Fashion

#KhôngQuạu: Đàn ông mặc váy – chuyện bình thường có gì mà tranh cãi

Giữa tháng 11, tạp chí thời trang Vogue danh tiếng của Mỹ đã tạo nên bước ngoặt khi giới thiệu ca sĩ nhạc pop người Anh, Harry Styles trên trang bìa tháng 12/2020. Bên cạnh việc cựu thành viên nhóm One Direction trở thành sao nam đầu tiên xuất hiện một mình trên bìa Vogue trong lịch sử hơn 125 năm của tạp chí này, đáng chú ý hơn cả chính là hình ảnh của anh xuất hiện với bộ váy xếp tầng dài lấp lánh và áo khoác tuxedo màu đen điệu đà của nhà mốt Gucci.

Ảnh: Vogue

Những người đã theo chân Harry từ lâu chắc không lạ gì với hình ảnh một nam ca sĩ có phong cách thoải mái, phi giới tính và vô cùng phóng khoáng. Trong quá khứ, anh cũng nhiều lần xuất hiện với hình ảnh có phần nữ tính – như diện cả set đồ ba lê bó sát; cởi trần – mặc độc quần ren, lên các ấn phẩm tạp chí hay trong các buổi photoshoot. Bản thân Harry cũng từng thừa nhận bản thân là người song tính (bisexual) tại một show diễn nhỏ ở thành phố Paris.

Ảnh: Vogue

Tuy nhiên, sự xuất hiện lần này của anh chàng đã không tránh khỏi ý kiến trái chiều, làm dấy lên những cuộc tranh luận xung quanh chủ đề nên hay không những thiết kế nữ tính dành cho nam giới. Chưa bao giờ câu chuyện nam tính và bình quyền trong thời trang trở thành được thổi bùng mạnh mẽ như thế.

Ảnh: Vogue

Những chiếc váy không dành cho đàn ông?

Giảng viên thời trang trường đại học RMIT, tiến sĩ Alexandra Sherlock cho biết Harry Styles không phải là người đàn ông nổi tiếng đầu tiên mặc váy. Kanye West từng mặc váy đi hát, nam diễn viên của bom tấn điện ảnh Fast & Furious Vin Diesel cũng không ngại tung váy trên thảm đỏ, còn Joker Jared Leto cũng diện một chiếc váy lụa nổi bật tại Met Gala.

Hình ảnh mẫu nam khoác lên người những chiếc váy sải bước trên sàn diễn thời trang của nhiều thương hiệu lớn nhỏ luôn nhận được những viên “đạn lạc” chỉ trích và chê bai về độ “nam tính” của họ. Nhiều người lên tiếng chỉ trích các nhà mốt đưa ra thiết kế váy dành cho nam giới là phi thực tế, khiến người xem có cái nhìn lệch lạc về giới tính và sự chuẩn mực của phái mạnh thời hiện đại.

Đơn giản vì nhiều người tin rằng, những chiếc váy thể hiện sự nữ tính, mềm mại, và vốn được mặc định là dành cho phụ nữ.

Tác giả, nhà bình luận và hoạt động chính trị của Mỹ – Candace Owens, gọi đây là cuộc công kích vào đàn ông. Cô viết trên Twitter: “Không xã hội nào có thể tồn tại nếu không có đàn ông mạnh mẽ. Hãy mang những người đàn ông nam tính trở lại.”

Từ xưa đến nay, trong tâm trí của nhiều người, ngoại trừ một số loại váy là trang phục truyền thống của một số quốc gia trên thế giới (điển hình là Scotland) thì đàn ông mặc không vấn đề gì. Còn lại thì thiết kế váy vóc được sinh ra để tôn vinh hoặc làm nổi bật vẻ đẹp của người phụ nữ.

Các ý kiến còn khẳng định rằng, không phải tự nhiên mà những chiếc váy lại gắn liền với hình tượng của phụ nữ. Mặc dù ngày nay người ta luôn nói về quyền bình đẳng giới như một câu cửa miệng, nhưng vấn đề giới tính là một chuyện, không nên lạm dụng đến mức phá vỡ những quan niệm về cái đẹp.

Cần nhìn lại: Làn sóng đàn ông mặc váy đã có từ lâu

Lịch sử đã chứng minh những chiếc váy không khiến đàn ông đánh mất đi sự mạnh mẽ của mình.

1. Từ thuở sơ khai, đàn ông Ai Cập cổ đại đã đóng khố, quấn khăn.

Ảnh: Sưu tầm

Váy đã được mặc từ thời tiền sử. Chúng là trang phục tiêu chuẩn cho nam và nữ trong tất cả các nền văn hóa cổ đại ở Cận Đông và Ai Cập.

Trang phục của nam giới thời Ai Cập được gọi là shendyt – chỉ là một cái váy quấn quanh thắt lưng, đôi khi được xếp ly hoặc chụm về phía trước và thường để mình trần. Váy shendyt thời kỳ Cổ vương quốc rất ngắn, sang thời kỳ Trung vương quốc, váy mới được thiết kế dài hơn, có khi phủ đến cả mắt cá chân.

Những người đàn ông thuộc tầng lớp quý tộc thường khoác lên mình một áo choàng mỏng có ống tay dài bằng vải lanh và được xếp li. Dây thắt lưng của họ thường được gắn thêm những tua rua để trang trí. Vào cuối thời kỳ này, một chiếc khố hình tam giác được mặc bên trong lớp váy ngoài.

Một điều đặc biệt là đàn ông lúc bấy giờ lại có ý thức về thời trang hơn cả phụ nữ. Từ những bức phù điêu trên các ngôi mộ, người ta có thể ước lượng rằng, có hơn 40 kiểu loại trang phục dành cho đàn ông.

2. “Váy” toga là biểu tượng cho đẳng cấp, địa vị của người La Mã và Hy Lạp.

Ảnh: Sưu tầm

Toga được xem là loại trang phục phổ biến của đàn ông khắp đế chế La Mã, đại diện cho địa vị của người mặc nó. Những chiếc áo toga bằng len thô, không đường may của dân thường tách biệt họ với những ông vua, quý tộc diện áo nhuộm bóng, thêu đính công phu. Còn có thêm luật cấm phụ nữ mặc áo choàng như một đặc quyền dành cho đàn ông. Dẫu toga đã không còn được ưa chuộng do vật liệu dễ bắt lửa, nhưng nó vẫn là một trong những vật mang tính biểu tượng nhất của trang phục thời cổ đại.

3. Vị Quân vương mặc đẹp nhất thế giới, Henry VIII và những chiếc áo choàng “giả váy”

Ảnh: Sưu tầm

Được mệnh danh là “Vị Quân vương mặc đẹp nhất thế giới”, Vua Henry VIII đã thể hiện cái tôi cùng sự giàu có tột đỉnh của mình qua phong cách ăn mặc ngông cuồng đã đi vào huyền thoại. Danh sách phẩm phục cho giới quý tộc thời ấy trải dài từ áo choàng nhung với vô vàn đường thêu bằng chỉ vàng đến áo nạm đá và nhung quý hiếm đã được khai quật. Sau cái chết của vị vua này vào năm 1547, thời trang nam đã loại bỏ áo choàng thay vào đó những chiếc áo có cấu trúc cứng rắn hơn, nhấn mạnh vào tổng thể gọn gàng, nam tính hơn (theo quan niệm truyền thống).

4. Trong các nền văn hóa ngoài phương Đông

Nam giới của nhiều quốc gia như Ấn Độ hay Myanmar đã mặc váy và áo choàng dài cho đến ngày nay. Còn tại bộ lạc Wodaabe ở Niger, chiếc váy thậm chí là biểu tượng cho sự mạnh mẽ của cánh mày râu trong các lễ hội truyền thống.

Một hình thức phổ biến khác của những chiếc váy phương Đông dành cho nam giới là một tấm vải được gấp và quấn quanh thắt lưng, chẳng hạn như dhoti / veshti hoặc lungi ở Ấn Độ, xà rông ở Nam / Đông Nam Á và Sri Lanka. Ở Myanmar, cả phụ nữ và nam giới đều mặc áo dài, váy ống rộng như xà rông dài đến mắt cá chân cho phụ nữ và đến giữa bắp chân cho nam giới.

Trang phục dhoti | Ảnh: Sưu tầm
Trang phục lungi | Ảnh: Sưu tầm

Hay tại Nhật Bản, kimono – với nguồn gốc từ một nghìn năm trước và là một trong những trang phục có tính nhận diện cao nhất thế giới gấm hoa, được xem là một kiểu “váy” dành cho cả nam và nữ giới (sự phân định giới tính thông qua cách phối hợp màu sắc khác nhau). Do sự cầu kỳ và quá đắt đỏ, các kiểu may, thêu, in ấn phức tạp của “váy” kimono đã trở thành biểu tượng của sự giàu có, ví như chân dung một vị quý tộc năm 1902. Mặc dù trang phục này đã không còn là thường phục phổ biến hiện nay, các quý ông vẫn tiếp tục diện trang phục truyền thống này cho những dịp đặc biệt.

Tóm lại là

Nhìn vào bối cảnh lịch sử, những chiếc váy không chỉ dành cho các quý cô điệu đà mà đó còn từng là thường phục của cánh mày râu. Con người chúng ta mặc váy trước hết là vì tính thực tế của chúng – giúp cho việc vận động dễ dàng hơn; và sau là việc may một chiếc váy sẽ dễ hơn quần rất nhiều.

Thời gian sau này, khi giai cấp tư sản bắt đầu lật đổ tầng lớp quý tộc, những bộ áo liền quần dành cho nam bắt đầu xuất hiện. Một cách im lặng, chúng len lỏi và dần trở thành trang phục biểu tượng cho phái nam. Và khi phong trào phụ nữ của thập niên 1960 xuất hiện, những chiếc váy ngắn chính thức trở thành biểu tượng cho sự giải phóng này. Từ đó cũng là lúc trang phục váy trở nên quen thuộc và gắn liền với sự tự tin, nét đẹp của nữ giới.

Quyền trở thành phái đẹp của đàn ông

Tuy thời trang vẫn luôn tôn vinh cái nhìn nam tính dành cho phụ nữ với những chiếc áo sơ mi oversized hay những chiếc quần boyfriend jeans thoáng mát, rộng rãi. Nhưng nếu đàn ông cũng làm như vậy – cũng mượn chiếc váy của phụ nữ để làm tăng sự phong phú cho thời trang nam giới, thì vẫn còn là một chủ đề nhận khá nhiều ý kiến trái chiều.

Trong khi phong trào nữ quyền đưa phụ nữ thoát khỏi vai trò giới hạn hẹp, giúp các cô gái có thể mặc quần tây, áo vest, thắt cà vạt và thể hiện góc nhìn mới về nữ tính, thì đàn ông không có sự tự do đó. Theo tiến sĩ Sherlock, “Theo thời gian, chúng ta thấy rằng nam giới phải tuân theo những quan niệm khá hạn chế về ý nghĩa của việc trở thành một người đàn ông thực thụ.” Nhưng vốn dĩ nam tính cũng giống như nữ tính, không được xác định bởi một loại quần áo nào cả, mà bản sắc giới là sự lựa chọn cá nhân.

Trong khi phụ nữ vẫn đang dần được thoát ra khỏi “vai trò” làm vợ, làm dâu, làm mẹ, thì dường như đàn ông vẫn chưa được “giải phóng” để tự do trở thành “phái đẹp” – giống như cách phụ nữ có thể trở thành “girl boss” (sếp nữ), hay chỉ đơn thuần là được trang điểm, được “đẹp” với những trang phục vốn đã được “nữ tính hóa” trong xã hội ngày nay.

The Bar jacket của nhà mốt Dior | Ảnh: Dior

Nhìn lại thời điểm những năm 60s, “đẹp” là một tiêu chuẩn của giới quý tộc và “phái đẹp” dĩ nhiên không đi liền với giới tính. Ở giai đoạn này, quý tộc không lể giới tính đều trang điểm, dùng nước hoa, đội tóc giả, dùng đồ da, ăn mặc chuẩn mực và đi giày cao gót. Thậm chí, giày cao gót từng được xem là biểu tượng của quyền lực và sự nam tính. Với phái nữ, họ đi giày cao gót để bảo vệ đôi giày khỏi bùn đất (chứ không chỉ để dáng đẹp và cao ráo như thời nay).

Mackenzies Stroh có tính xuất hiện trên báo The Wall Street Journals | Ảnh: WSJ

Về cơ bản, cái đẹp, việc làm đẹp, hay những biểu tượng dành riêng cho cái đẹp không mang ý nghĩa giới tính nào. Ý nghĩ về cái đẹp trong giai đoạn quý tộc chính là nền móng cho sự sáng tạo nên ngành hàng xa xỉ. Đẹp là biểu hiện của khiếu thẩm mỹ tinh tế, là chỉ dấu của giai cấp xã hội và khả năng hưởng thụ cuộc sống.

Chính vì vậy, không hề có một thước đo chuẩn xác nào về việc thời trang có thể phân định giới tính của người mặc. Harry Styles hay bất kỳ người đàn ông nào cũng đều có thể tự do mặc những gì mình thích mà không cần lo lắng người khác đánh giá về độ “chuẩn men” của họ.

Ảnh: Vogue

Harry Styles từng nhiều lần nói bản thân yêu thích việc phá bỏ những định kiến ​​về giới trong thời trang đến mức nào. Khi cởi bỏ những thứ quần áo chỉ dành cho nam hay chỉ dành cho nữ, anh cảm thấy như đang loại bỏ rào cản trong cuộc sống của chính mình. Giọng ca Falling từng chia sẻ về phong cách phi giới tính của mình: ranh giới giữa quần áo nam và nữ đã được xóa nhòa.

Tôi thường mặc những món đồ đem lại vẻ rực rỡ và không cảm thấy điên rồ khi mặc nó. Tôi nghĩ nếu bạn nhận được thứ gì đó mà bạn cảm thấy tuyệt vời, kiểu như một bộ đồ siêu anh hùng, thì cứ mặc thôi. Quần áo sinh ra để giúp chúng ta vui, thử nghiệm và chơi cùng nó.

Bất cứ khi nào bạn đặt ra những rào cản trong cuộc sống của chính mình, bạn chỉ đang giới hạn bản thân.

Harry Styles

Kết

Ngày nay, nhiều nhà mốt thời trang đã có những cố gắng để phá vỡ sự liên kết giữa quần áo và giới tính bên ngoài địa hạt của thời trang, nơi mà sự nữ tính luôn gắn liền với những chiếc váy để biến sự nổi loạn ấy trở thành hiện thực. Tuy nhiên, định kiến khắt khe của người đối diện dành cho họ lại khiến điều này vẫn mãi luôn nằm trong khuôn khổ trên sàn diễn.

Các nhà mốt thiết kế những món đồ này không dùng để bán, họ trình diễn một ý niệm và sự cởi bỏ giá trị hiện hữu áp đặt vào hai chữ “nam tính”. Chấp nhận để xóa bỏ lằn ranh giới tính được xem như sự cấp tiến trong tư duy, nhưng đâu đó vẫn còn là những câu hỏi dang dở mà chưa một ai có câu trả lời chính xác.

Có chăng sự công bằng là khi phụ nữ đòi quyền cởi trần như nam giới thì đàn ông mới được phép mặc váy?

Ảnh bìa: Metro

Nghi To

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago