Lifestyle

Hiểu rõ về sự trả thù “oan oan tương báo”

Trong một khoảnh khắc nào đó trên đời, ta có thể đã từng bị ai đó làm hại, bị lừa gạt và bị buộc tội vì điều gì đó mà ta không hề làm. Ngay trong lúc đó hoặc sau này khi ngộ nhận, nhiều người sẽ có tâm lý muốn dành công lý cho mình. Một số sẽ nhờ sự trợ giúp từ những người có thẩm quyền, nhưng cũng một số sẽ tự trả thù.

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển của con người, ta đã chứng kiến nhiều sự kiện được tạo ra bởi lòng hận thù. Đây là một hành động nhằm ngăn chặn, chống trả đối với những sai trái hoặc tự vệ và đã được nhiều nhà nhân chủng học quan sát thấy trong hầu hết mọi nền văn hóa (thậm chí trong vương quốc động vật cũng đã thể hiện khuynh hướng trả thù).

Trong đời sống hằng ngày, trả thù có thể xảy ra trong chính bản thân ta lẫn những người xung quanh ta. Đó có thể là điều mà ta cư xử với người yêu cũ, công ty mà bạn làm việc, hoặc một người lạ cắt hàng trước bạn tại cửa hàng tạp hóa… Mục đích của những hành động trả thù là để truyền đi cảm giác bị tổn thương khi rơi vào những tình huống trên: để cho người yêu cũ thấy bạn cảm thấy bị phản bội như thế nào, để thể hiện sự khó chịu của bạn vì bị ngó lơ…

Hành động trả thù có thể gây tổn hại lớn (như phá hoại tài sản), hoặc chỉ bình thường (như để lại đánh giá xấu về một nhà hàng hoặc không trả lời tin nhắn của người đã làm bạn khó chịu). Những hành động trả thù có thể được tính toán từ trước hoặc diễn ra tức thì.

Lý do sâu xa của sự trả thù là gì?

Cơ sở của sự trả thù có thể bắt nguồn từ mong muốn duy trì trật tự của tổ tiên chúng ta. Khi các hành động gây hấn (như giết người và trộm cắp), được đáp lại bằng những hành động tương tự, kẻ phạm tội ban đầu sẽ bị ngăn cản không thực hiện những hành vi bạo lực đó lần nữa. Về mặt lý luận thì điều này cũng có lý: Làm tổn thương người làm bạn đau/khó chịu để họ không thể làm tổn thương ta thêm nữa.

Động lực chính của việc trả thù là tin vào một thế giới công bằng. Trong thế giới này, những điều tốt đẹp xảy ra với những người tốt, và những điều xấu sẽ xảy ra với những kẻ xấu. Khi trật tự này bị đảo lộn, bạn có thể cảm thấy bị thôi thúc để làm cho mọi thứ trở nên công bằng. Tuy nhiên, sự trả đũa đôi khi đi xa hơn so với mục đích ban đầu của nó.

Việc trả thù đôi lúc có thể gây ra ảnh hưởng lớn ở xã hội hiện đại, nó có thể tạo ra một chu kỳ bạo lực (chưa kể còn bất hợp pháp) với đối với nhiều người. Nhưng ngược lại, việc kìm nén, kiểm soát những suy nghĩ về trả thù có thể khiến chúng quay trở lại mạnh mẽ hơn. Và cả hai luồng suy nghĩ như thế đôi khi khiến chúng ta ở trong tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’.

Việc trả thù bắt đầu từ những nguồn cơn tiêu cực nào đó

Vì sao khi trả thù thành công, ta thường chỉ cảm thấy thỏa mãn trong thời gian ngắn?

Khác với những hành động gây hấn ngẫu nhiên, trả thù thường bắt nguồn từ một nguồn cơn tiêu cực nào đó. Đây là một lựa chọn để trả đũa người đã làm sai với bạn, để lấy lại quyền lực đã bị tước đoạt từ bạn. Chính bởi điều này, những người tìm kiếm sự trả thù thường cảm thấy họ có lý do chính đáng cho hành động của mình, và việc trả thù có thể mang lại cảm giác dễ chịu.

Thêm vào đó, người bị trả thù cũng cần phải hiểu lý do tại sao họ phải nhận phải quả báo này. Khi người phạm tội nhận ra rằng họ đã làm bạn đau khổ thì họ sẽ thường có xu hướng bù đắp lại. Sau khi trả thù thành công, đối tượng nhận lấy hậu quả sẽ cảm thấy hối hận cũng như tội lỗi, và sẽ tìm cách để sửa chữa tình huống. 

Nhưng đôi khi, cũng có trường hợp bạn sẽ không chứng kiến người phạm tội trả giá cho những hành động của họ (chẳng hạn như khi để lại đánh giá tiêu cực trực tuyến) và không biết liệu sự trả thù của mình có thành công mang lại điều gì đó tiêu cực cho đối phương hay không.

Nhưng dù vậy, sự trả thù cũng mang lại khoái cảm ở mức độ sinh học. Trong một vài nghiên cứu được tiến hành về việc thực hiện các hành động trả đũa gây hấn, những vùng não bộ liên quan đến phần thưởng sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, sự thỏa mãn này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Theo ông David Chester, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia Commonwealth: “Thực ra, đó chính là cơ chế của những vùng này. Bạn sẽ nhận được nó trong một thời gian ngắn, và rồi phai nhạt rất nhanh.”

Cũng theo ông, những cảm xúc như tội lỗi, xấu hổ và bối rối cũng có thể là yếu tố làm giảm bất kỳ sự khoái cảm nào có được từ những hành vi trả thù. Trong giai đoạn không kiểm soát tốt, một số người đặc biệt là những người có khuynh hướng tàn nhẫn, có thể cảm thấy những hành vi trả đũa của mình chưa đủ và bị thúc đẩy để tìm kiếm sự trả thù lần nữa. 

Ông nói: “Nó sẽ tạo ra một chu kỳ của sự trả thù: nhận được phần thưởng nhưng lại ngắn ngủi, suy giảm nhanh chóng, và sau đó là một chút cảm giác tệ hại có thể thúc đẩy người ta quay lại vào chu kỳ, và càng củng cố nó.”

Lằn ranh giữa trả thù và sự tha thứ

Sự trả thù mà mang tính xây dựng cho người kia, để họ có được bài học sẽ còn tùy thuộc vào mục tiêu của người trả thù. Tuy nhiên, để đạt được mức độ đó thì ‘hình phạt’ phải vừa hiệu quả nhưng cũng nên ở mức độ phù hợp. 

Ví dụ, có thể bạn muốn trả đũa một người bạn không mời mình đến bữa tiệc của họ bằng cách không đưa người đó vào danh sách khách mời của bạn. Nhưng ngược lại, nếu bạn đăng những bài viết mơ hồ mang tính gây hấn về người phạm lỗi đấy trên mạng xã hội, thì người bạn đó và những người khác có thể sẽ bối rối về lý do bạn làm vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta nên có những quan điểm rõ ràng trong việc truyền đạt ý nghĩa đằng sau hành động trả đũa của mình.

Những hình thức trả thù ở mức độ nhẹ có thể dạy cho người khác một bài học so với việc bỏ qua hành động sai trái của họ. Điều này đặc biệt đúng trong các mối quan hệ lãng mạn, nơi mà mọi người có xu hướng bỏ qua những vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt. Ví dụ: nếu bạn đời của bạn không gọi điện lại cho bạn, bạn có thể nói rõ với họ về điều này nhưng nếu các hành động vẫn tái diễn nhiều lần, bạn có thể chọn cách lạnh nhạt với họ trong thời gian ngắn để họ cũng có thể cảm nhận được điều đó.

Còn đối với việc tha thứ lỗi lầm thì sao? Bước đi này cũng có thể là con dao 2 lưỡi. Bởi nếu ai đó đã làm bạn tổn thương nhiều lần và bạn liên tục tha thứ mà không có bài học nào, làm sao người đó có thể biết được hành vi của họ thực sự làm bạn khó chịu?

Đôi khi, sự tha thứ sẽ là không đủ nếu mục tiêu của bạn là thay đổi hành vi của ai đó. Và mặc dù sự trả thù có thể truyền tải rõ ràng thông điệp một cách tốt hơn trong trường hợp này, thực tế là nó không đơn giản như vậy. Ví dụ, ta chọn tha thứ người yêu vì họ ngoại tình, thì người đó có thể sẽ tiếp tục hành vi lừa dối này. Nhưng ngược lại, trả đũa bằng cách cũng ngoại tình thì lại không nên.

Nhưng dù cho thế nào, ta vẫn nên luôn chọn cách giải quyết trưởng thành và tha thứ, hơn là trả thù người đó…

Nhiều chuyên gia sẽ không khuyến khích bạn lựa chọn sự trả thù là một phương án đầu tiên đâu! Bất kỳ hành động gây hấn, tổn thương nào, và đặc biệt là bạo lực và các hành động bất hợp pháp khác, đều không bao giờ nên thay thế cho một cuộc trò chuyện bình thường, thẳng thắn. Bởi vấn đề là, nhiều người sẽ không dự đoán được những hậu quả tiềm tàng của việc trả thù của họ khi đi quá xa hoặc mất kiểm soát.

Chính vì thế, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ xem việc trả thù người khác có thực sự giúp ích cho bạn hay không. Ta lấy ví dụ chẳng hạn như thế này: chia sẻ những nhận xét tiêu cực về một đồng nghiệp lười biếng với các đồng nghiệp khác có thể mang lại cảm giác hài lòng ngay lúc đó, nhưng cái nhìn của người ngoài về bạn có thể trở nên tiêu cực; hoặc việc ‘cãi tay đôi’ với người tung xe bạn có thể leo thang thành bạo lực.

Ta cũng nên nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của họ. Điều gì có thể đã khiến họ hành động như vậy? Có lẽ là những yếu tố khách quan chẳng hạn. Nếu có thể, hãy chia sẻ câu chuyện của mình với người thấu hiểu của bạn hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần, người mà có thể nhìn nhận tình huống một cách khách quan và có khả năng đề xuất những cách ít rủi ro hơn để giải quyết vấn đề.

Chúng tôi cũng khuyến khích bạn tìm những cách không gây hại lên thể chất và tinh thần để cho người đó biết họ đã bị đối xử không tốt như thế nào. Bạn có thể nói chuyện với người đó rằng lời nói hoặc hành động của họ đã làm tổn thương bạn trước khi lựa chọn các phương án khác.

Nhưng nếu mọi thứ không ổn thì hãy sử dụng động lực và mong muốn trả thù đó cho những mục đích tích cực, ví dụ: đi dạo, đăng ký một lớp học nghệ thuật, thực hiện một dự án thủ công tại nhà, sắp xếp một buổi tụ họp với bạn bè.  Bất cứ điều gì để ngăn cản kẻ phạm lỗi có được sự thỏa mãn khi thấy bạn khó chịu đều là kết cục tốt đẹp hơn nhiều so với sự trả thù. Hoặc theo như thầy giáo dạy IELTS Đặng Trần Tùng từng nói: “Kill them with kindness” (tạm dịch: giết họ bằng sự tử tế).

Và lựa chọn cuối cùng, đó chính là sự tha thứ. Ta cứ vững bước tiếp mà đi và phá vỡ vòng lặp trả thù. Hãy là người rộng lượng trong tình huống xấu đó và thể hiện sự ân cần đó với người khác. Bạn cần phải nhớ là tha thứ không có nghĩa là hành động của người phạm lỗi đó là chấp nhận được, nhưng bạn cũng không nên tiếp tục bị trói buộc với sự tổn thương mà họ gây ra. Hãy cắt đứt mối liên kết tổn thương đó và luôn tự nhủ rằng mình sẽ không để nó ảnh hưởng đến chính bản thân nhé.

Dao Thomas

Recent Posts

Triển lãm “Tằm” của Kén Lab: Sự bình dị của dương gian qua tranh lụa

Sự kiện trưng bày tác phẩm lần thứ hai của nhóm những hoạ sĩ "vẽ…

4 giờ ago

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

1 ngày ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

2 ngày ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

3 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

4 ngày ago