#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.
Trong nhiều năm trở lại đây, thanh xuân là một từ khóa rất phổ biến trong các tựa sách bán chạy, trong những bài hát thịnh hành, tên phim truyền hình, các trang báo, và những dòng trạng thái trên mạng xã hội.
Thanh xuân quả thật rất tuyệt vời. Đó là khoảng thời gian tươi đẹp nhất, phấn khởi nhất, nhưng lại chóng vánh nhất trong đời người. Song, trong những khoảnh khắc tuyệt vời như thế, chúng ta lại không chỉ đơn giản là tận hưởng nó, mà thay vào đó lại “tôn thờ” tuổi trẻ vô điều kiện. Trong đời sống văn hóa cộng đồng đang xuất hiện một thứ tín ngưỡng – tín ngưỡng tôn thờ tuổi thanh xuân.
Những ý niệm như tinh thần YOLO (viết tắt của “You Only Live Once” – “Bạn chỉ sống một lần trên đời”), hay carpe diem (thành ngữ Latin có nghĩa là “Hãy sống với ngày hôm nay”) được lan truyền khắp các phương tiện truyền thông, khiến đôi lúc nhiều người trẻ phải chột dạ rằng, mình đã sống đủ hết mình cho xứng đáng với “thanh xuân đời người chỉ có một” đó chưa?
Để trả lời cho câu hỏi đó, The Millennials Life đã cùng nhà văn Elvis Nguyễn ngồi xuống để chia sẻ về những câu chuyện của tuổi thanh xuân.
Elvis Nguyễn, tên thật là Nguyễn Huy Toàn, sinh ngày 27/05/1990 và hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Bạn được biết đến nhiều ở vai trò là một freelance writer hoạt động chính tại L’Infini – Diary of Life – fanpage với hơn 100,000 người theo dõi, cùng với một số kênh vệ tinh khác như Facebook và Instagram cá nhân.
Hỏi về cơ duyên đưa bạn đến với nghề “múa bút”, bạn nói, “Nhắc đến duyên với nghề viết, với bản thân mình thì đó là căn nguyên đến từ duyên nợ với sự cô đơn (như cách nói của người trẻ). Là quãng thời gian bản thân độc hành với những suy tư và định hướng của cuộc đời. Và khi bạn không thể sẻ chia cùng ai, thì viết là một lối thoát.”
Bên cạnh đó, Elvis còn là Founder/CEO của Công ty Cổ Phần Dịch Vụ và Thương Mại Nhà Trong Ngõ – một công ty chuyên setup, decor, vận hành và xây dựng truyền thông cho các nhãn hiệu thuộc lĩnh vực F&B. Được biết, công việc chính của nhà văn tại Nhà Trong Ngõ là định hướng thương hiệu và vận hành truyền thông. Cơ sở chính của Nhà Trong Ngõ tọa lạc tại Hà Nội, vừa là công ty, vừa là một quán nhỏ xinh mà có lẽ nhiều bạn theo dõi Elvis cũng không còn xa lạ gì.
Elvis xin gửi lời chào tới các độc giả của The Millennials Life. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian lắng nghe một kẻ bình phàm kể chuyện.
Dưới đây chỉ là một phần nhỏ trong mảnh đời trưởng thành của mình, những vấp ngã mà đại đa phần nhiều bạn cũng sẽ gặp phải, chỉ khác rằng, mỗi chúng ta lại lựa chọn những con đường khác nhau, điểm đến cuối cùng cũng sẽ khác.
Thời gian làm việc của một nhà văn thường rất bất ổn, nhất là ở thị trường Việt Nam, khi lợi nhuận việc viết lách trong lĩnh vực sách thấp dẫn đến công việc nhà văn khó trở thành nguồn thu chính cho các nhà văn tồn tại, nhất là các nhà văn mới vào nghề.
Thời gian viết Mặc Nhiên, mình thời điểm đó đang làm nhiếp ảnh, việc viết lách được phân bổ vào mọi lúc khi có thể, ngay cả trong những chuyến công tác xa nhà. Mỗi ngày mình thường dành 3-4 giờ để có thể viết.
Thời gian viết Những kẻ mộng mơ là khoảng thời gian khi bản thân đang mắc trầm cảm từ Sài Gòn trở về. Mình bỏ nhiếp ảnh, dành toàn bộ quỹ thời gian cho việc viết lách, mỗi ngày trung bình khoảng 10-16 giờ. Thời gian chủ yếu vào các buổi đêm, và mình thức trắng đêm trong quãng thời gian này.
Thời gian hiện tại, mình cũng có nhiều việc phải xử lý hơn liên quan tới thương hiệu Nhà Trong Ngõ và công ty, nên thời gian dành cho việc viết lách cũng giới hạn hơn. Đó là một phần nguyên do của việc ba năm rồi mình chưa ra tác phẩm mới, mặc dù quỹ thời gian được phân bổ logic và hợp lý hơn. Còn lý do chính thì mình sẽ chia sẻ cùng mọi người ở phía sau. (Cười)
Mình không có sách gối đầu giường, mặc dù mình đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, cộng với thời gian làm biên tập viên thẩm định bản thảo, có những ngày mình đọc 500 trang bản thảo của các tác giả trong nước.
Những người viết như mình thường phải giữ tư duy trung lập khi đọc tác phẩm, vì việc đọc các tác phẩm văn học quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng bị ảnh hưởng tư duy, văn phong của các tác giả khác.
Vô hình chung, nó sẽ khiến nhà văn mất đi cái chất của riêng họ trong lối kể chuyện và hành văn. Nên mục đích cuối cùng của mình khi đọc sách chỉ để gia tăng vốn từ và mở rộng tư duy chủ quan của bản thân. Thành ra nhà nhiều sách, nhưng chẳng đam mê điên cuồng cuốn nào để gối đầu giường cả. (Cười)
Mặc Nhiên được viết vào thời điểm mình còn khá trẻ, chỉ ngoài 20, nên đối tượng của đối tượng cũng ở tầm tuổi đó. Sau này mình nhận ra mình đã nhầm, độ tuổi chẳng nói lên điều gì trong cuộc sống này. Mặc Nhiên phù hợp với những người như mình, những người thiếu thốn tình cảm mà cô đơn rồi cô độc. Luôn im lặng, để rồi quẩn quanh.
Những kẻ mộng mơ là cuốn sách viết ở thời điểm nhạy cảm của cuộc đời mình. Điều duy nhất mà mình muốn truyền tải khi viết cuốn sách chính là “Hãy thức tỉnh, đừng mộng mơ nữa.” Bản thân mình cũng đã thức tỉnh ở thời điểm đó. Chúng ta dành quá nhiều thời gian yêu thương người khác mà quên mất thương lấy chính mình.
Thời gian đầu mình đã rất vui và tự hào, khi cuốn sách trở thành ấn phẩm được nhiều độc giả đón nhận. Sau đó mình lại thấy buồn vô cùng, bởi với khả năng viết của bản thân ở thời điểm đó, mình biết mình không đủ giỏi để hấp dẫn được các bạn bằng ngôn từ, các nhà văn gạo cội làm điều đó tốt hơn mình rất nhiều.
Thực tế đó nói lên rằng, ngoài kia rất nhiều mảnh hồn giống mình, đang cô đơn, cần được chở che và nương tựa. Trầm cảm thời điểm đó trở thành một trò đùa và là căn bệnh ảo giác do những người trẻ chúng ta dựng lên để tìm kiếm sự thương hại từ xã hội. Người ta nhìn nghĩ vậy, thấy vậy.
Mình không nghĩ mình có thành tích hay giải thưởng gì đáng tự hào, có thể người khác nhìn vào sẽ không thấy vậy, họ cho rằng bản thân mình đã đạt được nhiều thứ. Ví như:
Nhưng nghĩ lại thì, nếu tự gán cho bản thân mình một thành tích, có lẽ đó chính là “biết học hỏi.” Vì bản thân mình đều đi từ con số không để có được những điều trên.
Mình không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Dù nhà mình ở quận Thanh Xuân, nhưng chưa một lần mình định hình thanh xuân của mình là gì, ra sao, tới đâu. Khi bạn không có những tiềm thức đẹp về quãng đời bạn lớn, tự khắc thanh xuân chẳng có gì. Chỉ là cuộc đời tới đâu, mình tới đó. Cũng như cái duyên với nghề viết, mình không có sự lựa chọn khi chỉ còn một con đường duy nhất là viết.
Nếu tự định hình cho những bước chân tập tễnh làm người trưởng thành của mình là thanh xuân. Thì thanh xuân chính là Tham – Sân – Si. Nó cũng là một phần nội dung mình truyền tải qua cuốn sách Những kẻ mộng mơ. Bởi tham lam, bởi sân hận, bởi si mê mà cuộc đời đưa mình đến với những xúc cảm thăng hoa, để rồi vỡ òa đổ gục.
Mình rất thích câu hỏi này, nó phản ánh đúng con người mình ngày đó. Là một kẻ vô danh, khi cuộc đời không công nhận bạn, bạn phải lựa chọn là nó đúng hay sai, nếu sai, bạn có cố gắng để chứng minh với cuộc đời bạn không vậy hay không?
Một học sinh 18 tuổi 3 điểm văn đại học, viết 100 từ sai chính tả 10 từ, sao có thể làm nhà văn? Mình làm được! Bốn năm sau thi lại, mình được 7.5 điểm môn văn, lọt top 8 thủ khoa toàn trường ĐH Sân Khấu và Điện Ảnh Hà Nội, mình ra hai cuốn sách, được đề nghị chuyển thể thành phim.
Một nhiếp ảnh gia chụp 10 cuộn phim vứt đi cả 10, ngay cả một bức hình cũng không sử dụng được, liệu có thể làm nhiếp ảnh gia? Mình làm được! Mình sống và tồn tại trong lĩnh vực nhiếp ảnh 10 năm trước khi buông bỏ máy ảnh và không coi nó là nguồn sống.
Một họa sĩ được bạn của mình học tại một trường mỹ thuật nhận xét “Cậu không có khả năng vẽ được” liệu có thể thành họa sĩ? Mình làm được! Mình có thể kí họa và vẽ sơn dầu tương đối ổn. Mọi người công nhận điều đó.
Chúng ta luôn thất bại trong quá trình chúng ta trưởng thành. Một số người bỏ cuộc và coi đó là tệ hại. Đối với mình, nếu không có thất bại, sẽ chẳng bao giờ có những bài học đắt giá cho ta trưởng thành. Mình trân trọng thất bại và không quên cố gắng sửa sai.
Thời gian khiến mình chông chênh nhất là thời điểm viết Những kẻ mộng mơ. Sau ba tháng từ Sài Gòn về, mình trầm cảm nặng, niềm tin về tất cả trở thành con số không. Thay vì ngủ vùi trong đau khổ và mất mát đó, mình bỏ mặc tất cả, ngắt liên hệ với tất cả mọi người (điển hình như việc mình unfriend 4,700 người trên mạng xã hội Facebook và 700 người trên Instagram).
Chôn vùi bản thân trong con chữ, tự làm điều gì đó cho mình thay vì chạy tới yêu thương người khác khi họ cô đơn. Rất may, thời điểm đó những người bạn của mình đều cảm thông cho việc mình làm, nên khi kết bạn lại trên mạng xã hội, mình chỉ ăn vài câu mắng thôi.
Sau này mình hiểu, mỗi người một cuộc sống, một vấn lo. Chẳng có ai là đáng trách khi họ lo toan cuộc đời họ mà quên mất yêu thương dành cho mình.
Mẹ mình từng nói một câu: “Dù con chụp gì, cuối cùng cũng chỉ là một thằng thợ chụp.” Khi nghe câu nói đó, mình đã tổn thương vô cùng. Nhưng mẹ mình đã nói đúng. Cuộc sống của người trưởng thành, họ nhìn vào những con số trong tài khoản, không phải nhìn vào việc nó đẹp hay không, nhiều like hay không. Thực tế bao giờ cũng tàn khốc hơn những gì chúng ta vọng tưởng.
Mọi thứ chỉ đẹp trong thời điểm nói. Chúng ta chỉ hạnh phúc trong quãng thời gian chúng ta yêu thương. Tuổi xuân cũng vậy, ở thời điểm họ hạnh phúc, họ thấy nó đẹp. Ngày mai khi vỡ tan, nó trở lên xấu xí và đáng buồn. Chúng ta thấy nó xấu xí và đáng buồn, chỉ vì chúng ta đang tan vỡ. Họ, những người tôn thờ tuổi xuân, không thấy vậy. Ai cũng đúng.
Đây là bức hình được bạn mình chụp mình cách đây vài năm, khi đó mình đã cắt tóc ngắn. Đây là khoảng thời gian mình đi Phú Yên chụp San Hô, lúc đó Những kẻ mộng mơ đang lọt top sách bán chạy tại Việt Nam.
Trên đường từ Phú Yên về Nha Trang, tụi mình tình cờ lạc vào cánh đồng này, gió khi đó rất mạnh, lúa đổ ngả nghiêng. Bức hình phản ánh hết tất cả những lạc lối, những mộng mơ đổ vỡ tạ tan của bản thân thời điểm hiện tại.
Điều bản thân mình tự hào nhất có lẽ chỉ có một điều, chính là việc bản thân mình đã thức giấc khi yêu. Bởi tình yêu đôi lứa, tri kỷ bạn bè đều chỉ là một phần nhỏ của tình yêu cuộc sống. Khi trái tim này nhận ra, dù có chạy trốn tới đâu, thì Hà Nội vẫn là nhà, là nơi có cha mẹ, sẵn sàng đón con trở về. Nơi có bữa cơm chờ sẵn, dù mình không là ai trên đời. Mình may mắn, hơn rất nhiều người giống mình ngoài kia.
Ảnh: NVCC
Xem thêm:
#HọNóiLà: Dusse B – “Việc bắt đầu một cái gì mới đôi khi đúng là một kiểu hành xác…”
#HọNóiLà: Hiếu-ck RAY cùng những câu chuyện về tính nam độc hại
#HọNóiLà: Her86m2 – “Điều tốt nhất một người vợ, người mẹ có thể làm đó là hãy luôn là chính mình”
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…