Cine

Đoạn Trường Vinh Hoa – Một đời rong ruổi cùng những câu ca

Trải qua 18 tháng theo chân một trong những gánh hát cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đoàn làm phim Đoạn Trường Vinh Hoa đã mang đến cho khán giả 50 phút phim đong đầy những khoảnh khắc trần trụi đầy cảm xúc vô cùng đáng trân trọng của những con người dành cả cuộc đời mình cho tiếng hát câu ca.

Cuộc đời gian truân lắm đoạn trường

Nhân vật chính của phim là bà bầu gánh hát tuồng cổ ở Cần Thơ – nghệ nhân Phương Ánh. Sinh ra ở Đồng Tháp trong một gia đình có truyền thống hát bội, cải lương, cô Phương Ánh bén duyên với sân khấu từ năm 10 tuổi. Từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ sống chết với nghề, vinh hoa lẫn đoạn trường cô đều nếm trải. Nói về đời theo nghiệp tuồng cổ, hát bội của mình, nghệ nhân Phương Ánh tóm gọn: 3 đời theo nghiệp hát bội, 3 lần làm bầu gánh, 2 lần phải gãy gánh giữa chừng.

Nghệ nhân Phương Ánh và câu thoại “đắt” trong Đoạn Trường Vinh Hoa

Cô Phương Ánh lập gánh hát Quê hương Đồng Tháp đầu năm 1980 nhưng không lâu thì rã gánh. Không nản chí, cô lập tiếp đoàn Du Sĩ Ca nhưng cũng sớm giải thể. Nợ nần, đói khổ, anh em nghệ sĩ ly tán, lại thêm cảnh cải lương “không làm lại phim ảnh truyền hình, đĩa ca nhạc”, tưởng chừng bà bầu Phương Ánh chịu buông xuôi. Ngờ đâu năm 2004, lúc kinh tế vừa ổn định, cô lại lập gánh cải lương tuồng cổ Phương Ánh, bởi “Nghỉ hát bứt rứt, muốn bịnh luôn. Tối mà được hóa trang, mặc áo mão lên sân khấu diễn là khỏe khoắn.”

Cô Phương Ánh trong vở Bạch Ý Nhi cứu Chúa

Ở tuổi 64, cái tuổi người ta tính chuyện nghỉ ngơi an dưỡng, nghệ nhân Phương Ánh vẫn thiết tha một tấm chân tình với cánh màn nhung và ánh đèn sân khấu. Khi lên sóng chương trình Cà phê sáng ngày 20/10 của VTV3, lúc được hỏi rằng cực khổ vậy, có bao giờ cô định bỏ nghề không, người phụ nữ của sông nước miền Tây chân chất trả lời: “Cô hổng thể nào mà cô nghĩ cái chuyện bỏ nghề. Dá nào cũng đi kiếm cách để mình diễn.”

Thời gian này, đoàn đang ngưng diễn. Anh em trong đoàn người chạy xe ôm, người đi ca đám ma, hát đám cưới kiếm thêm. Bản thân cô thì may sửa đồ diễn của mọi người, rồi lúc nào “có đám người ta mời thì mình cũng lại mình hát”.

Trên sân khấu, họ là những ông hoàng bà chúa. Khi màn nhung khép lại, họ trở về với cuộc sống lao động chân lấm tay bùn, chật vật chạy ăn từng bữa.

Hành trình đi tìm những vinh hoa

Đạo diễn Lê Mỹ Cường cho biết, khi vô tình thấy trên báo Tuổi Trẻ bức ảnh nghệ sĩ đoàn tuồng cổ Phương Ánh trong chiếc áo khoác cũ đang tô son điểm phấn trước giờ lên sân khấu, anh lập tức bị thu hút. Hình ảnh đó khiến Lê Mỹ Cường nảy sinh mong muốn tìm hiểu văn hóa Nam Bộ, điều lạ lẫm với một đạo diễn 9X gốc Hà Nội như anh. 

Anh tìm đến gánh Phương Ánh, kiên trì đi chung với mọi người trên nẻo đường rong ruổi hát Kỳ Yên từ đình này sang đình khác. 4 tháng sau khi theo chân gánh, Lê Mỹ Cường được phép ghi lại những thước hình đầu tiên. Đoàn phim chia sẻ, hồi đầu cô Ba (cách mọi người gọi nghệ nhân Phương Ánh) không định cho quay phim về gánh hát, vì cô không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời những nghệ sĩ nghèo. Vậy nên đoàn phim không ai hỏi gì, chỉ lặng lẽ theo chân mọi người, dùng tấm lòng và tình yêu văn hóa để thay mình nói những gì cần thiết.

“Cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể bước vào đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ. Đó là cả một thách thức lớn mà cho đến lúc này chúng tôi cũng không thật sự biết chính xác rằng mình đã vượt qua bằng cách nào…”

Thanh Nguyễn – đồng tác giả dự án Đoạn Trường Vinh Hoa
“Rồi chúng tôi bước vào hành trình của mình, hành trình đi tìm những giấc mơ vinh hoa. Trong hành trình ấy, có một điều mà chúng tôi đã không đoán định được, là cái giá của việc thấy những gì đằng sau lớp mặt nạ được tô vẽ tỉ mỉ kia là đồng nghĩa sẽ sống cùng những xúc cảm của họ, sống trong câu chuyện của họ cho dù là sầu khổ, bi ai, dù là vinh hoa… hay đoạn trường…”
Mỗi dịp lễ Kỳ Yên, anh em trong đoàn từ Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng,… lại tụ họp về các Đình thần, vừa để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ Tổ nghề.

Theo chia sẻ từ ê-kíp làm phim, Đoạn Trường Vinh Hoa hướng tới các nhóm đối tượng khác nhau. Với những khán giả trẻ, nhóm mong muốn đưa nghệ thuật truyền thống cải lương tuồng cổ quay trở lại dưới một góc nhìn mới gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn, kích thích người xem tìm hiểu về môn nghệ thuật này sau khi bộ phim được công chiếu, vì chính họ sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bộ phim qua các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội. Với những khán giả lớn tuổi hơn thuộc “lớp trước”, đây chắc chắn sẽ là cơ hội để họ nhìn ngắm lại những hồi ức đẹp đẽ một thời.

Hai khán giả cuối cùng còn nán lại mãi chẳng rời đi trong một buổi diễn tại Đình thần Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ – Tháng 5/2019)

Còn với người trong cuộc – những nghệ sĩ không quản thời gian, công sức, mải mê đem tiếng hát làm đẹp cho đời – đây là cơ hội để họ chia sẻ tiếng nói, tâm tư của mình sau ánh đèn sân khấu. 

Ê-kíp chụp ảnh lưu niệm cùng các cô chú trong gánh hát.

Đoạn Trường Vinh Hoa được xây dựng theo phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp. Phim nằm trong khuôn khổ Dự án VTV Ðặc biệt – một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam được sắp xếp vào khung giờ vàng trên VTV1 với tần suất mỗi tháng 1 số. Bộ phim do Ban Sản xuất các Chương trình Giải trí (VTV3) thực hiện trong thời gian hơn 1 năm – từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên cho đến khi hoàn thiện sản phẩm phim cuối cùng (từ tháng 03/2019 – tháng 08/2020).

Dự án phim về đề tài văn hóa truyền thống này nhận được sự đồng hành của Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa, nghệ thuật.

Đoạn Trường Vinh Hoa được công chiếu tại ba địa điểm: Hà Nội (tại Trung tâm văn hóa pháp L’ESPACE – 24 Tràng Tiền), Cần Thơ (tại Đình thần Giai Xuân – Phong Điền, Cần Thơ) và TP. Hồ Chí Minh (tại Viện trao đổi văn hóa Pháp IDECAF – 31 Thái Văn Lung). Sau đó, phim sẽ được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20h) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt ngày 11/11/2020.

Buổi chiếu tại Hà Nội
Đình thần Giai Xuân, nơi đánh dấu những thước phim đầu tiên của Đoạn Trường Vinh Hoa, cũng là nơi được nhóm chọn cho buổi công chiếu tại Cần Thơ
Mi Nguyen

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

2 phút ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

23 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago