Con người có khả năng cảm nhận những cảm xúc sâu sắc và phức tạp đến độ khó có thể mô tả bằng ngôn từ hay bất cứ phương thức diễn đạt nào khác. Đôi lúc chúng sẽ khiến bạn thấy khó chịu, vì bạn không hiểu và cũng không giải thích được cho người khác (và cả cho bản thân) những gì mình đang cảm thấy. Đó là lý do mà tác giả John Koenig cho ra đời The Dictionary of Obscure Sorrows (tạm dịch: Từ điển của những nỗi buồn không tên) – một danh sách những cảm xúc phức tạp và mơ hồ nhất mà có khi chúng ta còn không biết là mình đang trải qua.
John Koenig đã dành 7 năm để giúp lấp đầy những khoảng trống trong ngôn ngữ bằng hàng trăm thuật ngữ mới dành cho những cảm xúc ít người biết đến. Dự án The Dictionary of Obscure Sorrows tìm cách khôi phục ý nghĩa nguyên bản của từ sadness (nỗi buồn) là ‘đủ đầy, viên mãn’ (bắt nguồn từ chữ satis có nghĩa là ‘đủ’ trong tiếng La-tin) bằng cách xác định những khoảnh khắc u uất mà con người có thể cảm nhận nhưng lại ít khi nghĩ sẽ đề cập đến nó. Những từ mới trong từ điển này đa phần được tạo ra bằng cách ghép các gốc từ được vay mượn từ các ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới.
Sonder là khoảnh khắc bạn nhận ra rằng mỗi con người trên thế giới này đều đang sở hữu một cuộc đời phức tạp và đa chiều như chính cuộc đời bạn đang sở hữu. Họ sống với những đam mê, với bạn bè, với thói quen, với những lo lắng và cuồng nhiệt của riêng họ.
Hàng tỷ câu chuyện sống động đang diễn ra xung quanh bạn, đan thành những mắt lưới vô hình, mỗi sợi dây đan lại liên kết đến hàng nghìn hàng vạn những câu chuyện khác mà bạn chưa bao giờ biết đến. Hoặc đã từng xuất hiện trong đó chỉ với tư cách ‘làm nền’ – như một người không nhìn rõ mặt đang ngồi uống cà phê bên đường, một dãy dài những ánh đèn xe vội vã giờ cao điểm, hay một ô cửa sổ le lói ánh đèn lúc hoàng hôn.
Đây có lẽ là thứ cảm xúc không nhiều người muốn thừa nhận, vì nó miêu tả sự cảm giác khó chịu bạn dành cho một người chỉ vì họ quá hấp dẫn. Khác với ghen ghét hay đố kỵ, hanker sore là một xúc cảm tinh tế và thiên về tiềm thức hơn.
Bạn không hẳn thấy thù ghét hay tỵ nạnh với người kia, đây chỉ là ‘chút khó chịu’ sâu trong đáy lòng, khi nhận ra sự thật rằng có người lại xinh đẹp, thông minh, quyến rũ, thu hút,… đến thế.
Nếu cuộc đời là một dòng sông êm đềm, thì lachesism là ước ao mãnh liệt được nhìn thấy dòng sông ấy trở nên dữ dội, hung hãn, gai góc hơn vì những khúc ngoặt gấp hay sau những lần dòng chảy suýt nữa thì bị chặn đứng lại. Nói cách khác, lachesism là mong muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn bởi biến cố.
Đây là một thôi thúc thầm kín và sâu thẳm, xuất phát từ việc mỗi chúng ta đều có khao khát bẩm sinh về việc bị thách thức, thử thách, để từ đó phát triển tốt đẹp hơn.
Mauerbauertraurigkeit là thôi thúc muốn tránh xa tất cả mọi người – ngay cả những người thân thương nhất – để thu mình vào bong bóng phòng vệ mà bạn dựng lên.
Cảm xúc này xảy đến vô cùng tự nhiên và bất chợt, cứ như thể bạn bị ‘mất cảm giác’ với xã hội, không thể phân biệt được đâu là chân thành hay xã giao, không còn nhận ra những ích lợi bạn có được từ những mối quan hệ của mình.
Thường bị nhầm lẫn với tò mò, hiếu kỳ, nhưng ellipsism thực chất là nỗi buồn một người trải qua khi nhận ra họ không thể hiểu nhiều hơn về thế giới hay biết nhiều hơn về tương lai.
Đây là cảm giác mà có lẽ hầu hết các nhà khoa học, học giả, nghệ sĩ và nhà phát minh từng trải qua. Vì họ sẽ không bao giờ biết được rồi nhân loại sẽ đi về đâu, lịch sử sẽ thay đổi thế nào hay ai sẽ là người hưởng lấy quả ngọt từ tất cả những sự đầu tư cho tương lai từng được thực hiện.
Khoảnh khắc bạn nhận ra rằng mình không thật sự hiểu một người như mình vẫn nghĩ, rằng ai đó cho dù thân thuộc đến đâu đi nữa thì vẫn có cho riêng họ một cuộc sống nội tâm riêng tư, phức tạp, và bí ẩn, được gọi là gnossienne.
Đây là những góc tối mà đối phương không sẵn sàng chia sẻ, hoặc có khi chính họ cũng chưa hề nhận ra điều đó ở bản thân mình.
Monachopsis là cảm giác bơ vơ, lạc lõng, không hòa hợp với mọi thứ, có thể xảy ra ngay cả khi bạn đang ở một nơi chốn quen thuộc, với những người thân yêu.
Monachopsis giống những gì bạn cảm thấy khi nhìn vào hình ảnh một chú hải cẩu con lạc mẹ trên bờ biển – vụng về, ì ạch, không biết mình đang làm gì, bị bao quanh bởi một tập hợp hổ lốn những người và những vật đang có mặt ở bãi biển khi ấy.
Liberosis là khao khát được thư giãn, thả lỏng, có thể quan tâm và lo lắng ít hơn về mọi thứ. Bạn muốn cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ – hệt như một buổi chiều gió mát vô tư chạy nhảy với đám bạn ngày thơ.
Onism là cảm xúc bối rối và thất vọng khi nhận ra bạn bị ‘mắc kẹt’ trong một cơ thể, chỉ có khả năng xuất hiện tại một nơi trong một thời điểm mà thôi.
Nếu đã từng ngước lên nhìn những địa danh xa lạ hiển thị tại bảng điện tử ở sân bay – những nơi chưa bao giờ và có lẽ cũng sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân đến – sau đó nhận ra cuộc sống này cũng đầy những thứ mà bạn không kịp trải nghiệm trước khi chết, thì đó là onism.
Nighthawk là suy nghĩ ám ảnh, lặp đi lặp lại về một thứ gì đó, và nó chỉ ‘tấn công’ bạn dữ dội vào ban đêm.
Đó có thể là một nhiệm vụ quá hạn, một cảm giác tội lỗi dai dẳng, hay một tương lai vô định mờ mịt. Bạn có thể chối bỏ, phủ nhận, hoặc cố gắng né tránh, nhưng chúng cứ lởn vởn ở đó như những con thú săn mồi kiên nhẫn, chỉ đợi đêm xuống để lao vào cắm bộ vuốt sắc nhọn của chúng vào tâm trí bạn.
Xem thêm:
Nhân loại sẽ làm gì với những giấc mơ của người khác
9 loại cảm xúc có thể bạn đã gặp năm nay nhưng chưa biết gọi tên là gì
Âm nhạc có thể gây tổn hại cho con người không?
Đàn ông thích tình dục, phụ nữ cần tình yêu… phải không?
Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…