Trong dòng người sầm uất của những đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, sẽ đến một lúc nào đó một cô gái phải tạm cất đi đôi giày thể thao và cố bước thật nhanh trên một đôi cao gót. Khác với những đôi giày đế bệt mang lại sự thoải mái, những đôi cao gót dốc thẳng thường mang ý nghĩa rằng mỗi người phụ nữ đều phải cố gắng vươn cao hơn, nhắc bản thân phải cẩn trọng hơn và đi thật nhanh hơn nữa. Đơn giản là bởi trong mỗi bước đi, các cô gái đều phải trả một cái giá nhất định.
Những cô gái này không nhất thiết phải người có quyền lực nhưng thường làm ở nơi tập trung rất nhiều nhân vật tinh anh. Có thể họ là nhân viên của một tòa soạn thời trang, làm về truyền thông, nhân viên ngân hàng hoặc chuyên viên kinh doanh… Nhưng dù ở bất cứ đâu, mỗi cô gái đều bắt đầu quen dần với những bộ com-lê và cà vạt, váy mềm và áo lụa xuất hiện ở khắp nơi. Mỗi ngày làm việc của họ xoay quanh những bài phát biểu dài, điều hoà lạnh, sự tung hô quá khích với các vị Phu nhân, Chủ tịch, và tất nhiên là: Giày cao gót.
Ngay từ khi còn học cấp ba, các cô gái đã hình dung về một người phụ nữ chuyên nghiệp, trang nhã và trưởng thành – mẫu người mà họ muốn trở thành. Những bóng dáng mềm mại đấy lướt qua các đại sảnh hào nhoáng, những hành lang sáng bóng hay các quán cà phê được bày biện sang trọng trên những đôi giày thoạt nhìn là đã thấy không thoải mái.
Mỗi cô gái đều tự thêu dệt cho mình một thông điệp đầy quyền lực về đôi giày cao gót, nhất là khi chúng được phụ nữ thành đạt ở khắp mọi nơi lựa chọn. Những đôi giày lấp lánh như kim cương, hoặc có màu đen sáng bóng của sơn mài Nhật Bản với một vệt đỏ trên đế, chúng có mùi da dịu nhẹ hoặc mùi violet tinh tế của các showroom đắt tiền. Nhưng dù dưới bất cứ hình thức nào, phần gót giày vẫn luôn mỏng manh và sắc nhọn như một lưỡi dao. Mỗi ngày bước đi trên tạo tác đó là một cuộc chiến, những đôi giày âm thầm tiến vào các toà nhà chọc trời, thản nhiên phát ra những âm thanh sắc lạnh như một món vũ khí.
Không phải cô gái nào cũng sở hữu một bộ sưu tập giày cao gót. Phụ kiện này thường chỉ lý tưởng khi người ta nghĩ về chúng hơn là thực sự mang nó. Tuy nhiên khi làm việc tại các toà văn phòng sang trọng, việc thiếu đi một đôi cao gót khiến các nàng bỗng trở nên thiếu tự tin. Giống như đàn ông sẽ thấy mình không mặc gì nếu lỡ quên cà vạt trong một căn phòng đầy những người đeo cravat, đôi giày cao gót cũng khiến người phụ nữ mạnh mẽ theo một cách nữ tính, tự chủ và tỉnh táo trong suốt cả ngày làm việc.
Dù muốn hay không, cao gót bây giờ đã trở thành một trong những đôi giày được xem trọng nhất xã hội. Nó là một phần không thể thiếu cho các sự kiện, bìa tạp chí, lễ trao giải, phòng họp, phòng xử án, những toà quốc hội… Đối với phái yếu, giày cao gót có chức năng như một chiếc cravat của nam, được yêu cầu trong mọi dịp quan trọng.
Nghịch lý làm sao khi ngành công nghiệp sex với hơn 150 năm tuổi cũng luôn xem loại giày này là một loại biểu tượng của tình dục. Những tạp chí như Playboy đã định hình trong đầu người đọc về hình ảnh cô người mẫu mặc đồ lót bó sát người, đeo tai thỏ tạo dáng trên những đôi giày đỏ. Những cô gái nhảy múa ở bar cũng dùng cao gót như một phụ kiện khiến mình trở nên quyến rũ hơn, khoe ra được những đường cong và bước đi uyển chuyển của mình.
Dù được xem là một công cụ thể hiện quyền lực của người phụ nữ, nhưng đôi lúc, chúng ta vẫn tự hỏi liệu đây có phải là một ảo ảnh về sự tự chủ mà xã hội cố tình xây dựng để kìm kẹp phụ nữ dễ dàng hơn? Bởi khi nữ giới ngày càng tự do, năng động, còn cách nào thuần hoá các nàng lý tưởng hơn việc cắm cọc họ vào đất theo đúng nghĩa đen?
Ngày nay, vẫn có một số ngành công nghiệp coi giày cao gót là một quy định bắt buộc riêng cho nữ giới. Năm 2016, Nicola Thorp, một nhân viên lễ tân ở Anh bị đuổi về nhà vì không chịu đi giày cao gót. Vụ việc đã trở thành một vụ bê bối, khiến hơn 150.000 người ký vào bản kiến nghị kêu gọi cấm các chính sách về giày cao gót tại nơi làm việc cũng như yêu cầu chính phủ anh phải có những quy định công bằng hơn về luật ăn mặc phân biệt giới tính. Tại Nhật, năm 2019 hơn 18.700 người ký tên kêu gọi chính phủ Nhật Bản bãi bỏ quy định phụ nữ phải đi giày cao gót tại nơi làm việc thông qua phong trào Kutoo (lấy cảm hứng từ kutsu (nghĩa là giày trong tiếng Nhật), kutsuu (đau) và phong trào #MeToo)
Yumi Ishikawa, 32 tuổi, người phát động phong trào KuToo, cho biết: “Tôi hy vọng phụ nữ sẽ không còn phải mang giày cao gót khi đi làm. Tại sao chúng ta phải làm tổn thương đôi chân của mình trong khi đàn ông lại được phép đi giày bệt?”.
Đầu tháng 1/2019, Ishikawa chia sẻ trên trang cá nhân việc cô phải đi giày kín ngón và cao từ 5-7 cm tại nơi làm thêm. Kết thúc ngày làm việc, ngón chân của cô sưng tấy, thậm chí bị trầy xước, chảy máu. Bài viết của Ishikawa thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ. Phong trào KuToo do cô khởi xướng nhận được hơn 18.700 chữ ký.
Giày cao gót cũng là một quy định bắt buộc của phụ nữ trên thảm đỏ, Liên hoan phim Cannes đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào năm 2015 sau khi xuất hiện thông tin phụ nữ sẽ không được chào đón nếu không đi giày cao gót. Các diễn viên bao gồm Emily Blunt và Benicio Del Toro, Julia Roberts đã công khai lên tiếng và phản đối việc kiểm soát trang phục cứng nhắc này. Năm 2018, Kristen Stewart đã mạnh mẽ chế nhạo quy tắc này của Cannes bằng cách tháo giày cao gót và đi chân trần lên thảm đỏ ngay giữa liên hoan phim trong sự bất ngờ và ngơ ngác của ban tổ chức.
Thế nhưng phụ nữ là những điều kỳ diệu. Coco Chanel là người tiên phong trong việc thiết kế và mặc những chiếc quần âu – vốn là món đồ của đàn ông lại cũng chính là người tạo ra những bộ váy tinh tế, thanh lịch dành riêng cho phái đẹp. Một người phụ nữ hiện đại khi bị chê trách về việc chỉ mải mê theo đuổi sự nghiệp, vụng về trong các hoạt động nội trợ sẽ chỉ im lặng và xắn tay áo dọn dẹp những định kiến đấy bằng cách khẳng định mình có thể làm tốt cả hai. Mỗi cô gái hiện đại đều có thể lên được phòng khách, xuống được phòng bếp, bên ngoài xinh đẹp, bên trong khéo léo, ở nhà đảm đang nhưng đi làm thành đạt. Nếu đôi giày cao gót là biểu tượng của sự khống chế, một cô gái hiện đại sẽ phản ứng bằng cách chứng minh cho thế giới thấy mình có thể bước đi thật nhanh và xa hơn trên chính sự kìm kẹp đó.
Đối với phụ nữ, những gì công khai nhất cũng là những gì riêng tư nhất và ngược lại, những gì kiềm hãm nhất là những thứ giúp họ trở nên mạnh mẽ nhất.
Để giữ được tiếng nói của mình, một cô gái không cần phải phát ngôn những điều đao to búa lớn, không phải bắt chước một người đàn ông trong cách cư xử và ngoại hình. Nếu muốn chơi thể thao, các nàng sẽ đi một đôi giày bệt cho các hoạt động thể chất. Nếu muốn trang điểm, nàng có thể hoạ mặt mình với vô số mỹ phẩm mà mình thích. Nếu nàng muốn mình trở nên nữ tính hơn, một đôi giày cao gót cũng không thể ngăn cản nàng cân bằng giữ sự mềm mại và mạnh mẽ của mình.
Thế giới đã phải trả qua hàng thập kỷ để tìm hiểu khái niệm về một người phụ nữ tự do. Kristen Stewart khi đó đã đi cao gót gần hết thảm đó Cannes rồi mới tháo ra, như một tuyên ngôn rằng một người phụ nữ nhìn lộng lẫy trên chiếc giày đế cao vẫn có thể lấp lánh với một đôi chân trần. Một cô gái xỏ được giày cao gót cũng có thể tháo ra bất cứ khi nào nàng muốn. Bởi đơn giản nữ quyền và nữ tính không phải hai phạm trù đối lập. Sự mềm mại, nhẫn nại không phải là một phép ẩn dụ khi nói việc áp bức.
Sự kìm kẹp, bất công không đến từ quần áo, giày dép mà là những định kiến, chuẩn mực sai lệch của xã hội. Nguyên nhân khiến phụ nữ bị hiếp dâm, trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành không phải trang phục, khả năng bếp núc, chăm sóc con cái mà là ở phương thức giáo dục, vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân. Sự bất bình đẳng giới không phải lỗi của đôi giày cao gót mà ở chính sách tuyển dụng, phân biệt đối xử trong nơi làm việc, tôn giáo; trong sự hạn chế các quyền đi lại, quyền được sống hoặc sở hữu tài sản của phụ nữ.
KẾT
Trong Jurassic World nhân vật nữ chính Claire của Bryce Dallas Howard đã chạy trên đôi cao gót gần như cả phim. Tuy nhiên khung cảnh ấn tượng tượng nhất chính là cảnh rượt đuổi trực tiếp của cô nàng cùng con khủng long T-rex ở đằng sau. Bóng dáng khổng lồ của con quái thú bao chọn lấy màn hình và gần như nuốt chửng đôi giày màu kem nhỏ nhắn. Tuy nhiên tiếng rít của nó lại không thể át đi âm thanh của gót giày đang vang lên dứt khoát và mạnh mẽ dưới nền xi măng ẩm ướt. Chỉ với khung cảnh đó, khán giả đã nhận ra anh hùng không nhất thiết phải mặc áo choàng. Một cô gái với sự dũng cảm và quyết liệt, trên một đôi cao gót cũng có thể cứu sống tất cả những nhân vật khác trong phim. Vài người sẽ cảm thấy khung cảnh đó không thực tế, nhưng phụ nữ thì thấu hiểu. Claire đã sống với đôi giày cao gót cả cuộc đời, cô không cần một bộ quần áo nam hay một đôi giày bệt để có thể chạy nhanh hơn T-rex. Và đây cũng là điều mà tất cả phụ nữ trên thế giới này đều có thể làm được.
Bài viết được lấy cảm hứng từ: Sex, power, oppression: why women wear high heels
Xem thêm:
Drama có gì mà nhiều người hóng thế nhỉ?
Những thói quen khi sử dụng điện thoại di động của chúng ta ảnh hưởng người khác thế nào?
“Khoảng cách” – ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu
10 bí quyết chống trì hoãn cho hội ‘để mai tính’
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…