Show & Event

Triển lãm “iii.x_Unrealized Utopia” của Arlette Quỳnh-Anh Trần: Tương lai không tưởng được tái hiện qua máy móc

Là triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ nghệ sĩ Arlette Quỳnh-Anh Trần, iii.x_Unrealized Utopia là tập hợp của những tác phẩm độc đáo với hình thức đa dạng. Bằng sự pha trộn giữa việc sử dụng tư liệu và trí tuệ nhân tạo, triển lãm đã không chỉ làm mờ ranh giới giữa tiến trình lịch sử, mà còn mở ra những khả thể mới, tái hiện lại những câu chuyện tưởng chừng đã bị lãng quên.

Sinh ra ở Đông Đức và lớn lên ở Sài Gòn, Arlette Quỳnh-Anh Trần luôn nhạy cảm về với những mối tương quan lịch sử từ các vết đứt gãy chính trị của cuộc Chiến tranh Lạnh gây ra. Lấy cảm hứng từ những nghiên cứu của kho lưu trữ Bauhaus và các dự án quốc gia của Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam (1955-1963); nữ nghệ sĩ đã tái hiện những vật thể lịch sử ít được biết đến, và các mối liên hệ có thể từng tồn tại nhưng đã bị che khuất bởi sự xung đột đấy.

Các tác phẩm trong iii.x_Unrealized Utopia được hình thành trên sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI). Nó như một phương tiện hợp tác để truyền tải thông điệp từ quá khứ đến tương lai và ngược lại. Từ đó, thông qua “địa thi học” (geopoetry) – một cách thức hình tượng hóa thế giới qua các yếu tố địa lý và văn hóa, triển lãm là nỗ nỗ lực khôi phục những lịch sử chính trị đã bị quên lãng và những khả năng có thể xảy ra trong thời điểm hiện tại.

Những điều nên biết trước khi đến với iii.x_Unrealized Utopia

Lấy tựa đề của triển lãm như một tệp dữ liệu, nghệ sĩ Arlette Quỳnh-Anh Trần đang muốn truyền tải người xem đến một viễn cảnh tương lai chưa thành hiện thực qua những hình thức như tranh, điêu khắc, video, và ảnh ghép kỹ thuật số. Chủ đề chung của iii.x_Unrealized Utopia là khám phá mối tương quan giữa quá khứ và tương lai, thông qua các tác phẩm nghệ thuật với yếu tố suy đoán; kết hợp với lịch sử, kiến trúc và công nghệ hiện đại.

Để làm được điều này, cô đã sử dụng những tư liệu có sẵn trong kho lưu trữ tại trường dạy mỹ thuật Bauhaus (Staatliches Bauhaus); đây cũng là nơi sinh ra phòng trào nghệ thuật cùng tên. Về cơ bản, Bauhaus được biết đến với triết lý cốt lõi là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và đời sống. Thay vì chỉ tập trung vào nghệ thuật cao cấp, Bauhaus khuyến khích việc sáng tạo các sản phẩm ứng dụng trong đời sống như nội thất, kiến trúc, thiết kế đồ họa và thậm chí cả quy hoạch đô thị.

Thiết kế của Bauhaus tuân theo các nguyên tắc rõ ràng:

  • Chức năng là trên hết: Bauhaus nhấn mạnh tính thực tiễn và chức năng của thiết kế. Mỗi sản phẩm phải có một công dụng cụ thể, và thiết kế không nên cầu kỳ, rườm rà.
  • Tối giản và đơn giản hóa: Hình thức phải tối giản, với những đường nét tinh gọn, không có chi tiết thừa. Các sản phẩm của Bauhaus thường mang đậm tính hình học với đường thẳng và các hình dạng đơn giản như hình vuông, tròn, tam giác.
  • Tính công nghiệp: Bauhaus tập trung vào việc áp dụng quy trình sản xuất công nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật. Nghĩa là, các sản phẩm nghệ thuật và thiết kế phải dễ dàng sản xuất hàng loạt để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Triển lãm iii.x_Unrealized Utopia của Arlette Quỳnh-Anh Trần liên hệ chặt chẽ với tinh thần Bauhaus, đặc biệt là trong việc tái hiện và suy đoán về những mối quan hệ tiềm ẩn giữa nghệ thuật, kiến trúc và chính trị – đặc biệt là trong thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam (1955-1963). Đây là thời kỳ mà chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm tiến hành nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển quốc gia.

Có thể cho rằng, bằng cách sử dụng các tài liệu lưu trữ, nữ nghệ sĩ đang muốn tạo ra một sự liên kết giữa kiến trúc của Bauhaus — một phong trào nghệ thuật hiện đại phương Tây — và những nỗ lực dựng quốc của Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Cô chỉ ra rằng việc xây dựng quốc gia không chỉ là câu chuyện chính trị mà còn là một quá trình kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật, chịu ảnh hưởng của những trào lưu hiện đại phương Tây nhưng cũng được hòa quyện với văn hóa bản địa.

Ngoài ra, các tác phẩm của Arlette Quỳnh-Anh Trần còn suy đoán về tương lai lẫn quá khứ của Thế giới Thứ Ba (Third World), tái hiện lại những điều từng được xem là phản sự thật. Khái niệm “Thế giới Thứ Ba” có một sự liên kết mạnh mẽ với lịch sử của Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là sự hình thành các quốc gia độc lập mới từ những thuộc địa cũ tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Như tác giả Odd Arne Westad đã chỉ ra trong cuốn sách The Global Cold War (2005), thuật ngữ này ra đời để chỉ các quốc gia mới độc lập, vốn được hình thành từ tàn dư của các đế chế thực dân cũ, và từ chối sự thống trị của các siêu cường thời Chiến tranh Lạnh (Mỹ và Liên Xô). Điều này đồng nghĩa với việc họ chọn lựa một “con đường thứ ba” — một lập trường độc lập, không bị ràng buộc bởi các phe phái trong cuộc xung đột toàn cầu giữa các cường quốc.

Một số tác phẩm nổi bật tại triển lãm của Arlette Quỳnh-Anh Trần

Sự kết hợp giữa trường phái và phong trào thiết kế Bauhaus với những tư liệu của thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam có thể thấy rõ nhất qua series tranh vẽ Tập hợp của Albers (2022-2023). Đây là một bộ tác phẩm lấy cảm hứng từ series Structural Constellation của Josef Albers. 

Ông là một thành viên then chốt của trường phái Bauhaus và sau này là một giáo sư có ảnh hưởng lớn tại các trường đại học nghệ thuật danh tiếng ở Mỹ. Structural Constellation được phát triển vào những năm 1950, với mục đích khám phá các yếu tố thị giác cơ bản như hình dạng và không gian, đặc biệt là cách mà mắt người cảm nhận cấu trúc 3 chiều thông qua hình ảnh 2 chiều.

Từ đây, Arlette Quỳnh-Anh Trần đã chuyển thể các bản vẽ 3 chiều của Albers thành các hình ảnh 2 chiều và liên hệ chúng với các dự án kiến trúc lớn của Đệ nhất Cộng hòa, ví dụ như những thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Điều này cho thấy sự kết nối giữa việc dựng quốc và thiết kế hiện đại, cũng như việc 2 quá trình này diễn ra song song ở hai nửa thế giới khác nhau, nhưng cùng chia sẻ bối cảnh lịch sử của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Từ trái sang phải và từ trên xuống dưới, tên của các tác phẩm lần lượt là: “ALB8R6′ _A668MBLY_1”, “ALB8R6′ _A668MBLY_5”, ““ALB8R6′ _A668MBLY_2”, ““ALB8R6′ _A668MBLY_4” và “ALB8R6′ _A668MBLY_6”; thuộc bộ tác phẩm “Tập hợp của Albers” (2022-2023).

Một tác phẩm nổi bật khác trong triển lãm là video Elysium vô bờ (2024) do studio blankNegatives cộng tác sản xuất, một lăng kính vạn hoa giữa các bài quẻ trong thế giới kĩ thuật số và chặng du hành thời gian.

Giống như các tác phẩm khác trong triển lãm, video này cũng dựa trên sự cộng hưởng với những chương trình trí tuệ nhân tạo. Elysium vô bờ tưởng tượng ra nghi lễ “múa bóng rỗi” kỉ tương lai trên một hòn đảo ở sông Cổ Chiên của Đồng bằng sông Cửu Long, nơi từng là điểm giao thoa của nền văn minh Hy Lạp-La Mã và Phù Nam Ốc Eo. Kiến trúc hiện đại là nguồn năng lượng cho những cư dân cyborg sống trên hòn đảo này, và đóng vai trò nổi bật trong các nghi lễ.

Nghi lễ của các cyborg lên đến đỉnh điểm khi họ phá hủy hệ thống đập thủy điện ở đầu nguồn dòng Mekong, do nó ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái đang suy yếu mà dòng sông chảy qua. Sự hủy diệt về khí hậu và vũ trụ này như lời nhắn nhủ đối với quá trình công nghiệp hóa và hi vọng khôi phục lại các quỹ đạo của hiện đại đã đi chệch hướng.

Đôi nét về tác giả

Arlette Quỳnh-Anh Trần là một nghệ sĩ sống và lao động tại Sài Gòn. Cô sáng tác nghệ thuật cá nhân và theo nhóm, đồng thời thực hành curator và viết lách. Các tác phẩm nghệ thuật của cô kết hợp giữa chính trị và thẩm mỹ khoa học viễn tưởng, thông qua hoạt hình, thiết kế 3D, lưu trữ lịch sử và kiến trúc.

Arlette Quỳnh-Anh Trần say mê các mường tượng về chốn không tưởng utopia của Thế giới thứ ba (Third World), nơi các lý tưởng chính trị được pha trộn, con người và phi-nhân cùng tồn tại và hòa nhập. Cô tạo ra một cách đọc phi tuyến tính và phi lý về lịch sử hiện đại, chất vấn lại những diễn ngôn thống trị từ thời hậu Chiến tranh Lạnh về Thế giới thứ ba.

Cô cũng từng theo học nghệ thuật và lý thuyết tại Đại học Tự Do Berlin (Freie Universität Berlin), Univerzita Karlova ở Prague và Viện Nghệ thuật California (California Institute of the Arts), với học bổng Fulbright. Arlette Quỳnh-Anh Trần là thành viên của Art in Networks: GDR and its Global Relations Fellowship, Institut für Kunst-und Musikwissenschaft, TU Dresden, Đức và Margaret F. Williams Memorial Fellow vào năm 2022 tại Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á San Francisco.

Năm 2012, cô đồng sáng lập nhóm Art Labor, làm việc giữa nghệ thuật thị giác, khoa học xã hội và khoa học đời sống trong nhiều bối cảnh công cộng và địa phương khác nhau trong các dự án dài hạn và đa chiều. Vào mùa thu năm 2025, Arlette Quỳnh-Anh Trần sẽ tham gia Chương trình Học bống New York của Hội đồng Văn hóa Châu Á.

Các tác phẩm cá nhân và tập thể của Arlette Quỳnh-Anh Trần với Art Labor đã được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Leeum (Seoul); Lagos Biennial 2024; Albertinum Staatliche Kunstsammlungen (Dresden); Trung tâm Văn hóa Châu Á (Gwangju); Para Site (Hồng Kông); Carnegie International lần thứ 57; Cosmopolis #1 tại Bảo tàng Pompidou (Paris).

Một số thông tin về triển lãm iii.x_Unrealized Utopia:

  • Địa điểm: Gallery Medium, Số 240B, đường Pasteur, Phường 6, Quận 3.
  • Thời gian trưng bày: đến hết ngày 31.10.2024
  • Giờ mở cửa: 10:00 – 18:00
  • Vào cửa miễn phí
Dao Thomas

Recent Posts

Xem chỉ tay: Từ góc nhìn khoa học và cách bói đúng

Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…

1 ngày ago

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

2 ngày ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

4 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

4 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

5 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

5 ngày ago