Culture

3 câu chuyện về những gánh hàng rong chở cả ước mơ

Trải qua nhiều thế hệ, hình ảnh những gánh hàng rong của những cô chú bán hàng đã đọng lại trong nhiều người những kỷ niệm thân thương, bình yên nơi tâm hồn; về những gì diễn ra trong cuộc sống thường nhật.

Chắc chỉ có ở Việt Nam, ta mới không cần phải gửi xe – tắt máy – xếp hàng để mua một món ăn; vì chỉ cần ở trong nhà ta đã có thể nghe được những tiếng rao, như: “Ai xôi khúc không, ai bánh giò đây” hay Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ 2 ngàn 1 ổ. Sự thân thương đó gắn liền trong tâm hồn của nhiều người Việt từ khi còn là những cô nhóc, cậu nhóc cho đến khi đã trưởng thành. Từng con ngõ, góc phố chúng ta đi qua đều gắn liền với sự hiện diện quen thuộc của những gánh hàng rong.

Hình ảnh đòn gánh trong tâm trí người Việt

Từ lâu, những đòn gánh hàng rong đã gắn liền với hình ảnh quen thuộc của các khu chợ nhỏ, góc phố, và làng quê Việt Nam. Người bán hàng rong với chiếc đòn gánh trên vai, mỗi bước chân in dấu sự chịu đựng, kiên cường của những con người mưu sinh trong điều kiện khó khăn.

Ở góc nhìn văn hóa, đòn gánh hàng rong phản ánh giá trị cốt lõi của người Việt: sự đoàn kết, lòng tương trợ và ý thức cộng đồng. Những câu chuyện về những người bán hàng rong chia sẻ khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau hay kiên trì vượt qua nghịch cảnh không đơn thuần chỉ là những lời truyền miệng, mà còn là hiện thực của cuộc sống hàng ngày. Đó là minh chứng cho một bản sắc dân tộc kiên cường, giàu lòng nhân ái và biết chấp nhận khó khăn để tiến lên.

Đòn gánh hàng rong không những là công cụ để vận chuyển hàng hóa mà còn trở thành một phần của cuộc sống của những bà con buôn bán, là biểu tượng của sự lao động bền bỉ. Những gánh hàng cũng không quá lớn; nhưng chứa đựng cả cuộc đời, cả hi vọng của người mẹ, người cha mong muốn mang lại cuộc sống tốt hơn cho cả gia đình và người thân.

Trong đời sống thường nhật, hình ảnh gánh hàng rong hiện lên với tiếng rao thân thuộc, như một nhịp điệu tự nhiên của phố phường. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều tà, những cô chú lại lặng lẽ nhưng nhanh chóng gánh đi những sản phẩm của mình để buôn bán. Những mặt hàng dân dã như bánh mì, xôi, hoa quả, đôi khi lại gợi lên những kỷ niệm tuổi thơ, gắn kết con người với quê hương.

Nhưng để nói rộng hơn, đòn gánh không chỉ có những món hàng, những que xiên, đồ ăn mà còn gánh cả những ước mơ len lỏi khắp phố phường. Sau đây chỉ là 3 trong vài ước mơ đó…

Tuổi thơ của nhiều người chắc hẳn không thể quên hình ảnh của người phụ nữ gánh những chiếc đòn với cái rổ đầy món hàng hấp dẫn. Nguồn ảnh: Glowimages / Getty Images

Gánh hàng rong trước cổng trường

Có lẽ ai cũng sẽ nhớ mãi những buổi chiều cùng lũ bạn la cà trước cổng trường. Tan học không lập tức về ngay, thay vào đó, ta sà vào gánh hàng nhỏ xíu sát bên bền đường để gọi: “Cô ơi! Lấy con bịch bánh tráng trộn”, “cô ơi, cho con bịch xoài”, “chú ơi, cho con một ly si-rô đá bào”. Ông bà xưa có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, với đám nhóc loi nhoi chỉ cần đặt đít xuống cái ghế đẩu cạnh gánh hàng, thì những câu chuyện sẽ kéo dài bất tận, giải tỏa hết bao kìm nén trong lớp.

Trước cổng trường, đâu đâu cũng có đồ ăn ngon. Chỉ là một gánh bánh tráng nhỏ thôi mà đã đa dạng đủ thể loại từ nướng, trộn, chấm, cuốn… Thế nhưng trong những ngày hè nóng nực, có lẽ chỉ có hàng bán tàu hũ nước cốt dừa là thu hút đám học sinh nhất.

Chén tàu hũ được múc một cách nhẹ nhàng và nhanh thoăn thoắt để không bị nát hay vữa đậu. Thêm hai ngàn bánh lọt kèm chút nước đường cùng nước cốt dừa. Cái dai dai hòa huyện cùng vị ngọt và vị beo béo của nước cốt dừa khiến đám loi nhoi không đứa nào là không mê. Ngày mưa còn ăn hẳn ba chén no nê, bỏ cả cơm nhà.

Sự dễ thương của những gánh hàng rong còn đến từ những lần lỡ có mấy cô nhóc, cậu nhóc quên tiền, quê chữ “Ê” kéo dài. Cũng may vì toàn là khách quen, cô lại thương bọn trẻ nên cô cho thiếu. Ấy vậy mà cô chủ vẫn còn không quên nhắn nhủ: “Mày ăn nhiều vô cho mau lớn!”.

Cứ vậy, những gánh hàng rong trước cổng trường trở thành nơi lưu giữ một phần ước mơ của trẻ nhỏ, nhiều phần kỷ niệm của người lớn. Vừa đứng vừa ăn, hoặc vừa cười vừa nói trên chiếc ghế nhựa. Mấy đứa nhóc mặc kệ thời gian trôi, cứ mải miết nói về ngày mai, chuyện tình yêu, tương lai sẽ thi trường gì, ước mơ về những ngày sau. Gi gỉ gì gi cái gì cũng được chia sẻ bên những gánh hàng nhỏ xinh như thế.

Gánh hàng nuôi 2 thế hệ

Rong ruổi buổi sớm trên những ngả đường Sài Gòn, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy một hàng sữa đậu. Dáng lưng còm cõi, cùng đôi vai gầy, dễ dàng khiến chung ta lập tức suy nghĩ đến gánh nặng mà những người cha, người mẹ đang chịu đứng để chăm lo cho gia đình.

Để nấu được một nồi sữa đậu vừa thơm vừa ngậy như thế, người bán phải ngâm nguyên liệu từ tối hôm trước. Hai giờ “vật lộn” với bao nhiêu công đoạn từ nấu, xay, lọc. Khi trời ló hẵng cũng là lúc gánh hàng đã sẵn sàng lên đường. Chỉ với thúng sữa đậu thơm phức kẹp thêm vài chiếc ghế nhựa, những gánh hàng nhỏ xíu đó có thể len qua mọi ngóc ngách của 4 mặt chợ Bến Thành.

Cực nhọc là vậy nhưng những nồi sữa đậu đó đã chở theo bao nhiêu ước mơ của những đứa trẻ được đến trường, gồng gánh những hy vọng để con cái mình được no ấm, hạnh phúc hơn qua từng ngày.

Sài Gòn 2 mùa mưa nắng. Ngày nắng đôi quang gánh ấy sẽ đỡ vất vả hơn khi không phải vội chạy thật nhanh để tìm một nơi trú. Thế nhưng ngày mưa, người ta lại tìm đến những ly sữa để sưởi ấm lòng mình giữa tiết trời se gió lạnh.

Có ở đâu bằng Sài Gòn, nơi phố thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời nhưng vẫn luôn hiện diện những gánh hàng rong với tiếng rao thánh thót; tiếng leng keng hàng kem; mùi bánh mới thơm ngất ngây. Ở đó gánh hàng rong không đơn thuần chỉ là những câu chuyện mưu sinh mà ta còn nhìn thấy được biết bao ước mơ và hy vọng.

Trước những biến thiên của cuộc sống tấp nập, vội vàng, gánh hàng rong vẫn vậy, mộc mạc, bình dị và đầy ắp những thức quà ngon, luôn sẵn sàng chiều lòng mọi “tâm hồn” Sài Gòn. Nếu bạn cần một món ăn “chuẩn nhanh mà vẫn ngon miệng” thì gánh hàng rong len lỏi vào các ngõ ngách chính là một sự lựa chọn hợp lý.

Gánh hàng rong nơi phố thị hối hả

Bên cạnh Dinh độc lập, Bưu điện thành phố, tòa nhà chọc trời 81 tầng; nếu được hỏi điều gì tạo nên nét riêng của Sài Gòn, thì đó chính là sự mộc mạc, bình dị của gánh hàng rong đan xen với sự xa hoa, sầm uất của những khu phố mua sắm, là tiếng rao thánh thót cùng tiếng còi xe inh ỏi, là đôi gánh khoăn khai cùng nhịp sống hối hả.

Chính những nét dung dị và tiếng rao thánh thót cùng từng nhịp lên xuống của đôi quang gánh đã thu hút sự tò mò của biết bao du khách nước ngoài khi rong chơi phố xá Sài Gòn. 

Xung quanh khu bảo tàng hay Nhà Thờ Đức Bà, nhất định sẽ luôn có những gánh dừa tươi cho khách tham quan thưởng thức. Du khách ngoại quốc có lẽ sẽ không thôi trầm trồ khi thấy dẫu có mang những gánh hàng nặng trĩu trên vai, vất vả đi một đoạn đường dài, nụ cười vẫn cứ tươi rói trên môi người bán. Tuy rằng những gánh hàng nơi đây đã mang tính thương mại nhiều hơn, thế nhưng vẫn toát lên một nét văn hóa với tinh thần hiếu khách của người Việt.

Nhìn sang bên kia, nằm lọt thỏm dưới lòng đường, đôi quang gánh được che bọc ni-lông kín mít tránh bụi bặm đường phố của chị gái nói rặc giọng miền nam. Trong cái không gian chật hẹp chỉ tầm vài viên gạch, chị vừa pha bột theo, vừa nhóm lửa cho cái lò than được che vội bằng bốn miếng giấy các-tông.

Thúng bên này để nướng, thúng còn lại xếp những chiếc bánh nóng hổi vừa mới ra lò. Mùi bánh thơm phức “lôi kéo” những vị khách chợt đến, chợt đi, rồi nhanh chóng trở lại với vào dòng chảy tấp nập của Sài Gòn. Người mua là vậy, vừa bán cũng chẳng kém. Cứ đúng giờ, chị lại đặt cả gành hàng lên vai, thoăn thoắt bước chân đến một vệ đường đông đúc hơn.

Chẳng biết được, sau một này buôn gánh bán bưng vất vả như thế, những gì mà họ thu về được có xứng đáng với công sức đã bỏ ra hay không? Thế nhưng ngày qua ngày, những gánh hàng rong vẫn cứ rong ruổi khắp phố xá Sài Gòn với tiếng rao thánh thót ấy.

Những nẻo đường mà những đôi quang gánh ấy đã đi qua, rơi rớt những giọt mồ hôi hằn in những dấu chân mệt mỏi nhưng không có nghĩa là họ sẽ bỏ cuộc. Từ sâu trong những vất vả ấy, từng gánh dừa tươi, gánh bánh nướng và những đòn gánh khác nữa vẫn luôn mơ về một ngày mai tươi sáng hơn.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

TML Editor

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

8 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago