Lifestyle

#Localzine: Khi ký ức ngày xưa trở thành câu chuyện của hiện tại

#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt

Ngày còn bé, hầu như đứa trẻ nào cũng mong lớn lên thật nhanh. Cứ mỗi lúc xin xỏ ba mẹ cái này cái kia là lại nghe bảo “cái này trẻ con không được làm”. Bởi thế, trong mắt trẻ con, người lớn đều là những “siêu nhân” có sức mạnh phi thường. Họ mở được nắp chai Coca, mua bao nhiêu kem, bao nhiêu đồ chơi cũng được. Các anh chị cũng có thể đi nhiều nơi, làm nhiều thứ, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Tóm lại đối với mấy đứa nhóc, “mai này lớn lên mình sẽ…” chính là một câu thần chú kỳ diệu, có khả năng biến tương lai thành một thế giới cổ tích tràn ngập phép màu.

Chớp mắt, vài chục năm trôi qua. Đám trẻ con ngày nào đã thành người lớn cả. Thế nhưng lạ ghê, lớn lên rồi, cái gì cũng thay đổi. Mải xoay vòng với guồng quay công việc – cuộc sống, người lớn quên mất ngày trước vì sao mình mong sớm trưởng thành. Thế giới “nhiệm màu” bỗng chốc chẳng còn quyến rũ, hấp dẫn nữa. So với lúc bé, chúng ta đã đạt được rất nhiều, nhưng cũng mất đi khá nhiều.

Thế nhưng mà, có nhớ có thương cỡ nào, cũng chẳng ai có thể quay ngược thời gian trở về với tuổi thơ nữa. Khoảng trời bình yên đẹp đẽ đó là nơi mỗi người chỉ có thể đến một lần trong đời.

Tuổi thơ không trở về, nhưng ký ức thì có thể

The Millennials còn nhớ điểm những năm 90–2000, ai diện được một chiếc quần ống loe là sành điệu cực kỳ. Rồi dần dà, mốt quần skinny ôm sát chân như các idols Hàn Quốc lên ngôi. Lúc đó ai còn vác cái quần ống rộng thùng thình ra đường lại thành ra quê cả “cục”. Xoay đi xoay lại, mùa hè năm nay, thế giới lại quay về tôn thờ quần ống loe. Tuy nhiên, chúng vẫn được biến tấu khéo léo để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại hơn.

Như mốt thời trang, ký ức tuổi thơ cũng xoay tròn. Đúng là người lớn tụi mình chẳng kiếm đâu ra cái máy thời gian mà phóng ào một cái về ngày xưa, nhưng có hề gì, khi những hình ảnh, những câu chuyện tưởng mãi nằm lại trong ký ức bỗng một ngày cựa mình trở dậy.

2020 đặc biệt theo cách rất riêng. Không biết là tình cờ hay do “thế lực huyền bí” nào cố tình sắp xếp mà năm nay chúng mình có rất nhiều dịp được ngắm nhìn những ngày xưa cũ, để tâm trí được vỗ về bằng những ký ức ngọt ngào, êm ái. 

Hồi đầu năm, lúc vừa cách ly, mọi người đều thấy ngứa tay ngứa chân, chẳng biết làm gì. Ngày thường đi làm, đi hẹn hò, đi chill, “nhà” với nhiều người chỉ là chỗ ngả lưng buổi tối. Giờ đây, bỗng nhiên bị buộc phải lui về ở ẩn, đi tới đi lui trong mấy bức tường dễ khiến người ta cảm thấy vô vị. Thế nhưng, sống đúng tinh thần “nhà bao việc” 2020, dẫu có không ra đường, chúng ta vẫn có thể tự mua vui cho nhau bằng những trào lưu nấu nướng, chăm sóc nhà cửa. 

Hồi bé ham chơi, hay bày bừa, mỗi lần bị mẹ la thì ta chỉ chống đối, phụng phịu cầm chổi quơ vài nhát. Bây giờ tự dưng chẳng cần ai mắng mỏ, ta cũng tự động thu vén, trang trí nhà cửa. Từ lúc chăm dọn nhà, The Millennials đã nhận ra chăm sóc nhà cửa là hoạt động xả stress vô cùng hiệu quả. Khi nhìn mọi thứ gọn gàng sạch sẽ, bản thân cũng sẽ thấy nhẹ nhàng, sảng khoái, giống như vừa “dọn” sạch những muộn phiền khỏi bộ não của mình vậy.

Ngoài dọn nhà, mọi người còn thi nhau nấu nướng. Câu nói “Everyone can cook” của chú chuột Remy trong Ratatouille trở nên vô cùng hợp lý trong khoảng thời gian này. The Millennials có cô bạn từ ngày đi làm xa đã chẳng còn ăn cơm nhà nữa vì bận bịu. Ấy thế mà vào Yêu Bếp mấy tuần nàng bỗng chốc đã “nữ công gia chánh” hẳn ra. Hôm nào nấu xong món gì cũng nhanh nhanh chụp ảnh… cho mẹ xem, hệt như hồi bé lúc nào đi học về được điểm 10 là ríu rít khoe với cả nhà.

Nói chuyện điểm 10 mới nhớ, hồi đấy mỗi lần được điểm tốt, mọi người hay được thưởng gì? Mình thường được ba mẹ mua truyện cho, truyện tranh truyện chữ gì cũng được hết. Và trong “gia tài” bé nhỏ đầu đời đó, Dế Mèn phiêu lưu ký là quyển sách đầu tiên. Thế giới của Mèn, của Trũi, của bác Xiến Tóc, của Đại vương Ếch Cốm huyền ảo và đầy sức mê hoặc.

Quyển sách ngày đó được đóng bìa cứng, kích thước chỉ bằng một nửa sách bây giờ thôi, cầm lên rất vừa tay bọn nhóc. Sách tuyền chữ, không có tranh ảnh minh họa gì cả nhưng dưới ngòi bút miêu tả của nhà văn Tô Hoài, khung cảnh đầm nước quê nhà của Mèn, rồi những chuyến phiêu lưu đến vùng đất mới của Mèn và Trũi vẫn hiện lên rõ mồn một.

Dế Mèn năm nào cũng được tái bản. Thế nhưng năm nay, dàn nhân vật trong truyện rủ nhau “lột xác” với những bộ Âu phục lịch lãm trong bản minh họa độc đáo và sáng tạo của nữ họa sĩ Đậu Đũa. Nhìn sách, không ít người thốt lên rằng làm sao mà mấy chú dế làng quê Việt Nam lại ăn vận lối Tây phương thế kia được. Nhưng ngẫm lại, sự kết hợp này chẳng những đúng với cái nhìn toàn cầu theo tinh thần “đi khắp thế giới kết anh em” của tác phẩm, mà còn được thể hiện theo cách vô cùng gần gũi, thân thuộc với độc giả đương đại.

4.0 rồi, thế giới cũng đã phẳng lỳ, chúng mình kết nối bốn phương dễ dàng, thì Dế Mèn cũng có thể mặc Âu phục chứ sao?

Lớn hơn chút nữa, khoảng năm 2002, Thần Đồng Đất Việt xuất hiện. Vào thời điểm ấy, nói truyện tranh thì ai cũng nghĩ ngay đến manga – truyện tranh Nhật Bản. Hầu hết những loạt truyện tranh ấy đều hút hồn và hút cả tiền ăn sáng của lũ con nít.

Chỉ hội 8X và 9X đời đầu mới có “đặc quyền” gọi những nhân vật từ Nhật Bản bằng những cái tên hết sức Việt Nam như Đôrêmon, SônGôKu, hay Nhóc Ma-rư-kô. Từ sau năm 2004, khi công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật chính thức có hiệu lực tại Việt Nam thì các bạn nhỏ sẽ biết đến Suneo thay vì Xêkô, hay Jaian thay vì Chaien.

Truyện tranh Việt Nam lúc đó thịnh hành nhất là Cô Tiên Xanh và Tâm Hồn Cao Thượng – bộ truyện tranh mặc dù mang hơi thở “thời đại” nhưng căn bản chẳng khác truyện cổ tích kiêm sách giáo khoa đạo đức. Thế nên, Thần Đồng Đất Việt đã thổi một làn gió mới (và cực mát) cho độc giả Việt Nam với cách kể chuyện mới mẻ, nét vẽ hài hước, tình tiết sáng tạo, và đặc biệt nhất là suốt 78 tập truyện mặc dù không ai chính thức đứng ra thuyết giảng nhưng mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật đều đem đến những bài học rất riêng.

Thần Đồng Đất Việt cùng “dàn cast” làm mưa làm gió một thời | Photo: Moveek

Thần Đồng Đất Việt vẫn được phát hành đều đặn đến mãi năm 2019. Thời điểm đó, ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ bỗng chốc có nguy cơ tan rã thật sự với những rắc rối xoay quanh vấn đề tác quyền. Tin vui là mọi việc cuối cùng cũng được giải quyết ổn thỏa. Tin vui hơn nữa là sau 18 năm ra mắt, lần đầu tiên người hâm mộ sẽ có cơ hội nhìn ngắm những cô nhóc cậu nhóc thông minh lém lỉnh trên màn ảnh rộng, trong bộ phim điện ảnh Trạng Tí ra mắt vào dịp Tết sắp tới này.

Bộ tứ Tí Sửu Dần Mẹo sắp được lên màn ảnh rồi!

Các tác phẩm chuyển thể bao giờ cũng được người hâm mộ ngóng đợi. Còn gì háo hức hơn cảm giác trông ngóng những nhân vật, những câu chuyện trước giờ chỉ nằm yên trong tâm trí mình nay được thể hiện bởi những con người bằng xương bằng thịt? Huống hồ đây lại còn là Thần Đồng Đất Việt, là Tí Sửu Dần Mẹo, là ngôi làng Phan Thị hoàn toàn hư cấu mà trong lòng độc giả nào cũng ngỡ như nó thật sự tồn tại?

Nếu ký ức không tự đến, mình vẫn có thể đi tìm

2020 làm sống lại ký ức của nhiều người. Thế khi 2020 đã qua đi thì sao?

The Millennials đồng ý rằng, không phải lúc nào tụi mình cũng có “dịp” ở nhà, cũng như không phải lúc nào cũng có người giúp ta làm mới lại những điều đã cũ. Thế nhưng, ngay cả những lúc ấy, chúng mình vẫn có thể tự đi tìm lấy ký ức.

Không biết bạn đã nghe chưa, ở Sài Gòn có một nơi gọi là Nhà của thời thơ ấu – “ngôi trường làng” giúp đám trẻ ngày nay bớt nghiện công nghệ và đưa người lớn trở về quá khứ. Nơi đây được tạo dựng bởi tình yêu thương của những người thầy, người cô, và những phụ huynh mong muốn đem đến một tuổi trơ trọn vẹn cho những đứa trẻ thời hiện đại.

Chỉ mới thành lập vào tháng 7 năm nay nhưng Nhà của thời thơ ấu đã thu hút rất nhiều khách | Photo: Nhà của thời thơ ấu

Địa điểm này không nằm ở khu vực biệt lập xa xôi nào, mà lọt thỏm giữa lòng phồn hoa. Ngôi nhà tường sơn vàng, lót gạch bông, đậm nét Sài Gòn những năm 60. Vật dụng trong nhà phần lớn đều do phụ huynh mang đến. Từng bộ truyện tranh long bìa sút gáy, mỗi con búp bê nhựa, con heo đất, cái ná thun,… đều mang theo mình những kỷ niệm của chủ nhân chúng. Tất cả các đồ vật góp vào đều là những “tấm vé” người lớn đầu tư để mỗi lần đến đây là một lần họ được leo lên chuyến tàu ký ức về lại sân ga tuổi thơ.

2020 là một năm kỳ lạ, cứ như cây kẹo mút hai vị chua ngọt vậy. Mặc dù mang đến nhiều đau thương mất mát, nhiều tin tức tiêu cực, nhưng đồng thời 2020 cũng cho chúng ta cơ hội tìm về với những ngọt ngào, những yên bình thuở bé thơ.

Ngày hôm qua là ngày không ai có thể quay về, nhưng ký ức ngày xưa luôn luôn có cách để trở thành câu chuyện của hiện tại, và biết đâu là cho cả tương lai nữa. 

Mi Nguyen

Recent Posts

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

14 giờ ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

2 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

3 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

4 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

4 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

4 ngày ago