến áp được xây từ 1967 trở về trước đều được ghi là CEE, còn từ 1968 về sau thì được ghi là SĐT (Sở Điện Lực).
Diamond Plaza – Viên kim cương giữa lòng thành phố
Có thể nói, đối với giới trẻ 8x 9x, thanh xuân của họ chính là Diamond Plaza. Được hình thành vào năm 1999, Diamond Plaza là một trung tâm thương mại sầm uất nhất thời bấy giờ. Toà nhà tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, khi nhìn từ trên cao bằng chế độ vệ tinh sẽ thấy Diamond Plaza có hình dáng như một viên kim cương giữa lòng thành phố.

Trước khi có phố đi bộ Nguyễn Huệ hay Bitexco, Diamond Plaza cùng với Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố tạo thành thế chân vạc “sống ảo” của giới trẻ Sài Gòn. Bất kể dịp Tết, Noel hay bất kì lễ lộc nào trong năm, người ta đều sẽ kéo về Diamond Plaza, vừa là nơi tụ tập đông vui bậc nhất thành phố, cũng là nơi được trang hoàng vô cùng rực rỡ. Từ đó, đây là “thánh địa” mà mọi người truyền tay nhau về một trung tâm thương mại góp phần tạo nên kí ức tươi đẹp trong thanh xuân của nhiều người.
Là một khu giải trí phức hợp hạng sang thời đó, Diamond Plaza vừa là trung tâm mua sắm với các thương hiệu cao cấp đắt tiền, vừa là khu vui chơi giải trí với các máy game arcade, rạp chiếu phim, gym, bể bơi, và cả một sân đậu trực thăng ở tầng thượng. Ngay từ khi mở cửa, tòa nhà cùng trung tâm mua sắm đã tạo nên một hiện tượng trong giới trẻ địa phương. Đây là điểm vui chơi thường xuyên của một bộ phận thanh niên thành phố.
Nhiều người thì lại nói rằng họ biết Diamond Plaza qua những bộ phim truyền hình đình đám một thời như “Mùi Ngò Gai” hay “Bỗng Dưng Muốn Khóc” – mà các nhân vật trong phim đến đây toàn “cậu ấm cô chiêu.” Bởi nơi đây từng là biểu tượng của sự hào nhoáng, sang chảnh một thời của người dân Sài Gòn. Diamond Plaza được xem là nơi đầu tiên ở thành phố cho bạn biết thế giới có những món đồ có giá hàng chục đến hàng trăm triệu như nước hoa, đồng hồ hay túi xách.

Sài Gòn và những con hẻm dọc ngang
Là nơi chứng kiến và chở che vất vả của những người con tứ phương đổ về, Sài Gòn hình thành bởi tính cộng cư của dòng người tứ xứ đến an cư lập nghiệp. Phố lớn và hẻm nhỏ dọc ngang, mặt tiền và góc khuất khác nhau rõ rệt, là hai đẳng cấp xa cách đến độ chênh vênh về địa thế, lối sống, đời sống tinh thần và vật chất của người dân Sài Gòn.



Đặc trưng của hẻm Sài Gòn là đường ngang, ngõ tắt chằng chịt, ngoằn ngoèo như một trận đồ bát quái. Có nhiều hộ gia đình mấy đời gắn bó với con hẻm quen thuộc của ông bà tổ tiên. Nhiều con hẻm là nơi những người đồng hương cùng lên thành phố để sinh cư lập nghiệp, nên con hẻm mang nét đặc trưng của vùng quê cố xứ. Cũng như không ít những con hẻm được biết đến là hẻm làng nghề, có truyền thống “cha truyền con nối” qua mấy đời vẫn duy trì làm nghề mà tổ tiên truyền lại.
Như con hẻm làm nghề tượng Phật thủ công ở khu Chợ Lớn. Với tuổi đời gần một thế kỷ, người dân trong hẻm đã làm nghề đúc tượng Phật đã qua được 3 thế hệ, vừa là kế sinh nhai, vừa để bảo tồn hồn xưa nét cũ. Hay con hẻm trên đường Phạm Văn Chí, Quận 6 có nghề làm chổi đót từ thập niên 60, do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào.
Người sống trong các con hẻm nhà cửa sát vách nhau, nên tính cộng đồng tương trợ “tối lửa, tắt đèn” trong các con hẻm rất cao trong các mối quan hệ chòm xóm, láng giềng. Hẻm là nơi ở, nơi giao lưu với nhau, cũng là nơi mà nhiều người dân Sài Gòn lam lũ kiếm sống. Trong hẻm, người thì bày một tiệm tạp hóa đầu ngõ, nhà thì mở một quán nước nho nhỏ, hay dưới chân cột điện là một xe bán bánh mì quen thuộc. Dù số nhà trong hẻm có rối rắm, nhiều xuyệt, nhưng người trong hẻm nhìn cái gốc cây cũng biết đây là đâu, hầu như trong hẻm ai cũng nhớ mặt nhau cả.
Kem Bạch Đằng – Hương vị của tuổi thơ
Nói về Sài Gòn xưa khi còn thời bao cấp, sẽ thật là thiếu sót nếu bỏ qua tiệm kem Bạch Đằng ra đời từ năm 1983. Thời điểm đó Sài Gòn là thành phố phồn hoa và rất đẹp, kem Bạch Đằng lúc đó nổi đình đám nức tiếng ở ngay lòng trung tâm phồn thịnh. Nằm ngay nút giao đường Lê Lợi và Pasteur, góc nhìn đường phố ban đêm ở Sài Gòn từ tầng 2 của quán đã trở thành một nét đẹp đặc trưng của những khách đến ăn kem Bạch Đằng.

Điểm đặc biệt của kem Bạch Đằng là kem được sản xuất trong ngày, ăn kèm với rất nhiều trái cây tươi là đặc sản của miền Nam. Có người còn cho rằng, đến Sài Gòn mà chưa ăn kem Bạch Đằng thì coi như chưa đến Sài Gòn. Đặc biệt, với người Sài Gòn câu chuyện Kem trái dừa của tiệm kem Bạch Đằng đã trở nên quá quen thuộc. Kem Bạch Đằng có giá cao hơn những quán kem bình dân khác nhưng vẫn hút khách bởi ly kem to hơn hẳn và không dễ bị chảy như nhiều loại kem thường thấy.

Nhưng khoảng chục năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nhiều tiệm kem khác mọc lên với vị trí đắc địa, phong cách trang trí thịnh hành và chất lượng kem được đầu tư không thua kém gì kem Bạch Đằng, khách đến quán ăn kem cũng dần thưa bớt đi. Thêm vào đó, do bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng metro, áng ngữ mặt tiền của quán nên người ta không còn mặn mà đến thưởng thức kem Bạch Đằng nữa.
Những “bức tường hoa” xuyên nắng
Đâu đó giữa Sài Gòn phồn hoa, bạn sẽ bắt gặp “bức tường hoa” xuyên nắng được làm nên từ những viên gạch thoáng nho nhỏ. Được biết đến với cái tên gạch thông gió hay gạch bông gió, và đúng với tên gọi của nó, những viên gạch này thường được sử dụng cho công trình thiết kế theo không gian sống mở, đón gió và tràn ngập ánh sáng tự nhiên, gợi nhớ cho người ta cái cảm giác hoài cổ, nét đẹp sáng tạo và ấn tượng.

Cùng ngược dòng thời gian và không gian về những năm 1850 tại vùng Vivier xinh đẹp, nằm tại miền đông nam nước Pháp. Thuở đó, những mẫu gạch bông gió được người Pháp làm hoàn toàn thủ công bằng tay với sự trợ giúp của những máy ép chạy bằng hơi nước. Là gạch mà như là hoa, điểm nhấn của những viên gạch hình vuông này chính là những hoa văn, họa tiết trang trí dạng rỗng giúp lấy sáng, lấy gió. Nhờ tính thẩm mỹ cao và chất lượng, những viên gạch thông gió nhanh chóng lan rộng và phổ biến đến cả châu u, hay thậm chí cả châu Mỹ La-tinh. Hoa văn trên gạch bông gió cũng thay đổi tùy theo văn hóa bản địa. (theo greentilesvietnam)
Vào những năm cuối thế kỷ 19, gạch thông gió theo chân người Pháp đặt chân đến Việt Nam. Lúc này, trong rất nhiều công trình do người Pháp xây dựng, ngoài phong cách kiến trúc thuộc địa đặc trưng, vẫn thấy đâu đó vẫn xuất hiện những mảng gạch thông gió, vừa làm tăng nét hoài cổ của những căn biệt thự xưa, vừa phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam.
