Nhắc trầm cảm, chúng ta thường nghĩ đến những dấu hiệu như: thờ ơ, mất hứng thú với những thứ mình thích, kéo theo là cảm giác vô vọng cùng nỗi buồn tràn ngập.
Nhưng trầm cảm cũng có thể biểu hiện qua những thứ chúng ta không ngờ đến, ví dụ như: bát đĩa bẩn ngổn ngang trong bồn nước, quần áo chưa giặt chất đống cao chót vót, hoặc những gói đồ không buồn dọn nằm rải rác quanh nhà.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Nhưng nếu mớ hỗn độn trong căn nhà xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo một số bất ổn về tâm lý như căng thẳng cao độ, lo lắng, hoặc burnout, thì đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn cần chú ý hơn đến sức khỏe tinh thần của mình.
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần, Phiên bản Thứ năm (DSM-5), trong số các tiêu chí được sử dụng để đánh giá liệu một người có trầm cảm hay không sẽ gồm: giảm động lực và hứng thú với mọi hoạt động, vận động thể chất chậm lại, mất năng lượng và thiếu quyết định. Nếu muốn giữ nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, bạn sẽ cần đáp ứng những tiêu chí trên… ở chiều ngược lại.
Các nghiên cứu khoa học cũng tìm thấy mối tương quan giữa sức khỏe tinh thần và sự lộn xộn. Đơn cử như nghiên cứu vào năm 2016 của Đại học New Mexico cho thấy một không gian bừa bộn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cảm nhận sự thoải mái khi ở trong không gian đó của những người tham gia thử nghiệm.
Theo Tiến sĩ tâm lý, giảng viên tâm thần học tại trường Y Harvard Natalie Christine Dattilo, tình trạng nhà cửa bừa bộn đã được chứng minh có mối liên quan đến mức cortisol (hóc-môn gây căng thẳng) trong cơ thể. Tuy nhiên, cũng như câu hỏi “con gà-quả trứng”, vẫn chưa rõ điều nào xảy ra trước. “Liệu căng thẳng là nguyên nhân khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc giữ nhà cửa gọn gàng? Hay chính tình trạng bừa bộn mới làm chúng ta căng thẳng, choáng ngợp, lo lắng hơn?”
Tiến sĩ Natalie tin rằng mối quan hệ của cả hai là song phương – căng thẳng dẫn đến bừa bộn, và sự bừa bộn cũng khiến ta căng thẳng. Dọn nhà là việc cần thời gian và sự cam kết, cho dù sức khỏe tinh thần của bạn có đang gặp vấn đề hay không. Bình thường đã khó, nếu còn đang “mệt trong người” nữa thì chuyện đứng dậy khỏi giường để bắt đầu quét lau hoặc gấp quần áo nghe như chuyện không tưởng vậy.
Nhưng nếu một ngôi nhà bừa bộn có thể làm tinh thần mệt mỏi, căng thẳng (và ngược lại), thì một không gian sống sạch sẽ, gọn gàng sẽ giúp chúng ta cảm thấy bình tĩnh, thoải mái, và an toàn hơn rất nhiều.
Vậy làm thế nào để dọn dẹp nhà cửa dù đang vật lộn với các vấn đề tâm lý?
Không dễ gì để dẹp toàn bộ một căn phòng hay tủ quần áo ngay cả khi chúng ta đang không bị chứng lo âu hay trầm cảm. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm mọi thứ từ tốn, bằng cách đặt ra những mục tiêu càng nhỏ và càng dễ thực hiện càng tốt.
Bạn có thể bắt đầu dọn nhà theo từng khu vực, từ ngăn để quần, ngăn để áo hoặc khu vực bàn học. Tiếp đó, bạn hãy đặt thời gian để mình hoàn thành dọn dẹp khu vực hay phạm vi vừa chọn. Một khi nhiệm vụ đầu tiên hoàn thành, bạn sẽ thấy vui vẻ và có động lực để hoàn thành tiếp công việc dọn dẹp.
Thông thường, đồ đạc bừa bộn là do chúng ta không quy định cho chúng một vị trí cụ thể. Để tránh chuyện loay hoay cả buổi để tìm chìa khóa, ví tiền, hoặc các món đồ mình cần, hãy đánh dấu những món hay bị đặt sai vị trí và tạo ra không gian / khu vực dành riêng cho chúng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể để những món hay đi cùng nhau trong cùng một khay để đồ, giúp mỗi lần tìm kiếm hay cầm đi trở nên tiện lợi hơn.
Thay vì làm nhiều việc cùng một lúc, như vừa lau nhà vừa sắp xếp tủ sách, bạn nên tập trung vào việc mình đang làm. Để tránh cảm thấy chán nản, hãy bật nhạc hoặc cho phép mình nghỉ ngơi, không đặt áp lực phải dọn dẹp. Với cách làm này, việc dọn nhà sẽ trở nên thú vị và dễ thở hơn, giúp bạn có thể thật sự tận hưởng quãng thời gian này.
Khi dọn dẹp với mục tiêu giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, bạn cũng nên đặt câu hỏi cho bản thân để có thể tạo ra môi trường hỗ trợ cho mục tiêu của bạn. Thay vì mua nhiều đồ để thỏa mãn tính mua sắm, khiến không gian ngày càng bừa bộn hơn, những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn xác định việc mua hay thôi, cũng như việc có nên giữ lại một món đồ cũ không:
• Món đồ này có giúp gì cho mục tiêu hay ưu tiên nào của mình?
• Món đồ này có hợp với hình ảnh về ngôi nhà mình mong muốn?
• Liệu món đồ này có hữu ích cho ai khác hay không?
• Mình có muốn mua món này ngay hôm nay ngay cả khi không được sale không?
• Cuộc sống thường ngày của mình có thay đổi gì không nếu không có món đồ này?
• Món đồ này sẽ chiếm một không gian trong nhà mình, liệu nó xứng đáng với điều đó chứ?
Khi bạn đã sắp xếp xong tủ quần áo hay cả căn phòng, đặc biệt là khi bạn đang cực kỳ căng thẳng hay buồn bã, thì ít nhất hãy nhớ khen thưởng bản thân và thành tích của bạn.
Hãy dành thời gian trong không gian bạn mới sắp xếp sạch sẽ và ngắm nhìn nỗ lực của mình. Khi chúng ta chăm sóc ngôi nhà của mình một cách có chủ đích và yêu thương, chúng ta đang gửi tới bản thân một thông điệp quan trọng rằng, chúng ta xứng đáng với thời gian và công sức cần bỏ ra, cũng như ta xứng đáng có một cuộc sống và không gian sống thoải mái, gọn gàng.
Theo Real Simple
Có thể bạn quan tâm:
Học cách tha thứ cho bản thân
Có những ngày chỉ thở thôi cũng mệt, tại sao?
Làm gì khi rảnh rỗi để cuộc đời “nở hoa” thay vì “gây hoạ”?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…