Fashion

Hành trình “mím môi mà thắt” của phụ nữ qua lịch sử áo corset

Áo corset (hay còn gọi là áo nịt ngực, áo chẽn), là một loại áo giúp định hình vóc dáng cơ thể theo mong muốn để phục vụ cho mục đích thẩm mỹ hoặc y tế. Áo corset đã trở thành trang phục không thể thiếu của phái đẹp qua nhiều thế kỉ với bề dày lịch sử đáng tự hào.

Những chiếc áo corset đầu tiên là biểu tượng của địa vị, cấp bậc và sự giàu có

Corset hay còn gọi là áo nịt ngực, áo chẽn, chỉ chiếc áo có công dụng chính là tôn đường cong của cơ thể bằng cách siết chặt eo, giúp vòng hông và ngực trông to hơn.

Từ “corset” bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ – “corps” có nghĩa là “cơ thể”, và bắt đầu được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh từ năm 1785. Dù vậy, những “manh nha” của chiếc áo lót này đã có từ cách đây hàng nghìn năm.

Khoảng 4,000 năm trước, phụ nữ đảo Crete đã dùng đồ lót để nâng đỡ ngực nhưng không che lại. Còn phụ nữ Hy Lạp dùng loại đồ lót apodesmos hay mastodeton để chơi thể thao (như tại vùng Sparta). Dần dần, loại trang phục này được để mắt tới và yêu thích bởi ngoài công dụng về mặt thẩm mỹ – giúp tôn lên vòng 1 và định hình phần bụng để có được vòng eo nhỏ nhắn, người ta còn cho rằng mặc áo còn có lợi về mặt sức khỏe, giúp điều chỉnh tật vẹo xương sống và định hình dáng người thân trên. Lúc này cả nam và nữ đều mặc loại áo này.

Theo dòng chảy thời trang đến thời Trung Cổ (1500 – 1800), trang phục nội y lúc này được nâng cấp trở thành chiếc corset thịnh hành với kiểu dáng đồng hồ cát mà ngày nay ta vẫn thường gọi là áo nịt ngực / áo chẽn.

Vào đầu thế kỷ 16, áo nịt ngực bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn. Công lao này thuộc về Catherine de’ Medici, vợ của vua Henry II, nước Pháp. Bà đã ban hành lệnh cấm những người có vòng eo lớn xuất hiện tại tòa án trong suốt những năm 1550. Vì thế, trong hàng trăm năm sau đó, corset là trở thành “công cụ” làm đẹp chính của phụ nữ khắp thế giới.

Mặt trước (trái) và sau (phải) của áo corset

Một chiếc corset siết chặt eo càng nhỏ sẽ càng đắt tiền. Vì thế, chỉ những phụ nữ trong giới thượng lưu mới có khả năng mặc corset và cũng từ đó, corset được xem là biểu tượng của địa vị, cấp bậc và sự giàu có. Khi cuộc cách mạng Pháp diễn ra vào năm 1789, phụ nữ trên khắp thế giới kịch liệt tuyên bố giải phóng khỏi thứ trang phục gò bó cơ thể, làm eo và ngực bị đè nén, gây khó thở. Corset dần biến mất được xem như một tuyên ngôn giải phóng phụ nữ.

Vũ khí bí mật của phụ nữ thời đại Victoria

Đến thời đại Victoria, thế giới thời trang chứng kiến một cuộc tái sinh ngoạn mục của những chiếc corset. Phụ nữ mặc corset với mong muốn tạo dáng cơ thể như chiếc đồng hồ cát, thu nhỏ eo, làm to hông và ngực. Trào lưu “thắt đáy lưng ong” bước vào thời trang.

Năm 1839, Jean Werly – một người đàn ông Pháp, đã thực hiện một bước ngoặt lớn trong lịch sử khi sử dụng khung cửi dệt vải để làm áo cho phụ nữ, những chiếc áo corset đã trở lại và được yêu thích hơn bao giờ hết. Năm 1859, Henry S. Lesher (sống tại Brooklyn, New York) đăng ký bản quyền một loại nịt nhưng rất khó mặc và gây cảm giác khó chịu cho người sử dụng.

Sau đó, vào năm 1889, Herminie Cadolle, người Pháp, sáng chế ra loại áo nịt hiện đại với hai phần nối nhau. Bà ta gọi đồ lót này là le bien-être (đồ khỏe khoắn). Phần dưới là nịt bụng (corset), nối vào phần trên có hai nắp che vú và hai dây kéo lên qua hai vai. Năm 1905, phần trên được tách ra và bán riêng, gọi là soutien-gorge (phiên âm Việt là “xu chiêng”). Vào thế kỷ 19, áo corset trở thành một nhu cầu lớn, lúc này chỉ còn phụ nữ trên toàn thế giới dùng và xem đó như một bí quyết làm đẹp.

Herminie Cadolle và le bien-être đầu tiên trên thế giới

Không chỉ được xem là một món đồ thời trang không thể thiếu của phụ nữ mọi tầng lớp, corset còn ảnh hưởng lớn đến nền đạo đức của thời kỳ Victoria. Một phụ nữ không mặc corset bị xem như một cô gái điếm. Ở tuổi lên ba, các cô gái nhỏ phải tập mặc áo corset nịt lỏng, ngay cả khi ngủ. Corset sẽ càng được siết chặt hơn theo độ tuổi và cấp bậc. Những phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu sẽ mặc corset càng chật.

Biến đổi theo thời gian: Chiếc áo corset của Madonna là một biểu tượng của nữ quyền

Cuối thế kỷ 20, chiếc áo corset đã trở nên táo bạo hơn khi chúng không còn được xem như nội y nữa mà là trang phục mặc ngoài. Lúc này, không còn ai đánh giá đạo đức của người mặc corset nữa mà thay vào đó là những lời trầm trồ ngưỡng mộ vẻ đẹp hoàn hảo của các đường cong cơ thể.

Áo nịt ngực corset đã trở thành một thành phần thiết yếu trong trang phục của phụ nữ. Nhiều nhà thiết kế đã thử nghiệm các kiểu áo corset bằng cách thay đổi đường viền cổ áo, vải và thậm chí cả chất liệu để phù hợp với xu hướng thời đó. Không giống như người anh em họ của mình, thiết kế và tạo hình của áo corset đầu tiên được dự định là một phần của trang phục ngoài chứ không phải là một cái gì đó để mặc bên trong.

Các nhà thiết kế nổi tiếng thường xuyên kết hợp kiểu dáng hiện đại của áo nịt ngực corset vào thiết kế của họ. Alexander McQueen thử nghiệm với áo corset từ thời kỳ Elizabeth và thời Victoria. Ngoài ra, các nhà thiết kế Thierry Mugler và Jean Paul Gaultier đã sử dụng áo nịt ngực corset làm chủ đề chính để tôn vinh hình dáng phụ nữ, thể hiện quyền tự do tình dục trong tác phẩm của họ.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều của áo nịt ngực corset trong những năm 90 đã hình thành kiểu trang phục quyền lực nhất trong thời đại này. Áo corset trở nên phổ biến hơn nhờ vào phong cách ăn mặc của các ngôi sao nhạc pop lớn như Madonna. Trong chuyến lưu diễn Blonde Ambition năm 1990 của mình, Madonna đã diện chiếc corset hình chóp được Jean Paul Gaultier thiết kế. Chiếc áo corset màu hồng satin sáng bóng và có chóp nhọn khêu gợi của Madonna đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng của cả làng âm nhạc lẫn thời trang thế giới.

Chính Madonna đã tìm đến Jean Paul Gaultier để nhờ ông thiết kế trang phục cho chuyến lưu diễn của mình. Cô từng viết tay một lá thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ phong cách hài hước và lối giao tiếp có tính gây sốc của ông. Để làm nên trang phục này, đôi bên đã gặp gỡ trong nhiều tháng ròng rã, luân phiên giữa atelier ở Paris và New York của Jean Paul Gaultier.

“Khi Madonna lần đầu tiên gọi tôi năm 1989, tôi có show ready-to-wear sau đó chỉ 2 ngày. Tôi tưởng là trợ lý của tôi đang nói đùa”, Jean Paul Gaultier nhớ lại trong một buổi phỏng vấn cùng tờ New York Times năm 2001. “Tôi là fan lớn của cô ấy. Madonna biết rất rõ mình biết gì. Cô ấy muốn một bộ suit sọc dọc phối cùng corset nữ tính. Madonna thích trang phục do tôi thiết kế, vì tôi luôn kết hợp cả yếu tố nam tính lẫn nữ tính.”

Chính sự hòa hợp lưỡng tính và phi giới tính đi trước thời đại đã khiến tour diễn của Madonna trở thành điều không thể lãng quên trong tâm trí người hâm mộ. Chiếc áo corset phá tan định kiến nhu mì, ngoan hiền mà xã hội áp đặt lên phụ nữ. Phần chóp nhọn phô diễn điểm mấu chốt trên cơ thể phái yếu mà từ lâu bị giấu kín.

Sau tour diễn này, Jean Paul Gaultier tiếp tục bắt tay với Madonna trong nhiều sự kiện khác. Ông tiếp tục thiết kế những mẫu trang phục gây sốc cho Madonna về sau. Trong tour diễn vòng quanh thế giới thứ chín của cô, Gaultier đã cải tiến chiếc áo corset chóp nhọn này, thiết kế nên một phiên bản in 3D làm bằng da thuộc và kim loại. Thay vì được mặc bên trong bộ suit kẻ sọc, thì bây giờ nó chùm hẳn ra ngoài như lớp áo giáp.

Đến tận năm 2019, khi đã 61 tuổi, Madonna vẫn tiếp tục chọn corset cho các buổi biểu diễn của mình. Đây là cách cô chứng tỏ rằng bản thân không bao giờ chùn bước trước tuổi tác hay định kiến xã hội. 30 năm sau khi ngày ra đời, chiếc áo corset của Madonna tiếp tục là một biểu tượng của nữ quyền, của những người vùng lên đòi sự tự do của cơ thể bản thân.

Corset thời hiện đại

Nếu như trước kia, áo corset được các quý bà sử dụng làm nội y để tạo phom dáng thì trong thời hiện đại, corset đã có cuộc cách mạng khi trở thành một chiếc áo đúng nghĩa và được mặc ra ngoài trang phục. Áo corset đã trở thành “cơn bão lớn” trong vài năm trở lại đây, với các mẫu thiết kế ngày một độc đáo và táo bạo hơn. Thông qua sự sáng tạo của các thương hiệu, áo corset vẫn giữ được những điểm mạnh vốn có, song trở nên đa dạng và quyến rũ hơn với những biến tấu về kiểu dáng, màu sắc và chất liệu.

Áo corset được chia ra làm hai loại:

  • Corset rời (áo chẽn): giống áo quây nhưng phần ngực được thiết kế như áo nịt ngực, có độ sâu, được thêm đệm lót hoặc khung dưới chân ngực nhằm giúp nâng ngực và tạo độ gợi cảm cho vòng một. Corset loại này có gắn dây hoặc không dây.
  • Corset dress (áo gắn liền với váy): là dạng áo chẽn được may liền váy. Ưu điểm của kiểu trang phục này là khoe được đường cong và tăng phần gợi cảm cho người mặc.

Kết

Hơn hai thế kỷ trôi qua, thời trang luôn xoay vòng xung quanh câu chuyện về vòng eo con kiến – mẫu hình lí tưởng của phụ nữ trong xã hội. Điều này hình thành một định kiến lệch lạc về tư duy và sáng tạo của các nhà thiết kế trong suốt thời gian dài. Vậy nên, sau nhiều thế kỉ binh chiến tinh thần, ngành thời trang đương đại vẫn đang đấu tranh giành sự bình đẳng cho mọi kích cỡ và phom dáng.

Thuật ngữ “corset” cũng được ngành công nghiệp thời trang “vay mượn” để ám chỉ những chiếc áo có bề ngoài “bắt chước” hoặc lấy cảm hứng từ chiếc áo corset truyền thống, nhưng không còn giữ vai trò là chiếc áo lót nâng ngực như trước kia. Nó cũng không còn được sử dụng với mục đích để định dáng cơ thể nữa.

Như nhà thiết kế Tim Gun đã từng nói, khi mặc một bộ trang phục không vừa vặn với cơ thể, đừng đặt câu hỏi “Cơ thể của tôi có vấn đề gì?” mà nên hỏi ngược lại rằng “Những bộ quần áo này có vấn đề gì.” Phụ nữ đừng nên tưởng tượng quá viển vông với cơ thể của mình, mà hãy biết trân quý mọi điều tự nhiên ban tặng. Phái đẹp không thể thay đổi hay cắt bỏ cơ thể của mình. Hãy cảm nhận sự chân thật, và thông qua đó tìm thấy được phong cách phù hợp nhất với chính mình.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago