Họa sĩ Ngọc Linh ra mắt sách hội họa “Hà Nội tôi yêu”, tổng hợp 134 bức tranh về thủ đô được ông vẽ cách đây 32 năm.
Sách gồm 134 tranh phong cảnh, phố phường, có phần chú thích song ngữ Việt – Anh. Các tác phẩm như Thu trên phố Phùng Hưng, Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu, Phố Hàng Bè, Chợ Cửa Nam tái hiện Hà Nội khi vừa bước vào thời kỳ đổi mới.
Ông sử dụng chất liệu sơn dầu, sáng tác trên những tờ vé số, kích cỡ 7×10 và 10×14 cm. Họa sĩ nhớ 32 năm trước, một lần cháu ngoại – khi ấy học trường tiểu học Quang Trung – mang về những tấm vé số in trên giấy lụa. Ông thấy thích và bảo cháu xin cho mình 100 tờ, sau đó đóng thành quyển, mang theo bộ đồ gồm bút, màu, dầu pha, đặt trong chiếc giỏ xe đạp mini. Họa sĩ đi khắp các con phố tại Hà Nội, thấy nơi nào đẹp đều dừng chân vẽ.
Nhà văn Mai Thục từng viết: ”Tôi bị hút vào hơn một trăm bức sơn dầu Hà Nội tôi yêu, ngạc nhiên, thán phục, say mê, bởi vẽ tranh sơn dầu nhỏ cực khó, mà sao đường nét vẽ điêu luyện, có thần”.
Là người dân tộc Tày nhưng sinh ra ở Hà Nội, Ngọc Linh dành phần lớn cuộc đời ở đây. Đề tài thủ đô luôn gợi nhiều cảm xúc cho ông. Tác giả vẽ nhiều tranh, say mê những con đường, hàng cây, địa điểm được xây dựng theo kiến trúc Pháp.
Nghệ sĩ Nhân dân Vương Duy Biên có nhiều kỷ niệm với họa sĩ. Ông học cùng Vi Ngọc Mai – con trai Ngọc Linh, được xem tác giả vẽ từ nhỏ. Theo ông Vương Duy Biên, tranh của họa sĩ khắc họa hình ảnh Hà Nội trẻ trung, nhiều màu sắc, khác với vẻ cổ kính, hoài niệm trong các sáng tác của Bùi Xuân Phái.
Trịnh Lữ – người bạn thân và viết lời giới thiệu cho sách Hà Nội tôi yêu của họa sĩ – nói bộ tiểu họa là minh chứng tiêu biểu cho phong cách Ngọc Linh mà Trịnh Lữ là “dân gian đương đại”. Theo ông, tranh tác giả vẫn có nét sang trọng, dù sắc thái chung là gần gũi, giản dị.
Họa sĩ Hà Bắc cho rằng Ngọc Linh không khoe kiến trúc cầu kỳ của Hà Nội trong các tác phẩm mà mang đến nét riêng, bằng những gam màu sáng, đường vẽ đơn giản. Ông không vẽ theo khuôn phép của mỹ thuật mà tự do sáng tạo theo cảm nhận của mình.
Ngọc Linh tên thật là Vi Văn Bích, sinh năm 1930 tại Lạng Sơn. Ông là cháu nội Vi Văn Định – Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến. Giai đoạn năm 1950-1954, Ngọc Linh theo học lớp Mỹ thuật tại chiến khu Việt Bắc, do Tô Ngọc Vân giảng dạy. Năm 1955, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam đến khi nghỉ hưu.
Họa sĩ từng thiết kế mỹ thuật cho 25 bộ phim, trong đó nhiều phim nổi tiếng giai đoạn đầu của dòng phim Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ (1961), Sao tháng Tám (1976)… Ngọc Linh cũng tham gia thiết kế chín vở chèo, kịch nói, nhạc kịch.
Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993, từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cả trong nước và quốc tế. Họa sĩ có nhiều triển lãm cá nhân về Hà Nội, được công chúng đón nhận như Hà Nội tôi yêu (1995), Chân dung những người cùng thời tôi yêu (2000), 90 mùa xuân (2020)…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…