#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Mối liên kết giữa sự nghèo đói và tỷ lệ sinh con luôn là một chủ đề quan tâm của nhiều nhà kinh tế học, xã hội học và nhân khẩu học qua nhiều năm; và câu trả lời để giải đáp cho hiện tượng này thường luôn có phức tạp và đa chiều, với nhiều yếu tố khác nhau đã cấu thành tạo nên xu hướng này.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những lý do đằng sau hiện tượng này bằng cách phân tích các yếu tố tâm lý, kinh tế, xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh trong các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Nhìn chung, càng sinh nhiều con thì gia đình càng có khả năng thành công về mặt sinh sản. Ta hãy tưởng tượng nó giống như một nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng vậy; nếu nhà máy có khả năng sản xuất nhiều sản phẩm hơn thì chính nó sẽ thu lại lợi nhuận cao hơn. Càng tạo ra nhiều bản sao của một bộ gen, càng có lợi cho việc duy trì nòi giống.
Tuy nhiên, mọi việc hiếm khi đơn giản như vậy. Việc tạo ra bản sao không thôi là chưa đủ, mà chúng ta cần tạo ra những bản sao có khả năng tiếp tục sinh sản trong tương lai; và khi thành công, nó sẽ đẩy lùi được 2 trường hợp xấu nhất mà nhân loại có thể gặp phải: “khả năng nhiễm bệnh cao” và “khả năng tiếp cận tài nguyên thấp”.
Con người ta từ lâu đã có những cơ chế tâm lý tiềm thức được thiết kế để hoạt động trên các biến số này. Tuy nhiên, những cơ chế này thường có vẻ phi lý trong bối cảnh hiện đại, vì cơ bản là chúng được tiến hóa để chỉ phù hợp khi con người còn sống trong thời kỳ Đồ Đá. Thế nhưng, cùng một chiến lược có thể hợp lý trong một ngữ cảnh, sẽ lại phi lý trong một ngữ cảnh khác.
Vậy, giả thuyết nào đã cho rằng 2 yếu tố “khả năng nhiễm bệnh cao” và “khả năng tiếp cận tài nguyên thấp”, trực tiếp ảnh hưởng đến số lượng con cái mà một gia đình cần có?
Trong phần lớn lịch sử tiến hóa của loài người, con người sống theo mô hình săn bắt hái lượm. Thường thì đàn ông săn bắt động vật, còn phụ nữ hái lượm hoa quả và rau củ. Xã hội lúc đó bao gồm những nhóm nhỏ, rải rác, sống và di chuyển cùng nhau.
Chế độ ăn của họ giàu protein, và hầu hết các trường hợp tử vong là do tai nạn, bị thú dữ săn mồi hoặc đơn giản chỉ là chiến tranh giữa các nhóm bộ tộc với nhau. Nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm là rất thấp, vì vậy khả năng con cái chết vì bệnh tật cũng thấp, dẫn đến các gia đình thường chỉ sinh vài ba người con (khoảng 3 hoặc 4), và có khả năng sống sót cao.
Gia đình đông con chỉ xuất hiện khi cuộc cách mạng nông nghiệp diễn ra khoảng 10 ngàn năm trước. Ở những khu vực màu mỡ, đặc biệt là các thung lũng sông, các cộng đồng tập trung lớn đã phát triển với chế độ ăn giàu carbohydrate.
Hệ quả của điều này là nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tăng lên. Vì vậy, như một chiến lược để phòng vệ, các gia đình thường sinh nhiều con trong thời kỳ này. Theo logic của họ, ngay cả khi 15 trong số 20 đứa con chết vì bệnh tật, vẫn có 5 đứa còn sống để tiếp tục duy trì dòng dõi.
Hành vi này được giải thích bằng hiện tượng tâm lý gọi là sợ mất mát (loss aversion), tức là chúng ta sẽ bị thúc đẩy để tránh chìm vào sự mất mát càng nhiều càng tốt. Việc sinh nhiều con giúp tổ tiên chúng ta làm tăng khả năng thành công về mặt sinh sản.
Ngày nay, nhờ những tiến bộ về y học, cha mẹ giờ đây không cần phải quá bận tâm đến rủi ro này nữa. Họ cũng ý thức được rằng khả năng sống sót của con cái họ là khá cao, vì vậy không cần sinh quá nhiều con. Cho nên, ta có thể thấy những gia đình có khả năng tiếp cận được với việc chăm sóc y tế, thường số lượng con của họ sinh ra sẽ ít hơn (chỉ khoảng 2 hoặc 3).
Nhưng ngược lại còn với những khu vực hiện nay đang thiếu chăm sóc y tế, chẳng hạn như ở các vùng nông thôn của các nước đang phát triển chẳng hạn; tại đây, do nguy cơ mắc bệnh cao, các gia đình vẫn có xu hướng sinh nhiều con.
Một giả thuyết khác lại cho rằng: Càng có nhiều tài nguyên, gia đình càng có thể sinh nhiều con hơn. Bởi vì càng có nhiều tài nguyên, gia đình sẽ có khả năng phân phối những tài nguyên đó cho con cháu của mình.
Đây cũng là một phần lý do tại sao các vị vua và bạo chúa thời xưa có rất nhiều con. Họ có thể cung cấp đầy đủ cho tất cả con cái vì họ nắm giữ hầu hết tài nguyên và của cải của đất nước. Khả năng sống sót và sinh sản của con cái phụ thuộc trực tiếp vào lượng tài nguyên mà cha mẹ có thể đầu tư cho chúng.
Dĩ nhiên, điều ngược lại cũng sẽ xảy ra với những gia đình có ít tài nguyên. Trong trường hợp này, cách tốt nhất để quản lý những gì họ sở hữu mà vẫn có thể để lại cho con cháu đời sau, đó là nên sinh ít lại. Nhưng trên thực tế tại các vùng nông thôn, nơi mà người dân nói chung vẫn nghèo hơn so với những nơi khác, bạn sẽ thấy được sự nghịch lý. Trong khi các gia đình ở đây mặc dù ít tài nguyên, số lượng con cái của họ lại không hề đi theo chiều thuận!
Đây cũng là hệ quả của hiện tượng tâm lý sợ mất mát, rằng khi đối mặt với nguy cơ mất mát, chúng ta có xu hướng chấp nhận rủi ro phi lý để bù đắp cho sự mất mát đó. Vì vậy, ở các vùng nông thôn, con người ta trong tiềm thức nghĩ rằng: “Kệ thôi! Mình hãy sinh càng nhiều con càng tốt.” Đó thực chất là một biện pháp phòng vệ trước nguy cơ mất mát, được đối phó bằng cách sinh sản phi lý để coi đứa con của mình như một “tài nguyên”..
Một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến tỷ lệ sinh cao hơn ở các hộ gia đình nghèo là tình trạng bất an về kinh tế. Các gia đình nghèo có thể coi con cái là nguồn lao động, cả trong hiện tại và tương lai.
Trong các nền kinh tế tự cung tự cấp, con cái có thể đóng góp vào sinh kế của gia đình bằng cách làm việc trên các trang trại, buôn bán hàng hóa hoặc chăm sóc các em nhỏ. Ngoài ra, những người con còn được xem như một hình thức an sinh xã hội khi về già, bằng cách giúp đỡ và chăm sóc cha mẹ khi họ không còn khả năng lao động.
Một yếu tố về kinh tế khác góp phần làm tăng tỷ lệ sinh ở các hộ gia đình nghèo đó là chi phí cho biện pháp tránh thai. Ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp, việc tiếp cận các phương pháp tránh thai hiệu quả và giá cả phải chăng vẫn còn hạn chế, khiến cho phụ nữ khó kiểm soát khả năng sinh sản.
Hơn nữa, chi phí nuôi dạy con cái trong các hộ gia đình nghèo có thể thấp hơn do thiếu tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế và các nguồn lực khác, khiến việc có nhiều con lại càngtrở nên khả thi hơn.
Các yếu tố về xã hội và văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tỷ lệ sinh ở các hộ gia đình nghèo. Trong nhiều xã hội truyền thống, gia đình đông con luôn được xem như là biểu tượng của sự giàu có và địa vị, và việc có nhiều con là nguồn tự hào và nâng cao vị thế xã hội. Bên cạnh đó, người phụ nữ trong gia đình luôn bị đè nặng bởi vai trò như là người mẹ và người chăm sóc gia đình, đặc biệt là trong môi trường vẫn còn nặng chuẩn mực và giá trị văn hóa, dẫn đến áp lực phải có nhiều con.
Tôn giáo cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh ở các hộ gia đình nghèo. Nhiều cộng đồng tôn giáo coi trọng gia đình và sinh sản, khiến họ có thể không khuyến khích việc sử dụng biện pháp tránh thai. Trong một số trường hợp, niềm tin tôn giáo cũng có thể nghiêm cấm phụ nữ phá thai, giới hạn sự lựa chọn sinh sản của họ.
Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ sinh ở các hộ gia đình nghèo là tăng cường tiếp cận giáo dục và trao quyền cho phụ nữ.
Giáo dục đã được chứng minh là có tác động đáng kể đến tỷ lệ sinh, với những phụ nữ có trình độ giáo dục cao hơn sẽ có xu hướng kết hôn muộn hơn, hoãn việc sinh con hoặc ưu tiên tạo dựng gia đình ít thành viên hơn. Bên cạnh đó, giáo dục còn giúp phụ nữ có kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiếp cận và sử dụng các biện pháp tránh thai một cách hiệu quả.
Trao quyền cho phụ nữ để họ có thể đưa ra những lựa chọn thông thái về sức khỏe sinh sản của mình cũng là điều quan trọng. Điều này có thể đạt được thông qua các sáng kiến như chương trình giáo dục cộng đồng, tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ quyền lợi pháp lý cho phụ nữ.
Bằng cách trao quyền cho phụ nữ để họ có thể tự quyết định về cơ thể và tương lai của mình, chúng ta có thể giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và giảm tỷ lệ sinh trong các hộ gia đình thu nhập thấp.
Tóm lại, mối quan hệ giữa nghèo đói và tỷ lệ sinh rất phức tạp và đa chiều, với nhiều yếu tố liên quan đến tâm lý con người, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Việc giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe là những bước thiết yếu để giảm tỷ lệ sinh trong các hộ gia đình nghèo.
Ngoài ra, việc trao quyền cho phụ nữ để họ có thể đưa ra những quyết định thông minh về sức khỏe sinh sản của mình cũng rất quan trọng trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và cải thiện kết quả cho các gia đình và cộng đồng.
Ta cũng cần lưu ý là việc giảm tỷ lệ sinh trong các hộ gia đình nghèo không phải là mục tiêu cuối cùng mà là một phương tiện để cải thiện sức khỏe và phúc lợi của gia đình và cộng đồng.
Bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nghèo đói cũng như hỗ trợ phụ nữ đưa ra các quyết định đúng đắn về sức khỏe sinh sản, chúng ta có thể giúp tạo ra một thế giới công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…