Music

#KhôngQuạu: Phản đối King of Rap Kids – Chưa trải sự đời thì không viết, hát rap được?

Gần đây, có thể thấy dòng nhạc Rap hiện đang nhận được rất nhiều sự chú ý của khán giả thông qua độ phủ sóng mạnh mẽ của hai chương trình Rap Việt và King Of Rap. Từ thể loại nhạc đường phố được cho là hầm hố, chỉ phù hợp với thế giới ngầm Underground, nhạc rap ngày nay đang càng trở nên thân thiện và nhận được nhiều sự đón nhận từ người nghe.

Nắm bắt được xu thế, nhà sản xuất King Of Rap bất ngờ công bố sẽ ra mắt phiên bản nhí với tên gọi King of Rap Kids – một chương trình tìm kiếm tài năng rapper dành cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, và được phát sóng trên VTV3 trong thời gian sắp tới.

Kể từ khi nhà sản xuất của King Of Rap tiết lộ về format dành cho thanh thiếu niên dưới 15 tuổi, hàng loạt các diễn đàn, fanpage và hội nhóm về nhạc rap, underground cũng như các group cộng đồng đã nổ ra tranh cãi dữ dội. Vô số ý kiến cho rằng, mặc dù rap đang vô cùng thịnh hành trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên việc cho ra mắt cuộc thi rap dành riêng cho thiếu nhi liệu có phải là một quyết định chưa phù hợp?

Điều lệ tham gia chương trình King of Rap Kids | Ảnh: Fanpage Giọng hát Việt Nhí Hiphop.vn

Thí sinh nhí còn chưa học chữ xong thì viết rap, hát rap có hợp lý?

Để thực hiện một chương trình vừa phù hợp với lứa tuổi trẻ em, vừa phải thật sự đúng với tinh thần hiphop – dùng nhạc rap làm chủ đạo, là không hề đơn giản và chắc chắn sẽ vấp phải nhiều vấn đề. Nhiều người cho rằng, độ tuổi từ 6 đến 15 của các bé là còn quá nhỏ để có thể sử dụng ngôn từ và các kĩ năng viết lách cho ra một bài nhạc hoàn chỉnh. “Học sinh cấp 2, 1 tuần 4 tiết Ngữ Văn còn khóc ròng, tư duy mới đâm chồi lấy đâu ra kĩ năng viết rap?”

Thêm vào đó, nhiều luận điểm cho rằng, bản chất của nhạc rap là sần sùi, “bão tố” – như cách mà rapper Datmaniac đã từng nói, “Nhạc rap là thứ nhạc ‘bão tố’. Ngôn từ của rap và những văn hóa xung quanh dòng nhạc này đòi hỏi khán giả phải trên 16+ thì mới nên nghe và phải định hướng suy nghĩ một cách kĩ càng.”

Đạo diễn Việt Max – một “lão làng” trong giới hiphop tại Việt Nam, cũng đã có những chia sẻ và quan điểm về chương trình King Of Rap Kids: “Văn hóa đường phố hiphop nói chung và nhạc rap nói riêng, có những thứ chỉ khi nào tham gia thực sự với nó lâu dài bạn mới hiểu được. Còn nếu đột ngột nhảy ngang vào quá nhanh, bạn sẽ chỉ nhìn thấy bề nổi của nó mà sẽ không thể hiểu được bản chất sâu xa của hiphop là như thế nào.”

Vừa là một nghệ sĩ, vừa là một ông bố, Việt Max cũng chia sẻ đã từng cho con trai – bé Pid trải nghiệm với nền văn hóa hiphop từ khi còn rất nhỏ. Anh cũng cho biết đã có nhiều chương trình truyền hình dành cho trẻ em gửi lời mời tham gia đến gia đình và bé Pid, thế nhưng vị đạo diễn này đều từ chối bởi “thấy bé chưa đến tuổi phải lo lắng cạnh tranh với ai cả.”

Nhà sản xuất King Of Rap từng tổ chức The Voice Kids và có những bài hát về chủ đề tình cảm gia đình, bạn bè, trường lớp… dành cho các thí sinh nhí. Tuy nhiên, nhạc rap/hiphop xuất thân từ đường phố, nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội. Lời rap cũng thường được đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính tác giả, do chính rapper viết ra chứ không chỉ đơn giản là hát theo bài hát thông thường như format chương trình tương tự là The Voice Kids.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc để trẻ em tiếp xúc quá sớm với văn hóa hiphop/rap cũng cần được cân nhắc nhiều, bởi những hình thức tranh tài “vốn có” trong thế giới âm nhạc đường phố này – như battle rap, rap dizz,… đều sử dụng những ngôn từ công kích, chửi bới hoặc đá xoáy nhau, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi của trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh cũng quan ngại rằng, nếu con cháu mình học rap rồi lỡ “sa đà” vào những thể loại này sẽ vô tình tiếp xúc với những lời văng tục quá sớm.

Để trẻ con lớn quá nhanh, tạo cơ hội cho các bé tiếp xúc quá nhiều thứ chỉ dành cho người lớn chưa bao giờ là cách khuyến khích tài năng đúng đắn dành cho con trẻ. Nếu để trẻ em tìm hiểu về nhạc rap từ nhỏ nhưng không có định hướng thích hợp có thể khiến các bé dễ sa đà vào những bài hát công kích cá nhân, chỉ trích, hạ thấp nhau – điều sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cả một thế hệ chồi non.

Thay vì ngăn cản, sao không vẽ đường cho con chạy.. đúng đường?

Sự lo lắng chắc chắn là cần thiết, nhất là ở những người hâm mộ của thể loại âm nhạc này cũng như văn hóa hiphop. Cẩn tắc vô áy náy, ở bất kỳ nội dung nào có liên quan đến con trẻ đều cần phải cẩn thận.

Nhưng đứng ở góc độ nhà sản xuất chương trình King of Rap Kids, chắc hẳn họ đã dự tính trước những tình huống mà cư dân mạng nêu ra trong phần bình luận của mình. Tổ chức một chương trình như King of Rap không hề dễ dàng như những cuộc thi hát thông thường, khi mà ca từ của các rapper cần phải được đảm bảo giữ đúng thuần phong mỹ tục, không mang những nội dung nhạy cảm về văn hóa – tôn giáo – chính trị cũng như các hàm ý về chất kích thích hay yếu tố tình dục vào trong đó.

Nếu King of Rap Kids được tổ chức, hiển nhiên sẽ phải trải qua khâu kiểm duyệt gắt gao từ nhà đài để được công chiếu trên đài truyền hình quốc gia. Do đó, việc kiểm soát vấn đề này trong chương trình trẻ em là hoàn toàn khả thi.

Nhiều người cũng lấy dẫn chứng Kenji (Phan Thanh Hiển) – thí sinh nhỏ tuổi nhất của King of Rap năm nay – cũng mới 15 tuổi. Kenji bắt đầu chơi rap và hiphop từ năm 10 tuổi, do đó cũng không thể nói trẻ em không có khả năng theo đuổi rap.

Kenji (15 tuổi) là thí sinh nhỏ tuổi nhất chương trình King of Rap mùa 1 | Ảnh: Fanpage Kenji P336 Band
Kenji (trái) và mentor Big Daddy trong chương trình King of Rap | Ảnh: Fanpage Kenji P336 Band

Đồng thời với sự phổ biến và ảnh hưởng rộng của âm nhạc rap như hiện tại, nhiều trẻ em cũng đã, đang tìm hiểu và có những sản phẩm của riêng mình như cậu bé Piggy với bài rap Đi học thêm hay Cho con đi về đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

Bé Piggy xuất hiện với vai trò khách mời trong chương trình King of Rap | Ảnh: Fanpage Giọng hát Việt Nhí Hiphop.vn

Hay một chương trình khác dành cho trẻ em như Thiếu niên nói cũng đã chứng kiến nhiều chia sẻ chín chắn, lập luận chắc nịch, thậm chí chỉ ra những sai lầm của người lớn đầy sắc sảo của người lớn từ các em. Từ việc áp lực thi cử, bắt nạt học đường đến những cảm giác ân hận, có lỗi với bố mẹ – đó đều là những cảm xúc chân thật và cần được người lớn lắng nghe. Và nếu những tâm tư này được thể hiện thông qua rap, liệu có phải chúng ta sẽ có một góc nhìn mới mẻ hơn từ các bé?

Rõ ràng trẻ em rất cần nhận được sự ủng hộ và thấu hiểu từ các bậc làm cha làm mẹ. Có những tâm tư nguyện vọng đã bị con trẻ cất giữ trong lòng, viết vào trong quyển nhật ký mà có thể cả đời cũng không được bố mẹ biết đến. Ai dám khẳng định thiếu niên nhi đồng không có một sự trải nghiệm – chín chắn nhất định trong cuộc sống của mình? Người lớn đang nói tụi con “chưa trải sự đời”, “còn nông cạn thì làm sao viết nhạc rap, hát nhạc rap” ư?

Bài rap “Hổng sợ đâu” của bé Piggy kết hợp cùng Lifebuoy khiến cộng đồng mạng thích thú.

Hơn hai tháng qua, rap là món ăn tinh thần của hàng triệu người dân Việt Nam thông qua các chương trình truyền hình. Không thể phủ nhận sức hút của rap khi mà giờ đây, từ giới tri thức đến những tiểu thương, từ các anh chàng “chất chơi cool ngầu” đến những cô nàng “yểu điệu thục nữ”, từ các bà nội trợ đến những ông bố khó tính, cũng biết đến rap và thưởng thức loại nhạc này.

Có thể nói dù có tổ chức cuộc thi rap phiên bản nhí hay không thì sức ảnh hưởng của dòng nhạc này lên các đối tượng nhỏ tuổi vẫn không thể tránh được. Vậy nên nhiều nhận định cho rằng thay vì để con tự mò mẫm tìm hiểu nhạc rap thì thà vẽ đường để con được chạy .. đúng đường.

Kết

Ở King of Rap, nhà sản xuất kết hợp giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh, bốn vị mentor LK – BigDaddy – Lil’Shady và Datmaniac đã chứng minh rap không chỉ có khía cạnh hầm hố, nổi loạn, hay đó chỉ là dòng nhạc “đơn thân độc mã.” Giờ đây, rap đã có thể hòa vào những giai điệu của một ca khúc opera trứ danh, kết hợp cùng một đoạn cải lương vọng cổ bùi tai mà người miền Tây vẫn nghe hàng ngày, hay trở thành một nét chấm phá độc đáo trong ca khúc nhạc Trịnh và cả nhạc cách mạng… Nói không ngoa rằng, rap có thể đi cùng với bất cứ thể loại âm nhạc nào chứ chẳng riêng gì ballad – R&B hay các bài nhạc dance xập xình.

Bốn vị mentor của chương trình King of Rap mùa 1 | Ảnh: Internet

Rap không còn dừng lại ở không gian quán bar ồn ào mà đã có thể “bước ra” concert / festival lớn quy tụ hàng nghìn người xem, và rapper đã có thể đứng trước ánh đèn spotlight thay cho cuộc sống “ẩn dật” ngày trước. Rap vốn không quan trọng tuổi tác và đây có thể là cách để trẻ thể hiện góc nhìn của bản thân, thể hiện những quan điểm, chính kiến của mình.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago