Lifestyle

#HọNóiLà: Hanniefu – Giới tính và ngoại hình không “chụp ra” những bức ảnh đẹp

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.

Sự phân biệt giới, dù là ở bất kỳ ngành nghề nào cũng luôn luôn tồn tại và là rào cản khó phá vỡ của những người làm nghề. Nhiếp ảnh cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Khi tìm kiếm từ khóa “nhiếp ảnh gia nữ Việt Nam”, Google trả về những kết quả khá thưa thớt, và nếu có thì cũng là những bài viết có xu hướng tập trung khen ngợi về ngoại hình người cầm máy. Sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc, phân biệt giới và định kiến trong ngành đã góp phần làm thiếu cơ hội chụp ảnh chung cho phụ nữ.

The Millennials Life đã cùng nhiếp ảnh gia nữ Hannniefu trò chuyện về vấn đề này, được nghe “người trong cuộc” chia sẻ về những trải nghiệm, những góc nhìn vô cùng thú vị. Cả The Millennials Life và Hân đều tin rằng, giới tính và ngoại hình không quyết định việc chụp ra những bức ảnh đẹp.

Hanniefu, hay Hanfu, tên thật là Phú Toàn Khánh Hân, là một trong những nhiếp ảnh gia nữ tại Việt Nam với trên dưới sáu năm kinh nghiệm trong nghề. Nữ nhiếp ảnh sinh năm 1993 được biết đến với khả năng bắt trọn những khoảnh khắc “vàng” của khách hàng nữ, giúp họ có thể tôn lên vẻ đẹp trọn vẹn nhất của người phụ nữ.

Hân là influencer đại diện cho Nikon Vietnam dòng máy ảnh Nikon Z6 hai năm liền từ 2019 đến nay, cũng như là Đại sứ truyền thông LeadUp Vietnam 2021 của AIESEC. Cô còn từng là Ban giám khảo cuộc thi nhiếp ảnh Trầm của trường THPT Gia Định. Bên cạnh đam mê nhiếp ảnh, Hân còn có tài năm viết lách được nhiều độc giả đón nhận. Hân đã xuất bản 3 quyển sách: Từ một phía cũng là tình yêu (2017), Nhất định hạnh phúc cả lúc cô đơn (2018), Đã qua chẳng vãn hồi chỉ cần bước tiếp thôi (2020).

Với năng lượng lạc quan, tích cực của mình, thông qua những chia sẻ về nhiếp ảnh và những bài viết gần gũi về chữa lành, phát triển bản thân và cuộc sống thường ngày, Hanniefu là người lan tỏa nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ, cũng như góp phần giúp cho người theo dõi có nhiều hướng nhìn khác nhau và rộng hơn trong cuộc sống.

Bạn có thể kể về câu chuyện đã đưa Hân đến với nhiếp ảnh? Đối với Hân, nhiếp ảnh là gì?

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Visual Art Communication của trường ADS Design Institute Vietnam, Hân apply vào công ty Hàn Quốc Premier Snapback với đúng chuyên môn của mình là Graphic Designer. Xuyên suốt quãng thời gian làm việc, Hân được thử sức với chụp ảnh sản phẩm, chụp những khách hàng đội nón của công ty để làm chiến dịch quảng cáo.

Nhờ thế, Hân nhận ra mình vốn luôn thích nhiếp ảnh, vì trước đó khoảng thời gian cấp 3 và thời điểm học tại ADS, Hân đã luôn hứng thú với việc nghịch máy ảnh và thường cầm máy đi chụp những hoạt động xung quanh mình. Thêm nữa, với tính cách ưa thích tự do, ham muốn trải nghiệm và được sáng tạo, làm những điều mình thích của mình, Hân thấy mình hoàn toàn không thoải mái khi làm việc trong môi trường văn phòng.

“Với tính cách ưa thích tự do, ham muốn trải nghiệm và được sáng tạo, Hân thấy mình hoàn toàn không thoải mái khi làm việc trong môi trường văn phòng.” – Hanniefu

Sau chín tháng làm việc tại công ty, Hân quyết định xin nghỉ việc để có thể hoàn toàn dành tất cả thời gian cho nhiếp ảnh và sáng tạo. Hân vừa tự chụp, vừa tự học những kiến thức liên quan đến nhiếp ảnh ở trên mạng. Khi đã đi chụp được bốn năm, Hân tiếp tục học chuyên sâu hơn về nhiếp ảnh thời trang để hiểu rõ hơn về mong muốn và hướng đi phát triển cho bản thân mình sau này.

Nhiếp ảnh với Hân là lưu giữ kỉ niệm, mọi khoảnh khắc trong đời. Một bức ảnh có thể kể lại, gợi nhớ câu chuyện bên trong nó; và đối với Hân, đó là điều vô giá.

Điều gì khiến những bức ảnh chụp chân dung của Hân trở nên đặc biệt?

Hân nghĩ là câu chuyện đằng sau, phần hồn của ảnh luôn được Hân khai thác thông qua đôi mắt, cử chỉ, ngôn ngữ hình thể, v.v.

Liệu đã có ai nói với Hân, “Con gái chụp ảnh làm gì?” chưa? Cảm xúc của bạn khi nhận được câu hỏi đó?

Khá may mắn vì Hân chưa từng rơi vào trường hợp như vậy. Tuy nhiên, nếu có ai đó nói với Hân như thế trong thời điểm mới vào nghề, nó sẽ có một chút tác động đến Hân và Hân sẽ làm đủ mọi cách để chứng minh rằng, Hân vẫn có thể chụp tốt không thua bất kì ai.

Còn nếu Hân nhận được nhận xét đó ở thời điểm hiện tại, Hân sẽ chỉ cười thôi.

Khi tìm kiếm từ khóa “nhiếp ảnh gia nữ Việt Nam”, Google trả về những kết quả khá thưa thớt, có xu hướng tập trung khen ngợi về ngoại hình người cầm máy. Hân nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Có ưu thế về ngoại hình sẽ một phần giúp bạn có được nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, bên cạnh một ngoại hình xuất sắc, nếu tài năng của bạn cũng nổi bật thì bạn sẽ càng chiếm ưu thế hơn nữa. Quan trọng hơn cả, bạn vẫn là người nắm rõ những ưu điểm của bản thân để có thể tiến xa hơn mà không chỉ dừng lại ở mỗi việc chụp ảnh.

Theo Hân, ngoại hình có phải là một lợi thế giúp các nhiếp ảnh gia nữ phát triển trong công việc? Liệu bạn có cảm thấy những nhiếp ảnh gia nữ có ngoại hình xinh xắn sẽ được ưu ái nhiều hơn?

Với tư cách là một người cầm máy ảnh đứng sau hào quang và hậu trường, Hân nghĩ ngoại hình của một nhiếp ảnh gia sẽ không phải là ưu thế mạnh nhất. Thay vào đó, điều làm cho mọi người tập trung vào người thợ chụp chính là ấn tượng về khả năng quan sát, cảm nhận, chuyên môn, sau đó sẽ là thái độ trong công việc.

Với Hân, một ngoại hình (phong cách ăn mặc, tác phong..) gọn gàng, chỉnh chu, sạch sẽ, tạo được cảm giác thoải mái dễ chịu cho những người mình cùng làm việc đó mới chính là ưu thế.

Có người nói rằng: “Khi phụ nữ cầm máy ảnh, họ sẽ ít nhận về những lời đánh giá khắt khe hơn nam giới. Lý do là bởi người ta vốn không kỳ vọng quá nhiều ở những tác phẩm ở nhiếp ảnh gia nữ.” Bạn nghĩ sao về nhận xét này?

Hân không đồng ý với nhận xét này. Dù là nam hay nữ trong ngành nhiếp ảnh hoặc bất kì ngành nghề nào, có liên quan đến nghệ thuật hay không, thì một khi đã ở trong công việc thì họ đều như nhau. Nếu bạn không hoàn thành tốt công việc của mình và không hoàn toàn đặt tâm vào những gì mình làm, tất nhiên tác phẩm sẽ không thể nào chạm đến khán giả.

Vì vấn đề giới tính, liệu bạn đã gặp những khó khăn cụ thể nào trong công việc chưa?

Có một câu chuyện xảy ra trước đây khi Hân mới vào nghề. Có một lần Hân nhận lời mời chụp phóng sự cưới. Nhờ vào lần làm việc đó mà Hân thấy được một điều: Nếu mình là nam nhiếp ảnh gia, việc thực hiện dự án đó sẽ dễ dàng và linh hoạt hơn. Lý do là vì ngành chụp cưới đòi hỏi sự di chuyển nhiều, tính nhanh nhẹn và tháo vát trong công việc; còn mình là nữ, hợp với những gì nhẹ nhàng, chậm rãi hơn.

Trong nhiếp ảnh thời trang (fashion photography) cũng thế. Có những hôm đi chụp Hân chỉ có một mình, không có trợ lý. Từ khâu chuẩn bị cho buổi chụp như đi khắp nơi để mua props cần có cho concept, đến các công việc ở studio – như dựng đèn, chuẩn bị phông, set up…, đều là một mình Hân làm.

Tuy nhiên, nhờ có dịp được thử sức trong những style chụp khác nhau, Hân mới chắc chắn hơn về sở thích nhiếp ảnh cũng như có cái nhìn rõ ràng hơn về thế mạnh của bản thân. Đó cũng là một trong những lý do giúp Hân đi đến quyết định chụp chân dung (portrait photography).

Nếu có một người nói, “Ảnh chưa đẹp nhưng người chụp ảnh đẹp là được rồi!”, bạn sẽ nói gì?

“Vậy mục đích của bạn là muốn có ảnh đẹp hay chỉ cần người chụp ảnh đẹp?”

Trong những bức ảnh chụp chân dung của mình, người phụ nữ thường toát lên những nét đẹp tinh tế, mềm mại. Hân có nghĩ mình phải đẹp đã thì mới có thể chụp ra những bức ảnh đẹp cho người khác?

Hân nghĩ chính nhờ những trải nghiệm mình đã đi qua, nhờ sự đồng cảm trong mỗi câu chuyện với khách hàng, hoặc vì muốn tường thuật lại chính cảm xúc của mình, muốn nhìn thấy mình trong một hình hài khác, hình ảnh của Hân mới có sức mạnh truyền tải cảm xúc sâu sắc như vậy.

Bạn không cần phải đẹp mới có thể chụp ra những bức ảnh đẹp, bạn cần có một tâm hồn với nhiều tầng lớp cảm nhận, giác quan, chiều sâu để gợi tả lại những điều đó thông qua hình ảnh, chạm được đến trái tim của người xem – đó cũng là một thành công lớn của nhiếp ảnh gia.

Hân nghĩ gì khi những nhiếp ảnh gia nữ bị đối xử bất công vì vấn đề ngoại hình?

Hân nghĩ hiện tại suy nghĩ áp đặt rằng nữ giới bị giới hạn trong công việc cũng đã ít đi, mọi người ngày nay cũng được tiếp cận đến nhiều thông tin và kiến thức cũng ngày được mở rộng, cách mà thế giới tôn vinh nữ quyền cũng ngày càng nhiều hơn. Hân mong là không ai bị đối xử bất công chỉ vì họ đi theo đam mê và tiếng gọi bên trong mình.

Kể tên ba nhiếp ảnh gia nữ có ảnh hưởng đến phong cách chụp ảnh hoặc truyền cảm hứng cho Hân nhất?

Annie Leibovitz, Anastasia Lisitsyna, Vicki King.

Post vào đây một dự án / tác phẩm truyền cảm hứng nữ quyền mà Hân đã thực hiện hoặc bạn yêu thích. Bạn có thể chia sẻ vài câu về bức ảnh đó?

Hân khá thích bộ ảnh Desire này của Hân.

Ngay từ đầu khi định hình hướng đi và mục tiêu của mình trong nhiếp ảnh, hình ảnh cơ thể phụ nữ là vẻ đẹp Hân muốn theo đuổi và khai thác thông qua ống kính. Hân mong muốn người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp quyến rũ ở bên trong của người phụ nữ chứ không phải qua sự trần trụi, thô tục.

Tính nữ luôn ở trong một phần của mỗi người, với tất cả sự nuôi dưỡng, bao dung, và chăm sóc. Cũng nhờ có những điều đó mà Hân theo đuổi nhiếp ảnh với tất cả tình yêu thương – dù là chụp chân dung hay chụp couple, hình ảnh luôn rực rỡ phần cảm xúc. Khi có thể chuyển hoá năng lượng bên trong hiện hữu vào hình ảnh, người xem cũng nhận lại được những năng lượng như thế, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Với Hân thì hình thể là phương pháp giao tiếp vừa tinh tế, vừa chân thật. Chúng ta không cần phải nói với nhau bất kì câu gì, nhưng vẫn hiểu rõ đối phương muốn gì.

Với Hân, điều gì tuyệt vời nhất khi là “một cô gái cầm máy ảnh”?

Sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và sâu sắc là những điều tuyệt vời cho một cô gái cầm máy ảnh, được thể hiện một thế giới theo chính cảm nhận của mình. Những điều đó luôn ẩn bên trong, dù qua bất kỳ hình thức, concept chụp thế nào, vẫn luôn tồn tại những cảm xúc “chỉ con gái mới có” trong từng khung hình đó.

Hãy hoàn thành câu nói sau: Nhiếp ảnh gia không thể______

Nhiếp ảnh gia không thể tôn vinh một khoảnh khắc hay câu chuyện nào đó nếu không có một tâm trí mở rộng và cảm nhận sâu sắc khi đặt mình vào chính câu chuyện / khoảnh khắc đó.

Cuối cùng, Hân có thể gửi một lời nhắn nhủ cho các nhiếp ảnh gia nữ đang vất vả theo đuổi con đường chụp ảnh?

Cứ tiếp tục hành trình riêng của mình, những chướng ngại và khó khăn chỉ góp phần điểm lên những vẻ đẹp cho chính bạn, sức mạnh nội tại của bạn.

Hãy cứ chụp, vì chính bản thân mình trước.

Xem thêm:
#HọNóiLà: Huppie in Taiwan – Cuộc cách mạng để mạnh dạn nói “Không!”
#HọNóiLà: Travel Blogger Vinh Gấu: “Chỉ nhìn thế giới qua TV thì thật phí hoài tuổi xuân”
#HọNóiLà: Trung Rwo – “Nghệ thuật luôn xoa dịu những nỗi đau không nói thành lời”

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago