Lifestyle

Hỏi thế gian tình ái là chi mà động vật cũng có thể là chuyên gia ái tình

Thuyết Darwin cho rằng động vật cũng có cảm xúc như con người. Chúng cảm nhận được sự ghen tuông, cảm giác tò mò, vui vẻ và cả lòng vị tha. Động vật thể hiện tình cảm thông qua hành động nhiều hơn là “lời nói”, có thể hiểu rõ những dịu dàng trong tình yêu cũng như suy nghĩ ngây thơ trong tâm trí của chúng ta.

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng điều gì sẽ xảy ra nếu những “thiên thần nhỏ” này không chỉ có những cảm xúc mạnh mẽ như thế, mà chúng còn là những “nhà tâm lý học” mang đến các thông điệp ý nghĩa về tình yêu ở con người?

Loài nhím – Tình yêu đầy những gai nhọn

Ảnh: @ uni_desu

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của loài nhím (The Porcupine’s Dilemma) là phép ẩn dụ mô tả sự cân bằng mong manh của tình yêu.

Khái niệm này ban đầu được đặt ra bởi nhà triết học người Đức, Arthur Schopenhauer. Vào một ngày mùa đông lạnh giá, Schopenhauer quan sát những con nhím đang run rẩy và cố gắng ngồi sát vào nhau để tìm hơi ấm. Nhưng một tình huống khó nhằn đã xảy ra, khi những chú nhím càng muốn gần nhau thì những chiếc lông nhọn lại đâm và làm đau người bạn bên cạnh. Hình ảnh này đại diện cho những cuộc đấu tranh điển hình bên trong mỗi con người: Chúng ta khao khát sự thân mật nhưng lại sợ những góc khuất trong tâm hồn của mình làm tổn thương người khác.

Cũng như loài động vật gai góc này, bạn luôn muốn đến gần hơn với trái tim của người ấy, muốn được ở bên để chăm sóc và yêu thương họ, nhưng lại sợ rằng những tiếp xúc thân mật sẽ mang đến tổn thương cho đối phương. Để giải quyết vấn đề hóc búa này, nhiều người trong chúng ta giữ khoảng cách với những người thân thiết và “chật vật” tự sưởi ấm con tim mình. Ngược lại, một số khác sẽ bám chặt vào người bạn đời của mình, bất chấp sự gai góc, tàn nhẫn có làm tổn thương người trong cuộc.

Schopenhauer tin rằng mỗi chúng ta cần phải tìm thấy điểm cân bằng giữa khao khát được gần gũi và khả năng tự chủ bản thân như loài nhím.

Bên cạnh đó, nhà thơ – tác giả Charles Bukowski cũng đã phân tích vấn đề này theo một khía cạnh khác. Ông đặt ra câu hỏi: “Khi không có ai đánh thức bạn vào buổi sáng, cũng chẳng một ai chờ đợi bạn vào ban đêm, thì chúng ta nên gọi hoàn cảnh đó là gì – tự do hay cô đơn?

Bukowski cũng đặt vấn đề, tại sao đó không thể là cả hai? Ta vừa có thể cảm nhận được hơi ấm tình yêu nhưng đồng thời cũng vẫn có những khoảng không để tự do phát triển bản thân. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình yêu lớn nhất của bạn lại là người mang đến sự mất cân bằng trong cuộc sống và khiến bạn phải tự hỏi: “Tôi là ai? Tôi muốn gì trong cuộc sống của mình?

“I’ve never been lonely. I like myself. I’m the best form of entertainment I have.”

Charles Bukowski

(Tạm dịch: Tôi chưa bao giờ cô đơn, bởi tôi thích chính mình, và tôi coi bản thân là nguồn giải trí tuyệt vời nhất mà mình có.)

Dê – Tình yêu là hạnh phúc

Ảnh: Kellog Garden

Bạn đã bao giờ kết thúc một buổi hẹn hò hoặc một buổi tụ tập với bạn bè và cảm thấy bản thân trở nên yêu đời và mãn nguyện một cách diệu kỳ chưa? Đó là bởi các mối quan hệ này đã đem đến cho những nguồn năng lượng tích cực.  Hạnh phúc là một trong những cảm xúc thuần khiết nhất của muôn loài. Khi bạn vui, nụ cười mở rộng đến cả đôi mắt, bạn nhún nhảy và tiếng cười vang như chuông nhà thờ. Song trong thế giới truyền thông hiện tại, con người khó mà nhận ra được là thật hay giả tạo, nhưng loài dê lại có thể.

Các nhà động vật học mới đây đã phát hiện rằng dê có khả năng phân biệt được cảm xúc thật của con người – liệu bạn đang vui vẻ hay giận dữ? Chúng nhìn được các dấu hiệu trên khuôn mặt và sẽ chọn ra những ai đang thật sự hạnh phúc. Nếu một người đang gặp chuyện không vui, chắc chắn họ sẽ không “thoát” khỏi khả năng bắt sóng cảm xúc nhạy bén của những chú dê.

Tất nhiên, hạnh phúc không phải lúc nào cũng đến dễ dàng, nhất là khi tỷ lệ trầm cảm của con người đang ngày càng tăng. Một phần là do chúng ta thường nhận định sai việc theo đuổi hạnh phúc với trạng thái hạnh phúc, như cách chúng ta nhầm lẫn bản chất của một người với những việc làm của họ.

Theo đuổi hạnh phúc là một hành động được thúc đẩy bởi cái tôi, sau một thời gian, ta thường kiệt sức vì mong muốn này. Trong khi đó, trạng thái hạnh phúc là hành động tĩnh – được tỏa ra bởi sự tự tin từ trong chính mình. Nó có khả năng chặn đứng mọi phiền nhiễu, giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống một cách tuyệt vời và chân thật nhất. Người ta thường nói, con người không thể “mua” hạnh phúc bằng bất cứ thứ gì cả, thế tại sao chúng ta lại phải hứa hẹn rằng bản thân sẽ hạnh phúc hơn khi đạt được một mục tiêu gì đấy? 

Loài động vật này không phải gắng gượng cảm giác hoặc ép buộc bản thân phải hạnh phúc, thay vào đó chúng chọn cách sống tự do, yêu đời và cảm nhận niềm vui từ chính ngọn lửa bên trong mình.

“A flower blossoms for its own joy.”

Oscar Wilde

(Tạm dịch: “Một bông hoa nở vì niềm vui của chính nó.”)

Chuột đồng ở thảo nguyên – Tình yêu chỉ có một người duy nhất

Ảnh: Wood Land Trust

Hẹn hò thời hiện đại như một trò chơi đa nhiệm (multi task). Chúng ta tìm kiếm và lựa chọn người yêu như cách những quả bóng bạc nhảy ra một cách ngẫu nhiên khỏi máy chơi Pachinko của Nhật. Đừng mất quá nhiều thời gian lên Tinder, thói quen quẹt trái, quẹt phải rồi “match” với một đối tượng “tạm ổn,”bắt đầu một cuộc hẹn hò vô cùng “phiêu lưu” dường như không còn lạ lẫm gì nữa. Bởi khi đó, ta có thể đã biến tình yêu thành một trò cá cược. 

Với loài chuột đồng ở thảo nguyên, tình yêu không được định nghĩa như vậy.

Loài động vật này sẽ chọn chỉ duy nhất một bạn đời. Nếu đã “lọt vào mắt xanh” của nhau thì đôi chuột sẽ “mây mưa” khoảng năm mươi lần một ngày. Khi những chuột con chào đời, chuột bố sẽ không tìm kiếm con cái khác mà chỉ ở bên “vợ” giúp nuôi dạy những bé chuột non hết quãng đời còn lại của mình. 

Sự gắn kết chung thủy của loài vật này là điều mà 97% động vật có vú không làm được – “một vợ một chồng” đến đầu bạc răng long. Đối với loài người cũng thế, nguyên tắc “một vợ một chồng” khi yêu có thể là một lời thử thách với nhiều người.

Theo quan điểm sinh học, con người chúng ta trong tiềm thức sẽ luôn khao khát tìm kiếm “cuộc vui” với các đối tượng mới mẻ – bất chấp tình yêu của mình dành cho người ấy có nhiều đến đâu.

“It’s our imagination that’s responsible for love, not the other person.”

Esther Perel

(Tạm dịch: Trí tưởng tượng của chúng ta mới là thứ chịu trách nhiệm cho tình yêu, chứ không phải người bên mình.)

Rái cá biển – Tình yêu không bao giờ mất đi

Ảnh: Ken Conger

Không có gì đáng yêu hơn hình ảnh hai con rái cá biển nổi trên mặt nước, mắt nhắm và nắm tay nhau khi ngủ. Rái cá nắm tay nhau khi chúng ngủ để cả hai không lạc mất nhau, không bị tình địch săn trộm bạn đời hoặc rơi vào vòng tay của những thợ săn mồi.

Giá như con người cũng giữ chặt lấy nhau và cũng không ngừng để ý đến người yêu của mình như loài rái cá biển.

Trong thế giới hiện đại với nhịp sống nhanh, việc mải mê tìm kiếm những thứ xa vời để rồi bỏ bê nhau đã trở thành hồi chuông báo tử cho các mối quan hệ. Nhiều người vì quá bận rộn đã quên làm những việc khiến đối phương cảm thấy được trân trọng và yêu thương. Thay vì gửi nhau những lời nhắn nhủ yêu đương, chúng ta lại dán lên tủ lạnh danh sách việc cần làm. Thay vì trao nhau những lời yêu thương, ta lại đem những bực dọc khi tiếp xúc với xã hội trút lên những người thân.

Thay vì để tình cảm trôi qua trong nhàm chán, bạn có thể học ngôn ngữ tình yêu và khiến đối phương cảm thấy được lắng nghe; gây bất ngờ cho họ bằng những chuyến du lịch ngắn ngày hoặc những hoạt động mới lạ. Và quan trọng nhất, chúng ta luôn có thể nhớ lý do tại sao cả hai đã chọn ở bên nhau.

“A successful marriage requires falling in love many times, always with the same person. “

Mignon McLaughlin

(Tạm dịch: “Một cuộc hôn nhân thành công đòi hỏi phải luôn rơi vào tình yêu với một người nhiều lần.”)

Báo đốm – Tình yêu không có nghĩa là sở hữu

Ảnh: Woman and Home

Do bị nuôi nhốt, rất nhiều loài động vật đã bị mất đi ham muốn được giao phối. Chẳng hạn như nếu chúng ta đặt tê giác trắng, cá mú, gấu trúc hoặc báo đốm vào lồng, chúng sẽ đột nhiên mất hứng thú với chuyện tình cảm. Trong cuộc sống, con người cũng vậy, một tình yêu bị kìm hãm là một tình yêu không thể phát triển.

Phần lớn chúng ta thường nhầm lẫn giữa “ham muốn chiếm hữu” và “tình yêu chân thành”. Thay vì nhận ra việc tùy ý kiểm tra điện thoại của đối phương, ghen tuông vô lý và độc chiếm thời gian cá nhân của người khác là tiêu cực, nhiều người lại cho rằng đây là một cách thể hiện tình yêu. Chiếm hữu là kiểm soát. Một người thích sở hữu không có đủ can đảm cho người yêu không gian để phát triển. Khi ở trong một mối quan hệ chiếm hữu, một phần cuộc sống của chúng ta sẽ chìm trong cảm giác bị kèm kẹp.

“The people we love turn to ashes when we possess them.”

Marcel Proust

(Tạm dịch: “Người ta yêu sẽ hóa tro khi ta sở hữu họ.”)

Tinh tinh lùn – Tình yêu không phân biệt giới tính

Ảnh: Getty Images

Khoảng một nửa hoạt động tình dục của loài tinh tinh lùn được thực hiện với những đối tượng cùng giới. Những con tinh tinh cái trẻ hơn thường giao phối với bạn tình nữ bằng cách cọ xát bộ phận sinh dục của nhau. Trong khi đó, giống đực thường sẽ giao phối với và quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình nam.

Tinh tinh lùn không phải là loài lưỡng tính duy nhất. Cá heo mũi chai, chim cánh cụt Humboldt, hươu cao cổ và sư tử châu Phi đềulà loài lưỡng tính và đồng tính luyến ái. Bất ngờ nhất, 25% quan hệ nuôi dạy của loài thiên nga đen lại là con cùng giới tính.

Peter Beckman – Nhà cố vấn học thuật tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Đại học Oslo, đã nhận xét, “Càng có xu hướng đồng tính luyến ái, các loài càng chung sống hòa bình.” Ví dụ, trong tình chị em của tinh tinh lùn, các con vượn cái chải chuốt lẫn nhau và bảo vệ nhau khỏi những con đực hung hãn.
Khi ham muốn một ai đó, chúng ta gọi đó là “từ tính của động vật”, bởi vì chúng ta biết cảm xúc của mình đang đến từ trong bộ não có nguồn gốc từ loài thằn lằn. Nhưng sau đó, vỏ não trước trán của loài người sẽ tác động và khiến cảm xúc của chúng ta trở nên đa dạng, phức tạp hơn.

Kết

Động vật không sử mạng xã hội, thời hạn hoặc hóa đơn để thanh toán , chúng cũng không có những tiện nghi như loài người. Thế nhưng trong cuộc sống hiện tại phức tạp, sự đơn giản trong tình cảm của các loại động vật có lẽ đã trở thành một trong những thứ con người nên học hỏi và đón nhận.

Theo P.S I love you

Có thể bạn quan tâm:

Van Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago