Lifestyle

#Nghĩ: Nếu đã cẩn trọng với ‘tình yêu’, xin hãy làm tương tự với ‘thù ghét’

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Thù ghét (căm ghét) là một trong những cảm xúc phổ biến nhất của con người. Tùy vào những giai đoạn khác nhau trong đời mà cách chúng ta nhìn nhận sự thù ghét cũng sẽ khác nhau.

Hòa đồng vui vẻ, yêu thương giúp đỡ mọi người là bài học vỡ lòng của những đứa trẻ chập chững vào đời – đây là giai đoạn mà sự thù ghét không được khuyến khích. Đến tuổi dậy thì và đầu trưởng thành – giai đoạn cả thể chất và tâm lý đều đang phát triển mạnh mẽ nhất – căm ghét bỗng trở nên một chủ đề… bớt cấm kỵ hơn.

Các bạn thanh thiếu niên dễ dàng yêu thương, cũng dễ dàng ghét cay ghét đắng một đối tượng khác vì những lý do đôi khi lại vô cùng ‘trời ơi đất hỡi’. Ghét bà cô Toán, ghét ông thầy Văn, ghét con bé cuối lớp, ghét thằng nhóc kế nhà. Hận cả thế giới, cho dù thế giới có khi còn chưa biết đến mình.

Ảnh: Unsplash / Andre Hunter

Thế còn người lớn? ‘Trưởng thành’ có thể được chia nhỏ thành những giai đoạn khác nhau, nhưng nhìn chung, càng nhiều tuổi, chúng ta sẽ có xu hướng tách mình ra khỏi những cảm xúc dữ dội thời trẻ. Thù ghét trở nên một công việc hao tổn sức lực, nói như Martin Luther King Jr. thì sự căm ghét ‘là một gánh nặng quá sức chịu đựng’.

Đứng trên góc độ tâm lý, thù ghét hay yêu thương đều là những cảm xúc rất đỗi bình thường của con người. Chúng ta không lập tức trở nên tốt hơn hay xấu đi chỉ dựa vào khoảnh khắc mà tình yêu thương hay lòng căm ghét chiếm lấy tâm trí ta. Nhưng không thể phủ nhận rằng, thù ghét vẫn là mầm mống dẫn đến khá nhiều hành vi và cách cư xử không được khuyến khích cả về mặt đạo đức lẫn pháp luật.

Khái niệm thù ghét thường bị dùng sai

Cảm xúc căm ghét thường bị đánh đồng với xấu xa, độc ác. Thù ghét cho chúng ta động lực loại bỏ những gì mình không vừa mắt. Nó còn làm nảy sinh hành vi trả đũa, trả thù – khiến cho người hoặc nhóm người đã gây ra tổn thương cho mình phải trải qua điều tương tự.

Nhưng không phải bất cứ người nào thể hiện sự thù ghét thì cũng là người có ‘tâm hồn quỷ dữ’. Thực tế, trong đời sống hàng ngày, mặc dù không được khuyến khích, nhưng ‘ghét’ lại là một từ được sử dụng… khá tùy tiện – ghét bà cô vì bả cứ cho điểm kém, ghét nhỏ làm chung vì suốt ngày nịnh nọt, ghét thằng cha bán tạp hóa vì lúc nào cũng khó chịu, … Chúng ta có thể ghét rất nhiều người, nhưng đến mức muốn loại bỏ hay trả thù thì hiếm hơn.

Tập thể dễ bị ghét hơn cá nhân

Sự thù ghét sẽ lây lan và tăng trưởng nhanh hơn nếu đối tượng bị ghét là tập thể. Nếu ghét ‘riêng lẻ’ một người, lòng căm ghét của bạn rất dễ lung lay… bởi chính bạn, trong trường hợp bạn nảy sinh lòng đồng cảm hoặc đánh giá lại người mình thù ghét sau khi tiếp xúc và nhận ra những mặt tốt đẹp của họ.

Ngược lại, khi thù ghét tập thể, khả năng bạn đối mặt với một người cụ thể hay tiếp xúc với những thông tin tương phản giảm xuống rất thấp. Mức độ căm ghét của bạn cũng theo đó mà tăng nhanh không gặp trở ngại.

Ảnh: Unsplash / Charl Folscher

Khác biệt giữa thù ghét, giận dữ, và khinh bỉ

Thù ghét và giận dữ

Về lý thuyết, thù ghét nghiêng về bản chất, còn giận dữ thiên về hành vi. Khi ghét ai đó, chúng ta ghét con người họ nói chung, không xét riêng hay loại trừ khía cạnh nào (mặc dù nguyên nhân ban đầu có thể chỉ bắt nguồn từ một đặc điểm tính cách hoặc một hành vi nào đó). Với giận dữ, chúng ta giận ai đó vì những gì họ đã làm.

Khi sự tức giận liên tiếp xảy ra mà tình hình không thay đổi, khinh bỉ sẽ là trạng thái tiếp theo – bạn cảm thấy đối phương không xứng đáng với sự giận dữ của bạn nữa. Cơn giận vẫn còn đó, nhưng nó đã trở nên quá mức đến nỗi tâm trí bạn phải ‘điều chỉnh’ để nó không gây thêm ảnh hưởng đến bạn nữa. Kết quả, bạn bắt đầu khinh thường đối phương và chủ động tạo khoảng cách cảm xúc với họ.

Khinh bỉ và thù ghét

Cũng như căm ghét, cảm giác khinh bỉ liên quan đến tổng thể con người, từ bản chất, tính cách, đến hành vi. Nếu thù ghét là ngọn lửa rực cháy, thì núi băng lạnh lẽo chính là hình ảnh đại diện hoàn hảo cho khinh bỉ. Khi khinh thường ai đó, trong mắt bạn, đối phương lập tức trở nên vô hình, hoặc thấp kém đến mức không đáng để quan tâm chú ý tới. Với sự thù ghét thì không thế. Bạn không thờ ơ với đối tượng mình đang ghét, vì bạn vẫn còn dính mắc về mặt cảm xúc khá nhiều với họ – ham muốn loại trừ hoặc trả thù.  

Như thế, trên một số góc độ nhất định, thì bị khinh bỉ có thể khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn hẳn khi bị thù ghét.

Thù ghét lây lan dễ hơn giận dữ

So với giận dữ hay thất vọng thì cảm xúc căm ghét được lan tỏa nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Chúng ta hoàn toàn có thể ghét ai đó chỉ dựa trên những gì mình biết hoặc được nghe nói về người này với một mức độ dữ dội như thể chính chúng ta là người tiếp xúc hay có những trải nghiệm ‘đáng nguyền rủa’ với họ. Trong khi giận dữ không xảy ra theo cách tương tự – chúng ta có thể giận ‘lây’, nhưng mức độ cảm xúc sẽ không bằng người đã trực tiếp trải qua sự việc đó.

Sinh lý học của thù ghét

Ghét bỏ là một quá trình. Bạn có thể nhanh chóng giận ai đó vì họ đã làm điều không phải, nhưng bạn sẽ cần thêm thời gian và thông tin để có thể sinh lòng thù ghét họ. Không giống như cơn giận dữ, thù ghét là một trải nghiệm lâu dài, do đó, nó không có một khuôn mẫu sinh lý đặc trưng, mặc dù hình thức kích thích sự căm ghét xảy ra trong não và cơ thể có thể gần giống với giận dữ.

Ảnh: Unsplash / Crawford Jolly

Đối diện với lòng thù ghét

Một khi nhận ra rằng thù ghét là một cảm xúc to lớn và mãnh liệt như thế nào, có lẽ chúng ta sẽ cẩn trọng hơn với nó. Chúng ta phản đối việc sử dụng tùy tiện chữ yêu, thì có lẽ đã đến lúc làm điều tương tự với ghét. Thay vì nói ‘Tôi ghét XX.’, hãy nghĩ thêm một chút, ‘Tôi khó chịu với XX. Tôi không muốn nhìn thấy XX. Tôi nghĩ rằng tôi ghét XX. Nhưng tôi có công nhận những điểm chung hay những mặt tốt của XX không? Tôi có muốn làm mọi cách để loại bỏ XX không?’

Chúng ta cần có trí thông minh cảm xúc để xác định, phân loại, và quản lý những cảm xúc của mình. Việc này không dễ, nhưng có thể được cải thiện. Việc dễ hơn, đó là đừng để cảm xúc của chúng ta đối với một người đạt đến mức thù ghét (hoặc tệ nữa là khinh bỉ), hãy chủ động xử lý chúng ngay từ giai đoạn ‘giận dữ’.

Nếu không hiệu quả, hãy cân nhắc về mối quan hệ với đối phương, xem rằng chúng ta có còn muốn duy trì nó nữa hay không. Dù sao đi nữa, mối quan hệ này cũng sẽ kết thúc như một điều tất yếu nếu một trong hai hoặc cả hai đâm ra khinh thường, ghét bỏ nhau.

Dẫu thù ghét là một trạng thái cảm xúc bình thường, điều đó không có nghĩa là nó được khuyến khích. Lòng căm ghét có thể biến mất theo thời gian nếu đối tượng bị ghét thay đổi, biến mất khỏi cuộc sống của ta, hoặc cách nhìn của ta về họ được ảnh hưởng theo chiều hướng tích cực. Nhưng đừng dành quá nhiều thời gian chờ đợi. Thay vào đó, hãy chủ động đối mặt và tìm ra cách để giải quyết dứt điểm sự thù ghét, giống như cách chúng ta nỗ lực để duy trì tình yêu vậy.

(Tham khảo: Why We Hate – Agneta Fischer)

Xem thêm:
Người có trí thông minh cảm xúc cao vì sao lại được ưa thích?
Trắc nghiệm Karl Koch: “Mở khóa” tính cách của bạn thông qua hình vẽ cây
So sánh cảm xúc – Đã đến lúc chúng ta ngừng cuộc đua ‘Xem ai đau hơn nào’

Mi Nguyen

Recent Posts

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

19 giờ ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

2 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

3 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

4 ngày ago

20 thuật ngữ tại quán bar cần nắm lòng trước khi “lên đồ”

Các quán bar đều có một loạt thuật ngữ rất phong phú, đến nỗi người…

6 ngày ago