Sinh năm 1969, ông Hoàng Nam Tiến tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội. Gia nhập FPT từ năm 1993, đến năm 2011, ông giữ vị trí Chủ tịch của FPT Software. Trong 8 năm, FPT Software đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%, trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới.
Vừa qua vào ngày 18.06.2024, Tập đoàn FPT được tạp chí kinh doanh đa quốc gia Fortune vinh danh là trong danh sách 500 công ty lớn nhất khu vực Đông Nam Á (The Southeast Asia 500); và là công ty lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) trong khu vực. Dự định trong năm 2024, FPT đặt mục tiêu tăng 17,5% doanh thu và 18,2% lợi nhuận trước thuế. Ngoài ra, tập đoàn còn hướng tới cột mốc 5 tỷ USD về doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Trong số 68 của series podcast Chapter 0, anh Hoàng Nam Tiến đã ngồi lại với host Hoàng Thu Thảo, để chia sẻ về tầm quan trọng của sự giáo dục đúng đắn cũng như quá trình tự học sẽ góp phần như thế nào trong công cuộc khởi nghiệp, kinh doanh của người trẻ. Ngoài ra, Phó chủ tịch trường Đại học FPT còn nêu lên quan điểm của mình về hình mẫu của một người lãnh đạo cần bao gồm những yếu tố gì.
Những câu chuyện kinh doanh khởi nghiệp không còn là chủ đề mới nữa, đặc biệt là ở những nước đang phát triển về kinh tế như ở Việt Nam. Thế nhưng có một thực tế là, chỉ khoảng 10% nhà khởi nghiệp thành công, còn 90% còn lại thì luôn nhận lấy thất bại. Hơn nữa, điểm chung giữa họ luôn là khởi điểm khó khăn, không có hoặc không muốn có sự giúp đỡ từ ai cả vì sợ hệ luỵ. Từ đó họ quay sang gia đình, dùng tiền nhà thế chấp hay vay tiền từ bạn bè để xoay xở.
Theo anh Hoàng Nam Tiến, lý do chúng ta liên tục bắt gặp những tình huống như trên là bởi vì các bạn chưa thật sự nghĩ kỹ, liệu ta có thể đi con đường này theo khác được không. “Thông thường, muốn thành công thì cần có kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm thì phải mất tiền. Điều thứ 2, muốn đi đến thành công cần có trải nghiệm nhiều, mà nó thường là đau thương. Và liệu chúng ta có cần 3 – 5 năm hay 10 năm để có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm cho việc khởi nghiệp thành công hay không? Chúng ta vẫn có những cách khác.”
“Không nhất thiết phải làm gà, thì mới biết nước sôi là nóng.” Đó là câu nói mà anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ. Theo đó, anh ngụ ý rằng không phải chúng ta cứ phải đau khổ, cứ mất tiền thì sau này mới thành công; bởi vì nếu nhìn xa hơn, thực ra chúng ta còn nhiều lựa chọn khác, nhiều con đường bằng phẳng hơn.
Anh Hoàng Nam Tiến nói tiếp: “Chúng ta có thể đi học. Gặp những người rất xuất xắc, đồng thời có thể kết nối với họ. Chúng ta có thể học từ bạn học chung, để họ sẵn sàng chia sẻ cho chúng ta những câu chuyện đó. Khi chúng ta cứ cố cắm đầu vào để làm, thì có thể ta không biết chiếc bánh xe của mình hình vuông, trong khi đó có con đường này người ta dùng bánh xe hình tròn. Nếu ta thật sự dành thời gian suy nghĩ cẩn thận, thì có lẽ con đường chúng ta đi sẽ xui xẻo rất nhiều.”
Nhưng để nói cụ thể hơn về nguyên cớ vì sao nhiều người khi khởi nghiệp thường thất bại, anh Hoàng Nam Tiến đã chỉ ra khúc mắc thường hay đến từ quá trình hình thành ý tưởng. “Ý tưởng hay thì không mới, ý tưởng mới thường không hay. Ta phải kết hợp cả 2 thì mới có thể khởi nghiệp thành công được”, ông nói.
Nhiều bạn trẻ có ý tưởng rất xuất xắc, và nó thường đến từ việc các bạn có năng lực tương đương ở một lĩnh vực nào đó. Nhưng với ý tưởng đó trong tay, các bạn lại không chia sẻ cho bất kỳ ai vì nghĩ làm như thế sẽ bị người khác cướp mất.
Anh Hoàng Nam Tiến cho rằng đây là một nước đi sai lầm; bởi nếu tiếp tục đi theo hướng này, đặc biệt nếu không có sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư thiên thần, thì các đồng tiền bạn đang vay sẽ “đi theo rất nhanh” và “chưa kịp làm gì cả thì đã chết trước bình minh“. Chính vì vậy, mỗi người khởi nghiệp cần phải thay đổi tâm thế trước khi kinh doanh.
Đúng là trên đời, không ai sinh ra là hoàn hảo, sinh ra mà biết tất cả mọi thứ cả. Vì thế, để thay đổi về tư duy và cách nhìn nhận vấn đề, đặc biệt khi muốn vận hành một doanh nghiệp, ta phải cần đến sự hỗ trợ từ giáo dục. Đối với anh Hoàng Nam Tiến, việc đi học tại một cơ quan chính thống hay tự học qua ‘trường đời’ đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, gắn kết bởi chữ ‘học tập suốt đời’ (lifelong learning).
“Mình có thể là một người xuất sắc. Ví dụ, tôi có ngoại ngữ rốt xuất sắc, có khả năng thiết kế, có khả năng kinh doanh rất xuất sắc. Thế nhưng chúng ta không có một cái nhìn toàn diện cho một doanh nghiệp”, Phó chủ tịch chia sẻ.
Ông nói tiếp: “Chúng ta không biết cái phương pháp luận về hoạch định chiến lược và triển khai chiến lược, chúng ta rất khó nói được rằng chúng ta có khả năng quản trị tài chính. Quản trị nhân sự cũng là yếu tố sống còn. Đó là còn chưa nói đến những kiến thức bạn đã học nhưng hiếm có thể áp dụng vào thực tiễn được. Vì thế chúng ta phải tham dự những khoá học cần thiết.”
Thế nhưng, việc tự học cũng khá là quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố tiên quyết. Trong thời đại công nghệ, khi mà mọi thứ thay đổi quá nhanh, những kiến thức ở trên các giảng đường đại học có thể sẽ trở thành kiến thức nền cơ bản; trong khi những tri thức từ thực tiễn thì các bạn sẽ không hoặc ít biết tới. Có thể cũng chính vì điều này, trong những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu học những khóa ngắn hạn để bổ trợ, thay vì học cao lên. Anh Hoàng Nam Tiến cho rằng nhận định cũng chỉ đúng một phần.
“Nó đúng ở chỗ là hiện nay vẫn còn một loạt các cái trường Đại học, các học viện đào tạo theo cách cũ. Khi học xong, các bạn sẽ được một cái nền tảng kiến thức tương đối tốt, không tệ; nhưng chắc chắn không dùng được. Bởi vì xu hướng học Quản trị kinh doanh bây giờ sẽ là thực chiến và thực tế. Tôi nghĩ nó là một hướng đi rất thực tế.”
Vậy chung quy lại, nếu các bạn trẻ muốn bắt đầu học cao học để sẵn sàng thành lập doanh nghiệp mới, họ sẽ nhận lại được gì?
“Các bạn có một cái nhìn rất rõ về doanh nghiệp, không chỉ là có bán hàng. Học về quản trị doanh nghiệp, chúng ta sẽ biết hoạch định chiến lược và triển khai chiến lược. Ngoài ra, ta còn có thể quản trị được tài chính, đặc biệt là dòng tiền. Quản trị được nhân sự, đặc biệt là xây dựng hệ thống nhân sự của mình. Biết thêm về tổ chức và quản trị khách hàng, bán hàng, các chương trình marketing, về các hệ thống nhà cung cấp nữa. Học thêm về một số công nghệ, bởi vì không có nó thì các startup sẽ khó cạnh tranh được.”
Và đương nhiên, điều này không chỉ dành cho một số ít cá nhân mới khởi nghiệp; mà còn cho cả những người đang vận hành một doanh nghiệp đang có chỗ đứng. Anh Hoàng Nam Tiến nói: “Tuy chúng ta có thể không thật giỏi công nghệ, cũng không thật giỏi sản xuất; nhưng chúng ta phải biết và hiểu thì chúng ta mới quản trị được.”
Giống như một người lãnh đạo cần phải có 4 yếu tố, đó là: Chính trực (Integrity), tầm nhìn (Vision), tri thức (Wisdom) và vượt ngưỡng (Moonshot); thì trong hành trình hơn 30 năm song hành cùng công ty CNTT lớn nhất cả nước, ông Hoàng Nam Tiến đã ngộ nhận ra được nhiều thứ. Đặc biệt chính là về mục tiêu đề ra cũng như cách suy nghĩ khi làm việc với Tập đoàn FPT. Anh nói:
“Chúng ta phải có khát vọng, có niềm tin và sứ mệnh. Thậm chí nghĩ nó là trách nhiệm của ta, làm những điều vượt yêu cầu tối thiểu, như trong từ ‘moonshot’ ấy. Chúng ta phải tin là làm được. Và để có lòng tin đấy, ngoài việc đi làm bình thường, chúng ta phải học, tìm thầy, phải thử nghiệm, làm mọi điều để tiến bước.”
Cụm từ thứ 2 ông nói đó chính là “Cứ máu, có lẽ là xong“. Đối với anh Hoàng Nam Tiến, điều này có nghĩa là thể hiện được sự quyết tâm, máu chiến, luôn nghĩ rằng: “Mình có thể làm được điều này!”. Từ ý chí đó ta biến thành hành động, biến thành việc làm, biến thành việc thay đổi và dám chấp nhận rủi ro nếu có.
Điều cuối cùng mà anh Hoàng Nam Tiến chia sẻ, đó chính là sự huy động của toàn bộ cá thể trong tổ chức để thực hiện kế hoạch khó do những quyết định táo bạo đó: “Bao giờ cũng phải huy động sức mạnh từ mọi người. Phải làm sao từ ông chủ tịch đến một anh kỹ thuật, từ tổng giám đốc đến một cô bán hàng; đều chia sẻ nhau một mục tiêu chung để làm được việc đấy. Chứ không phải chỉ là cấp lãnh đạo.”
Quay trở lại với chủ đề học vấn, anh Hoàng Nam Tiến luôn tin tưởng rằng việc học là điều cần thiết. Chính vì thế, khi được hỏi về giả định nếu phải từ bỏ đi tất cả mảng đang kinh doanh và chỉ giữ lại một thì FPT sẽ chọn mảng nào. Anh Hoàng Nam Tiến đã nói rằng nếu vậy mảng giáo dục sẽ thứ duy nhất mà tập đoàn giữ lại và cống hiến cho xã hội, qua dịch vụ dạy và học của mình.
“Tôi tin rằng giáo dục của FPT sẽ ngày càng khác. Thực sự sẽ thực hiện đúng như tầm nhìn của chúng tôi, đó là tạo ra một tổ chức kiểu mới. Đấy là phải làm khác, làm tốt”, ông chia sẻ.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…