Lifestyle

#HọNóiLà: Du học sinh Việt và câu chuyện về quê ăn Tết 2021 “nhớ đời”

Cứ vào khoảng thời gian này, với mọi người Tết đã đến gần, nhưng với các du học sinh Việt, Tết cách xa ngàn cây số. Biết bao lâu rồi mới có cảm giác mua mai, mua đào cùng bố, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm quả rước ông bà, rủ bè rủ bạn chơi lô tô đến “sập mùng” chưa chán.

The Millennials tình cờ liên lạc được với hai bạn Nhật Anh – một du học sinh tại vùng đất Ireland xa xôi, và một bạn du học sinh Việt Nam chuyên ngành Du lịch tại Ý, Quỳnh Nga.

Quỳnh Nga – hay một cái tên gần gũi hơn là Chúi, là cô bạn du học sinh Việt Nam đã “vi vu” ở Ý từ năm 2019. Hiện bên cạnh việc học hành chăm chỉ tại Ý, cũng như làm biếng toàn thời gian, thì Nga còn tranh thủ làm tư vấn tài chính thời 4.0. Dành cho bạn còn đang thắc mắc về công việc mới lạ này: Các cụ ngày xưa thường nói nói, “Mẹ cha cho bạc cho vàng không bằng anh lấy được nàng trader”, và “nàng trader” đó không ai khác chính là cô bạn Quỳnh Nga. Và cũng như năm trước, cứ “đến hẹn lại lên”, Quỳnh Nga lại được may mắn về nước ăn Tết cùng gia đình.

Ảnh: Quỳnh Nga

Nhật Anh hiện đã tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Digital Marketing tại trường đại học UCD Smurfit (Ireland) vào năm 2019, và bạn đang làm việc tại Omnicom Media Group. Đi du học từ năm 2018, cô bạn sinh năm 1994 háo hức chia sẻ, “Đã 2 năm mình chưa được ăn Tết Việt cùng với gia đình và bạn bè. Vì vậy, chuyến trở về cuối năm 2020 lần này đã, đang và chắc chắn sẽ mang lại cho mình những kỉ niệm đáng nhớ.”

Ảnh: Nhật Anh

“Đáng nhớ” chắc hẳn bởi đây là một năm về nhà đặc biệt hơn rất nhiều, khi nhiều du học sinh vượt cả nửa vòng Trái Đất và 14 ngày nao nức trong khu cách ly tập trung, chỉ với hi vọng sớm được về nhà đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè và người thân. Nhật kí cách ly một thời “gây bão” vì những trải nghiệm thú vị, hài hước, và đáng nhớ mà không ai muốn cũng có thể trải qua được.

Bẵng đi một thời gian, cuộc sống trong khu cách ly dần lắng xuống, mọi người có tự hỏi, cách ly có còn vui nữa không? Gần Tết rồi, khu cách ly có còn nhộn nhịp, rộn ràng như những ngày đầu dịch vừa bùng phát? Những thắc mắc đó cũng sẽ được hai cô bạn đáng yêu giải đáp tất-tần-tật trong bài phỏng vấn dưới đây.

1. Điều gì đã thôi thúc các bạn quyết định đi du học? Tại sao hai bạn lại chọn Ireland / Ý là điểm dừng chân?

Nhật Anh: Ở góc độ chuyên môn, mình muốn được trau dồi kiến thức trong lĩnh vực Digital Marketing vì trước đây mình vẫn chưa được đào tạo chính thống và không có nhiều kinh nghiệm thực tế trong mảng Digital. Ngoài ra, sau 24 năm sống tại quê hương, mình nghĩ đã đến lúc mình cần đi đến một nơi xa hơn để hiểu về bản thân mình và thế giới to lớn ngoài kia.

Mình chọn Ireland vì mình thích chương trình học của ngành mình tại trường UCD Smurfit. Trường cũng hỗ trợ nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Một điểm cộng nữa là sinh viên tốt nghiệp Thạc sĩ/Tiến sĩ sẽ được ở lại 2 năm tìm việc tại Ireland. Người Ireland nổi tiếng siêu thân thiện nên mình nghĩ mình sẽ không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập.

Quỳnh Nga: Mình đã ấp ủ dự định đi du học thạc sĩ từ rất lâu rồi, ngay khi mình vẫn còn đang học Đại học tại Việt Nam.

Trước khi vào Đại học thì mình vẫn chưa xác định kỹ càng cho bản thân về những điều mình muốn học hay công việc sau này mình muốn làm. Nhưng trong suốt khoảng thời gian đó, mình đã có được những kiến thức và kinh nghiệm từ công việc làm thêm, từ trải nghiệm thực tiễn liên quan tới ngành dịch vụ. Từ đó mình rất muốn có thể học cao hơn với đúng chuyên ngành mình thích.

Sau một thời gian tìm hiểu thì mình thấy Đại học Bergamo ở Ý có đủ các tiêu chí để mình cần, nên mình quyết tâm “dứt áo ra đi” bỏ lại cuộc sống đang rất vui vẻ với bạn bè tại Việt Nam.

2. Nói về cuộc sống du học của mình, bạn sẽ miêu tả trải nghiệm đó như thế nào?

Nhật Anh: Mình nghĩ mình chỉ dùng một từ thôi là đủ: hết mình.

Vì mình không biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra sau sau năm học ngắn ngủi tại Ireland. Thế nên mình đã quyết tâm sẽ làm hết mình trong bất cứ việc gì – từ học, làm đến chơi.

Quỳnh Nga: Mình sẽ miêu tả cuộc sống du học của mình bằng ba từ: bất ngờ, lạc lõng, thú vị.

Khi mới đến Ý, có rất nhiều điều khác với Việt Nam đã khiến mình đã rất bất ngờ. Chẳng hạn như ở Ý, đồ ăn sáng sẽ thường là đồ ngọt với sữa hoặc cà phê, trong khi Việt Nam thì có hàng tá các lựa chọn – từ đồ khô cho tới đồ nước, từ đồ lạnh cho tới đồ nóng,…

Khi mới bắt đầu sang đây, mọi thứ đều sẽ rất lạ lẫm và mình gần như phải “reset” lại mọi thứ từ đầu, các mối quan hệ bạn bè và xã hội xung quanh. Nhịp sống ở Ý nói riêng cũng khá là chậm, khác hẳn với cuộc sống xô bồ mình từng trải qua, nên lúc đầu mình cảm giác như đang đi nghỉ dưỡng vậy. Có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu và làm những gì mình thích mà trước đó bản thân chưa có cơ hội để khám phá.

Ngoài ra, mình thấy cuộc sống bên này cũng rất “thú vị” vì mình được đi du lịch và trải nghiệm ở những thành phố mới, tìm hiểu về văn hóa, phong cách sống và con người ở nơi đây.

3. Những chuyến bay thương mại được chính phủ sắp xếp để đưa người dân về nước rất khan hiếm. Hai bạn có thể chia sẻ về quá trình đăng ký và “xếp hàng” đợi ngày về nhà không?

Nhật Anh: Mình nghĩ mình khá may mắn vì mình đăng kí đúng một lần và được chấp nhận. Mình đã có kế hoạch về Việt Nam vào tháng 12 từ trước, vì vậy từ đầu tháng 11 mình đã bắt đầu theo dõi trang thông tin của Đại Sứ Quán để cập nhật thông tin rồi.

Sau khi điền đơn đăng kí nguyện vọng về nước, Đại Sứ Quán sẽ gửi thông báo xác nhận sau 7-10 ngày trước khi chuyến bay khởi hành. Trong đơn đăng kí nguyện vọng, mọi người nên ghi rõ lý do về nước và đính kèm giấy tờ chứng minh nhu cầu cấp thiết.

Ảnh: Nhật Anh


Quỳnh Nga: Mình đã đăng ký về nước từ tháng 12 nhưng lại không được tham gia chuyến bay vào thời điểm cuối tháng. Vì thế sau đó mình có đăng ký lại một chuyến khác vào tháng 1. Nhưng đồng thời lúc đó mình cũng nhận được rất nhiều thông tin rằng do sắp đến Tết nên các chuyến bay hồi hương trong thời gian này sẽ bị hạn chế. Bản thân mình cũng nghĩ với tần suất ít như thế này mình khó thể có cơ hội về nước trong tháng 1 nên mình đăng ký thêm một lần nữa cho chuyến bay tháng 2.

Vào một đêm đẹp trời ngày 24 , mình vô tình check mail và nhận được thông tin từ Đại Sứ Quán Việt Nam tại Ý là mình “trúng số” chuyến bay ngày 28/1. Nhận được tin, mình rất vui nên đã cố gắng hết sức để có thể chuẩn bị hành lý trong vòng bốn ngày để kịp chuyến bay về nước.

4. Những chuyến bay được bố trí và quản lý thế nào để đảm bảo an toàn dịch bệnh?

Nhật Anh: Mình cảm thấy thực sự rất biết ơn những anh, chị, cô, chú tuyến đầu đã hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho chúng mình trong suốt hành trình bay và cách ly vừa qua. Có lẽ mọi người cũng biết, chi phí cho chuyến bay hồi hương này cao hơn so với chuyến bay thương mại thông thường vì cả công tác đón công dân Việt Nam từ sân bay London cũng như công tác cách ly phải được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.

Ảnh: Nhật Anh

Trong suốt quá trình bay và cách ly, chúng mình đều được nhắc nhở phải cẩn trọng để đảm bảo sức khỏe cho mình và những người xung quanh. Mọi người đều phải mặc đồ bảo hộ trong suốt chặng bay kéo dài 12 tiếng. Khi về đến khu cách ly mọi người đều được xịt khử trùng cùng với hành lý của mình.

Ảnh: Nhật Anh

Quỳnh Nga: Với chuyến bay do Đại Sứ Quán bố trí đón công dân về nước, các công dân cần làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh tại sân bay. Thêm vào đó, trước khi lên máy bay, mỗi người đều sẽ được phát đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh. Chuyến bay thẳng, không quá cảnh tại nước khác để hạn chế được rủi ro việc bị ảnh hưởng dịch bệnh từ các tác nhân bên ngoài.

5. Những nhật kí cách ly thời kì đầu bùng dịch đã trở nên rất phổ biến và được chia sẻ rầm rộ. Trải nghiệm cách ly của hai bạn có tương tự thế?

Nhật Anh: Đối với bản thân mình, mình vẫn giữ tâm thế rằng bản thân có thể mang mầm bệnh trong người. Thế nên mình giữ khoảng cách an toàn với càng nhiều người càng tốt. Tuy nhiên bọn mình vẫn có thể có những niềm vui khác như trò chuyện (tất nhiên là có giữ khoảng cách và mang khẩu trang), tập thể dục tại chỗ, lướt web.

Quỳnh Nga: Riêng với mình thì mình thấy cách ly rất vui. Mọi người đều tuân thủ các quy tắc được đề ra, nói chuyện tâm sự và chia sẻ về cuộc sống xa nhà (tất nhiên là giữ khoảng cách, ai ở giường người đó). Ngoài ra bọn mình còn tải ứng dụng hát karaoke với nhau trong phòng nữ, vừa an toàn lại vừa vui.

Ảnh: Quỳnh Nga

6. Ba kỉ niệm nào các bạn muốn chia sẻ trong giai đoạn cách ly tập trung?

Nhật Anh:

  • Được thông tin là F1 – mình đã ở chung phòng một đêm với một bạn dương tính.
  • Dọn vệ sinh ngày đầu làm mình nhớ bà ngoại kinh khủng. Hồi nhỏ khi còn ở nhà bà, mình được bà dạy dọn vệ sinh nên nhìn cảnh này cảm thấy nhớ bà và biết ơn bà.
  • “Hôm nay ăn gì?” là câu giao tiếp thường xuyên nhất của bọn mình ở khu cách ly.

Quỳnh Nga: Mình được ở tầng ba của khu cách li nên không thể quên được cảm giác khiêng ba chiếc vali nặng trịch từ tầng một lên tầng ba. Dù được giúp đỡ khiêng cùng nhưng sau khi vật lộn với đống hành lý đó xong mình cảm giác như lên được mấy múi cơ vậy, tay thì mất cảm giác còn đùi thì đau.

Nhưng đổi lại thì ở tầng ba rất mát mẻ, không gian cũng thoáng đãng nên mình thích lắm. Ngoài ra thì lịch ăn uống trong này cũng rất đúng giờ, mình chưa kịp xuôi thức ăn của bữa trước thì đã có bữa tiếp theo, chưa kịp ăn xong bữa tiếp theo thì có loa thông báo tới giờ đi ngủ. Cảm giác các chú bộ đội chăm sóc chu đáo quá, về thể nào cũng lên cân.

7. Điều hai bạn không thích khi ở khu cách ly?

Nhật Anh: Phải ở trong cách ly tất nhiên là điều không ai muốn rồi. Đối với mình thì ở đây hơi thiếu trái cây và đồ ăn vặt. Bình thường mình thích ăn nhưng vì để đảm bảo an toàn, khu của mình không được phép gửi đồ ăn từ ngoài vào.

Quỳnh Nga: Mình thì không có điều gì không thích ở đây cả.

Ảnh: Quỳnh Nga

8. Khi cách ly thì những thói quen và lối sống thường ngày của các bạn có thay đổi gì không?

Nhật Anh: Chủ yếu là thay đổi về mặt giờ giấc. Vì tụi mình vừa trở về từ nước ngoài nên cơ thể cần có thời gian để điều chỉnh. Có một thói quen mới cũng không hẳn là kì lạ nhưng chỉ là hơi khác hơi với lối sống thường ngày của mình là tuân thủ theo giờ giấc quân đội (tắt đèn lúc 9.30 tối và thức dậy lúc 5.30 sáng).

Ngoài ra do mình may mắn được cách ly gần nhà (mình cách ly ở Vĩnh Long, cách Cần Thơ quê mình 30 phút đi xe) nên nhìn cảnh vật miền Tây, nghe giọng miền Tây và ăn đồ ăn miền Tây, mình cảm thấy mình đã thực sự về nhà trong khu cách ly.

Quỳnh Nga: Mình được cái rất dễ thích nghi, nên thói quen và lối sống thường ngày của mình gần như không bị xáo trộn hay gặp khó khăn gì trong thời gian ở đây.

9. Lần này về nước là vì “trúng số” có vé về hay mục đích là về nhà ăn Tết?

Nhật Anh: Thực ra đi về hay ở lại đều tùy vào hoàn cảnh mỗi cá nhân. Đi về trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay cũng sẽ có những rủi ro nhất định, nhất là khi dịch đang bùng phát mạnh vào dịp Noel ở khu vực châu Âu.

Để đi đến quyết định đặt vé về, mình cũng đã suy nghĩ và phải sắp xếp khá nhiều – từ thể chất, sức khỏe tinh thần đến các kế hoạch cá nhân, công việc, tài chính.

Vì tính chất công việc, công ty cho phép và hỗ trợ mình làm việc tại nhà. Ngoài ra mình cũng cần làm mới và bổ sung một số giấy tờ cá nhân cần thiết tại Việt Nam. Về vào tháng 12 thì mình lại được ăn Tết Việt tại nhà nữa, thế nên mình đã chọn đăng kí vé về nước.

Quỳnh Nga: Mình gần như không có nhiều hi vọng cho chuyến về này, nghĩ chắc mẩm phải cuối tháng 2 – đầu tháng 3 may ra mới có chuyến về, nên khi biết được về mình thấy mình như “trúng số” vậy. Mình cũng biết có nhiều bạn cũng mong được về nhưng vẫn chưa “đến lượt” được xếp bay về trong chuyến bay của Đại Sứ Quán, nên bản thân có cơ hội về nhà, cảm thấy mình rất may mắn.

Ảnh: Quỳnh Nga

10. Đã bao nhiêu cái Tết Nhật Anh và Quỳnh Nga ở xa nhà rồi? Những lúc đó các bạn cảm thấy thế nào?

Nhật Anh: Hai năm mình không ăn Tết Việt. Mình chỉ có mở nhạc Tết trong phòng, tự nhẩm theo, xuống bếp nấu thịt kho tàu, rồi tự ăn trong phòng và gọi điện về cho nhà để khoe. Đúng là Tết ở nước ngoài thì buồn thật.

Năm đầu sang mình được mời sang khu kí túc xá của các chị người Việt ăn món ta. Cảm giác thích lắm, nhưng cũng nhớ nhà và bạn bè ở quê. Còn năm thứ hai mình ăn Tết một mình. Tất nhiên là vẫn thèm được ăn Tết ở nhà biết bao.

Quỳnh Nga: Mình mới có một cái Tết xa nhà thôi, đó là vào năm ngoái, cũng là năm đầu tiên mình đi du học. Lần đầu ăn Tết xa nhà thấy nhớ người thân kinh khủng, đặc biệt là ông bà và gia đình. Nhưng vì ở xa như thế nên mình cùng các bạn Việt Nam đã tổ chức nấu nướng ăn uống cùng nhau, cũng bày biện cỗ không khác gì ở nhà cả.

Ảnh: Quỳnh Nga

Năm nay thì đặc biệt hơn, ăn Tết ở khu cách ly.

11. Du học sinh thèm gì nhất khi ăn Tết xa nhà?

Nhật Anh:

  • Mình thèm món mẹ nấu, thèm được đi về quê.
  • Mình nhớ những câu chuyện xuyên lục địa với đám bạn thân lâu ngày không gặp.
  • Nhớ lắm cái không khí háo hức ở nhà có đào, có mai, có bao lì xì.
  • Thêm cả cái cảm giác mặc đồ mới xúng xính dạo phố chào mừng một năm tốt lành.

Quỳnh Nga: Du học sinh thì thèm nhiều món lắm. Mình nghĩ là không chỉ riêng bọn mình đâu mà bất cứ ai là người Việt Nam khi xa nhà đều nhớ nhất là món ăn Việt. Với mình thì Tết đến là mình thèm bánh chưng nhất, vì bánh chưng mang dư vị Tết nhất mà.

12. Dịp Tết năm nay, cả hai mong chờ nhất điều gì?

Nhật Anh: Trong thời điểm này, mình mong mọi người khỏe mạnh và có một cái Tết ấm no cùng gia đình.

Qua đây, mình cũng gửi lời cảm ơn chân thành các chiến sĩ, bác sĩ tuyến đầu đã không ngại những khó khăn, hi sinh thân mình để phục vụ, đảm bảo sức khỏe người dân. Mong các cô chú, anh chị luôn vững tin, có thật nhiều sức khỏe và sớm đoàn tụ cùng người thân.

Quỳnh Nga: Mọi năm thì mình lúc nào cũng mong:

  • Nhận được lì xì dù lớn rồi
  • Được ăn các món ngon thật ngon
  • Được diện quần áo đẹp đi chơi
  • Được đi du lịch

Còn dịp Tết năm nay mình sẽ đón ở khu cách li, mình mong là dịch bệnh sẽ được kiểm soát thật tốt để mình có thể về đoàn tụ cùng gia đình và người yêu mình nữa.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago