Người Lớn Đi Làm

Cách giải quyết vấn đề ‘đứng núi này trông núi nọ’

Một vấn đề trong hướng nghiệp mà Tuấn Anh thường gặp trong phòng tư vấn đó là tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ‘. Hoặc là hình ảnh ẩn dụ ‘cỏ bên kia đồi luôn xanh hơn‘. Tức là thấy thứ mình đang có không đủ, không hay, thấy thứ người khác đang có là hay hơn và khao khát có được thứ đấy. Nếu không có được thứ người khác đang có thì cảm thấy khó chịu, buồn bực, thậm chí khi có rồi thì được dăm bữa nửa tháng lại chán.

Một điều thú vị là tâm lý này lại thường hay xuất hiện ở những người giỏi và đang có những điều kiện tốt trong tay. Các bạn thường có nhiều sự lựa chọn trong việc học gì, làm gì, có nhiều kĩ năng giỏi để làm nhiều công việc khác nhau. Chính sự ‘đa zi năng’ này lại khiến các bạn bối rối, vì thích đủ thứ nên không biết tập trung vào cái nào hay đâu mới là thứ thực sự mình đam mê nhất.

Nguyên nhân tình trạng ‘đứng núi này trông núi nọ’

Các bạn thường so sánh với một số người đi đường thẳng, học xong lên cao học thạc sĩ tiến sĩ, đi làm từ nhân viên từ từ thăng chức lên quản lý – những bạn này dường như không gặp nhiều vấn đề về những sự lựa chọn trong công việc.

Các bạn có tâm lý ‘đứng núi này trông núi nọ’ thường thấy không hài lòng với thực trạng hiện tại của mình. Nguyên nhân có thể đến từ việc bạn cảm thấy tiếc khả năng của mình, đúng ra với khả năng mình đang có mình có thể làm được thêm cái này cái kia, thay vì đứng im ở một chỗ hiện tại mình đang làm. Hoặc là so sánh với những người thành công hơn, những người bằng tuổi và thấy họ đang có những gì mà mình không có.

Việc so sánh với người khác có thể khiến bạn thêm áp lực và tự ti hơn

Một vị trí làm việc trong công ty lớn. Vị trí trưởng phòng. Lương cao. Đi du lịch nhiều nơi. Gia đình hạnh phúc. Cuộc sống tự do, thú vị. Rất nhiều thứ để ao ước và so sánh ở người khác.

Để giảm bớt tình trạng nhìn thấy cỏ bên đồi xanh hơn, ba giải pháp các bạn có thể tự thực hành đó là: 

(1) Chú tâm vào hiện tại. Chỉ có những gì đang tồn tại trước mắt mới là thật. Quá khứ là chuyện đã qua, tương lai chỉ là ảo vọng có thể thành sự thật hoặc không. Để chú tâm vào hiện tại một phương pháp bạn có thể thực hiện là thiền (meditation) và tìm hiểu về chánh niệm (mindfulness).

Mỗi ngày dành ra ít nhất 5 phút ngồi một chỗ chú tâm vào hơi thở, gạt bỏ tất cả các việc khác sang một bên. Sau đó dành thêm vài phút viết ra 3 điều ở thời điểm hiện tại mình thấy biết ơn trong công việc.

(2) Đặt mục tiêu cho bản thân tốt hơn trong công việc. Thay vì phấn đấu phải bằng ai hay giống ai, mình suy nghĩ xem mình có thể làm được gì để công việc hiện tại có thể tốt hơn không. Có những cách khác nhau để khiến công việc hiện tại tốt hơn. Ví dụ ứng dụng thêm công nghệ để xử lý việc nhanh hơn. Học thêm kĩ năng mới bổ trợ để làm tăng chất lượng công việc. Viết ra quy trình làm việc và dạy lại cho người khác về công việc của mình. 

(3) Suy nghĩ việc mình đang làm có lợi cho ai, có lợi gì cho xã hội. Việc càng có lợi cho nhiều người càng có thể khiến bạn phấn chấn hơn để làm. Thử suy nghĩ ở khía cạnh này xem công việc của mình có đang mang lại lợi ích gì trực tiếp hay gián tiếp cho xã hội hay không? Không phải cứ làm công việc tư vấn giúp đỡ hay từ thiện mới đang là đóng góp xã hội.

Bạn làm mentor cho một bạn sinh viên cũng đang là giúp đỡ. Không phải tiếp cận được cả trăm ngàn người mới là có ích. Việc bạn làm nuôi được gia đình, khiến một bộ phận nhỏ vài người bạn yêu quý hưởng lợi cũng đã là rất có ích. 

Ngoài những cách trên, thêm một việc bạn có thể làm khi đang thấy nơi khác đẹp đẽ hơn nơi mình ở đó là thử trải nghiệm và tìm các thông tin đa chiều về nơi đó. Khi chúng ta nghe về một nghề nghiệp mới, thường chúng ta chỉ nghe cái hay cái đẹp của nó chứ ít chịu tìm hiểu về những mặt trái của nghề đó.

Hãy thử trải nghiệm công việc để có cái nhìn khách quan hơn

Chính vì vậy nếu có cơ hội, bạn nên tìm đọc thêm các bài viết chia sẻ từ những người làm trong nghề, tham gia các webinar và đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn tường tận về nghề.

Một số bạn khi cảm thấy ‘stress’ vì vấn đề công việc thường chọn cách đi học thạc sĩ hoặc đi tham gia một khoá tu vài ngày với mong muốn giải quyết được vấn đề. Thực tế lựa chọn này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề, trong bài viết tiếp theo mình sẽ phân tích kĩ hơn về chuyện này. Hôm nay chúng ta sẽ dừng lại ở đây.

Chúc các bạn một ngày bình an.

Đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/tuvan

Xem thêm: Những nỗi sợ khi đi làm

Anh Tuấn Lê

Recent Posts

8 đứa bạn mà chúng ta nên có ít nhất một lần trong đời

Câu nói: "Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở." quả là không sai. Nhưng…

14 giờ ago

#Nghĩ: Hãy để đàn ông được rơi lệ

Tính nam độc hại không chỉ ảnh hưởng đến đàn ông, mà còn ảnh hưởng…

15 giờ ago

Làm thế nào để thể hiện giá trị bản thân mà không bị cho là khoe mẽ?

Vì không thể bắt ép người khác nhìn nhận giá trị bản thân, chúng ta…

16 giờ ago

Những lợi ích tuyệt vời của nước rau má mà có thể bạn chưa biết

Là thức uống “ngon-bổ-rẻ” của nhiều người Việt cho ngày nóng nực; bạn đã biết…

4 ngày ago

#Nghĩ: Đối phó với chi phí sinh hoạt cao bằng 10 việc làm sau

Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, trong đây, The Millennials Life sẽ…

4 ngày ago

Đối với founder Gạo Nâu, người mới sẽ luôn có “miếng bánh” của mình trong ngành nhiếp ảnh

Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…

6 ngày ago