Ngoài những vị trí ai cũng quen thuộc như Product Manager, UX/UI Designer, Developer, … thì các vị trí phụ trách mảng Tài chính-Đầu tư cũng đóng góp không nhỏ vào thành công của các công ty khởi nghiệp. Cùng We Warrior gặp gỡ anh Ngô Văn Hùng, Finance Manager (Giám đốc Tài chính) tại Loship để hiểu thêm về vai trò của các vị trí phụ trách tài chính trong startup nhé.
Trước khi vào phần phỏng vấn, anh có thể giới thiệu về bản thân cho các độc giả biết không?
Chào mọi người, anh là Hùng, hiện đang làm ở vị trí Head of Finance tại Loship. Qua thời gian đi làm ở nhiều công ty khác nhau, anh cảm thấy so với các công ty lớn, môi trường startup cho anh nhiều cơ hội để thử làm nhiều thứ, và đem lại nhiều giá trị hơn cho xã hội, cũng như cho chính bản thân anh. Đó là động lực thôi thúc anh vào làm việc tại Loship ở vị trí Quản lý Tài chính từ khoảng 6 năm trước và gắn bó với Loship đến tận bây giờ.
Với vị trí Head of Finance tại startup như Loship, anh sẽ đảm nhiệm những công việc gì? Để có thể đảm nhiệm vị trí khá cao như vậy thì bản thân anh có những sự chuẩn bị hoặc hoàn thiện bản thân như thế nào?
Hiện tại, anh chịu trách nhiệm 3 mảng công việc chính là: (1) kế toán và thuế; (2) lập kế hoạch và phân bổ nguồn tài chính của công ty; (3) gọi vốn, quan hệ với nhà đầu tư và tìm nguồn đầu tư.
Về quá trình phát triển, hoàn thiện bản thân để làm tốt công việc hiện tại thì đầu tiên chắc phải quay về thời điểm anh mới tham gia công ty. Khi ấy, công ty chưa có ai chuyên làm về tài chính, mà tất cả các bạn đều làm về tech, design hoặc content, nên khi mới vào công ty thì anh không có ai hướng dẫn cả. Anh cũng chưa từng làm tài chính cho công ty (corporate finance) kiểu như thế này, mà tất cả những gì anh có khi ấy chỉ là kiến thức nền tảng về tài chính và một chút kinh nghiệm trong ngành.
Vậy nên anh phải tự tìm hiểu, tự học hết mọi thứ trong suốt quá trình làm việc tại Loship. Dù nó khá gian nan, nhưng bù lại anh có cơ hội học và làm nhiều điều anh chưa bao giờ được thử. Cũng như anh đã nói ở trên, đó chính là một trong những điểm khác biệt giữa startup và công ty lớn. Ở công ty lớn thì chức năng của mỗi phòng ban hay phần việc của từng người thường sẽ được quy định rõ ràng. Nhưng tại startup như Loship, anh sẽ phải tự viết ra JD (job description – mô tả công việc) cho bản thân, anh sẽ phải tự xây dựng những quy trình anh tin là tốt cho công ty.
Ví dụ như về công việc kế toán thì vốn dĩ anh chưa bao giờ có kinh nghiệm hay được đào tạo chuyên sâu về kế toán, nên anh phải tự học, tự tìm hiểu tất cả những kiến thức cần thiết như hạch toán, phần mềm kế toán, thuế, v.v, thông qua các giáo trình liên quan đến kế toán cũng như internet. Khi đã có đủ những kiến thức đó rồi thì anh bắt đầu xây dựng đội ngũ của anh với những người có kinh nghiệm liên quan đến kế toán. Khi ấy, anh phải dẫn dắt họ, sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm họ có để cả team cùng hướng đến những mục tiêu chung của công ty.
Tương tự với các vấn đề về luật, những vấn đề liên quan đến luật có thể kể đến giấy phép, hợp đồng, các mối quan hệ giữa công ty với các stakeholder – có thể là nhà đầu tư, chính quyền, cơ quan thuế hoặc nhân viên. Anh cũng chưa từng được đào tạo chuyên sâu về các vấn đề này, nhưng khi anh nhận vị trí, trách nhiệm này, anh cần phải tự tìm hiểu tất cả những vấn đề đó trước khi bắt tay vào làm.
Ngoài ra, anh cũng cần giao tiếp nhiều với các bên liên quan, hay tìm đến những người có chuyên môn, kinh nghiệm liên quan để xin thêm ý kiến. Ví dụ với nhà đầu tư, anh sẽ phải giao tiếp triệt để với họ để hiểu ý định, quyền lợi mà họ mong muốn khi đầu tư. Sau đó, anh sẽ tìm đến luật sư ở bên ngoài để nhận tư vấn thêm về luật, và anh sẽ phải là người ở giữa để đảm bảo các quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp với nhu cầu công ty, và luật pháp Việt Nam.
Anh có thể chia sẻ thêm về một ngày làm việc của anh thường diễn ra như thế nào không?
Anh thường bắt đầu ngày làm việc của mình bằng cách dành khoảng 1 tiếng để lướt tất cả những thông tin xuất hiện trên thị trường tài chính hiện tại. Sau đó, anh sẽ check email và lên to-do list cho anh trong ngày hôm đó.
Với những người làm tài chính như anh, thường các công việc sẽ không mang tính chất one-off, tức là chỉ cần giải quyết 1 lần là xong. Anh thường sẽ phải làm các công việc mang tính chất kéo dài liên tục. Công việc của anh cũng gồm nhiều mảng khác nhau, đòi hỏi anh phải giao tiếp với nhiều bên để giải quyết tất cả những vấn đề này. Vì vậy, các đầu việc trong to-do lists của anh thường sẽ được phân chia rõ ràng theo từng mảng như kế toán, thuế hay luật. Anh cũng cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các đầu việc để có thể đảm bảo công việc của anh cũng như các bên liên quan đi đúng tiến độ.
Sau khi đã lên to-do lists, trong buổi sáng trước giờ ăn trưa, anh sẽ cố gắng giải quyết những công việc đơn giản, dễ hoàn thành, mà lại ảnh hưởng đến các dự án của các bên liên quan. Ví dụ, anh sẽ phản hồi email, hoặc trả lời các câu hỏi đơn giản của những phòng ban khác gửi qua cho anh. Sau giờ ăn trưa nạp thêm năng lượng, anh sẽ thường tập trung làm những công việc cần nhiều thời gian hoàn thành hơn vào buổi chiều. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên phải meeting, và nếu anh là người lên lịch buổi họp, anh thường cố gắng đẩy buổi họp vào cuối ngày, để lịch họp không xen vào giữa các công việc khác của anh, khiến anh có thể bị mất một khoảng thời gian trống.
Anh có thể chia sẻ thêm về những giá trị mà anh cảm nhận được khi làm công việc Finance tại Loship không?
Một trong những điều anh nghĩ anh đã đem lại được cho công ty, cho các thành viên trong team mình là tinh thần liên tục học hỏi. Làm tài chính trong công ty startup, mọi người thường phải làm rất nhiều việc, có thể bao gồm cả những công việc “không tên”. Nhưng nếu mọi người quá tập trung vào công việc thì sẽ khó có thời gian riêng để cải thiện bản thân.
Vì vậy, anh luôn khuyến khích các bạn trong team mình giải quyết công việc thật nhanh, cố gắng về sớm để có thể dành thời gian cho riêng mình, phát triển bản thân và học thêm nhiều kiến thức khác mà bạn muốn. Anh không mong chờ các bạn sẽ phải ngồi làm việc đến 8-9 giờ, tuy công việc ở startup thường sẽ yêu cầu như vậy. Anh cũng cố gắng cung cấp thêm các công cụ, nguồn lực để giúp các bạn giải quyết công việc nhanh và không phải về trễ. Từ đó, các bạn sẽ có thời gian để tự học hỏi thêm những kiến thức khác cho bản thân mình, có thể là tiếng Anh hay bất kỳ chứng chỉ chuyên môn nào khác chẳng hạn.
Nhìn chung, quan điểm của anh là anh không muốn các thành viên trong team mình quanh năm suốt tháng chỉ tập trung vào những công việc quen thuộc, thường ngày mà không được mở rộng, phát triển bản thân mình hơn. Anh luôn quan niệm mình cần liên tục học hỏi, và anh cũng áp dụng quan điểm sống đó vào quản lý team để thúc đẩy các thành viên học nhiều hơn, rộng và/hoặc sâu hơn.
Vậy từ những kinh nghiệm của mình, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ định hướng theo đuổi các vị trí liên quan đến Tài chính – Đầu tư tại startup hay không?
Đầu tiên, theo kinh nghiệm của anh, anh tin là các bạn muốn theo đuổi ngành này cần rèn cho mình tính tự học, tự tìm hiểu tất cả những kiến thức mà bạn nghĩ là quan trọng và cần thiết để có thể làm tài chính trong một ngành nào đó bạn muốn tham gia. Vì thực ra tài chính là một lĩnh vực rất rộng, bất cứ công ty thuộc ngành nào cũng cần đến tài chính. Vậy nên, chỉ biết những lý thuyết về tài chính nói chung trên sách vở là chưa đủ. Bạn cũng cần tìm hiểu thêm domain knowledge – những kiến thức cụ thể về một ngành mà bạn đang muốn làm tài chính trong ngành đó.
Nếu bạn muốn làm tài chính cho lĩnh vực taxi công nghệ, bạn cần hiểu về thị trường taxi công nghệ, hay bạn muốn làm tài chính cho bên edtech thì bạn lại cần tìm hiểu kiến thức về edtech. Bạn cần tìm hiểu sâu về thị trường hiện tại của công ty mình muốn tham gia: khả năng cạnh tranh trong thị trường đó, hay các đối thủ cạnh tranh đang có trong thị trường và chiến lược của họ. Và để có đủ kiến thức về ngành thì không có cách nào hơn là các bạn phải đọc, đọc rất nhiều, đọc từ những báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, báo cáo tài chính của các công ty đang hoạt động trong ngành, đến những đánh giá của các công ty chứng khoán về các công ty này.
Một lời khuyên khác anh muốn dành cho các bạn muốn, hoặc đã và đang làm Tài chính trong startup là bạn không nên kỳ vọng 100% công việc của mình chỉ là tài chính, hoặc chỉ là kế toán, hoặc bất kỳ một thứ gì khác mà bạn nghĩ đó là chuyên môn riêng của bạn. Điều bạn nên kỳ vọng là, mình là con người tài chính, mình có kiến thức đặc biệt chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực tài chính, và mình sẽ sử dụng nó để giải quyết được tất cả những vấn đề mình có thể giải quyết cho công ty. Đó là cách anh tư duy khi anh gặp bất kỳ vấn đề gì trong công việc.
Vậy anh có thể gợi ý một số nguồn đọc cho các bạn muốn tìm hiểu, theo đuổi ngành Tài chính không?
Cá nhân anh hay đọc blog của những người làm về tài chính. Blog của những người làm về tài chính thực ra có rất nhiều nội dung đa dạng và không hề khô khan. Đặc biệt, các bạn không chỉ có thể tìm hiểu kiến thức qua các trang blog này, mà còn có thể biết được câu chuyện thường ngày của những người trong ngành, những thử thách, động lực đã giúp họ học hỏi, phát triển mỗi ngày và tiếp tục theo đuổi ngành này. Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, lắng nghe những chia sẻ, suy nghĩ của người làm nghề như vậy sẽ có thể truyền cảm hứng cho các bạn dấn thân và kiên trì theo đuổi công việc mình lựa chọn hơn.
Cụ thể, dưới đây là một số trang anh muốn gợi ý cho các bạn. Nếu muốn làm về Tài chính – Đầu tư, các bạn có thể theo dõi một số blog của các giáo sư tại Mỹ hay người Việt ở nước ngoài như:
Aswath Damodaran – Giáo sư Đại học New York: https://aswathdamodaran.blogspot.com/
Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên Đại học Bristol: https://hoquoctuan.substack.com/
Trung Phan: https://trungphan.substack.com/).
Ngoài ra nếu bạn thích xem video, podcast thì có thể tham khảo thêm:
All-in podcast: https://www.youtube.com/channel/UCESLZhusAkFfsNsApnjF_Cg
View from the top: https://www.youtube.com/playlist?list=PLxq_lXOUlvQAwaY_9K4ZFH9Xdar9WzCaL
Một lời cuối anh muốn nhắn nhủ đến bạn đọc, đặc biệt là những bạn trẻ định hướng làm các vị trí liên quan đến Tài chính – Đầu tư cho các công ty startup công nghệ?
Qua tất cả những gì anh đã chia sẻ, anh cũng muốn nhắc lại với các bạn một lần nữa, là hãy học, học nhiều hơn, học mọi thứ mình có thể, bất kỳ khi nào, bất kỳ ở đâu. Bên cạnh đó, hãy cố gắng mở rộng các mối quan hệ của mình. Mở rộng mối quan hệ, trò chuyện với nhiều người hơn, biết được nhiều cách suy nghĩ, quan điểm khác nhau cũng là một cách để bạn học hỏi được nhiều thứ, mở mang tư duy hơn. Anh nghĩ những điều này sẽ là chìa khóa quan trọng nhất cho tất cả mọi thứ trong cuộc sống và sự nghiệp tương lai của các bạn.
(Nguồn: Loship x Careerly)
WeWarrior là chuỗi bài viết do The Millennials Life và Loship hợp tác sản xuất. Series này là nơi kể về những sợi dây kết nối giữa con người, công nghệ và nụ cười.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…