Lifestyle

Hiệu ứng Benjamin Franklin – Tranh thủ cảm tình của người khác bằng cách nhờ họ giúp đỡ

Hiệu ứng Benjamin Franklin (The Benjamin Franklin Effect) là một dạng thiên kiến nhận thức khiến chúng ta nảy sinh cảm giác thân thiện với một người sau khi đã giúp họ làm việc gì đó, đặc biệt nếu đó là người trước đây ta không ưa hoặc có cảm giác ‘trung lập’ không thích không ghét họ.

Hiểu rõ hơn về hiệu ứng Benjamin Franklin sẽ giúp ta sử dụng nó hiệu quả trong tương tác với người xung quanh, đồng thời nhận ra khi nào bản thân đang là mục tiêu thao túng của người khác.

Thế nào là hiệu ứng Benjamin Franklin?

Ví dụ trực diện và nổi tiếng nhất về hiệu ứng này chính là thứ đã tạo ra nó: câu chuyện của nhà khoa học kiêm chính trị gia lỗi lạc Benjamin Franklin.

Trong hồi ký của mình, Franklin tường thuật lại cách ông đã dùng để ‘đối phó’ với một người thuộc phe đối thủ. Sau khi biết người này sở hữu một quyển sách hiếm, Franklin đã viết thư xin được mượn sách vài ngày. Người này đồng ý. Một tuần sau, sách được trao trả kèm với lá thư cảm ơn, bày tỏ sự yêu thích của Franklin với quyển sách. Trong lần gặp tiếp theo, nhà lập pháp đối thủ đã vô cùng lịch sự nói rằng sẽ sẵn sàng giúp đỡ Franklin trong những vấn đề khác nếu cần. Cuối cùng, hai người trở thành bạn tốt. 

Không phải người ta yêu cầu, mà chính người từng giúp ta một lần mới sốt sắng giúp ta lần nữa.

Hồi ký của Benjamin Franklin

Một ví dụ phiên bản hiện đại hơn của hiệu ứng này là nghiên cứu công bố năm 2014 trên tờ The Journal of Social Psychology. Đối tượng thí nghiệm nhận nhiệm vụ giải câu đố cùng một người khác (thực chất là người thuộc nhóm nghiên cứu). Một số đối tượng được người kia nhờ trợ giúp trong quá trình giải đố. Kết thúc thí nghiệm, những đối tượng nhận yêu cầu giúp đỡ đã thể hiện hiệu ứng Ben Franklin – họ bày tỏ cảm xúc tích cực về ‘người kia’ hơn những đối tượng không nhận được yêu cầu giúp đỡ.

Tại sao chúng ta bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Benjamin Franklin?

Hiệu ứng Benjamin Franklin thường được giải thích bằng thuyết bất hòa nhận thức (cognitive dissonance). Theo đó, con người có nhu cầu bảo đảm sự nhất quán giữa niềm tin và hành vi của mình. Niềm tin bất nhất hay tình trạng xung đột nhận thức sẽ gây ra cảm giác khó chịụ về tinh thần. Do đó, con người né tránh tình trạng này bằng cách buộc phải thay đổi ít nhất một thứ để xóa bỏ hoặc giảm bớt sự không nhất quán (bất hòa).

Chúng ta trải nghiệm hiệu ứng Ben Franklin vì muốn giảm tình trạng bất hòa về nhận thức của mình – cụ thể ở đây là sự không nhất quán giữa việc giúp đỡ ai đó (hành vi) và việc không thích hoặc chưa có nhiều thiện cảm với họ (nhận thức). 

Thông thường, khi giúp ai đó, chúng ta cần có lý do để tự biện minh cho hành động này – có thể ta có cảm tình với họ, có thể ta thấy mình quá ngầu vì được nhờ vả, cũng có thể vì biết rằng người kia sẵn sàng giúp lại khi cần,… Nhưng khi đối phương là người lạ / người mình không mấy quan tâm / người mình cực ghét, thì ta không có lý do gì để ‘bào chữa’ cả. Khi đó, thuyết phục bản thân rằng “thì ra mình cũng không ghét nó tới vậy”  nhìn chung vẫn là cách đơn giản nhất để hợp thức hóa hành động ưu ái dành cho họ.

Một lý thuyết khác có thể sử dụng để lý giải hiệu ứng này, đó là thuyết tự nhận thức (self-perception) – khi chúng ta không có thái độ cụ thể đối với một vật hoặc một người nào đó, ta có xu hướng quan sát hành vi của bản thân và dùng chính quan sát này làm cơ sở để quyết định về thái độ của mình. Trong trường hợp của hiệu ứng Ben Franklin, khi nhận lời giúp đỡ ai đó xa lạ / không quá thân, ta sẽ quan sát hành vi tích cực (giúp đỡ) của mình và dùng nó để kết luận rằng “hẳn mình cũng có cảm xúc tích cực với người này”.

Lý giải cuối cùng, là việc được nhờ vả cho chúng ta cảm giác được công nhận và được tôn trọng, từ đó dẫn đến nảy sinh thiện cảm với người cần sự giúp đỡ của mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải lúc nào thủ thuật này cũng có hiệu quả. Có thể người làm ơn không mấy để tâm đến chuyện đã giúp ai đó, hoặc họ có khả năng biện minh cho hành động của mình bằng cách khác (nhìn về lợi ích trong tương lai của lần gia ơn này) thay vì vô thức thuyết phục bản thân phải tăng cường sự yêu thích với đối phương. 

Những tác nhân ảnh hưởng đến hiệu ứng Benjamin Franklin

Vì hiệu ứng này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu giảm bớt bất hòa về nhận thức nên khi sự bất hòa càng lớn thì khả năng một người trải nghiệm hiệu ứng này càng cao. Điều này có nghĩa là, nếu càng ghét ai thì ta sẽ càng có ‘nguy cơ’ thấy họ dễ mến hơn sau khi đã giúp đỡ.

Chi phí cơ hội cũng là một tác nhân gây ảnh hưởng. Chúng ta chỉ hơi hơi thích người kia cũng được, miễn sao ‘cái giá phải trả’ của sự giúp đỡ này (rủi ro, công sức, nguồn lực liên quan,…) không cao hơn quá nhiều mức độ yêu thích sẵn có của ta với họ. Ngoài ra, theo thuyết tự nhận thức, thì các trường hợp thiếu đi thái độ sẵn có cũng có thể làm tăng khả năng trải nghiệm hiệu ứng Benjamin Franklin.

Vận dụng hiệu ứng Benjamin Franklin

Cách cơ bản nhất là cứ nhờ ai đó giúp đỡ mình. Tuy nhiên, để tối đa hóa hiệu quả, có thể tham khảo một số cách sau đây:   

Mức độ của ơn huệ không quan trọng bằng bản thân ơn huệ đó. Nói cách khác, sự thay đổi trong cách nhìn nhận xuất phát từ việc người kia đồng ý giúp đỡ mình, cho dù đó chỉ là việc nhỏ.

Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng người khác sẽ không nhận lời vì những phiền phức tiềm ẩn trong việc đồng ý giúp ta. Trong khi thực tế, người được hỏi lại tập trung nhiều hơn vào những rủi ro về mặt xã hội khi họ từ chối một yêu cầu trợ giúp trực tiếp.

Nhìn chung, đối phương thường không nhận thấy được ý định của trò ‘nhờ vả’ này, ngay khi nó có lồ lộ đến đâu. Chúng ta thường cho rằng người khác có thể nhìn thấu mình vì ảnh hưởng của ảo tưởng minh bạch (illusion of transparency – nghĩ rằng người khác hiểu giống mình về những thứ mình nói) và lời nguyền kiến thức (curse of knowledge – nghĩ rằng người nghe có đủ thông tin cần thiết để hiểu về vấn đề mình đang nói). Thế nên, cứ ghi nhớ điều này để cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi vận dụng hiệu ứng Benjamin Franklin trong tương tác với người khác.

Giúp người trước khi nhờ người giúp mình. Nếu sợ người kia không nhận lời, hãy thử ‘chiêu thức’ bánh ít có đi bánh quy có lại. Về cơ bản thì khả năng người khác từ chối sẽ ít đi nhiều nếu trước đó ta đã từng giúp họ, cả khi chính họ không yêu cầu sự giúp đỡ đó. Nhưng nhớ đừng để khoảng cách giữa hai lần qua-lại này quá dài, vì hiệu ứng có qua có lại sẽ giảm dần theo thời gian.

Cũng chiêu thức qua-lại, sau khi đã nhờ giúp đỡ, nên cân nhắc đáp lễ trong trường hợp vẫn cần họ hỗ trợ sau này. Vì thế, nếu định nhờ ai đó giúp đỡ trong những việc lớn, tốt nhất nên dọn đường bằng cách nhờ họ một việc nhỏ mà ta có thể trả ơn, sau đó hẵng đi vào vấn đề chính.

Chống lại hiệu ứng Benjamin Franklin

Nếu chúng ta vận dụng thủ thuật này lên người khác thì người khác cũng có thể làm điều tương tự với ta, cho dù họ có nhận thức rõ ràng về hiệu ứng Benjamin Franklin hay không. 

Động lực của việc sử dụng hiệu ứng này thông thường là để xây dựng quan hệ – một việc khá vô hại và có lẽ không mấy người bận tâm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp đối phương muốn lợi dụng nó để phục vụ những ý định tiêu cực hơn, hoặc đơn giản chỉ là ta không thích mình trở thành mục tiêu của một thủ thuật thao túng.

Để chống lại tác động của hiệu ứng Benjamin Franklin, bước đầu tiên, cần có nhận thức về hiệu ứng này (nếu đã đọc đến đây thì bước này đạt yêu cầu rồi).

Tiếp theo là nhìn ra các tình huống mà đối phương đang cố gắng dùng hiệu ứng này để gây tác động, từ đó có cách phản ứng phù hợp. Từ chối yêu cầu giúp đỡ là cách hiệu quả nhưng không khả thi mọi lúc, ví dụ ta sẽ khó nói Không khi được nhờ hỗ trợ trong môi trường công sở vì nó có khả năng gây ảnh hưởng đến danh tiếng bản thân.

Thay vào đó, hãy bảo vệ mình bằng những phương pháp loại thiên vị (debiasing). Chúng giúp làm chậm quá trình tự biện giải (cho hành động giúp đỡ), từ đó có hướng nhìn nhận lần gia ơn này theo cách hợp lý hơn, tránh vô thức gia tăng mức độ yêu thích với đối phương. Ví dụ, chúng ta có thể thuyết phục bản thân bằng những lợi ích tương lai của sự giúp đỡ trong hiện tại, hoặc bằng sự thật rằng ta nhận lời giúp chỉ để tránh người khác hiểu lầm về mình chứ không phải vì có cảm tình với người đang nhờ vả.

Kết

Tổng kết lại, hiệu ứng Benjamin Franklin xảy ra vì hai nguyên nhân chính:

– Nỗ lực giảm bớt bất hòa nhận thức bằng cách biện minh cho hành động giúp đỡ ai đó mình không thích rằng “thực ra mình cũng có cảm tình với họ”;
– Thái độ vô tình được định hình từ sự quan sát hành vi của bản thân, nếu trước đó bản thân không có sẵn nhận thức hay hành vi gì cụ thể.

Do đó, chúng ta cũng có một phiên bản hiệu ứng Benjamin Franklin đảo chiều – khi ta ghét ai đó hơn sau khi đã có thái độ tiêu cực với họ. Lý giải tương tự, chúng ta cần tự biện giải cho hành động của bản thân (“Tôi đối xử tàn nhẫn thế này là vì tôi không thích nó.”), đồng thời cũng dựa vào chính những hành động này để quyết định về cách ta nhìn nhận họ. 

Một điều cần ghi nhớ, đó là mặc dù có thể vận dụng hiệu ứng Benjamin Franklin để tranh thủ sự ưu ái của người khác thì cũng đừng nên lạm dụng nó để trục lợi. Hãy thực tế về việc mình đang nhờ ai, và mình đang nhờ điều gì. Nếu yêu cầu một sự giúp đỡ lớn từ người xa lạ, khả năng cao là họ sẽ vẫn từ chối, đồng thời còn hình thành ấn tượng xấu về ta nữa.

Cuối cùng, đừng quên rằng cách nhờ vả cũng rất quan trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến khả năng người kia đồng ý giúp đỡ, mà còn ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận chúng ta sau này. Những tình huống cụ thể sẽ cần đến những cách nhờ vả khác nhau, nhưng nhìn chung, ta sẽ nhận được kết quả tốt nếu nhờ vả người khác một cách tử tế, lịch sự. Dù gì đi nữa thì mục đích sử dụng của hiệu ứng Benjamin Franklin cũng là để người khác có cảm tình với chúng ta hơn, từ đó làm tiền đề xây dựng quan hệ giao hảo với họ.

Tham khảo:
Does a Favor Request Increase Liking Toward the Requester?
Self-Perception Theory

Xem thêm:
Hiệu ứng Người ngoài cuộc – Cha chung mà sao không ai khóc?
Pygmalion Effect: Hiệu ứng tâm lý từ lời khen của một người

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

20 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago