“Ngoài đẹp trai thông minh và không hề có bệnh gì về sinh lý ra thì mình thấy mình cũng chẳng có điểm gì nổi bật cả. Điểm yếu lớn nhất của mình có lẽ là khiêm tốn.”
Anh Đinh Trần Tuấn Linh đã mở đầu buổi trò chuyện như thế. Là “cha đẻ” của nhân vật Lê Bích bụng phệ, founder URAH Network, tác giả 2 tập sách Đời về cơ bản là buồn… cười, Dịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt, đồng thời là chuyên gia sản xuất nội dung với 18 năm chinh phục đa dạng lĩnh vực, đặc biệt giàu kinh nghiệm huấn luyện AI và áp dụng vào lĩnh vực viết nội dung sáng tạo, anh Đinh Trần Tuấn Linh đã đem đến buổi trò chuyện mang tên Dead or Alive? AI vs Content Writing những chia sẻ về định hướng, nguồn cảm hứng sáng tạo, đặc biệt là “vũ khí công nghệ” nâng cấp content trong thời đại số.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Dead or Alive? AI vs Content Writing
Mình bắt đầu công việc nội dung từ đam mê làm hoạt hình 3D, mình mơ ước là người làm ra bộ hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam. Năm 2003 (năm 3 Đại học), mình quyết tâm thành lập một cộng đồng về 3D, dạng như forum vậy – mọi người lên đó nói chuyện về mọi thứ, games, kiến trúc, 3D, … Bọn mình gây được tiếng vang nhất định. Rồi lăn lộn nhiều năm, phá sản vài lần, cuối cùng cũng làm được bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam. Khi ấy cũng nhận được nhiều sự quan tâm, được chiếu trên truyền hình nữa.
Nhưng cùng lúc đó, mình thấy hơi hụt hẫng, thấy trống rỗng. Tự hỏi vậy giờ làm gì tiếp đây. Thế là nhảy sang làm truyền hình tương tác, cũng là một format mới xuất hiện tại Việt Nam khi ấy. Một thời gian, mình cũng nhận được đầu tư, cũng đạt được một số kết quả, cho đến khi câu hỏi “Làm gì tiếp đây” vô cùng hiện sinh kia lại đến.
Cuộc đời vùi lên dập xuống, nhưng loanh quanh thì mình vẫn bám lại cái mỏ neo là digital content. Tất cả những thứ liên quan đến nội dung mình từng làm (sách, báo, bói toán, digital, …) chỉ nhờ hai động lực lớn. Thứ nhất là chán – mình “bị bệnh” nhanh chán như phần lớn những người làm nội dung khác. Tiếp nữa là nghèo – mỗi lần phá sản thì nợ, nợ thì nghèo, nghèo thì phải cố gắng làm gì đó tiếp để có tiền. Lực kéo là chán và lực đẩy là nghèo thúc mình đi tới.
Mình đã tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ tài năng trong rất nhiều lĩnh vực, animation, viết lách, làm sách, làm ảnh, chế ảnh, … đủ cả. Cái làm mình suy nghĩ đó là, liệu có phải chúng ta quá ám ảnh với việc đã làm ngành này thì cần phải sáng tạo hay không. Sáng tạo, suy cho cùng, cũng chỉ giúp bạn đi được 1–2 năm đầu. Sau đó nó hết, cũng như tình yêu vậy. Thế thì chúng ta cần thứ gì đó để đi được dài hơn.
Với mình, cái giúp duy trì ngọn lửa sáng tạo chính là những dự án tiếp theo. Những gì từng làm qua, mình quên gần hết. Thỉnh thoảng có ai nhắc thì nhớ. Với mình, dự án tiếp theo mới là dự án yêu thích nhất, đặt nhiều tâm huyết nhất. Ví dụ như sau AI, mình muốn đi dạy trẻ con chẳng hạn. Thế thì trong đầu mình lúc nào cũng sẽ nghĩ về chuyện dạy trẻ con thôi. Mình tin rằng với những người sáng tạo thì dự án khiến họ hài lòng nhất chính là những thứ họ sắp làm.
Mình muốn đặt lại một câu hỏi, rằng có phải mọi sản phẩm chúng ta đang làm trong ngành này đều cần “sáng tạo”, hay thực chất digital content – đặc biệt là digital content marketing – chỉ là một ngành công nghiệp không hơn không kém.
AI thực chất hay bị hiểu lầm. Chúng ta hay lấy nó ra làm lá chắn cho mọi thành công của các dự án. Bình thường chúng ta hay nghe nói đến phần mềm trí tuệ nhân tạo, thì thật ra cái lõi AI chỉ chiếm tối đa 5–10%, còn lại là phần engineering – cái giúp ghép nối các phần AI lại với nhau. Về bản chất, có hay không có trí tuệ nhân tạo không quan trọng bằng việc làm sao để trí tuệ nhân tạo đó giúp mọi người làm việc được trơn tru nhịp nhàng hơn. Ở đây, cái cần quan tâm là AI giúp giải quyết được pain point gì của khách hàng và rằng nó có giải quyết tốt hơn con người hay không.
Thời gian sử dụng thiết bị (time on device) của chúng ta trung bình là 5–6 tiếng, trong đó chủ yếu là để tiêu thụ nội dung. Thử nhân lên với 50 triệu người, rõ ràng nhu cầu về nội dung sẽ rất khủng khiếp. Cầu tăng, cung tăng. Có hàng triệu đến chục triệu người đang tham gia vào quá trình tạo ra nội dung này, nhưng số người có khả năng tạo ra nội dung tốt, hoặc chỉ đơn giản là trơn tru mạch lạc, thì lại cực kỳ ít.
Đây là khe hở mà mình nghĩ AI sẽ chen chân vào được. Nó không tạo ra những siêu phẩm 8–9 điểm, nhưng ít nhất cũng cho xuất xưởng những bài đủ 5 điểm trung bình – những thứ cơ bản, cấu trúc rõ ràng, không có lỗi chính tả hay ngữ pháp, không toxic. Và quan trọng là nó đáp ứng được một mức tiêu thụ nhất định.
Gutenberg phát minh ra máy in, máy in thay thế bút lông, nhưng người viết vẫn còn đó. Máy dệt cũng thay thế việc dệt thủ công, nhưng người dệt không bị loại bỏ, họ chỉ phải thay đổi phong cách. Hoặc gần đây có những tranh cãi xung quanh việc rửa bát. Bây giờ có máy rửa chén bát rồi, chúng ta không cãi nhau xem ai là người rửa mà lại đặt vấn đề xem ai là người đem chén bát cho vào máy.
Nói thế để yên tâm rằng con người sẽ tìm ra được rất nhiều thứ để làm. AI chiếm bao nhiêu vị trí công việc thì nó cũng sẽ “đẻ” ra thêm từng ấy vị trí công việc mới, thậm chí còn dễ dàng, thú vị, đem lại nhiều cơ hội hơn. Ví dụ như trước đây, chúng ta cần một bạn có tư duy thiết kế, có kiến thức về Photoshop, Adobe Illustrator để tạo ra hình ảnh. Nhưng giờ thì một bạn marketer hay bất cứ ai cũng có thể cho ra đời những thiết kế đơn giản và nhìn được bằng Canva. Thử tưởng tượng một tool hỗ trợ viết lách tương tự như cách Canva hỗ trợ thiết kế mà xem, người làm nội dung sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Nếu xem digital content marketing là một ngành công nghiệp, thì AI sẽ trở thành một công cụ để giải phóng. Riêng về khoản thay thế, thì đây lại là một nhánh khác nữa của trí tuệ nhân tạo – mảng tự sáng tác. Hiểu đơn giản thì cái gì người làm được, máy cũng làm được – viết, vẽ, làm nhạc, làm thơ, … Thậm chí nó còn được đánh giá là một “người sáng tác” lý trí (hoàn toàn cắt bỏ cảm xúc phía người sáng tác đi) và hiệu suất (sản xuất số lượng lớn) hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây là một hướng phát triển khác của trí tuệ nhân tạo.
Từ thời bắt đầu phá giá, một bài viết lấy công vài nghìn đồng, mình chứng kiến rất nhiều người “giữ giá”, một bài viết 1.500 chữ lấy 3 triệu là chuyện thường. Điểm yếu của họ chỉ là không thể tạo ra nhiều sản phẩm hơn trong một ngày. Vì vậy, mình không nhìn thấy sự đe dọa quá lớn. Những người viết cũ là những người đã có sẵn thương hiệu và chất lượng. Họ không bị ảnh hưởng gì nhiều đâu, thậm chí còn có lợi hơn vì bài của họ cho vào giữa một đống lổn nhổn những nội dung rác thì vô cùng nổi bật. Cái gì mà tự động hóa, thị trường hóa càng cao thì những thứ authentic và có chất lượng sẽ càng có cơ hội tỏa sáng.
Cái mà trí tuệ nhân tạo làm được, là giúp người viết tiết kiệm thời gian. Ngày xưa một ngày mất 8 tiếng giặt đồ, giờ có máy giặt thì hoặc chỉ mất 1 tiếng hoặc vẫn 8 tiếng nhưng giặt được tận 8 mẻ đồ. Bạn bè mình lúc đầu nghe bảo mình làm cái này thì cũng lo lắng, định mang dao “xử” luôn đấy nhưng giờ lại cất dao đi rồi.
Có hai cách để thích ứng. Một là cứ tiếp tục authentic, tiếp tục là chính mình. Cứ yên tâm rằng sẽ rất khó có máy móc nào thay thế được những giá trị mà bạn đã lao động tích cực để tạo ra. Cách thứ hai là tận dụng công nghệ. Người nhạy bén và sẵn sàng học hỏi bao giờ cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Mình là người già, trước đây cũng lạc hậu lắm, nhưng giờ cũng phải thay đổi. Mình tin rằng chúng ta không ai còn có thể “thoát” được công nghệ nữa. Nếu lúc trước, chúng ta còn có lựa chọn là lên thuyền hoặc không, thì bây giờ, đó không còn là vấn đề nữa. Đầu tiên, chúng ta là người vào mạng. Sau đó đến lượt bố mẹ vào mạng làm xấu mặt chúng ta này. Giờ bắt đầu đến con cái chúng ta vào mạng, làm xấu mặt chúng ta lần nữa. Đây là giai đoạn mỗi người đều bắt buộc phải có liên quan đến công nghệ.
Ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, đặc biệt là nội dung tiếng Việt, vẫn còn là một thị trường xanh. Đây là “chiến địa” ít người chạm đến. Nhưng nếu có nhiều người nữa tham gia vào, thì… mình chỉ nghĩ là được thì chơi tiếp còn không được nữa thì đóng (cười).
Ngoài kỹ năng cập nhật, học tập cái mới, mình còn quan trọng một thứ nữa là kỹ năng unlearn. Chúng ta cần phải biết bỏ đi và biết quên đi những thứ gì không còn phù hợp. Tất cả những kỹ năng, những kỹ thuật mình từng biết có thể quan trọng, là thứ giúp đưa mình đến đây, nhưng biết đâu ngay ngày mai nó chẳng còn quan trọng nữa? Biết đâu Google lại chẳng cho ra đời một công cụ hỗ trợ có thể làm được tất tật mọi thứ từ bài viết, hình ảnh, video, audio, thế thì tất cả những gì bên mình đã làm đều sẽ vứt đi hết.
Vậy thì cần phải biết quên để tìm đường đầu tư sang mảng khác ngay thôi. Nghĩ đơn giản vậy. Còn không thì mình lại đi về làm ông thầy bói!
Đây không phải lĩnh vực mới. Ngay từ những ngày đầu của internet, horoscope đã xuất hiện rồi. Các ông lập trình đa số đều từng thử làm một phần mềm bói toán, tử vi cả. Chiêm tinh là một mảng cổ điển, chiếm thị phần ổn định trên internet. Bạn cứ thử nhìn sang những từ báo hoặc những content hub nổi tiếng. Đâu đâu cũng có một phần dành cho mục tử vi, chiêm tinh.
Năm 2011, vừa phá sản vừa thất tình, mình suy nghĩ về cuộc đời, về tình yêu, thấy rằng mình thế là khổ lắm rồi chẳng ai hơn được nữa. Rồi vì khổ quá, mình đi xem bói. Sau đó đem luôn cả Tarot về Việt Nam. Thời điểm 2011–2012, mình mở hàng trăm lớp về Tarot. Ra sách, dạy học trò, sinh hoạt cộng đồng, cứ thế phát triển một mô hình khá bền vững. Bây giờ đến các quán cà phê, thỉnh thoảng gặp các bạn reader, mình lại nghĩ biết đâu đó chẳng là học trò của học trò của học trò trong các lớp TADA của mình ngày xưa. Cái hay là sau khi tìm hiểu, xem cho nhiều người, mình mới thấy ồ thì ra có người khổ hơn mình rất nhiều. Nên là nếu đang mất niềm tin vào cuộc sống, bạn có thể thử đi học một khóa ngắn về tử vi, bói toán để biết rằng nỗi khổ của mình chưa là gì, lại yên tâm yêu đời tiếp.
Những kiến thức trong lĩnh vực này đã giúp mình rất nhiều. Với mình, tất cả các mảng từng làm đều là một dạng lăng kính để nhìn về cuộc sống, từ đó làm cơ sở tạo ra nhiều nội dung đa chiều và thú vị hơn. Các bạn làm nội dung thì đừng chỉ nên ngồi trước màn hình máy tính hay vào trang mạng xem người ta nói gì, mà hãy thực sự làm gì đó chủ động hơn để tiếp cận.
Sakédemy là một chuỗi những khóa học dưới bóng cây sa-kê – bọn mình dự định có ngọn đồi, trồng cây lên đấy rồi ngồi học với nhau. Học viết, học vẽ, nói chung là các thứ về biểu đạt. Nhiều bạn có rất nhiều ý tưởng, rất nhiều thông điệp, nhưng năng lực biểu đạt lại kém, thành ra không thể truyền tải được. Ngoài ra, năng lực biểu đạt kém còn làm bạn giao tiếp kém hơn. Lên mạng, đọc ý kiến tiêu cực thì tệ đấy, nhưng mà tệ hơn nữa là xuống phần bình luận xem các bạn comment chửi bới lẫn nhau dưới danh nghĩa thể hiện quan điểm. Nói theo cách nào đó thì năng lực biểu đạt hiện tại nhìn chung có phần “xấu xí”. Vì vậy, bọn mình mong muốn giúp mọi người trau chuốt nó hơn.
Những thành tựu nho nhỏ về AI hiện tại sẽ giúp mình quay lại áp dụng cho các dự án cá nhân, ví dụ như với Mind Detox – một dự án tập trung vào nâng cao nhận thức của xã hội về trầm cảm. Cách đây 3–4 năm hầu như chẳng ai quan tâm. Nhưng giờ, giả sử mình có thể xây dựng một con bot chuyên đi “gạ chuyện” những người cần một nơi để tâm sự thì sẽ thế nào?
Mình không thích sách self-help. Mình thấy phần lớn chúng đều cổ vũ kiểu tư tưởng “bạn là nhất, bạn là đặc biệt”, nhưng đặc biệt thế nào hay làm sao để sống chung với cái đặc biệt đó thì không thấy nói.
Bản thân mình cũng không phải một người quá thiên về tích cực. Mình để ý thấy có vẻ như người làm nội dung hay bị tiêu cực lắm, đặc biệt là lúc gần đến deadline thì sẽ ôm đầu khóc, hoặc tự nhiên biến mất, hoặc trở thành những con người rất kỳ quái. Chỉ riêng việc duy trì suy nghĩ tích cực đã rất mệt với mấy đứa hay tiêu cực rồi. Vậy thì với mình, cái quan trọng là cần biết nhận diện và học kỹ năng để sống sót với những suy nghĩ và thói quen tiêu cực của mình.
Có nhiều người cứ buồn là lại ăn, cũng có người chỉ làm việc được ban đêm. Đó là những thói quen không tốt, mình cũng không khuyến khích, nhưng mỗi người chúng ta mỗi khác nhau. Ít nhất cho đến khi thói quen đó bị thay đổi thì chúng ta cần biết cách để sống sót với nó. Ví dụ như mình có tật dậy muộn, thế nên mình cần xây dựng một cuộc sống xoay quanh thói quen dậy muộn đó.
Chúng ta đều biết thế giới đang thay đổi và phải học cách chấp nhận nó. Nhưng thị trường có phát triển thế nào thì vẫn cần có nguyên tắc. Học gì cao xa cũng đừng quên những thứ siêu cơ bản và nền tảng. Và On Writing Well: The Classic Guide to Writing Nonfiction và Save The Cat! The Last Book on Screenwriting You’ll Ever Need là hai quyển vô cùng kinh điển trong giới nội dung.
Quyển đầu tiên chỉ cho chúng ta cách viết thể loại non-fiction – cũng là một thể loại rất gần với content writing. Nó dạy chúng ta làm sao để viết những bài viết sạch sẽ, tường minh, rõ ràng. Quyển thứ hai thì là một tựa sách quen thuộc của giới viết kịch bản, nhưng các định nghĩa và cách thức để tạo ra câu chuyện thì ai cũng có thể sử dụng được.
Quyển thứ ba mình muốn giới thiệu là quyển Mặt Dày Tâm Đen – dạy chúng ta cách làm thế nào để sống với điều tiêu cực. Mình không khuyến khích lối sống tiêu cực, nhưng ít ra quyển sách này sẽ cho bạn thấy một góc nhìn rất khác về tiêu cực, để chúng ta thấy rằng, tích cực đôi lúc không quan trọng bằng tiêu cực sao cho vẫn ổn.
Cùng lắng nghe những chia sẻ về sự nghiệp và kinh nghiệm công việc từ các chuyên gia hàng đầu qua chuỗi podcast đa lĩnh vực do JobHopin thực hiện
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: Cùng CTO Huân Trần bàn về khả năng sáng tạo – “vũ khí” sắc bén của nhân loại
WorkHoursLove: Cùng LOGIVAN nghe nghề lao động “khó tính” kể chuyện đi làm
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…