Lifestyle

Tài khoản tình cảm: 5 cách để vun đắp cho một mối quan hệ lành mạnh

Trong mỗi con người chúng ta sẽ luôn có một “tài khoản tình cảm” (Emotional Bank Account). Khi ở trong một mối quan hệ, làm cách nào để “tài khoản” đó của ta và người khác, luôn ở mức dương?

Sẽ thật tuyệt vời biết bao nhiêu nếu bạn có thể hòa hợp với tất cả mọi người mà bạn gặp đúng không? Đáng tiếc là cuộc đời này lại không hoàn hảo đến như vậy. Có những người sẽ không thích bạn, và đôi khi điều này thường sẽ xảy ra vì hàng ti tỉ những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhưng may mắn thay, ta đâu cần nhất thiết phải được mọi người yêu thích đâu nhỉ?

Trong cuốn sách Tribe: We Need You to Leads Us được xuất bản vào năm 2008 của tác giả và diễn giả Seth Godin, ông đã giới thiệu một thuật ngữ tên là “Finding Your Tribe” (tạm dịch: Tìm Bộ Lạc Của Mình). Về cơ bản, một “bộ lạc” sẽ chính là những người yêu quý bạn vì con người thật của mình.


Nhưng dù cho bộ lạc của bạn có tồn tại ở ngoài kia, ta không nhất thiết sẽ chinh phục được tất cả những người đó chỉ bằng việc sống thật tự với bản chất của mình. Thay vào đó, bạn sẽ cần thực hiện một số hành động để cải thiện các mối quan hệ của mình. Đây chính là lúc mà khái niệm về “tài khoản tình cảm” được ra đời.

Emotional Bank Account (Tài khoản tình cảm) là gì?

Khái niệm này lần đầu tiên được Stephen R. Covey giới thiệu trong cuốn sách 7 Habits of Highly Effective People. Ông quan niệm rằng, mọi mối quan hệ giữa hai người đều có thể được ví như một tài khoản ngân hàng. Đương nhiên không phải là tài khoản ngân hàng tiền tệ rồi, mà là tài khoản tình cảm.

Khi bạn mới gặp một người, tài khoản tình cảm này sẽ ở mức 0, nghĩa là không có gì trong đó nhưng cũng không có nợ nần. Cách để bạn bắt đầu nạp đầy tài khoản này là thực hiện những hành động tử tế, giúp đỡ đối phương. Theo lý thuyết, điều này sẽ khiến đối phương đáp lại bằng những hành động tử tế tương tự, từ đó mối quan hệ tích cực được hình thành.

Dĩ nhiên, điều ngược lại sẽ xảy ra khi bạn yêu cầu đối phương giúp đỡ mình. Đây sẽ được xem như là một lần rút tiền từ tài khoản ngân hàng cảm xúc, tức là rút từ mối quan hệ. Sẽ có những lúc mà mọi tài khoản ngân hàng cảm xúc đều cần đến việc một bên phải rút tiền, chẳng hạn như khi nhờ ai đó giúp đỡ hoặc phải làm ai đó thất vọng.

Nguyên tắc duy nhất để nuôi dưỡng loại “tài khoản” này

Vì cách thức hoạt động của các tài khoản tình cảm diễn ra như thế, hiển nhiên là tài khoản nào càng có nhiều tiền trong đấy, thì sẽ càng mạnh mẽ hơn khi có những lần rút tiền. Vì vậy, khi bạn tìm được bộ lạc của mình (ý chỉ những người yêu thích bạn), hãy cố gắng nạp tài khoản ngân hàng cảm xúc nhiều nhất có thể để luôn ở trạng thái dương.

Thế nhưng, cũng cần phải nhắc đến một điểm quan trọng, đấy là không phải tài khoản tình cảm nào cũng hoạt động theo cùng một nguyên tắc. Ví dụ ở một số tài khoản, bất kỳ hành động tốt đẹp hay giúp đỡ nào cũng đều sẽ được coi là bạn đã nạp vào tài khoản đó. Tuy nhiên ở một số tài khoản khác, các khoản nạp (ý chỉ những sự giúp đỡ), phải được thực hiện đúng cách thì mới có thể đưa tài khoản đó vào trạng thái dương được.

Vì vậy, nếu bạn gặp được người phù hợp (người mà bạn nghĩ có thể trở thành một người bạn tốt, đối tác, v.v.), hãy bắt đầu thực hiện những bước nhỏ để cải thiện mối quan hệ đó. Đương nhiên, việc này cũng là một kỹ năng cần phải học và biết khi nào nên cần. Bởi, nếu đòi hỏi hoặc yêu cầu quá nhiều hoặc quá sớm, có thể khiến tài khoản ngân hàng cảm xúc trở nên âm, cũng như việc nạp vào quá nhiều sẽ có thể gây tác dụng ngược.

Điều này cũng tương tự như khi bạn mở một tài khoản ngân hàng tiền tệ mới và nạp vào đó một số tiền lớn. Hành động này sẽ chỉ khiến tài khoản của bạn bị ngân hàng đánh dấu là hoạt động đáng ngờ, dẫn đến việc bị đóng băng thôi. Cho nên ông cha ta thường có câu: “Có công mài sắc, có ngày nên kim“.  Bạn càng giỏi trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực với người khác, bạn sẽ càng có nhiều bạn bè và các mối quan hệ tốt đẹp hơn.

Nuôi dưỡng tài khoản ngân hàng trong một mối quan hệ cần có sự cân bằng giữa biết khi nào nên “rút” và nên “nạp”. Nguồn ảnh: Amr Bo Shanab/Getty Images

5 cách để vun đắp tài khoản tình cảm giữa các cặp đôi

Tài khoản tình cảm sẽ xuất hiện ở nhiều bối cảnh, đó có thể là giữa các người bạn, đồng nghiệp và cấp trên, hoặc cũng có thể là người yêu. Đầu tiên, chúng ta hãy cùng đào sâu vào các mối quan hệ tình cảm, để xem mỗi cá nhân có thể làm gì để bồi đắp cho chính tài khoản giữa các bạn đời trở nên viên mãn:

1. Hãy để tâm đến người mình yêu

Các cặp đôi thường bỏ qua nhu cầu cảm xúc của nhau, không phải vì ác ý mà là do sự vô tâm. Vì vậy, bạn cần phải để ý đến người bạn đời của mình hơn. Hãy nhận thức rõ những tín hiệu kết nối từ họ và đáp lại chúng. Điều này sẽ khiến người đấy cảm thấy được lắng nghe và trân trọng. Bạn có thể sẽ không nhận ra tất cả vào lúc đầu, nhưng càng về sau và tiếp tục tập trung vào những tín hiệu này, việc nhận biết và đáp lại chúng sẽ càng dễ dàng hơn.

2. Luôn thể hiện sự trân trọng đến người đó

Mỗi ngày, hãy suy nghĩ về những cách mà bạn đời của bạn đã kết nối với bạn hoặc tạo ra những tín hiệu cảm xúc, ví dụ như những lúc họ nhắn tin hỏi thăm về cuộc họp quan trọng của bạn, hoặc dành ra 5 phút để hỏi về ngày của bạn trong lúc cả hai cùng đang rửa bát chẳng hạn. Hãy ghi nhớ những lần “gửi tiền” đó vào tài khoản tình cảm và biết ơn chúng. Nếu bạn có thể duy trì góc nhìn tích cực về mối quan hệ, việc trân trọng sự ủng hộ của người ấy và nói lời cảm ơn sẽ trở thành một thói quen tự nhiên.

3. Sẻ chia những lần bị căng thẳng

Một nghiên cứu đã phát hiện rằng, sự lan tỏa của căng thẳng bên ngoài vào mối quan hệ là nguyên nhân lớn nhất khiến các cặp đôi tái phát vấn đề, sau 2 năm tham gia trị liệu hôn nhân. Đó là lý do tại sao một cuộc trò chuyện tâm tình về vấn đề này có lẽ là cuộc đối thoại quan trọng nhất mà một cặp đôi có thể có.

Cả hai hãy dành ra 20-30 phút để hoàn toàn chú ý đến nhau, không bàn về hôn nhân. Hãy nhớ rằng mọi cảm xúc đều được chào đón trong cuộc trò chuyện này, và mục tiêu cuối cùng là thể hiện sự thấu hiểu cảm xúc, quan điểm của đôi bên.

4. Thấu hiểu lẫn nhau khi nói chuyện

Khi người bạn đời của mình than phiền, đừng cố gắng giải quyết vấn đề ngay. Thay vào đó, hãy thể hiện rằng bạn hiểu tại sao họ lại cảm thấy bực bội. Bạn thậm chí có thể đi xa hơn bằng cách nhận trách nhiệm, nếu bản thân đã làm điều gì đó khiến họ khó chịu. Và nếu họ vui mừng về điều gì đó, hãy cùng chia sẻ niềm vui với họ. Chúng ta thường sẽ cảm thấy được yêu thương khi cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, và càng làm điều đó, bạn sẽ càng xây dựng được tốt mối liên kết cảm xúc qua lại giữa hai người.

5. Thể hiện tình cảm bằng hành động

Những hành động như: hôn, nắm tay, ôm và cùng nhau âu yếm đều là những cơ hội để bạn “nạp tiền” vào tài khoản tình cảm. Một nghiên cứu với hơn 70.000 người ở 24 quốc gia đã phát hiện rằng các cặp đôi có đời sống tình dục tuyệt vời thường hôn nhau say đắm mà không cần lý do, họ âu yếm nhau và luôn ý thức về việc hướng đến đối phương.

Nếu tài khoản tình cảm của bạn chưa đủ nhiều, hãy bắt đầu bằng việc nhận biết những tín hiệu từ đối tác. Hãy đáp lại họ, hết lần này đến lần khác, càng nhiều càng tốt. Từng tín hiệu một, những tương tác của bạn sẽ dần dần định hình lại mối quan hệ, để tài khoản tình cảm của bạn đại diện cho tình yêu và sự tôn trọng mà hai người dành cho nhau. Không gì có thể định giá được điều đó.

Người quản lý cũng có thể làm gia tăng tài khoản tình cảm với nhân viên qua 5 cách sau

Nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng những loại tài khoản này cũng tồn tại giữa mối quan hệ của nhân viên và cấp trên. Khi là một người quản lý, số dư trong tài khoản cảm xúc tình cảm của bạn với từng thành viên trong đội ngũ quyết định khả năng lãnh đạo của bạn. Stephen Covey đã đưa ra 5 cách mà các nhà lãnh đạo có thể thực hiện để tạo dựng lòng tin và ảnh hưởng đối với nhân viên:

1. Hiểu rõ từng thành viên mà bạn làm việt cùng

Hãy dành thời gian để thật sự hiểu từng người trong nhóm của bạn. Khi tương tác, ta nên xem điều gì làm họ cảm thấy hứng thú, nhu cầu, mong muốn và động lực cá nhân của họ là gì. Điều này có nghĩa là ta đang xây dựng mối quan hệ từ sự đồng cảm.

Ví dụ, việc đi bộ và trò chuyện có thể là một cách nạp cảm xúc đối với bạn; nhưng đối với một người hướng nội, điều này có thể lại được tính là một khoản rút. Các thành viên trong đội của bạn sẽ có phong cách giao tiếp và động lực khác nhau. Để nạp vào tài khoản tình cảm, bạn cần phải lắng nghe và thấu hiểu từng thành viên. Khi đó, họ sẽ đáp lại bằng lòng tin, sự gắn kết và nỗ lực lớn hơn.

2. Quan tâm đến những điều nhỏ nhặt

Những cử chỉ lớn lao có thể gây ấn tượng, nhưng những khoản nạp thật sự vào tài khoản tình cảm, thường đến từ các hành động nhỏ nhặt nhưng chân thành. Như ông Covey đã viết trong sách của mình: “Những thiếu sót nhỏ, những hành động không tử tế, những hình thức thiếu tôn trọng nhỏ bé đều tạo ra các khoản rút lớn. Trong các mối quan hệ, những điều nhỏ mới thực sự là những điều lớn.

Là một người lãnh đạo, bạn có thể khen ngợi công việc tốt, mang đồ ăn vặt cho nhân viên, hoặc gửi thư cảm ơn viết tay. Những khoản nạp nhỏ này tích lũy theo thời gian để xây dựng lòng tin và thiện cảm. Tuy nhiên, ta cũng cần nhớ rằng đôi khi điều bạn nghĩ là khoản nạp lại có thể trở thành khoản rút nếu làm điều mà họ không thực sự đánh giá cao. Điều tuyệt vời là những hành động này thông thường không cần phải tốn kém, bởi sự quan tâm sẽ luôn vượt qua sự xa hoa khi nói đến việc tạo dựng mối quan hệ làm việc.

3. Giữ lời hứa

Khi đưa ra một lời cam kết hoặc lời hứa với tư cách là người quản lý, thì bạn nên giữ nó. Nhân viên của bạn sẽ phẫn nộ với những lời hứa bị phá vỡ và mất lòng tin vào những lần tương tự trong tương lai. Nếu điều này lặp đi lặp lại, nó sẽ hủy hoại uy tín của bạn. Điều này cũng sẽ áp dụng cho cả các cam kết lớn như thăng chức hoặc tăng lương, lẫn các cam kết nhỏ như trả lời câu hỏi của ai đó. Vì thế, lời nói của bạn phải là thực sự đảm bảo.

4. Làm rõ kỳ vọng

Việc lãnh đạo một đội ngũ mà không có kỳ vọng rõ ràng sẽ tạo ra sự hỗn loạn. Một phần rất quan trọng trong công việc của bạn là phải thiết lập các kỳ vọng rõ ràng. Bởi vì nếu bạn không làm điều này, thì ai sẽ làm?

Ta có thể thực hiện bằng cách đề cập đến nó trong các buổi họp 1:1, buổi họp nhóm, triển khai dự án, đánh giá và khi hướng dẫn nhân viên mới. Hãy dành thời gian cho các câu hỏi và theo dõi nếu bạn nghĩ rằng điều gì đó chưa được làm rõ. Tạo sự rõ ràng từ đầu sẽ làm cho con đường phía trước dễ dàng hơn cho cả bản thân và đội của bạn. Những kỳ vọng không rõ ràng sẽ tạo ra sự nhầm lẫn và các vấn đề về sau mà phải mất rất nhiều công sức để khắc phục.

5. Thể hiện sự trung thực

Tính chính trực và lòng trung thành là những khoản nạp khổng lồ vào tài khoản cảm xúc. Không ai thích làm việc cho một người quản lý giả tạo, hay kiểu “Làm theo lời tôi nói, đừng làm theo những gì tôi làm”. Sự giả dối và phản bội cuối cùng sẽ bị lật tẩy và phản tác dụng, phá hủy lòng tin. Bạn sẽ không thể giả mạo sự chính trực trong thời gian dài đâu.

Với vai trò là một người quản lý, một trong những cách tốt nhất để thể hiện lòng trung thành là phát triển đội ngũ của bạn. Điều này cho thấy rằng bạn thực sự đầu tư vào họ cho tương lai lâu dài.

Dao Thomas

Recent Posts

#Nghĩ: Làm gì khi bị ghét?

Không ai trên đời hoàn hảo đến mức không có lấy 1 "anti-fan" cả. Thế…

13 giờ ago

Làm sao để ra quyết định đúng đắn trong tình huống “nước sôi, lửa bỏng”?

Nếu đã từng hoặc đang ở trong tình huống cấp bách mà cần phải ra…

1 ngày ago

22 sự thật “đắng lòng” về cuộc đời sẽ khiến bạn phải ngẫm lại

Hãy để The Millennials Life làm người chỉ đường trong cuộc đời của bạn với…

2 ngày ago

Đời sống thường nhật qua lăng kính triển lãm “The Story Teller” của DAOS501

Triển lãm tranh "The Story Teller"  là “cuốn nhật ký” nghệ thuật ghi lại những…

3 ngày ago

#BócRượu: Rượu trắng – nghi lễ trưởng thành “ngầm” của các bé trai Việt Nam

Chẳng biết từ bao giờ, cốc rượu trắng tinh khiết đã trở thành một phần…

4 ngày ago

Ưu và nhược điểm của việc làm bạn trước khi là người yêu của nhau

Có nên khôn ngoan khi 2 người làm bạn với nhau trước khi bắt đầu…

5 ngày ago