Thông thường, khi nghe đến việc người khác đạt được thành công trong cuộc sống, cái chúng ta nhìn thấy và được nghe đến chỉ là kết quả của cả một quá trình dài nỗ lực, cố gắng, thất bại, và hy sinh. Trước khi trở nên nổi danh toàn cầu với series Harry Potter, J. K. Rowling đã bị 12 NXB từ chối khi bà cầm bản thảo tập 1 “chào hàng” với họ. Đến tận khi được chấp nhận bởi Bloomsbury – lúc ấy vẫn còn là một NXB nhỏ – thì mọi thứ vẫn chưa suôn sẻ. Rowling được yêu cầu sử dụng bút danh thay vì để tên thật Joanne Rowling. Mọi người sợ rằng sẽ mất một lượng lớn độc giả là các bé trai, vì các em sẽ không đọc những tác phẩm được viết nên bởi một tác giả nữ.
Hầu như không có thành công nào đạt được mà lại không phải trải qua ít nhất một lần thất bại. Từ những người có tiếng tăm như Walt Disney, như Bill Gates, đến những người không danh tiếng xung quanh chúng ta như chính gia đình, bạn bè, ai cũng có thể trở thành ví dụ hoàn hảo cho thấy con đường dẫn đến thành công không phải lúc nào cũng trải sẵn hoa hồng.
Khi quyết tâm làm điều gì thì thất bại không phải là cái chúng ta nhắm đến. Đã nộp hồ sơ xin việc thì ai lại “hy vọng họ không nhận mình vào làm” chứ. Tuy vậy, thất bại lại là điều gần như không thể tránh khỏi, cho dù bạn có đủ khả năng cũng như đã chuẩn bị kỹ càng hết mức có thể. Có nhiều yếu tố tác động đến việc bạn không thành công, không khách quan thì chủ quan, hoặc ngược lại, hoặc cả hai.
Bản chất sự thất bại không xấu. Điều tai hại của nó nằm ở khả năng làm tổn thương bản ngã và lòng tự trọng của bạn, khiến bạn mất tự tin (mặc dù có nhiều trường hợp không phải vì bạn không làm được), mất động lực, thậm chí đôi khi không còn muốn tiếp tục cố gắng sau khi gặp thất bại nữa.
Sau khi thất bại xảy ra, tiếp theo chúng ta chỉ có hai sự lựa chọn: từ bỏ hoặc tiếp tục. Bạn có thể xem lần thất bại vừa qua như một cơ hội để học hỏi và trưởng thành, hoặc cũng có thể để nó trở thành một rào cản bất di bất dịch giữa bạn và thành công.
“What happened, happened.” Nếu đã xem TENET, hẳn bạn sẽ nhận ra câu nói này. (Nhân tiện, bạn đã xem TENET chưa?) Việc đã xảy ra tức là việc đã xảy ra. Trừ khi bạn có cánh cửa xoay đi ngược thời gian để thay đổi mọi thứ, thì sẽ chẳng có gì bạn làm có thể thay đổi được hiện tại. Chấp nhận rằng việc đã xảy ra, và thành thật với bản thân về những cảm xúc việc đó gây ra cho bạn. The Millennials Life sẽ không khuyên bạn nên:
Tuy nhiên, điều cần được chấp nhận ở đây là sự thật thất bại đã xảy ra, chứ không phải là ý nghĩ mình không làm được. Nộp hồ sơ xin việc không thành công không hoàn toàn có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ tìm được việc làm. Tỏ tình bị từ chối không có nghĩa rằng bạn sẽ không bao giờ được người khác yêu thương. Đừng tự liên tưởng mình là một kẻ thất bại chỉ vì lần này bạn đã làm một điều gì đó chưa chính xác. Thomas Edison đã có hơn 10,000 lần thử nghiệm với vô số những chất liệu khác nhau trước khi ông thành công và tìm ra chất liệu phù hợp nhất để làm dây tóc bóng đèn. Thế nhưng đối với Edison, đó không phải là 10,000 thất bại, “nó chỉ là một công việc cần 10,000 công đoạn thôi”.
Về cơ bản, khi đối mặt với những cú sốc tâm lý, phản ứng đầu tiên của chúng ta thường sẽ là phủ nhận (“Việc này không đúng.”, “Tôi không tin việc này lại xảy ra.”) và đổ lỗi. Đúng là sẽ có lý do chủ quan – từ chính chúng ta – và lý do khách quan – do ảnh hưởng bên ngoài – nhưng chúng ta thường có xu hướng bỏ qua vai trò của mình, từ đó cho rằng người chịu trách nhiệm cho thất bại này chính là người khác, chứ không phải mình.
Không tự dán nhãn bản thân, đồng thời không phủi bỏ hoàn toàn trách nhiệm của bạn khi thất bại. Việc đổ lỗi cho những tác động khác có thể sẽ khiến bạn thấy tốt hơn (“Ồ, hóa ra mình không tệ đến thế.”), nhưng điều này chỉ có thể xoa dịu bạn trong thời gian ngắn. Nếu bạn không có khả năng nhìn ra và nhận lấy trách nhiệm của mình cho mọi hành động, mọi quyết định bạn đưa ra mà chỉ chăm chăm đẩy trách nhiệm sang phía bên kia thì cơ hội bạn lặp lại sai lầm này và tiếp tục thất bại ở những lần sau là rất lớn. Lúc ấy, càng thất bại bạn sẽ càng nản chí, vì “tại sao tôi không làm gì sai nhưng việc vẫn không thành”. Lúc ấy, thất bại sẽ không còn là mẹ thành công nữa, mà chỉ là một bóng ma đáng ghét lởn vởn ám riết lấy bạn không buông.
Chúng ta không có cách nào biết trước được kết quả của mọi việc để dựa vào đó mà quay về quá khứ “điều chỉnh hành động” cho phù hợp như cách các nhân vật trong TENET đã làm. Thế nhưng chúng ta vẫn có thể từ tốn xem xét và phân tích từ chính những lần thất bại, để những lần cố gắng về sau đạt hiệu quả cao hơn.
Bằng cách nhìn lại toàn bộ những việc đã xảy ra, từ những hành động bạn làm, những lựa chọn bạn đưa ra, bạn sẽ thấy được cái nào hiệu quả và có thể duy trì, cái nào không hiệu quả và cần được điều chỉnh hoặc loại bỏ hoàn toàn. Để dễ hình dung, chúng ta cùng trở lại trường hợp “bị nhà tuyển dụng từ chối”, và The Millennials Life sẽ gợi ý một vài điểm có thể phân tích cho trường hợp này:
“Thất bại thật sự là lần thất bại mà chúng ta không học hỏi được gì.” –
Henry Ford
Nhìn lại “sương sương” mỗi lần như vậy, bạn sẽ thấy được đâu là ưu điểm, đâu là khuyết điểm của mình để có chiến lược phù hợp hơn cho những lần kế tiếp. Nếu không trực tiếp đối mặt với nhà tuyển dụng, đến bao giờ bạn sẽ biết cách thể hiện bản thân một cách ngắn gọn đầy đủ nhất mà không gây phản cảm cho người khác? Nếu không trực tiếp trải nghiệm những lần lắp ba lắp bắp không truyền tải được ý của mình cho đối phương thì khi nào bạn mới hiểu tầm quan trọng của giao tiếp hiệu quả? Đừng vội bỏ qua những lần bạn làm sai, vì chắc chắn bạn đều có thể học hỏi từ những lần đó.
Bạn đã chấp nhận, chịu trách nhiệm, phân tích, học hỏi xong xuôi. Bước cuối cùng là… quên trải nghiệm này đi để còn tiếp tục những hành trình mới. Bạn có thể khóc lóc, phàn nàn, hối hận khi gặp thất bại, nhưng đừng làm thế mãi. Mặc dù khóc mang lại nhiều lợi ích, nhưng lạm dụng nó thì lại có hại. Cũng thế, bạn có thể phàn nàn và đổ lỗi, nhưng khi “hết” người thay bạn nhận trách nhiệm, lúc ấy bạn sẽ đưa ai ra làm bia đỡ đạn đây?
Và quan trọng hơn hết, tất cả những phân tích, những kinh nghiệm bạn học hỏi được sẽ đều vô giá trị nếu bạn không áp dụng chúng cho những lần sau. (Mà muốn có tiếp những lần sau thì trước tiên chúng ta cần thực hiện nó đã, đúng không?) Đây là lúc The Millennials Life cho rằng thích hợp để cười. Chưa thật sự vui cũng cứ cười cái đã, vì một nụ cười tuy giả tạo cũng đủ để “đánh lừa” bộ não rằng chúng ta đang hạnh phúc thật.
Sẽ có những lần thất bại hoàn toàn “đánh gục” bạn, khiến bạn thấy rất khó để vượt qua. Những lúc này, chỉ cười thôi thì chưa đủ. Bạn có thể tiếp tục tự tạo động lực cho bản thân bằng cách:
Thất bại là thứ đáng ghét vì nó làm chúng ta nản lòng, hơn nữa còn là thứ không thể tránh khỏi. Nhưng lựa chọn biến nó thành động lực hay để nó trở thành vật cản thì hoàn toàn nằm ở bạn. Nếu Rowling vứt bản thảo Harry Potter vào thùng rác sau khi bị nhà xuất bản thứ 11 từ chối thì những đứa trẻ Muggles chúng ta đã lớn lên mà hoàn toàn chẳng biết gì về thế giới pháp thuật kỳ diệu ở sát ngay bên mình. (Hàng năm cứ đến ngày 1/9, The Millennials Life vẫn chờ nhận thư cú gọi nhập học, chờ mãi hơn 20 mấy năm trời mà vẫn kiên nhẫn.)
Chúng ta không thể chắc chắn vào xác suất thành công khi bắt đầu làm bất cứ việc gì. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là đảm bảo giữ tỉ lệ thành công cao nhất có thể, bằng cách đứng lên nếu gặp thất bại, và lại tiếp tục cố gắng không ngừng.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…