Lifestyle

Tích cực độc hại – Không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết bằng nụ cười

Rất nhiều người tin rằng, dù mọi thứ có khó khăn đến thế nào, chỉ cần giữ vững thái độ lạc quan vui vẻ thì mọi chuyện rồi sẽ ổn hơn. Đây là lối tư duy ‘good vibes only’ – cứ vui lên mà sống. Mặc dù làm người lạc quan, tích cực vẫn mang đến những lợi ích nhất định, nhưng nếu lạc quan, tích cực một cách khiên cưỡng đến mức chối bỏ tất cả những cảm xúc khó chịu bên trong, chỉ chọn ‘giữ lại’ một vẻ ngoài vui tươi giả tạo, thì đó lại là một kiểu tích cực độc hại.

‘Sống tích cực thì có gì không tốt?’ hay ‘Tại sao cứ phải nhìn vào mặt xấu của tất cả mọi thứ?’ sẽ là những lời biện hộ thường bắt gặp nhất của team chọn lối sống tích cực độc hại. Tuy nhiên, có một việc cần phải làm rõ. Sống tích cực không đồng nghĩa với việc chọn lọc cảm xúc. Cuộc sống không phải màu hồng. Sẽ có lúc chúng ta phải đối diện với khó khăn, phải trải qua những cảm xúc khó chịu, những cơn ‘tuột mood’ tưởng như không thể kéo lên nổi. Mặc dù rất rất khó chịu, rất rất khó đối diện, nhưng suy cho cùng, chúng cũng chỉ là cảm xúc bình thường của con người – chúng ta có vui thì có buồn, có thương cũng có giận. Chúng xứng đáng được trải nghiệm, được cảm nhận, và được xử lý một cách cởi mở, chân thành.

Trong khi đó, tích cực độc hại, hay lạc quan độc hại (toxic positivity) lại chú trọng vào việc nâng cao tầm quan trọng của trạng thái lạc quan tích cực đến mức quá đà, song song đó là cố gắng hạ thấp giá trị, từ đó chối bỏ hoàn toàn bất cứ cảm xúc nào không được dán nhãn ‘tích cực’ hay ‘tốt’. Mỗi người chúng ta không mang theo trên mình cái công tắc cảm xúc nào, không thể cứ bật nút là vui còn tắt đi là buồn, thế nên tích cực độc hại thực chất chỉ là một trạng thái cảm xúc giả dựa trên tự ám thị – một lối tư duy không mang lợi ích cả trong ngắn hạn lẫn về lâu dài.

Tích cực độc hại – Tưởng hay mà hại

Tích cực độc hại có thể khoác nhiều chiếc áo khác nhau. Lấy ví dụ về một người A chuyên style tích cực không lành mạnh, chúng ta sẽ có một số trường hợp như sau:

– Khi bạn chia sẻ về một tình huống khó khăn mình đang gặp phải, người A sẽ an ủi bằng những câu như, ‘Ôi, dù gì đi nữa thì cứ tích cực lên mà sống chứ.’ hoặc ‘Không sao đâu, nhìn vào mặt tích cực thì …’. Mặc dù những câu nói này thường là để thể hiện sự thông cảm, nhưng chúng đồng thời cũng dập tắt đi mong muốn chia sẻ thêm về những gì bạn đang phải trải qua.  

– Nếu chia sẻ về mất mát của mình, người A sẽ bảo rằng, ‘Chuyện gì xảy ra cũng có lý do của nó cả.’ Câu nói này thường được cho rằng có tác dụng an ủi, cũng như giúp người đang đau buồn có thể trở nên lý–trí–hơn, nhưng ơ kìa, người ta chia sẻ vì đang muốn tìm một chỗ dựa để có thể mạnh mẽ hơn mà đối diện với nỗi đau của mình, chứ không phải để được nghe khuyên nhủ rằng ‘Đừng nói về nỗi đau nữa, chúng ta tập trung vào nguyên nhân nhé.’

– Khi bạn buồn bã, thất vọng, người A sẽ khuyên rằng, ‘Hạnh phúc là một sự lựa chọn. Tại sao chúng ta lại đi chọn nỗi buồn?’. An ủi? Không! Động viên? Không nốt! Nói thế này với một người đang buồn bã chẳng khác nào bảo rằng đây hoàn toàn là lỗi của họ khi đã ‘lựa chọn’ nỗi buồn thay vì niềm vui.

Những câu nói thế này có thể xuất phát từ ý tốt, nhưng thực tế chúng lại có hại. Nhẹ nhàng thì chúng như những lời vỗ về sáo rỗng, khuyến khích né tránh vấn đề, từ đó không cần phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực. Ở mức độ nặng hơn, chúng hoàn toàn có thể trở thành những lời buộc tội, sỉ nhục, đổ lỗi cho nạn nhân – những người đang ở trong tình huống khó khăn – vì đã cho phép bản thân lâm vào tình cảnh này.

Vì sao lại nói đây là tư duy độc hại?

Tích cực độc hại không khiến người khác trở nên tốt hơn. Ngược lại, nó chỉ càng xoáy sâu thêm vào nỗi đau của họ. Trong lúc dễ tổn thương nhất, thay vì được thành thật với cảm xúc của bản thân và nhận được sự giúp đỡ cần thiết, họ lại có cảm giác bị ngó lơ, cảm xúc của mình bị chối bỏ, nỗi đau của mình bị xem như không tồn tại. Từ đó, tích cực độc hại sẽ dẫn đến những suy nghĩ cực đoan khác.

Cảm giác nhục nhã
Khi ai đó đang buồn, cái họ cần là sự công nhận đối với những cảm xúc của mình, là sự thấu hiểu và yêu thương từ những người thân cận như gia định, bạn bè. Nhưng tích cực độc hại lại rất tích cực khiến người khác cảm thấy xấu hổ và nhục nhã hơn, vì những cảm xúc mà họ đang cảm thấy là những cảm xúc sai trái hoặc không xứng đáng.

Cảm thấy tội lỗi
Tích cực độc hại còn truyền đi thông điệp rằng, nếu không chịu tìm cách để duy trì sự lạc quan ngay cả khi mọi thứ quanh mình đang sụp đổ, thì đó là lỗi của họ (vì chúng–ta–luôn–có–thể–chọn–hạnh–phúc–mà–sao–bạn–lại–không–chọn)

Tránh né cảm xúc thật
Tích cực độc hại có vai trò như một cơ chế né tránh. Khi ai đó áp dụng những lời khuyên độc hại cho người khác, họ có thể tránh được việc phải nghe biết và cùng đối diện những cảm xúc khó chịu này từ đối phương. Còn với trường hợp tự sử dụng tư duy này cho mình, chúng ta cũng đang cố gắng tránh né tương tự bằng cách giảm nhẹ, xua đuổi, và chối bỏ những cảm xúc khó chịu mỗi khi tâm trạng có vấn đề.

Ngăn chặn quá trình phát triển bản thân
Tích cực độc hại ‘giúp’ chúng ta tránh né những cảm xúc đau buồn, đồng thời ảnh hưởng cả đến khả năng chống chịu của bản thân, trong khi khả năng đối mặt với khó khăn là một yếu tố vô cùng quan trọng, cần thiết cho quá trình trưởng thành của mỗi con người.

Làm thế nào để biết người khác, hoặc thậm chí là chính mình, đang lâm vào trạng thái độc hại này?

Không dễ để nhận biết ai đó, hoặc đôi khi là chính mình, đang chọn lối sống lạc quan ảo này, nhưng bạn vẫn có thể để ý một số dấu hiệu sau đây:

– Phủi bỏ thay vì đối mặt và tìm cách giải quyết
– Cảm giác tội lỗi khi vì bản thân đã thấy buồn bã, tức giận, thất vọng
– Che giấu cảm xúc thật đằng sau những câu nói không–sao–mà sáo rỗng, vì ai cũng thích một người vui vẻ lạc quan
– Bằng mặt nhưng không bằng lòng, bên trong bực tức bên ngoài cười vui
– Xem nhẹ, tránh né cảm xúc của người khác chỉ vì chúng khiến bạn thấy không thoải mái
– Mỉa mai, trách móc người khác khi họ không thể hiện thái độ tích cực
– Cố gắng ‘chịu đựng’ hoặc ‘vượt qua’ đau khổ

Hạn chế kiểu tích cực không lành mạnh

Nếu bạn đang bị ảnh hưởng bởi thái độ tích cực độc hại, không kể là từ người khác hay tự bản thân, thì có thể thử một số cách sau để xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh cũng như biết cách để hỗ trợ người khác tốt hơn.

Quản trị, chứ không chối bỏ, những cảm xúc gây khó chịu
Chấp nhận những mặt tiêu cực không có nghĩa là ‘thả rông’ để mặc cảm xúc điều khiển suy nghĩ và hành vi của mình. Thay vào đó, nên học cách nhận diện và quản trị mớ cảm xúc ‘cứng đầu’ này, bởi vì chúng vẫn cần thiết cho quá trình học hỏi và phát triển của bạn.

Thực tế hơn với cảm xúc của mình
Khi đối diện với những tình huống khó khăn, nếu thấy căng thẳng, lo lắng, thậm chí sợ hãi, thì xin chúc mừng, cơ thể và não bộ của bạn đang hoạt động rất đúng cách. Mỗi một loại cảm xúc đều có công dụng và ý nghĩa riêng, ngay cả những cảm xúc thường bị dán nhãn tiêu cực. Đừng tự hỏi bản thân vì sao không cảm thấy vui khi thuộc biên chế cắt giảm đợt này, bởi vì đó là một đòi hỏi rất quá đáng đấy!

Cảm xúc hỗn loạn? Hoàn toàn bình thường
Sau khi cảm giác bàng hoàng ban đầu qua đi, bạn có thể sẽ thấy… kỳ lạ khi đâu đó trong những ngày suy sụp lại là một tia sáng hy vọng cho tương lai. Lo lắng, nhưng vẫn lạc quan, thế tôi nên cảm thấy thế nào? Câu trả lời là cứ thành thật với những gì bạn cảm thấy thôi. Không có câu trả lời đúng sai cho cảm xúc, cũng như không thể thiết lập một quy chuẩn cụ thể về việc ai nên cảm thấy như thế nào trong những tình huống cụ thể. Cảm xúc con người cũng phức tạp như những thử thách mà chúng ta phải đối mặt vậy.

Lắng nghe và giúp đỡ chân thành
Khi ai đó chia sẻ với bạn về khó khăn của họ, đừng phủ đầu người ta bằng những lời an ủi sáo rỗng hay những câu chỉ trích. Nếu không thể giúp đỡ, hãy lắng nghe bằng tất cả sự chân thành. Đó đã là một cử chỉ đẹp rồi.

Để ý cảm nhận bản thân
Nhiều người có thói quen theo dõi những trang web hoặc những tài khoản chuyên truyền tải thông điệp lạc quan, năng lượng tích cực. Đây có thể là một biện pháp tiện dụng để cải thiện tâm trạng, tuy nhiên, hãy chú ý đến cảm xúc của mình sau khi tiếp xúc hoặc tương tác với những nội dung này. Nếu xem xong những bài viết ‘up mood’ mà tâm trạng còn đi xuống hơn vì thấy xấu hổ, tội lỗi, vô dụng khi đã ‘yếu đuối’, thì đây là dấu hiệu đáng lưu tâm. Trong những trường hợp này, nên cân nhắc hạn chế dành thời gian lên mạng, kể cả là để theo dõi những nguồn năng lượng tích cực.

Hãy để bản thân được cảm nhận những ‘năng lượng tiêu cực’
Có lẽ đã đến lúc chúng ta thôi dán nhãn cảm xúc. Thay vì ‘Tôi đang cảm thấy không tốt.’, hãy gọi tên cảm xúc của mình ra, ‘Tôi thấy khó chịu.’, ‘Tôi thấy bực bội.’, ‘Tôi rất thất vọng.’. Tất cả những gì chúng ta cảm thấy đều là những cảm xúc thực, chúng quan trọng, và chúng mang đến những lợi ích rất riêng. Như đã nhắc phía trên, cảm nhận cảm xúc không đồng nghĩa buông trôi bản thân, hành động theo quán tính. Cảm nhận cảm xúc khi chúng đến, cho bản thân thời gian và không gian cần thiết để cảm nhận chúng ra đi, trước khi thực hiện bất cứ hành động nào để giải quyết vấn đề.  

Kết

Lạc quan trong khó khăn không phải là bỏ qua tất cả những mặt xấu của vấn đề hay cố tình né tránh những cảm xúc tiêu cực bản thân gặp phải. Với những người đang gặp biến cố, phải trải qua mất mát, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn này, thì ‘Vui lên mà sống’ chính ra lại là một câu nói thể hiện sự thiếu hiểu biết, chưa nói đến sự vô cảm trước nỗi đau của đồng loại (cho dù người nói có ý như vậy hay không).

Chúng ta chỉ có thể lạc quan trong khó khăn khi và chỉ khi chúng ta chịu nhìn nhận vào tất cả mọi mặt – cả tốt cả xấu – của vấn đề mình đang gặp phải. Chúng ta chỉ có thể lạc quan trong khó khăn khi có được sự bền bỉ, dẻo dai, có được năng lực chống chịu với nghịch cảnh – ‘siêu năng lực’ được trui rèn từ hàng vạn tình huống khó khăn trước đây mà ta đã không hề né tránh. Chúng ta chỉ có thể lạc quan trong khó khăn nếu dũng cảm chấp nhận sự thật và ngừng dán nhãn tốt, xấu cho bản thân chỉ dựa vào trạng thái hiện tại.

Và cuối cùng, thì luôn giữ cho mình một thái độ tích cực trước nghịch cảnh là một điều đáng mừng, nhưng nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi không phải là một niềm vui giả tạo. Còn nếu ai đó đang trong tình cảnh khó khăn, cái họ cần là tấm lòng đồng cảm và những sự giúp đỡ thiết thực, chứ không phải những lời phê phán hay khuyên bảo ‘Cười lên đi nào.’

Xem thêm:
Bạn sẽ làm gì với quả chanh cuộc đời ném cho?
Ngáp – Thí nghiệm về lòng đồng cảm và tính liên kết xã hội
“Khoảng cách” – Ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago