#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.
Ngày 27/2, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ngắn của một người phụ nữ ôm con búp bê. Cô gọi búp bê là “con”, xưng “mẹ”, cho búp bê uống nước và hỏi xin “vía” học giỏi cho các bạn nhỏ.
Đoạn clip trên đã gây ra một làn sóng phản đối kịch liệt từ cư dân mạng, vì 2 nguyên nhân chính:
– Nhiều ý kiến cho rằng đoạn clip này đang ngầm nhắc đến, thậm chí là truyền bá việc nuôi Kumanthong (1 loại búp bê có nguồn gốc từ Thái Lan, được nuôi như con người).
– Nguy hiểm hơn nữa, chủ nhân đoạn clip là Thơ Nguyễn – một YouTuber có tiếng tại Việt Nam chuyên sản xuất nội dung dành cho trẻ nhỏ.
Thơ Nguyễn (Nguyễn Hồng Thơ) là chủ sở hữu kênh YouTube cùng tên, chuyên sản xuất các video hướng đến đối tượng người xem là trẻ em. Nội dung video chủ yếu mang tính giải trí như review đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, hướng dẫn làm đồ chơi handmade, các thử thách vui nhộn,…
Với nội dung đa dạng, phong phú, đánh trúng tâm lý và sở thích của nhóm khán giả mục tiêu, các em nhỏ vô cùng yêu thích kênh của “chị Thơ Nguyễn”. Tính đến nay, channel này có tổng cộng 8,74 triệu lượt người theo dõi, với hơn 6,3 tỉ lượt xem video từ 1.199 video được đăng tải.
Xét về lượt xem video, kênh YouTube Thơ Nguyễn đang xếp hạng 386, và xếp hạng thứ 1.073 toàn cầu về lượng người theo dõi. Tại Việt Nam, cho dù còn rất nhiều người chưa biết đến, nhưng kênh Thơ Nguyễn đang được xếp thứ 7 về kênh YouTube có nhiều người theo dõi nhất.
Những con số trên cho thấy kênh Thơ Nguyễn đang sở hữu một lượng fans đông đảo. Và từ những yếu tố đó cũng giúp cho Thơ Nguyễn có số tiền kiếm được từ YouTube mà bất cứ ai cũng phải thèm muốn và ước mơ.
Theo tính toán của socialblade.com, kênh YouTube Thơ Nguyễn trong 1 năm trở lại đây đã có thêm 1,08 triệu người theo dõi, với gần 1,221 tỉ lượt xem, mang đến nguồn thu nhập dao động từ hơn 305.000 USD đến 4,9 triệu USD, tức tương đương từ 7 tỉ đồng đến hơn 113 tỉ đồng.
Riêng trong 30 ngày gần nhất tính đến ngày 12/3, kênh Thơ Nguyễn có thêm 90.000 người theo dõi, với gần 102 triệu lượt xem. Thu nhập ước lượng dao động từ hơn 25.000 USD đến 407.000 USD (tương ứng khoảng 580 triệu đồng đến hơn 9,4 tỉ đồng).
Photo: Thế Lâm
Thu nhập bình quân ngày được xác định là từ 848 đến 13.600 USD. Như vậy, chỉ tính ở mức thấp nhất 848 thì mỗi tháng channel này làm ra 25.440 USD, tương ứng khoảng 590 triệu đồng – một mức thu nhập khủng với một cá nhân làm tự do.
Cho dù thế, nhưng theo ý kiến của những người chuyên điều hành các kênh YouTube thì với lượng người theo dõi và lượt view của Thơ Nguyễn, thu nhập gần 600 triệu đồng mỗi tháng vẫn là cách tính quá khiêm tốn. Chưa kể,với lợi thế đông fans, Thơ Nguyễn hoàn toàn có thể có thêm thu nhập từ các đơn hàng quảng cáo của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ cho trẻ em, học sinh.
Ngoài YouTube, Thơ Nguyễn còn đầu tư sản xuất các video ngắn trên nền tảng TikTok. Kênh TikTok của cô cũng đã sở hữu hơn 900.000 người theo dõi. Tuy nhiên, từ khoảng tháng 4/2020, kênh Thơ Nguyễn sụt giảm mạnh về lượng người theo dõi và lượt xem. Liệu có phải vì thế mà kênh này đã dùng tới một số “chiêu trò” làm nội dung câu view?
Ngày 25/2 và 27/2, Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung gây tranh cãi lên TikTok cá nhân, với lời giải thích đi kèm là “nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ”. Video này có khoảng 477,8 nghìn lượt yêu thích, cao hơn nhiều so với các nội dung khác trên kênh. Tuy nhiên, do vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, đến tối ngày 10/3, trang TikTok này đã ẩn phần lớn các video đã đăng.
Điều đáng nói, mặc dù là kênh YouTube “dành cho trẻ em”, nhưng đã không ít lần trước đây các nội dung trên kênh này cũng bị phản đối.
Năm 2017, video “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” của cô bị phản đối vì tiếng kêu rên phản cảm.
Có không ít những đoạn video Thơ Nguyễn đăng tải mang tính chất nguy hiểm, được đánh giá là không phù hợp với trẻ nhỏ, như: bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, đun bia, nước ngọt trên bếp,…
Tuy nhiên, chỉ đến lần này thì làn sóng phản đối và tẩy chay của mọi người dành cho Thơ Nguyễn mới thật sự “bùng cháy”, đặc biệt là từ những bậc phụ huynh có con cái là fan của “chị Thơ Nguyễn”. Sau đó, YouTuber này có lên tiếng giải thích về nội dung video, cũng như đăng đàn công khai xin lỗi, nhưng sự việc lần này thật sự là giọt nước tràn ly. Không chỉ đối mặt với chỉ trích từ mọi người mà Thơ Nguyễn còn phải giải trình với các cơ quan Nhà nước vì nội dung video không phù hợp của mình.
Dù vấp phải chỉ trích dữ dội nhưng đây không phải là lần đầu tiên những video với nội dung dễ gây hiểu nhầm và nguy hiểm cho trẻ em như thế này xuất hiện. Đầu năm 2020, nhiều người cũng tỏ ra bức xúc với kênh Toy Planet chuyên đăng tải các video có tiêu đề dễ gây hiểu lầm cho trẻ nhỏ như: Ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát…
Trong đoạn video có tên “Làm giả xà bông từ socola troll Xanh lanh chanh hay ghen tị”, hai YouTuber của kênh đã hướng dẫn làm giả xà bông và sữa tắm bằng sữa và chocolate trắng. Sau đó, nhân vật này đã ăn xà bông và sữa tắm (được làm từ sữa và chocolate) trước mặt bạn mình, trong khi nhân vật còn lại ăn xà bông và sữa tắm thật.
Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao với thử thách “Thả 100 cái dao trên cao xuống” của kênh NTN Vlogs (YouTuber Nguyễn Thành Nam).
Đối tượng của những video trên đều là trẻ em. Đã có không ít trường hợp các bạn nhỏ do tò mò đã làm theo những hướng dẫn và thử thách trên mạng. Từ những thứ vô bổ, tốn tiền, cho đến những trường hợp nghiêm trọng hơn như chế thuốc nổ làm pháo gây thương tật vĩnh viễn, thậm chỉ làm theo trò chơi thắt cổ dẫn đến tử vong.
Ngày nay, chuyện bố mẹ bận rộn nên “vứt” cho con cái điện thoại hoặc mở TV “để nó ngồi yên” đã không còn là chuyện lạ. Công nghệ cũng trở thành một thứ không thể tách rời với cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, với xu hướng học và làm việc từ xa thì việc chia cắt trẻ em với các thiết bị “cám dỗ” các em lại càng là điều bất khả.
Tuy nhiên, đi kèm với kho kiến thức vô tận và những thứ bổ ích có thể tìm thấy trên mạng lại là những nội dung vô bổ, không lành mạnh, thậm chí vô cùng nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Theo PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội – tác động của những nội dung phản cảm trên YouTube hay các nền tảng mạng xã hội khác với trẻ em đã từng được đề cập đến rất nhiều trước đây.
“Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em cũng chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa. Không thể hiểu theo cách nói ẩn ý của người lớn nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy. Trẻ hành động theo cảm xúc nhiều hơn nên tất cả những gì người lớn nói các em đều nghe và tin hết.”
Nghiên cứu sinh, thạc sĩ Tâm lý học Mai Mỹ Hạnh – Phó Trưởng Bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM – cũng cho biết: “Trẻ em chưa đạt được sự thống nhất về cách ứng xử và dễ bị ảnh hưởng, chịu tác động bởi yếu tố môi trường sống. Khi xem những chương trình có nội dung thiếu lành mạnh, các em có thể làm theo mà không ý thức rõ điều mình thực hiện là đúng hay sai. Làm theo các hành vi thiếu lành mạnh lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu, dần trở thành bản chất, thuộc tính nhân cách. Lúc này, việc uốn nắn và điều chỉnh lại hành vi trở nên khó khăn.”
Mặc dù hiện nay, đa số các nền tảng đều có chế độ kiểm duyệt, nhưng máy móc chưa phải là người, nên không thể nào loại bỏ đi tất cả những nội dung có hại. Trẻ nhỏ vẫn có thể khai gian tuổi để truy cập những nội dung không phù hợp. Thậm chí đối với những kênh do ba mẹ “tin tưởng” lựa chọn cho con, hoàn toàn có khả năng một ngày nào đó xuất hiện nội dung gây tranh cãi.
Thay vì ra sức cấm đoán hoặc ngồi lọc tất cả những gì nguy hiểm, có lẽ đã đến lúc người lớn quan tâm nhiều hơn đến các bạn nhỏ. Mặc dù ai cũng la ó phản đối Thơ Nguyễn nhưng có một điều phải công nhận, đó là chị Thơ Nguyễn rất có sức hấp dẫn trẻ em. Nguyên do là vì đâu? Vì giọng nói đặc biệt (mà hầu như người lớn nào nghe thấy cũng bảo “nghe không vào”), vì cách trò chuyện gần gũi dễ thương, hay vì những nội dung đủ sức kích thích trí tò mò của các bạn nhỏ?
Chúng ta hoàn toàn có thể lên tiếng phản đối, tẩy chay, thậm chí nặng lời với Thơ Nguyễn vì “tội” truyền bá nội dung không phù hợp. Nhưng Thơ Nguyễn dù có không còn, thì vẫn có vô số những kênh khác. Đừng phí thời gian chửi rủa những người như Thơ Nguyễn, thay vào đó, người lớn nên học cách đồng hành cùng các bạn nhỏ, hướng dẫn, giải thích cho các bạn hiểu đâu là những cái cần thiết, đâu là những thứ không nên tiếp thu. Hãy thật sự trở thành bạn, thành một người đủ thân thiết với trẻ em, giống như cách Thơ Nguyễn đã trở thành một “người chị” của các em vậy.
Xem thêm:
#KhôngQuạu: Người Việt nghèo nên mới không có tiền ăn McDonald’s?
#KhôngQuạu: Có gì sai trong “sạp dưa bở” về thông tin “tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc”?
#KhôngQuạu: Rap-vertising – Nhạc rap “thời đến” hay “mất chất”?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…