Lifestyle

Giày thể thao và những tác hại không tưởng với môi trường

Người Úc gọi đó là “runners.” Người Anh thì gọi là “trainers.” Người Mỹ thường dùng cái tên “tennis shoes” hay “sneaker.” Dù với bất kì tên gọi gì, những đôi giày thể thao này đều được hàng tỷ người trên thế giới săn đón và ưa chuộng. Đôi giày thể thao đầu tiên ra đời vào cuối thế kỷ 19, với những chất liệu đơn giản bằng vải và cao su. Sau đó, đã có rất nhiều biến tấu cách tân về cả thiết kế và chất liệu, dần dần đôi giày thể thao đã trở thành một món đồ không thể thiếu trong tủ giày của những tín đồ thời trang.

Ngày nay, lượng tiêu thụ giày thể thao trên toàn thế giới đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Trong đó, không quốc gia nào tiêu thụ nhiều hơn Mỹ – một người Mỹ mua trung bình 3 đôi giày thể thao mỗi năm. Theo đó, khoảng 23 tỷ đôi giày được “ra đời” để đáp ứng nhu cầu này, chủ yếu được sản xuất ở các nhà máy trên khắp Trung Quốc và Đông Nam Á. Nhưng việc làm nên một đôi giày thể thao ngày càng trở nên phức tạp hơn, tốn nhiều công sức hơn, và gây nhiều tổn hại hơn đối với môi trường thiên nhiên.

Sản xuất giày dép chiếm khoảng 1/5 lượng khí thải carbon của ngành thời trang. Chỉ riêng giày thể thao đã tạo ra 313 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải hàng năm của 66 triệu chiếc ô tô. Để hiểu rõ hơn “dấu chân carbon” của những đôi giày thể thao, chúng ta hãy đi sâu vào chi tiết cấu tạo của một đôi sneaker và những tác hại lên môi trường từng khâu sản xuất gây nên.

Quy trình sản xuất đôi giày thể thao

Để bắt đầu, phải kể đến qui trình sản xuất các phụ kiện phần gót (heel), đế trong (insole), đế giữa (midsole) và phần thân trên (upper) của một đôi giày. Những phụ kiện này thường được làm từ vải dệt tổng hợp như polyester, nylon, latex và polyurethane. Việc khai thác các nhiên liệu hóa thạch để tạo nên những chất liệu đó đã thải ra hàng tấn khí nhà kính. Đồng thời, việc chế tạo những thành phần thô đó thành hàng dệt tổng hợp cũng sử dụng rất nhiều năng lượng, góp phần làm tăng thêm ô nhiễm môi trường. Một số trường hợp đặc biệt, phần thân giày còn được làm từ các nguồn tự nhiên như da, nhưng thuộc da chất liệu này cần chromium – một hóa chất gây ung thư có thể làm hỏng hệ sinh thái nước ngọt.

Phần đế bên ngoài (outsole) của hầu hết các loại giày đều được làm bằng cao su trải qua một quá trình lưu hóa – kỹ thuật thêm lưu huỳnh vào cao su thô để tạo ra một vật liệu vừa đàn hồi vừa cứng cáp. Cho đến gần đây, một số đôi giày thể thao mới sử dụng cao su tự nhiên cho quá trình này. Nhưng hầu hết các đế ngoài đều được làm bằng hỗn hợp tổng hợp của cao su tự nhiên và các thành phần phụ như than và dầu. Sản xuất những vật liệu này chiếm 20% lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất một đôi giày thể thao.

Nhưng hơn hai phần ba “dấu chân carbon” của quá trình làm nên một đôi giày đến từ bước sản xuất. Một đôi giày thể thao điển hình bao gồm 65 bộ phận rời rạc, mỗi bộ phận đều được làm bằng máy móc chuyên dụng. Điều này có nghĩa là nhiều nhà máy khác nhau sản xuất hàng loạt từng bộ phận riêng rẽ sẽ hiệu quả hơn so với việc một nhà máy chuyên gia công toàn bộ các linh kiện làm nên một đôi giày. Đổi lại, quá trình vận chuyển để tập hợp những bộ phận rời rạc này đến một nhà máy lắp ráp sẽ thải ra một lượng khí CO2 cực lớn.

Bên cạnh đó, khi các thành phần đến dây chuyền lắp ráp, chúng trải qua quá trình cắt, đổ, nấu chảy, làm nguội và dán keo, trước khi các sản phẩm cuối cùng có thể được ghép lại với nhau. Việc lắp ráp một đôi giày thể thao cần hơn 360 bước; và quá trình đó chiếm 20% tác động môi trường trong toàn bộ dây chuyền sản xuất.

Khi quá trình sản xuất hoàn tất, đôi giày được đóng gói và vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ trên toàn cầu. Vì những đôi giày được làm từ rất nhiều vật liệu khác nhau nên chúng hầu như không thể chia nhỏ thành các thành phần có thể tái chế. 20% trong số những đôi giày này bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại được ném vào bãi rác, nơi chúng có thể mất tới 1,000 năm để phân hủy.

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể cân bằng giữa tình yêu giày thể thao với nhu cầu bền vững?

Đầu tiên, các nhà thiết kế nên sắp xếp hợp lý các yếu tố thiết kế và tập trung vào các vật liệu thân thiện với môi trường. Các nhà máy cần phát triển các quy trình sản xuất tiết kiệm năng lượng nhằm hợp nhất các bước và các bộ phận giày thể thao.

Về phía người tiêu dùng, chúng ta nên ủng hộ các công ty sử dụng năng lượng sạch và quy trình sản xuất có đạo đức. Chúng ta cũng có thể mua ít giày hơn, mang chúng lâu hơn và quyên góp hoặc bán lại những đôi chúng ta không cần nữa. Vì vậy, bất kể phong cách của bạn là gì, tất cả chúng ta đều có thể thực hiện các bước hướng tới một tương lai thời trang bền vững.

Nguồn: Angle Chang | TED-Ed

Nghi To

Recent Posts

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

14 giờ ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

2 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

3 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

4 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

4 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

4 ngày ago