Lifestyle

#KhôngQuạu: Nữ quyền độc hại – Những góc tối đằng sau phong trào phụ nữ giải phóng mình

#KhôngQuạu là series tổng hợp, chia sẻ và nêu quan điểm của TML về những hiện tượng gần đây với mong muốn khai thác góc nhìn tích cực nhất từ những câu chuyện xung quanh ta.

Như thế nào là nữ quyền độc hại?

Để hiểu rõ về nữ quyền độc hại, trước tiên cần phải nắm vững định nghĩa của chủ nghĩa nữ quyền. Theo định nghĩa của Merriam Webster, chủ nghĩa nữ quyền (feminism) là niềm tin và sự đấu tranh cho quyền bình đẳng chính trị, kinh tế, xã hội của các giới được thể hiện đặc biệt thông qua các hoạt động có tổ chức vì quyền và lợi ích của phụ nữ.

Bản chất của các phong trào nữ quyền được xây dựng trên nền tảng của phong trào Marxist. Điều đó có nghĩa là cốt lõi của phong trào nữ quyền chính là đấu tranh theo số đông và đề cao tính tập thể.

Xuất phát từ phương Tây, nữ quyền ban đầu được tạo ra để đấu tranh cho vấn đề chênh lệch lương bổng giữa nữ giới và nam giới. Sau này, trào lưu cũng đã khẳng định những quyền lợi khác cho phụ nữ, bao gồm:

  • Quyền toàn vẹn và tự chủ thân thể – quyền bầu cử (bạn có tin là hiện giờ ở một số quốc gia, phụ nữ vẫn phải có đàn ông đi kèm khi muốn ra ngoài đường và không được tham gia bầu cử như một công dân)
  • Quyền được sở hữu và nắm giữ tài sản riêng
  • Quyền tiếp nhận giáo dục, được phục vụ trong quân ngũ
  • Quyền được ký kết hợp đồng pháp lý
  • Các quyền ngang hàng với nam giới trong hôn nhân (như được chủ động ly dị hay nuôi con) và quyền làm phụ huynh

Như vậy, nữ quyền không đấu tranh cho “quyền thượng đẳng” – buộc đàn ông phải phục tùng hay có nghĩa vụ phải ưu tiên với phụ nữ. Nếu như nam tính độc hại là gông cùm khiến đàn ông phải luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, phải che giấu cảm xúc, thì nữ tính độc hại còn nguy hiểm hơn nhiều – khi đó không chỉ là suy nghĩ lệch lạc của chủ thể, mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh.

1. Nữ quyền độc hại là khi phụ nữ bị chỉ trích vì trang phục của mình

Còn nhớ những tranh cãi xoay quanh bức ảnh mà Emma Watson thực hiện cho tờ báo Vanity Fair khi tham dự một cuộc phỏng vấn giới thiệu bộ phim Beauty and the Beast mà cô thủ vai chính.

Theo đó, nhiều người chỉ trích Watson vì trang phục nhạy cảm để lộ phần bầu ngực của cô. Các bình luận cho rằng Watson đạo đức giả khi vừa tự nhận mình là một nhà một nữ quyền nhưng cách ăn vận lại hoàn toàn ngược lại với giá trị của chủ nghĩa đó.

Ảnh: Vanity Fair

Những bình luận chỉ trích và bình phẩm về đạo đức của Watson dựa trên trang phục của cô là một ví dụ cho nữ quyền độc lại.

Vì sao? Vì nữ quyền có nghĩa là trao quyền cho người phụ nữ để họ làm chủ bản thân – ngay cả việc lựa chọn những gì họ khoác lên người. Watson hoàn toàn có quyền được diện bất kỳ trang phục nào cô mong muốn mà không phải hứng chịu những đánh giá tiêu cực như thế.

2. Nữ quyền độc hại không chỉ gói gọn trong chiếc áo ngực kia

YouTuber Lê Mai Hằng đã từng có một video đấu tranh cho nhận định phụ nữ không phải mặc áo ngực, và việc “thả rông” thể hiện nữ quyền. Nhiều người cũng đã chỉ ra việc lựa chọn trang phục là quyền tự do của phụ nữ, và lối suy nghĩ tình dục hóa cơ thể nữ giới là điều hoàn toàn sai trái. Những nhận định trên là đúng – nhưng chưa đủ.

Còn nhớ phong trào No Bra (1960s) đã giải phóng cơ thể phụ nữ khỏi corset, áo ngực, makeup,… – những “công cụ” được xem là làm đẹp cho nữ giới trong mắt xã hội. Phong trào này là đại diễn rõ nét cho niềm tin của chủ nghĩa nữ quyền, khi mục đích là để phụ nữ giành quyền làm chủ cơ thể của mình mà không bị phụ thuộc hay ảnh hưởng với các đánh giá và chuẩn mực bên ngoài.

Ảnh: CR Fashion Book

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người phụ nữ cảm thấy hài lòng bản thân mỗi khi mặc áo ngực, tìm hiểu về thời trang, hay trang điểm. Với một chút phấn son, hay một chiếc áo ngực vừa vặn với cơ thể, họ sẽ tự tin hơn vạn lần. Chăm chút cho bản thân là một nguyện vọng vô cùng chính đáng, vậy mà đôi lúc chính phụ nữ lại bị lên án là “phụ thuộc vào đàn ông” hay “làm đẹp cho đàn ông.” Đó là nữ quyền độc hại.

Trở lại với Lê Mai Hằng. Thay vì hướng đến tư tưởng đấu tranh và giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là từ việc khuyến khích họ không mặc áo ngực (nữ quyền độc hại) thì chúng nên ủng hộ việc nữ giới hoàn toàn có thể lựa chọn trang phục của mình mà không cần để tâm đến ý kiến của người khác. Mặc hay không mặc áo ngực là quyền tự do của mỗi người – cũng giống như việc mặc quần lót (ở cả nam và nữ).

3. Nữ quyền độc hại là ép buộc phụ nữ từ bỏ thiên chức làm vợ, làm mẹ

Có người còn khẳng định rằng “việc bếp núc không phải là việc của đàn bà, con gái”, hay tự tin cho rằng “phụ nữ quan tâm đến nội trợ là những người phụ nữ lạc hậu và bị đối xử tệ bạc.” Nhưng có phải sở thích đứng bếp và chăm lo cho chồng con là đi ngược với nữ quyền?

Có thể một số người đã quên rằng, rất nhiều người phụ nữ muốn tự tay chuẩn bị những bữa ăn cho gia đình, hoặc muốn được chăm sóc và quán xuyến việc nhà. Họ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái khi thực hiện các công việc nội trợ. Vì thế, sẽ rất phiến diện khi khi quy chụp rằng người phụ nữ chỉ biết đầu tắt mặt tối với xó bếp là bị đối xử không công bằng, không đúng với nữ quyền.

Tuy nhiên, nói như như vậy không đồng nghĩa là việc bếp núc là nghĩa vụ của riêng phụ nữ. Một bài đăng của Trác Thúy Miêu với tựa đề Để yên cho tôi làm đàn bà! đã nói lên rằng, “Bếp núc là ‘đặc ân’ của đàn bà”, và rằng “Họ ‘sướng’ khi được lăn vào bếp.”

Ảnh: Trác Thúy Miêu

Những quan điểm của cô ngay lập tức nhận được những ý kiến gây tranh cãi. Có người thì hoàn toàn ủng hộ với chia sẻ của cô khi cho rằng phụ nữ và chiếc bếp là đôi bạn thân không thể tách rời.

Nhưng đâu đó vẫn thấy những bình luận phản đối. Nhiều ý kiến cho rằng đây là những nhận định tương đối chủ quan. Cũng giống như việc lựa chọn trang phục, chấp nhận cái “đặc ân” đứng trong bếp ở mỗi người phụ nữ cũng sẽ rất khác nhau. Nếu như họ yêu thích công việc nội trợ thì đó hoàn toàn là một sở thích, quyền lợi làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Nhưng khẳng định bếp núc là ‘đặc ân’ của đàn bà nói chung, phải chăng Trác Thúy Miêu đã có phần quá quy chụp?

Đầu tiên, có không ít phụ nữ không hề tình nguyện đứng bếp và quán xuyến việc nhà. Những gánh nặng từ xã hội, chồng con và gia đình đã vô hình chung ép một số người phải lựa chọn việc đầu tắt mặt tối nơi xó bếp. Không phải ai cũng yêu thích việc nấu nướng, tìm thấy niềm vui trong việc đi chợ lựa rau, chọn thịt như Trác Thúy Miêu. Đối với họ, đó không phải là “giấc mơ trưa” được quán xuyến việc nhà, mà đôi khi là “cơn ác mộng” buộc họ phải “ba đầu sáu tay” chăm lo mọi việc.

Chưa kể, nói nấu ăn là đặc quyền của phụ nữ, phải chăng Trác Thúy Miêu đã vô tình loại bỏ những người đàn ông yêu bếp, biến họ trở thành kẻ “chiếm đoạt” không gian giới tính của người khác.

4. Không phải cứ độc lập về tài chính mới thể hiện nữ quyền

Ngày nay người ta luôn đề cao khẩu hiệu “đàn bà mạnh mẽ là không cần dựa dẫm vào đàn ông” – và Hương Giang Idol là một trong những người luôn ủng hộ, khuyến khích việc phụ nữ nên độc lập về cả tài chính lẫn đời sống tinh thần.

Lối sống và niềm tin về nữ quyền của Hương Giang chính là một ví dụ điển hình cho nữ quyền tân tự do. Khác với tính tập thể cốt lõi của nữ quyền cổ điển, nữ quyền tân tự do lại đề cao giá trị và lợi ích của cá nhân.

Trong xã hội tư bản, người phụ nữ – dù đang ở vị trí nhân viên hay giám đốc, đều phải ra sức làm việc để tích lũy tài sản và làm giàu. Tuy nhiên sau đó, một vài người đã dùng số tiền kiếm được thỏa mãn nhu cầu cá nhân và mua sắm thoải mái. Điều này khiến họ dần rơi vào chủ nghĩa tiêu thụ, mà quên đi thực tế rằng rất nhiều phụ nữ khác vẫn đang phải đối diện với sự bất công của xã hội.

Trở lại với ví dụ của Hương Giang Idol. Có thể thấy rất rõ trong những MV của cô, các nhân vật nữ đều được xây dựng theo một khuôn mẫu khá giống nhau. Đó đều là những người thành đạt, giàu có, đi xe hơi và có một sự nghiệp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên những cô gái này luôn rơi vào các mối quan hệ tình cảm không thuận lợi – từ đó khắc hoạ nên hình ảnh những người đàn ông phụ bạc, sai trái.

Ảnh: MV “Em Đã Thấy Anh Cùng Người Ấy”

Đây chính là yếu tố của nữ quyền độc hại: Đề cao hình ảnh của nữ giới bằng cách bôi xấu người đàn ông. Nữ quyền phải đi đôi với thái độ tôn trọng quyền bình đẳng nam và nữ, cũng như sự khác biệt giữa hai giới.

Không chỉ thế, thay vì kêu gọi phụ nữ đoàn kết thì các MV này tập trung vào việc xây dựng mâu thuẫn, chia rẽ quan hệ giữa phụ nữ với nhau. Những nhân vật nữ trong sản phẩm của Hương Giang luôn trong trạng thái toan tính, hãm hại nhau. Trong khi đó, đàn ông luôn ở vị thế trung tâm của những tranh chấp này. Điều này đã ngầm khẳng định quyền lực của nam giới khi họ có thể khiến phái nữ dễ dàng trở mặt với nhau.

Tóm lại, nữ quyền tân tự do là kiểu nữ quyền luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân, đề cao việc phụ nữ kiếm nhiều tiền, luôn dùng mọi cách để đấu tranh cho quyền lợi riêng của mình nhưng quên đi vai trò tập thể và hướng đến một tương lai tốt đẹp cho phụ nữ nói chung.

“Không cần đàn ông, phụ nữ có thể sống độc thân nuôi thú cưng và đi du lịch đến cuối đời”, nhưng trong cuộc sống, không phải người phụ nữ nào cũng có đủ nguồn lực tài chính, một sự nghiệp rực rỡ, công việc công việc thuận lợi thoải mái đi du lịch và nuôi thú cưng đến tuổi xế chiều.

Trên thực tế, có rất nhiều phụ nữ dù rất cố gắng vẫn chỉ có mức lương vài triệu. Họ vật lộn với những công việc nặng nhọc, chấp nhận làm thêm giờ chỉ để vun vén, xoay sở với cuộc sống. Trong số đó, có những người mong muốn tìm thấy một người bạn đời có thể tin tưởng, thấu hiểu mình. Họ hy vọng vào một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nơi hai người có thể hỗ trợ nhau về kinh tế, đồng hành với nhau trong cuộc sống.

Kết

Những ví dụ trên chắc đã phần nào nói lên được những suy nghĩ lệch lạc, chủ quan về nữ quyền độc hại.

Nữ quyền là khi phụ nữ được phép tự do quyết định cuộc sống của mình và được đối xử công bằng. Đó không phải một cái cớ để ghét bỏ đàn ông, bài xích hôn nhân hoặc bắt ép phái đẹp phải sống theo một lề lối nhất định – dù cho quan điểm đó có phần phiến diện và độc đoán.

Tham khảo:
Sự độc hại của nữ quyền tân tự do ở Việt Nam 
Toxic Feminism is Spreading.
Làm rõ khái niệm về bình đẳng giới và tình huống trong phim Titanic

Xem thêm:
#Nghĩ: Giày cao gót, tình dục, nữ tính và nữ quyền
#Thoáng: Phụ nữ Việt nói gì về trải nghiệm xem phim người lớn
#Thoáng: Khi “cô bé” trở thành “gương mặt” xinh đẹp mới của phụ nữ?

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago