Fashion

#KhôngQuạu: Từ sự việc của Alexander Wang – Kinh doanh phải đi liền với đạo đức

Chuyện gì đang xảy ra trong làng thời trang thế giới?

Vừa qua, nhà thiết kế thời trang Alexander Wang vừa bị cáo buộc trên mạng xã hội về hành vi tấn công tình dục của mình.

Việc nhà thiết kế người Mỹ bị cáo buộc tấn công tình dục đang khiến cho sự nghiệp của anh trải qua sóng gió khi xuất hiện làn sóng kêu gọi tẩy chay thương hiệu mang tên anh.

Những cáo buộc được công bố liên hồi

Chia sẻ với Insider, nhân vật được cho là nạn nhân của hành vi tấn công tình dục của nhà thiết kế Alexander Wang, Nick Ward đã đăng dòng tweet kể chi tiết vụ việc (bài đăng được Diet Prada “share” lại sau đó), nói rằng Wang đã tấn công tình dục mình tại một buổi biểu diễn DJ ở Brooklyn, New York, vào năm 2017.

Bên cạnh đó, nhà thiết kế đồ họa Owen Mooney cũng “cáo buộc” Wang tấn công tình dục trong một video TikTok. Mooney không trực tiếp nhắc đến tên Wang trong video nhưng đã bấm “like” bình luận có nội dung “đó là Alexander Wang” – khiến nhiều người tin rằng, nhà thiết kế đồ họa đang ẩn ý về việc bị Alexander Wang “giở trò.”

Tài khoản Instagram S— Model Management (SMM) cũng đã nêu ý kiến của mình về sự việc này trên trang mạng xã hội: “Người mẫu nam và người mẫu chuyển giới [trước giờ] thường bị bỏ qua trong các cuộc trò chuyện về tấn công tình dục trong ngành công nghiệp người mẫu, nhưng không phải thời điểm hiện giờ!”

Chúng ta không thể để những người nổi tiếng thoát tội tấn công tình dục chỉ vì họ đang ở trên một bệ đỡ. Họ cần phải chịu trách nhiệm giống như mọi kẻ lạm dụng khác.

Cùng với SMM, tài khoản Instagram có tên Diet Prada cũng lên tiếng về vấn đề này. Với 2,3 triệu người theo dõi, Diet Prada đã đăng lại một số ảnh chụp màn hình từ bài đăng của SMM trong tài khoản Instagram của mình cùng với các cáo buộc khác có từ Twitter.

Đại diện của Nhà thiết kế Alexander Wang hiện chưa chia sẻ bất cứ điều gì về vấn đề này. Trước sự việc này, nhà thiết kế Alexander Wang đã tắt tính năng bình luận trên Instagram cá nhân, đồng thời cũng vô hiệu hóa những bình luận trên tài khoản Instagram chính thức của thương hiệu.

Nhà thiết kế Alexander Wang lên tiếng phủ nhận về cáo buộc này

Hôm 1/1, Alexander Wang cho biết: “Trong những ngày qua, tôi đã nhận những lời cáo buộc vô căn cứ một cách kỳ cục từ những tài khoản mạng xã hội không đáng tin. Những kẻ này đã đăng thông tin bôi nhọ, xúc phạm tôi từ các nguồn ẩn danh mà không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào.”

Nhà thiết kế khẳng định chưa bao giờ và không bao giờ thực hiện hành vi tấn công tình dục như được mô tả. “Tôi sẽ tìm hiểu kỹ và truy đến cùng vấn đề này, bắt những kẻ bịa chuyện, phát tán chúng lên mạng phải chịu trách nhiệm.”, Wang thẳng thắn.

Tuy vậy, trên mạng hiện đã xuất hiện làn sóng tẩy chay Alexander Wang thông qua kêu gọi mọi người không tương tác hay mua sản phẩm từ thương hiệu thời trang của anh. Nếu không chứng minh được rằng những lời cáo buộc không đúng, như vậy sự nghiệp của Alexander Wang sẽ bị tổn hại nặng nề.

Alexander Wang từng là một biểu tượng thành công trong ngành công nghiệp thời trang

Alexander Wang nổi tiếng với sự nghiệp lẫy lừng ngay từ khi còn rất trẻ. Nhà thiết kế sinh năm 1983 tại San Francisco (Mỹ) và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống thời trang nhưng anh đã bộc lộ năng khiếu từ khi còn bé.

Năm 15 tuổi, Alexander Wang đã tự cắt may 33 mẫu trang phục dạ tiệc cho họ hàng trong hôn lễ của anh trai. Alexander Wang chuyển theo học trường thiết kế Parsons The New School, cái nôi của nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang.

Năm 2012, Alexander Wang được mời vào vị trí giám đốc sáng tạo ở Balenciaga khi mới chỉ 29 tuổi. Năm 2015, Alexander Wang rời nhà mốt Tây Ban Nha để tập trung vào thương hiệu của riêng mình.

Trước khi những lời tố cáo về Alexander Wang xuất hiện trên mạng xã hội, anh được coi là một biểu tượng thành công trong ngành công nghiệp thời trang.

Từ sự việc của Alexander Wang, người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi kinh doanh càng phải đi liền với đạo đức

Người tiêu dùng ngày nay đòi hỏi việc kinh doanh phải đi liền với đạo đức, chứ không chỉ đơn thuần là tìm kiếm sự sáng tạo hay chất lượng sản phẩm.

Đầu năm 2020, thương hiệu Comme des Garçons đã trở thành tâm điểm của dư luận sau buổi trình diễn bộ sưu tập Thu Đông 2020. Theo đó, cuộc tranh luận mang nội dung xoay quanh việc chiếm đoạt văn hóa. Thương hiệu thời trang Nhật Bản đã để người mẫu đội tóc giả tết kiểu Cornrow có nguồn gốc từ châu Phi. Chính hành động đấy đã nhanh chóng khiến cộng đồng người da màu bức xúc.

“Hãy thuê người mẫu da màu nếu bạn muốn chia sẻ nền văn hóa này” – một người mẫu mạnh mẽ chỉ trích thương hiệu vì hành động thiếu hiểu biết này.

Vào đầu tháng 10/2020, nữ ca sĩ Rihanna đã hân hoan tổ chức buổi diễn trang phục nội y Savage x Fenty với sự tham gia của loạt siêu mẫu đình đám như Bella Hadid, Cara Delevingne, Lizzo,… Mọi thứ đều tuyệt vời cho đến khi những người theo đạo Hồi phát hiện một ca khúc trong show diễn có lời trích từ Hadith. Đây là bản ghi chép những lời răn dạy của nhà tiên tri Muhammad. Việc sử dụng những lời ghi chép thiêng liêng này trong show diễn nội y để giải trí khiến cộng đồng Hồi giáo tức giận.

Ngay sau đó, nữ ca sĩ “California King Bed” đã trấn an dư luận bằng một lời xin lỗi chân thành: “Chúng tôi không cố ý xúc phạm Chúa hay bất kỳ tôn giáo nào. Việc sử dụng bài hát trong show là sự vô trách nhiệm. Tôi cũng muốn cảm ơn cộng đồng người theo đạo Hồi đã chỉ ra sai sót lớn của mình. Quan trọng hơn hết, thành thật xin lỗi mọi người vì sự bất cẩn này”, người sáng lập hãng thời trang Fenty Beauty nói.

Tương tự như nữ ca sĩ Rihanna, rapper Kanye West cũng vấp phải dư luận đến từ việc đặt tên cho sản phẩm với yếu tố đụng chạm đến tín ngưỡng. Theo đó, adidas công bố tên gọi của 2 đôi Yeezy Boost thế hệ mới là Yeezy Boost 350 V2 Israfil và Yeezy Boost 350 V2 Asriel. Cả IsrafilAsriel đều là những thiên thần trong ghi chép của người Hồi giáo. Ngay sau khi tên 2 đôi giày được công bố, làn sóng công kích nhằm vào adidas và West bị đẩy lên dữ dội.

Sau cuộc hôn nhân ồn ào và chóng vánh với Amber Heard, hình ảnh của nam diễn viên Johnny Depp cũng lao dốc không phanh. Nhiều người đã yêu cầu Dior chấm dứt việc dùng Johnny Depp làm gương mặt đại diện của dòng nước hoa Sauvage vì những “lùm xùm” đời của anh.

Không chỉ riêng trong năm 2020, những scandal thời trang từ trước đến nay vẫn luôn là một vấn đề nhạy cảm trong việc các nhà mốt và và những người làm việc trong ngành xây dựng hình ảnh. Sau phong trào #Metoo – phong trào được phát động nhằm mục đích chống nạn phân biệt giới tính, đả phá việc trọng nam khinh nữ và lên án bạo hành phái yếu, giới tiêu dùng ngày nay trở nên quyết đoán hơn trong việc nói không với những sự việc bê bối liên quan đến bạo hành hay tấn công tình dục.

Ở khía cạnh kinh doanh, các vụ bê bối tấn công tình dục cũng như đời tư từ nhà quản lý hay nhà sáng lập được cho là nguyên nhân dẫn góp phần đến sụp đổ các thương hiệu lâu đời.

Jeff Epstein là người quản lý tài sản của doanh nhân Leslie Wexner – Giám đốc điều hành Victoria Victoria trong nhiều năm. Epstein đã bị bắt vì tội buôn bán nô lệ tình dục vị thành niên.

Edward Razek là giám đốc tiếp thị của L Brand và là nhà sáng tạo cao cấp tại Victoria’s Secret. Ở hậu trường trong buổi trình diễn thời trang Victoria’s Secret 2018, vị giám đốc này phát ngôn không nghĩ chương trình nên có “người chuyển giới”. Bình luận này cũng khiến thương hiệu bị phản đối và vị giám đốc phải từ chức.

Giám đốc điều hành Philip Green của tập đoàn Arcadia (sở hữu thương hiệu Topshop, Topman…) bị lôi kéo vào một vụ bê bối quấy rối tình dục khiến công ty mất đi các mối quan hệ hợp tác hấp dẫn trong đó có mối quan hệ với thương hiệu Ivy Park thuộc sở hữu của Beyonce.

Kết

Trong thời đại ngày nay, người tiêu dùng đã trở nên “thông minh” hơn và nghiêm khắc hơn bao giờ hết trong lựa chọn các sản phẩm. Không chỉ đơn thuần là thiết kế và chất liệu sản phẩm, câu chuyện về những thương hiệu và đạo đức làm nghề của các nhà mốt thời trang có sức nặng nhiều hơn trước trong quyết định chi tiêu của người tiêu dùng.

Vì thế, việc chọn những nhà quản lý có lai lịch “sạch”, không dính đến các bê bối trong đời tư, cũng như các nhà sáng lập phải luôn ý thức giữ gìn hình ảnh, phát ngôn của mình là điều mà những người làm thời trang cần phải ý thức trong sự phát triển của xã hội hiện nay.

Nghi To

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago