Dưới sự phớt lờ của xã hội, người lớn tuổi trở thành một cộng đồng dễ tổn thương nhất mà không một ai để ý. Họ có thể bị bạo hành về tinh thần hoặc thể chất trong gia đình, bị lãng quên trong dòng chảy cuộc sống hoặc trở thành nguồn trục lợi cho một số cá nhân giống như nội dung bộ phim “I Care a Lot.” Đạo diễn J. Blakeson đã sử dụng một câu chuyện phổ biến nhưng ít được ai chú ý làm nguyên liệu chính cho bộ phim mới của mình. “I Care a Lot” đã bóc trần một trò lừa đảo, lách vào kẽ hở của pháp luật để nhắm đến nhóm đối tượng là những người già yếu thế.
I. QUYỀN ĐƯỢC GIÁM HỘ LÀ GÌ?
Theo đạo luật giám hộ ở Mỹ, khi một cá nhân không có người thân, không thể tự chăm sóc và bảo vệ mình, Toà án có thể chỉ định một nhân viên công tác xã hội chăm sóc và hỗ trợ cho cuộc sống của cá nhân đó. Những người cần được giám hộ bao gồm người già neo đơn, những người bị xa sút về trí tuệ, những người không không thể kiểm soát được hành vi của mình. Nhân viên công tác xã hội có quyền quản lý tài sản, quyết định các giao dịch pháp lý với tài sản đó để bảo trợ những người yếu thế khỏi mối nguy hại tình chính, lừa đảo. Thoạt nhìn, đây là một điều luật cao thượng, được xây dựng trên cơ sở con người có tính nhân ái bẩm sinh. Nhưng đôi khi, thực tế lại cho chúng ta câu trả lời ngược lạ

Marla Grayson (Rosamund Pike) trong “I Care a Lot” nói trắng ra là một kẻ lừa đảo. Ả ta hợp pháp hoá các hành vi sai trái của mình bằng cách lập nên một công ty giám hộ chuyên nghiệp. Vận hành hệ thống này là các bác sĩ, nhân viên công ty và thậm chí là toà án. Bằng cách cấu kết với bệnh viện, Marla đã thêu dệt nên nhiều lý do nhằm khắc hoạ “con mồi” của mình như những người không thể chăm lo cho bản thân. Bởi vậy họ cần một người giám hộ để hỗ trợ duy trì cuộc sống. Sau đó, cô ta về cơ bản là sẽ tiến hành bắt cóc nạn nhân, kiểm soát tất cả tài sản và nhốt họ trong một khu vực biệt lập, nơi mà những người cao tuổi đó sẽ không bao giờ gặp lại gia đình của mình.
II. I CARE A LOT – MỘT BỘ PHIM TOÀN NHỮNG KẺ ĐÁNG GHÉT
Vài người sẵn sàng bỏ qua “I Care a Lot” chỉ sau hai mươi phút đầu bởi những phân đoạn gây ức chế tột cùng. Đâu đâu trong “I care a lot” cũng có những kẻ đáng ghét. Một gã quan toà vô dụng, một gã luật sư màu mè, một ả bác sĩ sẵn sàng bán bệnh nhân cho những kẻ lừa đảo nhưng lại ra vẻ mình rất có lương y. Tất cả những nhân vật đấy như một xã hội thu nhỏ khiến khán giả càng thêm hiểu tại sao ngày nay có quá nhiều người chán ghét cuộc sống.

Tuy nhiên tất cả những nhân vật khó ưa trong “I care a lot” chỉ là con tốt trên bàn cờ của hai kẻ ác khác. Về cơ bản, chúng ta đang xem hai con quái vật chiến đấu với nhau trong 120 phút và ngóng xem ai sẽ là người thua cuộc. Chỉ cần bạn có thể gạt bỏ sự chán ghét, cảm giác ức chế về một nước Mỹ có đầy rẫy những kẻ xấu không chỉ ngang nhiên trốn tránh công lý mà còn thản nhiên làm giàu nhờ lỗ hổng pháp luật, bộ phim vẫn có thể mang tới cho khán giả kha khá những lát cắt khá thú vị. Dù không hứng thú với những điều tiêu cực, đôi khi chúng ta vẫn phải nhìn thẳng vào sự xấu xí của cuộc sống thông qua lăng kính châm biếm và cách điệu.
Cư dân mạng hay nói, những kẻ nói đạo lý thường sống chẳng ra gì, thế nhưng Marla Grayson thậm chí còn không mất công nói đạo lý. Ả chẳng cần thanh minh hay giải thích, cũng chả cần ai thông cảm hoặc thấu hiểu cho mình. Đơn giản là với ả để thành công thì phải có tiền và để có tiền thì phải “dũng cảm, ngu ngốc, tàn nhẫn và tập trung. Vì chơi công bằng, cảm thấy sợ hãi chẳng đi đến đâu cả, chỉ làm mồi cho kẻ khác mà thôi.”
Ngay từ đầu phim, cô nàng đã lật bài ngửa về sự xấu xa của mình, như thể nó là tấm biển quảng cáo cỡ lớn tại các ngã tư đông đúc với câu tuyên ngôn:
“Làm gì có người tốt? Tôi cũng từng như bạn, cứ ngồi đó nghĩ rằng làm việc chăm chỉ và công bằng sẽ dẫn đến thành công và hạnh phúc. Sai bét. Công bằng là một trò đùa do người giàu nghĩ ra để ta mãi nghèo. Thế giới này có hai loại người: kẻ được và kẻ mất. Kẻ săn mồi và con mồi. Sư tử và cừu. Và tôi nhất định phải là sư tử.”
Marla Grayson – I Care a Lot

Marla Grayson thể hiện một khả năng sinh tồn bất diệt trong “I Care a lot“, đến xã hội đen cũng chỉ là một trong những nấc thang đưa cô ta đến với đỉnh cao danh vọng. Đối đầu với một tên trùm gangster gốc Nga, bằng hào quang của nữ chính cũng như những kế hoạch cẩu thả của lũ sát thủ được coi là giết người chuyên nghiệp, Marla Grayson năm lần bảy lượt thoát chết. Sau đó cô nàng lên kế hoạch trả thù nhẹ nhàng như thể đang pha một bát mỳ tôm. Tất nhiên điều này một phần đến từ dụng ý của đạo diễn, khi cố tình nêu bật sự coi thường của cánh đàn ông dành cho phụ nữ nhằm khắc hoạ bản tính liều lĩnh, quyết tâm của nữ chính. Một phần khác đến từ việc Marla Grayson đã được biên kịch trang bị cho một bộ kỹ năng phi phàm như đột nhập, rình mò, hoá trang như một nữ điệp viên chuyên nghiệp.
Thật may là với lối diễn tỉnh bơ và ngoại hình đầy trau truốt của Rosamund Pike, dù không hài lòng, khán giả vẫn có thể tạm chấp nhận diễn biến của bộ phim. Tuy nhiên nếu trong Gone Girl, người xem cảm thấy trầm trồ và khâm phục với chiến thắng sau cùng nghiêng về Amy Dunner thì Marla Grayson của “I care a lot” có lẽ là một trong những nhân vật khiến khán giả hả hê khi “bị hạ gục” nhất.
III. QUYỀN ĐƯỢC GIÁM HỘ TRONG THỰC TẾ
“I Care A Lot” và “Framing Britney Spears” đều có một điểm chung là đề cập đến quyền giám hộ. Nhưng một phim xoay quanh kẻ nắm quyền, phim còn lại tập trung vào nạn nhân.

Với quyền bảo hộ trong tay, cha ruột của Britney có thể kiểm soát hầu hết cuộc sống của cô, từ việc dùng điện thoại, hoạt động thăm con đi chơi, công việc và… tất cả các khoản thu nhập. Sự việc bắt đầu dấy lên khi phong trào #FreeBritney (Giải thoát Britney) do người hâm mộ khởi xướng tràn ngập mạng xã hội. Mục đích của cuộc vận động dài hơi này là để giúp Britney giành lại quyền quản lý cuộc sống riêng của mình.

Mọi chuyện bắt đầu vào thời điểm năm 2008 khi Britney đã làm công chúng hoảng hồn với vụ sang chấn tâm lý lớn nhất cuộc đời mình, tự giam mình cùng con trai ở trong phòng suốt 72 giờ. Từ đó, ông Jaime Spears giành được quyền trở thành người giám hộ đúng theo luật pháp của con gái và được trả khoảng 130 nghìn đô/năm (khoảng 3 tỷ đồng) nhờ vai trò này. Tuy nhiên người hâm mộ đã nhận ra khá nhiều điểm bất thường trong những bài đăng của cô trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đó là thông điệp cầu cứu ngầm của cô ca sĩ. Chính Britney Spears cũng công khai bày tỏ sự bất bình với quyết định này của toà án khi chính thức khởi kiện bố mình để ngăn ông Jamie Spears khỏi việc quản lý sự nghiệp, tài sản cá nhân. Hồi tháng 11, luật sư đại diện của cô đã khẳng định rằng Britney “cực kỳ phản đối” quyền giám hộ của bố. Người này cũng cho biết rằng đã từ lâu, ông Jamie không hề gặp và nói chuyện với con gái, song vẫn có toàn bộ quyền lực trên tài sản của cô.
IV. KẾT
Bắt nguồn từ nghĩa cử tốt đẹp nhằm giúp đỡ những người không có khả năng nhận thức,sống an toàn và yên ổn, câu chuyện về quyền giám hộ giờ đây có thể biến tướng thành công cụ chuộc lợi, hại người mà vẫn được pháp luật Mỹ cho phép. Vụ án, câu chuyện dai dẳng của Britney Spears sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, nữ ca sĩ ít nhất còn có tiếng nói và sự ủng hộ của đông đảo người hâm mộ. Câu hỏi được đặt ra là còn có bao nhiêu người đang phải chịu cảnh bất công như Britney, như phim mà chẳng thể lên tiếng? “I Care A Lot” vừa là một tác phẩm giật gân, vừa là một nụ cười chua chát, nhạo báng lên sự bất cập và dễ lợi dụng của một hệ thống sinh ra để “bảo vệ người khác.”
#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Nạn nhân không hoàn hảo
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Chúng ta tồn tại vì điều gì?
Nếu chúng ta có thể gọi về quá khứ
Nạn nhân không hoàn hảo
Thảo luận về bài viết