Khi chọn chủ đề mới cho BST Xuân Hè 2021, Giám đốc sáng tạo của Dior, Maria Grazia Chiuri mong muốn được gắm gửi niềm tin ở những điều ma thuật, pha lẫn chút thần tiên, kì bí. Qua đó tạo nên động lực để mọi người cùng nhau vượt qua thời kỳ đen tối là đại dịch toàn cầu.
“Khi bạn ở trong một tình cảnh khó khăn, niềm tin vào một sức mạnh siêu nhiên có thể giúp bạn hít thở sâu và suy nghĩ thêm rành mạch”, giám đốc sáng tạo Dior nói.
Chiuri đã tìm thấy bộ bài tarot đầu tiên được ghi lại trong lịch sử nhân loại – bộ bài Visconti-Sforza do danh họa Bonifacio Bembo vẽ nên vào giai đoạn 1400. Một thế giới diệu kỳ nhìn thấu nội tâm của mỗi người sau những tấm bài tarot bí ẩn đã trở thành nguồn cảm hứng cho NTK viết lại bằng một thứ ngôn ngữ hữu hình – đó là thời trang haute couture.
Trong mùa ra mắt BST Dior Haute Couture Xuân Hè 2021 này, Chiuri tiếp tục bắt tay cùng đạo diễn Matteo Garrone cho thước phim thời trang ngắn vô cùng lộng lẫy mang tên “Le Château du Tarot”.
Nhà sáng lập thương hiệu – quý ngài Christian Dior, rất tin tưởng vào sức mạnh thiêng liêng không thể diễn tả bằng khoa học của ngôi sao may mắn, bùa hộ mệnh và bài tarot.
“Ông ấy phát hiện ra bộ bài tarot vào dịp Thế chiến II, khi em gái của ông ấy – bà Catherine bị bắt vào trại giam phát xít Đức. Tôi nghĩ, vì quá sợ hãi nên ông đã nhờ đến việc bói bài tarot, với hy vọng tìm ra chút manh mối về tình trạng của em gái mình.”, bà Maria Grazia Chiuri nói.
Nhằm tái hiện lại sự sùng bái những lời tiên tri từ các thẻ bài của nhà sáng lập Christian Dior, các thiết kế trang phục may đo trong BST lần này được tô điểm bằng những hình ảnh cung hoàng đạo, thẻ bài, vòng đời hay vũ trụ mô phỏng bởi nghệ sĩ Pietro Ruffo.
BST Dior Haute Couture Xuân Hè 2021 như một cuộc du hành đến lãnh địa huyền ảo của những thẻ bài Tarot, một thế giới siêu thực để cảm nhận vẻ đẹp đa nguyên và bí ẩn của NTK Maria Grazia Chiuri.
Xuyên suốt bộ phim giới thiệu BST là hình ảnh cô gái lạc vào mê cung của chính mình. Tại đây, sự xuất hiện của mỗi lá bài tarot đại diện cho những tiên đoán về bước ngoặt cuộc đời cô. Đi hết mê cung cũng là lúc cô gái tích góp được những trải nghiệm, những bài học, qua đó giúp cô có thêm sự mạnh mẽ để có thể đối mặt với tương lai.
“Chúng tôi quyết định quay một bộ phim về cô gái lạc vào mê cung trong tòa lâu đài. Và qua đó, cô ấy gặp gỡ những tính cách khác của bản thân, học hỏi sự mạnh mẽ để có thể đối mặt với tương lai.”, Chiuri giải thích, “Dior cũng đã thử nghiệm với rất nhiều kỹ thuật khác nhau để có thể làm nên những bộ cánh xa hoa được xuất hiện trong phim.”
Mong muốn của NTK là phô diễn kỹ thuật haute couture của Dior, với hy vọng khách hàng thượng lưu sẽ tăng cường chọn mua, từ đó đảm bảo sự sống còn của các xưởng may (atelier) và công việc cho các nghệ nhân Paris.
Câu chuyện về haute couture vốn luôn được định nghĩa bằng sự hoàn mỹ đến từ kỹ thuật thủ công thượng thừa, độc nhất và di sản lâu đời của nhà mốt. Theo đó, nhà mốt Dior đã áp dụng nhiều kỹ thuật may đo thủ công khác nhau để hoàn thành 45 bộ trang phục được trình chiếu trong phim. Các trang phục đều là hiện thân của sự xa hoa, vượt khỏi khái niệm sang trọng thuần túy.
Từng mẫu thiết kế xuất hiện như những kiệt tác hội họa cổ thời Phục Hưng, vừa trang nhã vừa quyền quý như chính tinh thần của kỹ thuật may đo thủ công thượng thừa bao đời của nhà mốt Pháp này. Có thể kể đến mẫu đầm dévoré nhung ánh đồng được vẽ thủ công các cung hoàng đạo, hay phần vạt trên (bodice) của mẫu đầm thêu họa tiết nổi ánh vàng cũng được cài cắm hình ảnh thẻ bài World – biểu trưng cho sự kết thúc của vòng đời…
Triển lãm của Nguyễn Hoài Hương là lời khẳng định cho sự nỗ lực trong…
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…