#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.
Nhà thơ vĩ đại người Ireland, Oscar Wilde, đã từng nói: “Mọi thứ trên thế giới đều xoay quanh tình dục ngoại trừ tình dục. Tình dục chính là quyền lực.”
Từ rất lâu, tình dục đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc sống. Nhu cầu được gần gũi tương tự như cơn khát nước hoặc cảm giác đói bụng. Ham muốn về thể xác giống như một dòng chảy trong cơ thể, khơi dậy những bản năng vô cùng mạnh mẽ của con người.
Chính vì sự cần thiết và quan trọng như vậy, hoạt động này đôi khi lại được sử dụng như một mánh khóe dụ dỗ, thao túng, kiểm soát người khác. Thay vì dùng để gắn kết hai con người với nhau, tình dục đôi lúc được xem như công cụ để trao đổi, mua bán, hoặc tác động vào các hoạt động tham nhũng, mưu sát hoặc chiến tranh.
Dù vậy, trong suốt dòng chảy của lịch sử, loại “cám dỗ” này đôi lúc lại trở thành một công cụ hữu hiệu để người ta có thể lên tiếng, đòi quyền lợi, tạo sự chú ý của truyền thông và dư luận, nhằm phục vụ cho những mục đích tốt đẹp. Các học giả đã gọi những sự kiện này là các cuộc “đình công tình dục.”
Đình công tình dục (sex strike) là một hình thức phản đối tình dục mà trong đó, một nhóm người – thường là phụ nữ – sẽ từ chối quan hệ nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể. Những cuộc đình công này đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại và vẫn được sử dụng đến ngày nay để phản đối nhiều vấn đề xã hội.
Ghi chép đầu tiên về một cuộc đình công tình dục có tổ chức xuất hiện từ một vở kịch Hy Lạp cổ đại của Aristophanes, Lysistrata. Tác phẩm từ năm 411 TCN này kể về sứ mệnh ngăn chặn chiến tranh Peloponnesian giữa Sparta và Athens của một người phụ nữ. Cô đã kêu gọi tất cả những người phụ nữ khác ở cả hai thành phố từ chối đặc quyền tình dục của những đàn ông tham gia trong trận chiến, buộc họ phải thương lượng hòa bình.
Mặc dù vở kịch Lysistrata chỉ là một tác phẩm hư cấu, nhưng tinh thần đình công tình dục thì hoàn toàn ngược lại. Những phong trào phản đối tương tự đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và ở các quốc gia khác nhau.
Lấy cuộc đình công tình dục của phụ nữ Iroquois từ thế kỷ 17 làm ví dụ. Vào thời điểm đó, Iroquois là một nhóm người thuộc nhiều bộ lạc khác nhau sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ. Sau rất nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng, những người đàn ông Iroquois đã phát động chiến tranh nhằm giải quyết các xung đột. Tuy nhiên, phụ nữ Iroquois lại có những suy nghĩ trái ngược. Họ kịch liệt phản đối chiến tranh và các phương án xử lý bằng bạo lực. Để bày tỏ ý kiến của mình, họ đã can thiệp vào cuộc chiến với cách tiếp cận tương tự như Lysistrata.
Tất cả phụ nữ từ các bộ lạc tham chiến đều đồng lòng từ bỏ chuyện ân ái và sinh con cho đến khi cuộc giao tranh dừng lại. Thời điểm đó, tầm quan trọng của tình dục và việc nối dõi luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Cuộc đình công của phụ nữ Iroquois nhờ vậy mà đã có những bước tiến mạnh mẽ. Cuối cùng, nhờ phong trào này, hòa bình đã được thiết lập tại Iroquois.
Không chỉ thế, những người phụ nữ trong cuộc đình công còn được trao quyền phủ quyết các tuyên bố chiến tranh trong tương lai và đã mở đường cho những cuộc nổi dậy của nữ quyền sau này. Nhờ có những người phụ nữ yêu chuộng hòa bình, người Iroquois đã duy trì được cuộc sống bình yên và tốt đẹp lâu dài.
Trong lịch sử một trăm năm qua, tình dục đã trở thành một “con tin” hiệu quả cho những lần phản đối vì quyền lợi của phụ nữ. Có thể kể đến như cuộc đình công thành công của nữ giới Igbo ở miền nam Nigeria. Những người phụ nữ Igbo còn thành lập một công đoàn để cùng nhau giải quyết những bất bình công trong cuộc sống như: giành lại công lý cho những nạn nhân bị quấy rối tình dục và phản đối chế độ thuộc địa của Anh.
Tuy vẫn được duy trì cho đến hiện tại, song những cuộc đình công tình dục ít nhiều vẫn có sự khác biệt so với quá khứ. Dù vậy, chúng vẫn duy trì được tính hiệu quả của mình.
Vào năm 2003, Liberia đang ở giữa một cuộc nội chiến tàn khốc. Những cuộc xung đột được kích động và dẫn dắt bởi những lãnh chúa là nam giới. Chán nản với bạo lực, một nhà vận động hòa bình nữ tên là Leymah Gbowee đã phát động một chiến dịch, khuyến khích phụ nữ Liberia tham gia vào cuộc đình công tình dục cho đến khi chiến tranh kết thúc. Sự can thiệp của Gbowee và những người phụ nữ khác đã mang lại những tín hiệu hết sức tích cực. Cuộc giao tranh nhanh chóng kết thúc, Gbowee cũng qua đó được trao giải Nobel Hòa bình cho chiến dịch của mình.
Năm 2006, bạo lực băng đảng lên đến đỉnh điểm ở thành phố Pereira của Colombia. Các đối tác nữ của những thành viên trong băng đảng tham chiến sau đó đã từ chối quan hệ tình dục. Cuộc chống đối của phái nữ chỉ dừng lại khi họ nhận thấy các động thái giải giáp từ các thành viên băng đảng. Theo Global Nonviolent Action Database (tạm dịch: Cơ sở dữ liệu hành động bất bạo động toàn cầu), hiệu quả của đình công tình dục là rất rõ ràng: tỷ lệ mưu sát trong thành phố đã giảm 26,5% vào năm 2010. Đây là thành tích to lớn đối với một thành phố có tỷ lệ giết người cao gấp đôi mức trung bình của toàn quốc gia.
Ba năm sau, phụ nữ Philippines cũng đã sử dụng chiến thuật tương tự tại các thị trấn chiến sự ở phía nam. Sau một thời gian, những nỗ lực của họ đã được đền đáp. Những con đường trước đây vốn đã bị phong tỏa bởi bạo lực, nay được mở cửa trở lại; các doanh nghiệp phải đóng cửa vì chiến tranh cũng được “trả tự do.”
Cùng năm 2009, phụ nữ Kenya cũng thực hiện “lệnh cấm” quan hệ tình dục riêng mình. Mục tiêu của hoạt động này nhằm yêu cầu ngừng đấu đá chính trị để tình yêu và hòa bình có thể được thiết lập một lần nữa tại quốc gia này. Chỉ trong một tuần, bởi tác động mạnh mẽ này của nữ giới, các quan chức chính phủ đã có những động thái tích cực rõ rệt.
Các cuộc đình công tình dục tương tự khác cũng đã diễn ra ở Iceland vào năm 1975, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2001, Philippines vào năm 2011 và Togo vào năm 2012.
Có vẻ như đình công tình dục đã có một lịch sử lâu dài, đi kèm những thành tích đáng tự hào. Một trong những lý do lớn giúp những sự kiện này trở nên phổ biến là bởi các cuộc đình công giường chiếu đã thu hút được đông đảo sự chú ý của giới truyền thông, giúp những người tham gia được cất tiếng nói, tạo nên những bước ngoặt lớn trong những hành trình đấu tranh, giành quyền lợi.
Xã hội chúng ta luôn dành cho tình dục một sự quan tâm đặc biệt. Do đó, những cuộc đình công phản đối ân ái quả thật sẽ khiến không ít người “đứng ngồi không yên.” Thậm chí, Gbowee cũng đã “ngầm” khẳng định nhận định trên trong cuốn sách của chính mình. Cô viết về những lần đình công tình dục rằng chúng “có ít – hoặc gần như không có – tác dụng thực tế, nhưng nó cực kỳ có giá trị trong việc thu hút sự chú ý của giới truyền thông.”
Hiệu quả là thế, nhưng đi kèm với đó vẫn là hằng hà những chỉ trích – mà phổ biến nhất vẫn là lời phê bình: “Vì sao phụ nữ phải dùng đến tình dục thì mới có thể đổi lấy quyền lực?”
Trong một xã hội gia trưởng như ngày nay, không thể phủ nhận việc cánh mày râu luôn nhận được một sự ưu ái nhất định ở nhiều lĩnh vực. Điều này đã vô tình dẫn đến việc nữ giới phải sử dụng tình dục như một con “át chủ bài” để có thể đòi quyền bình đẳng với đối tác của họ. Mặc dù tận dụng cơ thể phụ nữ để đạt được lợi ích chính trị chắc chắn không phải là lý tưởng, nhưng trong một số trường hợp, đây đã trở thành lựa chọn tối ưu nhất. Dù đi kèm những mặt tối, song không thể phủ nhận, hoạt động này đã mang đến những hiệu quả nhất định.
Xem thêm:
#Thoáng: Trinh tiết – Định nghĩa phức tạp trong cấu trúc xã hội hiện đại
#Thoáng: Toàn cảnh tình dục đồng giới thời cổ đại
#Thoáng: Revenge porn – Cuộc chiến tình dục thời 4.0
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…