Lifestyle

#KhôngQuạu: Người Châu Á không phải là vi-rút, sự kỳ thị mới là dịch bệnh

#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.

Các vụ tấn công người Mỹ gốc Á luôn diễn ra dai dẳng, phức tạp; và bài toán giải quyết nạn kỳ thị cộng đồng người châu Á ở Mỹ không phải là điều đơn giản.

Thảm kịch về 8 nạn nhân trong vụ xả súng tại ba tiệm spa ở phía bắc thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ) gần đây đã một lần nữa làm dấy lên dư luận về nạn kỳ thị người gốc Á tại Mỹ.

Vụ thảm sát tại tiêu bang Atlanta

Chiều ngày 16/3, 8 người – trong đó có 6 người là phụ nữ gốc Á, đã bị bắn chết trong ba vụ tấn công tại các spa ở Atlanta. Đây là trường hợp bạo lực súng đạn mới nhất liên quan đến nhiều người chết ở Mỹ.

Robert Aaron Long (21 tuổi) – người bị tình nghi thực hiện vụ giết người, đã bị bắt tại Georgia, cách Atlanta 250 km về phía Nam. Các nhà chức trách từ chối cho biết liệu các nạn nhân có phải mục tiêu của phân biệt chủng tộc hay không.

Andrew Yang – người đang tranh cử Thị trưởng New York, nói: “Thật đau lòng! Tôi là người Châu Á và cả đời tôi không thể quên được cảm giác bị chế nhạo và coi thường. Dường như tôi không thể là người Mỹ khi có khuôn mặt Châu Á.”

Người Mỹ gốc Á trước mối lo bị tấn công

Theo tờ Washington Post, mặc dù cảnh sát nói vẫn còn quá sớm để kết luận về động cơ gây án, song tại bang Georgia kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19 đã xảy ra nhiều hơn các vụ người gốc Á bị quấy rối, tấn công.

Thảm kịch đã xới lại nỗi sợ hãi của người châu Á sống tại Mỹ sau một năm phải chịu đựng quá nhiều sự kỳ thị vì đại dịch COVID-19.

Ảnh: Rose Wong / NBC News

Những tấm biển màu đồng với dòng chữ “dịch bệnh Vũ Hán” được gắn lên nhiều tòa nhà ở Atlanta, một sinh viên người Mỹ gốc Á bị xỉa xói “cảm ơn vì COVID”, hay một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Á tại Atlanta sau khi rời rạp phim mới biết chiếc xe của họ bị phun sơn loang lổ.

Trong một buổi thảo luận về sự gia tăng đáng lo ngại về tình hình chống người Châu Á tại Washington, Chủ tịch tiểu ban Steve Cohen cho biết, người Mỹ gốc Á còn đã bị đối xử tệ hại như bị nhục mạ, khạc nhổ, bát vào mặt, châm lửa, thậm chí bị rạch dao lên người.

Ảnh: Mark Wang / GEN

Riêng tại tiểu bang New York, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc người châu Á đã tăng 867% chỉ trong năm ngoái. Thành phố New York vốn được xem như ”thế giới thu nhỏ”, vì thế có thể nói vấn nạn kỳ thị này thật sự vượt cả mức báo động.

Theo Stop Asian American and Pacific Islander Hate (Stop AAPI Hate) – Tổ chức Ngăn chặn sự căm thù đối với người Mỹ gốc Á và Đảo Thái Bình Dương cho biết trong một năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng lên tại Mỹ đã ghi nhận 3,800 vụ việc chống lại người châu Á trên phạm vi toàn nước Mỹ.

Ảnh: Shannon Fang / The Chronicle

Cụ thể hơn, Stop AAPI Hate cho thấy hơn 40% nạn nhân là người gốc Hoa, 15% là người gốc Hàn, 8,5% là người gốc Việt và 8% là người gốc Philippines. Đa số nạn nhân là phụ nữ và con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều người gốc Á không lên tiếng tố cáo.

Đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á, vụ việc vừa xảy ra tại bang Georgia như giọt nước tràn ly. Bất kể nghi phạm khai nhận với nhà chức trách như thế nào, thì với rất nhiều người gốc Á, họ vẫn thấy ở đây là câu chuyện của “một kẻ phân biệt chủng tộc da trắng đã giết chết sáu phụ nữ gốc Á.”

Lịch sử dài bị kỳ thị

Ảnh: Bridget Tokiwa

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Bùi Anh Tuấn Kiệt – viên chức thuộc Văn phòng Bộ An ninh nội địa tại bang California (Mỹ), cho rằng, có ba nguyên nhân xét về nguồn gốc, văn hóa và tầm nhìn dẫn tới hiện tượng này.

Thứ nhất, về nguồn gốc, các nhóm nhân quyền cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump vì việc ông gọi vi-rút corona là “vi-rút Trung Quốc” hay “Kung flu” đã góp phần vào xu hướng bạo lực kỳ thị này.

Không ít người Mỹ tin vào thuyết âm mưu cho rằng, vi-rút corona gây ra đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới là vũ khí sinh học do Trung Quốc thử nghiệm hoặc bị thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán. Trung Quốc từng là tâm điểm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, do đó khi ông gọi vi-rút corona là “vi-rút Trung Quốc”, điều đó đã khiến nhiều người Mỹ và những người thuộc các dân tộc khác ở Mỹ ghét người Trung Quốc hơn.

Ảnh: Global Times

Với những người đã mang sẵn tâm lý kỳ thị người gốc Á thì chính nguyên do này càng trở thành cái cớ để tâm lý kỳ thị người châu Á được “lộng hành”.

Bên cạnh đó, theo New York Times, về phương diện văn hóa, người châu Á thường được nhìn nhận như một sắc tộc tương đối an phận, phần lớn siêng năng, cần cù, ít khi đòi hỏi hay tranh cãi, cũng hiếm khi muốn kéo chính quyền vào cuộc khi đụng chuyện. Song cũng bởi thế, người gốc Á là nhóm hay phải đối mặt với việc bị bắt nạt hơn các nhóm sắc tộc khác.

Ảnh: enny Chang-Rodriguez/TODAY illustration / Getty Images

Cuối cùng, người gốc Á ở Mỹ ít tham gia các hoạt động xã hội chính trị. Riêng ở Georgia, mãi tới gần đây bà Bee Nguyen mới là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử ghế hạ viện tiểu bang này. Vì còn thiếu những tiếng nói có tầm ảnh hưởng trong bộ máy chính trị nên cũng sẽ khó khăn hơn trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người gốc Á.

#StopAsianHate cần được lan tỏa

Ảnh: ABC Photo Illustration

Cùng với các hashtag #StopAsianHateCrimes, #AsiansAreHuman hoặc #StopAAPIHate, #HateIsVirus, #StopAsianHate được sử dụng triệt để để đòi lại quyền được đối xử bình đẳng và bảo vệ người châu Á.

Sử dụng hashtag #StopAsianHate, người dùng mạng xã hội đã thể sự phản đối nạn phân biệt chủng tộc và kêu gọi những người theo dõi của họ cùng nhau lên tiếng.

Theo đó, nhiều nhân vật nổi tiếng có tầm ảnh hưởng như Daniel Dae Kim, Gemma Chan, Chrissy Teigen, Olivia Munn, nhà thiết kế thời trang Philip Lim cũng đã thể hiện quan điểm của mình thông qua các bài đăng trên Instagram với #StopAsianHate.

Hàng loạt các thương hiệu lớn như Valentino, Versace, Oscar de la Renta, Nike, Adidas, Converse, Tommy Hilfiger, Benefit Cosmetics, M.A.C… cũng đã thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ đối với cộng đồng người châu Á thông qua các kênh mạng xã hội.

Ảnh: Juan Aunión – Hand Robot/Adobe Stock/Lev Radin

Cynthia Choi – một trong những người đồng sáng lập Stop AAPI Hate đã chia sẻ một số bước để các bạn độc giả cũng có thể hành động để ngăn chặn làn sóng tiêu cực này.

  • Khuyến khích những người từng trải qua hoặc chứng kiến những hành vi thù hận đối với người châu Á chia sẻ câu chuyện của mình vào trang www.StopAAPIHate.org (trang web được hỗ trợ với 11 ngôn ngữ khác nhau).
  • Chia sẻ với bạn bè và gia đình của bạn những việc cần làm nếu chẳng may gặp phải hoặc chứng kiến sự kỳ thị chủng tộc.
  • Nắm bắt tình hình về những gì đang xảy ra và trang bị đầy đủ kiến thức cho bản thân và người thân.
  • Hãy tham gia một cách dân sự vào cộng đồng địa phương của bạn và hỏi quan chức được bầu của bạn xem họ đang làm gì để giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc.
  • Quyên góp cho www.StopAAPIHate.org và một mạng lưới các tổ chức chuyên giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc chống người châu Á ở cấp địa phương.
  • Lan truyền sức mạnh đẩy lùi nạn phân biệt người Mỹ gốc Á bằng #StopAsianHate

Xem thêm:
Zine – Tiếng nói của những cộng đồng chúng-tôi-biết-mình-ít-và-nhỏ
#84: Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á
#KhôngQuạu: Người Việt nghèo nên mới không có tiền ăn McDonald’s?

Nghi To

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

16 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago