Cine

Nightmare Alley – Điều gì ẩn giấu đằng sau con hẻm ác mộng lộng lẫy đầy đen tối?

Nightmare Alley lộng lẫy, đen tối, và buồn bã. Đoạn kết đầy nghiệt ngã giúp gắn kết những chi tiết và những bước ngoặt trong phim lại với nhau. Tuy nhiên, nó cũng khiến khán giả băn khoăn không ít.

(Bài viết có tiết lộ nội dung phim.)

Nightmare Alley được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả William Lindsay Gresham. Xuất bản năm 1946, quyển sách này được Gresham lấy cảm hứng từ những cuộc trò chuyện với một nhân vật từng làm việc trong các gánh xiếc lưu diễn. Năm 1947, tác phẩm này được đạo diễn Edmund Goulding đưa lên màn ảnh dưới dạng bộ phim noir cùng tên, với các vai chính Stanton, Molly, Lilith lần lượt do Tyrone Power, Coleen Gray, và Helen Walker đảm nhận. Tuy nhiên, phiên bản này bị cho là “xa rời câu chuyện gốc”. Vì thế, phiên bản của Guillermo del Toro được hy vọng sẽ bám sát chi tiết và trung thành với cốt truyện gốc hơn.

Mặc dù không theo thể loại kinh dị, thế nhưng Nightmare Alley của đạo diễn del Toro vẫn khiến khán giả “lạnh sống lưng” trước hiện thực tàn khốc và số phận tăm tối không tránh khỏi của các nhân vật. Đoạn kết đầy nghiệt ngã giúp gắn kết những chi tiết và những bước ngoặt xảy ra suốt từ đầu phim lại với nhau. Tuy nhiên, ẩn sâu bên dưới vẫn còn nhiều câu hỏi đang chờ được khám phá.

Vì sao Lilith trở mặt với Stan?

Nhân vật bác sĩ tâm thần học Lilith Ritter được xây dựng dưới hình tượng femme fatale. Bà ta ẩn chứa đầy bí mật – không ai biết bà ta là ai, không ai biết bà ta nghĩ gì hay định làm gì.

Tuy nhiên, bước trở mặt của Lilith Ritter – cú twist lớn trong 20 phút cuối phim – vẫn đủ gây bất ngờ. Dù “hành tung” mờ ám từ khi xuất hiện, nhưng nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc về động cơ phản bội của Lilith là gì.

Lý do không phải vì tiền. Lilith đã xác nhận như thế trong phân cảnh bắn ngã Stanton. Sau đó, bà ta nói rằng: “Am I powerful enough for you now, Stan?” (Tôi thế này đã đủ quyền lực với anh chưa, Stan?). Lời thoại này liên kết với màn tương tác đầu tiên của 2 nhân vật này, khi Lilith trực tiếp thách thức khả năng ngoại cảm của Stan và bị hắn ta làm bẽ mặt với màn đọc vị chính xác cùng lời khẳng định rằng Lilith hoàn toàn không quyền lực như bà ta nghĩ.

Chi tiết này nghe qua có vẻ nhỏ nhặt và hoàn toàn không đáng để ghim hận và lên một kế hoạch trả thù bài bản, khiến đối phương thân bại danh liệt, nhưng Nightmare Alley đã chứng minh một điều rằng, những bất an sâu thẳm, dù là nhỏ nhặt nhất, cũng đủ khiến người ta trở nên điên rồ.

Cha của Stanton có ý nghĩa gì?

Hình ảnh người cha và ngọn lửa cháy bùng trong ngôi nhà gỗ thường xuyên xuất hiện vào những khoảnh khắc quan trọng của phim. Dù không còn sống nhưng người cha vẫn được xem là một trong những nhân vật quan trọng trong câu chuyện vì ảnh hưởng lâu dài của ông đối với nhân vật chính.

Lời giải đáp cho câu hỏi chuyện gì đã xảy ra với cha của Stanton Carlisle chỉ xuất hiện khi câu chuyện dần đi đến hồi kết, khi Stanton mở toang cửa sổ, lấy đi tấm chăn, và để cha mình chết cóng. Chuyện giết cha ruột trở thành nguồn cơn cho những phức cảm tâm lý của Stanton trong phim, đặc biệt sau khi hắn gây ra cái chết của Pete – nhân vật được xây dựng theo hình mẫu người cha / người chỉ dẫn cho Stanton, và cũng là… một con sâu rượu.

Stanton ghét cha hắn. Vì thế hắn không bao giờ uống rượu. Hắn sợ rồi đây sẽ trở thành người mình luôn luôn căm ghét: một kẻ nát rượu, một tên dối trá, và một người đàn ông nhu nhược. Điều này càng làm cho kết phim tàn nhẫn và buồn bã hơn khi Stanton Carlisle buộc phải chấp nhận hiện thực rằng hắn đã trở nên chẳng khác gì cha mình.

Số phận của Stan được báo trước như thế nào?

Nightmare Alley kết thúc bằng phân cảnh Stanton Carlisle nhận lời làm quái nhân (geek) cho một gánh xiếc lưu diễn, ngay cả khi hắn biết rõ tất cả những sự thật tởm lợm về “công việc thời vụ” này.

Phân cảnh này được xem là điểm kết nối của rất nhiều những điềm báo về số phận nhân vật mà đạo diễn Guillermo del Toro đã cài cắm trong phim. Khi câu chuyện bắt đầu, Stanton vào xem màn trình diễn quái nhân (geek show) và kinh tởm nhìn gã “người không ra người” đó cắn cổ sống một con gà. Mức độ liên quan giữa Stan và tên quái nhân được thể hiện qua những chi tiết khác như nơi ở của 2 người và sự quan tâm, thông cảm của Stan đối với gã kia – một dấu hiệu cho thấy có lẽ Stan có thể hiểu được điều gì thúc đẩy một con người bình thường trở thành như vậy.

Cách thức tạo ra một gã quái nhân cũng được nhắc đến khá sớm trong câu chuyện, và được lặp lại lần nữa trong cảnh cuối phim, khi Stan được tên chủ gánh xiếc đề nghị một “công việc thời vụ”. Ngoài ra, việc hắn bắt đầu uống rượu cũng như hình ảnh hắn ta nằm co quắp sau chuồng gà trên chuyến tàu trốn chạy khỏi thành phố cũng là những chi tiết báo trước cho cái kết không tránh khỏi của Stanton Carlisle.

Những con mắt nói lên điều gì?

Guillermo del Toro vốn nổi tiếng với những hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, và Nightmare Alley cũng không ngoại lệ với những đôi mắt xuất hiện xuyên suốt bộ phim – bào thai của “đứa trẻ giết mẹ nó khi vừa chào đời” Enoch với con mắt ngay giữa trán, căn phòng đầy những cặp mắt lớn nhỏ trong nhà ma, và mẫu thêu trên chiếc bịt mắt mà Stan sử dụng mỗi lần trình diễn.

Những con mắt trong Nightmare Alley nói lên 2 thứ. Đầu tiên, nó khiến khán giả liên tưởng đến con mắt thứ 3, hình tượng đại diện cho quyền năng tâm linh và khả năng thấu thị – phương tiện mà Stanton Carlise sử dụng để lừa mị người khác. Ngoài ra, con mắt còn là hình ảnh ẩn dụ cho việc tất cả những gì chúng ta làm đều được nhìn thấy và phán xét bởi những thế lực vô hình.

“Con hẻm ác mộng” nằm ở đâu?

Cả bộ phim của Guillermo del Toro lẫn tiểu thuyết gốc đều không nhắc đến con hẻm (alley) nào. Con Hẻm Ác Mộng (Nightmare Alley) là một tiêu đề mang tính ẩn dụ. Ác mộng phản ánh ý tưởng cốt lõi của tác phẩm rằng trong mỗi chúng ta đều là những nỗi sợ hãi, những niềm bất an sâu kín nhất. Nếu chúng ta không cẩn thận và tỉnh táo để “thức giấc”, chúng có thể trở nên đen tối và mạnh mẽ đến mức nhấn chìm ta trong những cơn ác mộng không thể thoát ra.

Con hẻm gợi lên cảm giác tù túng, chật hẹp, đường cùng. Con đường mà Stanton Carlise lựa chọn, đối với hắn có thể là con đường rộng mở đến vinh quanh, nhưng thực chất nó chỉ là một con hẻm cụt tăm tối, trắc trở, và không thể quay lại. Hắn mặc kệ sự ngăn cản của Molly. Hắn không quan tâm đến lời khuyên của Zeena. Hắn tự mình bước vào một con hẻm ẩn dụ càng đi càng chật chội và ít lối rẽ cho đến khi mắc kẹt ở cuối đường, mãi mãi không chạy thoát cơn ác mộng lớn nhất đời mình.

Nightmare Alley đang có mặt tại các rạp chiếu trên toàn quốc.

(Theo: ScreenRant)

TML Editor

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

10 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago