Culture

#Good9: Hành động cụng ly nhỏ để bắt đầu cuộc vui lớn

1…2…3…Dô!!!

Làm gì có cuộc vui nào mà lại bị thiếu đi âm thanh này, nó trở nên thân quen đến nỗi từ già trẻ lớn bé đều nghe và thực hiện không ít lần trong đời.

Màn nâng ly chúc mừng luôn là dấu hiệu mở đầu cho mọi bữa tiệc dù lớn hay nhỏ. Đó có thể là một đám cưới, một bữa tiệc sinh nhật, hay một buổi họp lớp để hàn thuyên chuyện cũ sau một thời gian xa cách.

Chúng ta sẵn sàng cụng ly vì bất cứ lý do gì, miễn là trên bàn có hơn 2 người đang cầm đồ uống có cồn. Ta có thể cụng ly vì vui, đôi khi cũng vì nỗi buồn, có khi để chúc mừng hoặc thậm chí chẳng vì gì cả…cứ thế mà cụng thôi.

Ảnh: whitneypeakhotel

Quen thuộc như thế, nhưng liệu có mấy ai biết ý nghĩa “so deep” của việc cụng ly không? Đừng lo nếu bạn chưa khám phá ra, vì dưới đây chúng mình sẽ kể câu chuyện về 3 lần cụng ly đầu tiên trong lịch sử loài người.

Câu chuyện thứ nhất

Thời La Mã cổ đại, có một môn “thể thao” được giới quý tộc và người dân vô cùng yêu thích, nếu để so sánh thì quy mô có khi chẳng thua kém gì các trận World Cup mà các bạn thường thấy trên truyền hình, đó chính là “Võ sĩ giác đấu”.

Những võ sĩ được đào tạo chiến đấu để mua vui cho người có tiền, hiển nhiên càng đẫm máu thì càng thu hút, sinh tử là chuyện thường xuyên xảy ra. Để thưởng cũng như một phần khích lệ sĩ khí của những chiến binh này, những người tổ chức đã cho thực hiện nghi lễ uống rượu trước khi bắt đầu cuộc chiến.

Nhằm đảm bảo an toàn không bị đối thủ “chơi xấu” bằng cách bỏ độc vào rượu, võ sĩ được yêu cầu phải đổ rượu từ ly của mình sang ly của đối phương. Động tác này khiến miệng ly buộc phải chạm vào nhau. Sau này, nghi lễ cụng ly phát triển thành một văn hóa phổ biến trong các buổi tiệc.

Đấu trường La Mã là một nơi khốc liệt mà chỉ có một sống hai chết, ảnh: historycollection

Câu chuyện thứ hai

Thời Hy Lạp cổ đại, rượu vang được phát triển rất mạnh mẽ. Cũng vì thế mà giới tinh hoa bắt đầu nghĩ ra lắm kiểu cầu kỳ để thưởng thức sao cho ngon và phong cách nhất.

Người ta cho rằng khi uống rượu, sẽ có rất nhiều giác quan của cơ thể con người tham gia vào việc cảm nhận hương vị. Mũi thì được ngửi những mùi thơm nồng nàn của rượu, mắt thì được chiêm ngưỡng màu sắc phong phú, lưỡi có thể nếm được vị ngon. Nhưng chỉ có duy nhất là đôi tai là thính giác thì không được tham gia gì cả.

Để bổ sung cho thiếu sót này, những người sành rượu đã cho hai ly rượu chạm vào nhau để cho đôi tai và bàn tay con người cũng có phần trong buổi tiệc hương vị này. Sau đó, văn hóa cụng ly được phát triển thành phong tục tập quán cho cả những thế hệ sau.

Ảnh: viviendoencasa

Câu chuyện thứ ba

Con người chúng ta vẫn luôn hướng tới những giá trị cộng đồng. Từ ngày xưa rất xưa, loài người đã sống cùng nhau thành từng cụm nhỏ và gắn kết với xã hội của mình thông qua hôn nhân hoặc các mối quan hệ khác.

Câu chuyện đằng sau âm thanh của những ly rượu bắt nguồn từ một truyền thống rất đẹp. Khi rượu được tìm thấy bằng cách chờ cho trái cây lên men, mọi người sẽ tụ họp và đổ rượu vào một bình lớn để tất cả cùng thưởng thức.

Điều này được tin rằng sẽ giúp các thành viên trong nhóm có ý thức chia sẻ và gắn bó với nhau hơn. Sau này, khi cộng đồng lớn hơn, mọi người bắt đầu uống rượu và bia trong ly riêng. Hành động cụng ly vẫn có ý nghĩa như việc con người uống chung một bình rượu trước đây. Dù là hai chiếc cốc khác nhau nhưng thứ nước của “sự sống” kia vẫn được được rót ra từ một nguồn. Ngụ ý rằng chúng ta vẫn đang cùng chia sẻ mọi thứ với nhau.

Ảnh: braintreeandwithamtimes

Văn hóa cụng ly ngày nay

Bạn bè uống với nhau thì có thể không cần rườm rà làm gì, cứ cầm ly lên là 1…2…3…Dô! thôi. Nhưng nếu bạn đang ăn tiệc với đồng nghiệp hoặc những người có địa vị cao hơn thì sau đây là một số nguyên tắc “ngầm” mà bạn nên tuân thủ, để có tạo thiện cảm với mọi người.

thường trước khi nâng ly, người ta cần xác định rõ ai là “chủ xị” của buổi tiệc. Đợi khi người chủ tiệc đó nâng ly, tuyên bố lý do thì màn cụng ly mới chính thức được bắt đầu. Cụng ly với bố vợ tương lai hoặc sếp đương nhiên là sẽ phải khác so với mấy thằng anh em. Xác định được đối tượng nâng ly còn giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với đối tượng sau khi tàn cuộc.

Thường khi cụng ly với người lớn hoặc cấp trên của mình, bạn nên để miệng ly thấp hơn, tay còn lại nếu được thì nên đưa ra phía trước cùng với ly để thể hiện thái độ kính trọng. Đối với những người lần đầu gặp bạn, nên để miệng ly thấp hơn một chút hoặc ngang bằng để tránh tạo thái độ kiêu ngạo với họ. Đó giống như một phép lịch sự tối thiểu vậy.

Ảnh: Esquire

cách cụng ly của các nước trên thế giới

Đức.

Khi cụng họ nói: Người Đức sẽ nói Prost lúc uống bia và Zum-wohl cho các đồ uống khác.

Tại Đức, có một truyền thuyết khá thú vị là khi nâng cốc, bạn phải luôn nhìn vào những người khác. Nếu không, bạn sẽ chịu hậu quả là 7 năm chuyện “mây mưa” luôn gặp xui xẻo.

Hàn Quốc.

Khi cụng họ nói: Người hàn sẽ nói Gun-bay.

Tại Hàn phong tục trao và nhận đồ uống rất được câu nệ, người phục vụ sẽ rót đồ uống từ chai và người nhận sẽ giữ ly bằng hai tay.

Trung Quốc.

Khi cụng họ nói: Người Trung Quốc sẽ nói Gan-bay.

Họ thường thích rót rượu tràn ly để biểu trưng cho tình cảm tràn đầy. Khi nâng ly, người Trung Quốc sẽ giữ cho ly của mình thấp hơn ly rượu của chủ nhà và người già hơn để tỏ ý tôn trọng.

Ảnh: vtimes

Pháp và Ý

Khi cụng họ nói: Người Pháp sẽ nói Santé (Sahn-tay), còn người Ý sẽ nói salute (Sà-lút).

Ngược lại với Trung Quốc, người Pháp rất chú trọng tiểu tiết nên họ sẽ không bao giờ rót đầy ly, họ thích tận hưởng từng ngụm rượu nhỏ một cách nhẹ nhàng và chậm rãi.

Tại Ý, các bữa tiệc sẽ thêm phần náo nhiệt hơn khi mọi người đồng thay hô salute. Nếu bạn đang muốn gây thiện cảm với ai đó, đừng ngại ngùng nhìn vào mắt đối phương khi uống.

Ảnh: vtimes

Nga.

Khi cụng họ nói: Người Nga sẽ nói boo-dem zdo-ro-vee-eh.

Nếu những ai thích uống 100% thì hãy thử đến đất nước này một lần, vì một khi đã cầm ly lên, bạn khó mà được đặt xuống nếu chưa uống cạn hết. Tại Nga, mọi người có phong tục nói một lời chúc mừng dài trước mỗi lần uống hết cốc.

Nhật Bản.

Khi cụng họ nói: Người Nhật sẽ nói Kan-pie

Tại Nhật Bản, bạn không được tự rót đồ uống cho mình mà mọi người phải rót lẫn nhau cho những người ngồi cùng bàn tiệc. Tự rót cho mình khi ngồi cùng người khác được xem là một hành vi thiếu lịch sự.

Ảnh: vtimes

Việt Nam.

Không “màu mè” như nước bạn, văn hóa cụng ly tại Việt nam lại đơn giản và sôi động hơn rất nhiều. Khi ngồi cùng những người bạn chiến hữu lâu ngày, mọi người thường chẳng cần nói gì nhiều ngoài đếm đến 3 và “Dzôôô!” thay cho lời chào lâu ngày không gặp, lời chúc sức khỏe, lời động viên nhau, hay đơn giản là cụng khi cả bàn đều đồng tình với nhau về một quan điểm nào đó.

Ảnh: arrivalguides

Tình cảm anh em đôi khi chỉ cần có thế, vất vả phấn đấu ngoài xã hội mệt mỏi thì lại tụ về một chỗ để ngồi bên nhau, vui vẻ, thoải mái chẳng cần câu nệ gì ai. Sự gắn kết sẽ ngày khăng khít hơn sau mỗi tiếng “Dzô” hòa phối cùng âm thanh cụng ly như một phần của văn hóa cộng đồng.

#Good9 là nơi chúng mình chia sẻ những văn hóa thú vị khi “màn đêm trỗi dậy”. Good9 ở đây không phải là chúc ngủ ngon, mà có nghĩa là “chào buổi tối” – một lời chào thân mật của tụi mình hoan nghênh bạn đến với thế giới nightlife.

Bình Viết Gì

Sharing Good Stuff

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago