Lifestyle

#Thoáng: Kiểm tra trinh tiết, những ngộ nhận về máu?

#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi mở và hiện đại.

“Anh ấy bước vào phòng và nói rằng sáng mai sẽ đưa tôi đến gặp bác sĩ ở trung tâm London để kiểm tra. Tôi hỏi ngay rằng anh ta muốn kiểm tra gì trên cơ thể tôi.”

“Kiểm tra xem cô có còn là một trinh nữ hay không.” – Đó là những gì mà Zara nhận được từ người đàn ông mà cô sắp sửa kết hôn. Cô là một thiếu nữ người Bangladesh sinh ra tại Anh.

Zara và nhiều người phụ nữ khác đang phải đối diện trước những cuộc hôn nhân ép buộc từ phía gia đình cũng như những bài kiểm tra vô lý này. Chú rể của cô đã đưa ra yêu cầu buộc người vợ tương lai của mình phải khám trinh tiết trước khi cả hai đi đến quyết định kết hôn.

“Bác sĩ trong phòng bảo tôi ngồi vào ghế. Sau đó, anh ta mở cả hai chân tôi ra và bắt đầu tiến hành bài kiểm tra hai ngón tay. Mặc cho tôi có sợ hãi và cầu xin bao nhiêu, vị bác sĩ đó vẫn không dừng cuộc kiểm tra này lại.

Lần khám bệnh đó đã khiến tôi đã bị tổn thương tâm lý nặng nề. Một người đàn ông xa lạ đưa tay vào nơi nhạy cảm nhất trong cơ thể phụ nữ. Cảm giác đó khiến tôi thấy mình không còn được đối xử như một con người nữa. Mà thật ra, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ làm thế với loài vật, đúng không?

Tuy kết quả của lần khám bệnh kinh hoàng đó đã chứng minh rằng tôi vẫn còn trinh, nhưng ngày hôm đó đã phá hủy cuộc đời tôi. Tôi không thể nghĩ đến việc kết hôn, cũng như không còn muốn có con nữa. Tôi từ chối mọi mối quan hệ và đã mất đi một cuộc sống hạnh phúc.”

Một câu chuyện khác của Payzee Mahmod về những phép thử độc đoán này. Khi đó cô chỉ mới 16 tuổi và bị ép buộc phải kết hôn với một người đàn ông lớn gấp đôi tuổi mình. Payzee nói rằng, khám trinh tiết khi tảo hôn và các hình thức bạo lực luôn có mối liên hệ chặt chẽ.

Những bài kiểm tra màng trinh có khả năng dẫn đến một sự cố chết người chỉ vì kết quả không như mọi người mong muốn. Em gái của Paisey đã bị chính cha của họ sát hại sau khi cô cố thoát khỏi một cuộc hôn nhân bạo lực mà ông đã sắp xếp. Cô gái này đã bị buộc tội làm ô nhục gia đình mình.

Kiểm tra trinh tiết, những ngộ nhận về máu?

Trên thế giới, vẫn còn rất nhiều nơi mà những đứa trẻ lớn lên với niềm tin rằng, màng trinh là minh chứng cho sự trong trắng của một người phụ nữ. Theo hai chuyên gia tâm lý Ellen Støkken Dahl và Nina Dølvik Brochmann, niềm tin đó được hình thành dựa trên hai ngộ nhận đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục làm khổ cuộc đời những người phụ nữ trên thế giới.

“Ngộ nhận đầu tiên là về máu. Theo đó, ở lần quan hệ tình dục đầu tiên của một cô gái, màng trinh sẽ rách và máu qua đường âm đạo. Vì thế, nếu không có máu trên ga giường trong đêm tân hôn thì người phụ nữ ấy sẽ bị nhìn nhận là không còn trong trắng.

Ngộ nhận thứ hai là hậu quả của điều đầu tiên. Bởi vì màng trinh đã bị rách và tổn thương, mọi người tin rằng nó thật sự biến mất vĩnh viễn – và điều đó sẽ có ảnh hưởng to lớn đến cuộc hôn nhân. Cho nên, để có thể bảo vệ hạnh phúc gia đình, và để tìm ra liệu một người phụ nữ có còn trong trắng hay không, một bài kiểm tra cơ quan sinh dục nữ thông qua một xét nghiệm màng trinh là điều nên có trước khi một cặp đôi chính thức thành vợ thành chồng.”

Trinh tiết chưa bao giờ “mất” cả

Mọi người đều tin rằng màng trinh là một lớp màng bao bọc cửa âm đạo, và nó mỏng manh đến mức chỉ cần một tác động nhỏ thôi cũng đủ xé toạc nó. Tuy nhiên, theo Ellen Støkken Dahl, màng trinh không hề giống “miếng nhựa bọc thức ăn” – nói đúng hơn là màng trinh không như một tấm màng mà chỉ là một phần vành mô ở phía ngoài âm đạo.

“Màng trinh có hình dạng giống như một chiếc vòng chun buộc tóc, hoặc có thể nói, nó giống một chiếc bánh donut vậy. Nói chung hình thù của chúng rất đa dạng, chính vì thế mà việc kiểm tra trinh tiết rất khó khăn.”, Dahl nói.

“Khi tôi nói nó giống một chiếc chun buộc tóc, có nghĩa là không chỉ giống về hình dạng và còn là về chức năng co giãn. Đúng thế! Bạn có thể kéo giãn một màng trinh. Trên thực tế, nó rất đàn hồi và rất nhiều màng trinh đủ mềm dẻo để không chịu bất kỳ tổn thương nào khi quan hệ. Còn trường hợp ‘rách’ màng trinh ở một số phụ nữ là vì để dành chỗ cho dương vật, nhưng điều đó không làm nó biến mất như nhiều người nghĩ – chỉ là hình dạng có thể khác một chút so với trước khi quan hệ.”

Niềm tin khôi phục màng trinh để làm lại cuộc đời

Bất chấp sự thật về màng trinh là thế, niềm tin về một màng trinh “không còn nguyên vẹn” vẫn tồn tại hàng thế kỷ.

Không có một luật lệ nào bảo vệ những người phụ nữ rơi vào trường hợp tương tự như Zara hay chị em nhà Mahmoud cả. Thậm chí, khi bị phát hiện mình không còn trinh, ngay lập tức các phòng khám sẽ mời gọi các cô gái thực hiện những hình thức phẫu thuật vá màng trinh để nữ giới có thể “chảy máu trong đêm tân hôn” – và từ đó, họ được đánh giá là “đủ điều kiện” kết hôn.

Nói cách khác, những phòng khám này đang trục lợi bằng cách bóc lột những người phụ nữ dễ bị tổn thương. Thế nhưng, thật đau xót khi ta vẫn đang ngày ngày chứng kiến sự gia tăng về số lượng của các cô gái đến cầu xin giúp đỡ.

Ảnh: Ravishly

Chỉ cần dành chút thời gian tìm kiếm nhanh trên internet, ta sẽ thấy những bài quảng cáo về các phòng khám cung cấp dịch vụ phẫu thuật chỉnh sửa màng trinh, sử dụng những ngôn từ khó hiểu và gây hoang mang.

Quảng cáo của một phòng khám quốc tế đã nhắc đến mối liên hệ trực tiếp giữa việc phụ nữ bị giết vì nghi ngờ về trinh tiết và tầm quan trọng của sửa chữa màng trinh. Một trang web khác lại khẳng định rằng thủ thuật này sẽ giúp những cô gái lấy lại trinh tiết đã mất. Hay một phòng khám nọ đã cảnh báo rằng hôn nhân của họ sẽ bị hủy bỏ ra sao nếu màng trinh không còn nguyên vẹn.

Những cụm từ như “khôi phục trinh tiết”, “làm mới màng trinh” hay “làm lại cuộc đời” đã đánh vào tâm lý dễ tổn thương của những người phụ nữ đang đứng trên bờ vực của hạnh phúc.

Bàn cân công lý

Khu phố Harley ở London luôn là địa điểm có tiếng với những công nghệ y khoa vượt bậc. Tại đây cũng không thiếu các bác sĩ cung cấp dịch vụ phẫu thuật phục hồi màng trinh (hymenoplasty).

Bác sĩ Dheeraj Bhar là một trong số họ. Tuy nhiên, điều khiến phòng khám của ông khác biệt so với những nơi mà Zara đã đi qua là ông không thực hiện các xét nghiệm trinh tiết và chỉ cung cấp dịch vụ phẫu thuật tạo hình màng trinh khi ông đã chắc chắn rằng bệnh nhân của mình tự nguyện mong muốn điều đó.

“Nhiều bệnh nhân của tôi thường có vấn đề với gia đình về việc họ phải còn trinh khi kết hôn. Họ phải chảy máu cho lần quan hệ đầu tiên với chồng. Không phải vì họ đã quan hệ trước đó nên mới cần đến sự giúp đỡ vá màng trình, mà đa phần bệnh nhân đến tìm tôi vì họ đã trải qua một số chấn thương thể chất dẫn đến rách màng trinh. Tôi nghĩ rằng bằng cách cung cấp dịch vụ này, chúng tôi sẽ mở ra cánh cửa mới cho những phụ nữ này, cho họ một sự lựa chọn để cuộc sống của họ sẽ phần nào dễ chịu hơn.

Quan trọng hơn hết, quyết định đó không phụ thuộc vào tôi hay bất kỳ ai khác, hoặc thậm chí là chính phủ. Tất cả đều không có quyền cấm đoán hoặc tước đi phương pháp điều trị này trừ chính người phụ nữ đó.” Bác sĩ Bhar chia sẻ.

Nhưng trên cùng một con phố với phòng khám của bác sĩ Bhar, vẫn có nhiều bác sĩ phẫu thuật phản đối phương pháp này.

“Đó là một điều không cần thiết. Trên thực tế, người bác sĩ thực hiện phương pháp này đang xâm phạm vào cơ thể bệnh nhân mà không có lý do chính đáng.”, Bác sĩ Ashfaq Khan từ chối thực hiện các cuộc kiểm tra trinh tiết lẫn phẫu thuật vá màng trinh.

“Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, cuộc thảo luận chủ yếu sẽ là liệu việc chữa trị này có trái đạo đức hay không. Cá nhân tôi cho rằng pháp luật nên cấm tuyệt phương pháp này, đơn giản là vì đó là điều không cần thiết. Đồng thời, thực hiện những ca phẫu thuật như thế chẳng khác nào ủng hộ quan niệm rằng phụ nữ nên còn trinh trước khi kết hôn. Điều đó quả là thiếu tôn trọng người phụ nữ.”

Không chỉ bác sĩ Khan mà còn nhiều cá nhân, tập thể khác cũng đưa ra những ý kiến chỉ trích hình thức phẫu thuật vá màng trinh.

Nhà từ thiện tự do Aneeta Prem đã vận động trong nhiều năm để cấm thực hành này. “Chúng tôi yêu cầu luật pháp nên cân nhắc rằng việc kiểm tra trinh tiết và phẫu thuật chỉnh sửa màng trinh là tội hình sự. Những cô gái bị buộc phải kiểm tra trinh tiết xem đó là hành vi lạm dụng tình dục, một sự vi phạm thân thể của họ.”

Trường Royal College Of Midwives cũng phản đối phương thức này, cho biết chúng không có lợi ích y tế nào cả. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng muốn có lệnh cấm đối với tất cả các hình thức kiểm tra trinh tiết.

Kết

Ngộ nhận về màng trinh đã tồn tại nhiều thế kỉ vì nó liên quan mật thiết đến vấn đề văn hóa. Nhiều phụ nữ vẫn không được tin tưởng, bị bôi nhọ, làm hại và trong nhiều trường hợp, bị giết hại vì danh dự nếu họ không chảy máu vào đêm tân hôn.

Việc loại bỏ lăng kính và rào cản văn hóa này cũng như liệu phẫu thuật màng trinh có là một hình thức bạo lực đối với nữ giới hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề giáo dục liên quan đến ý nghĩa của trinh tiết – đặc biệt là với người trẻ và những cộng động quá coi trọng giá trị của màng trinh.

Xem thêm:
#Thoáng: Tình dục thời chiến – Khi phụ nữ bị lãng quên còn đàn ông thì “cố” để mắc bệnh lậu
#Thoáng: Tắt đèn, bật nhạc – Trải nghiệm du dương khi âu yếm theo góc nhìn khoa học
#Thoáng: Những cuộc đình công tình dục nổi tiếng nhất thế giới

Nghi To

Recent Posts

14 điều nhỏ nhặt khiến cánh đàn ông bị hấp dẫn bởi nữ giới

Những điều nhỏ nhặt mà nữ giới thường hay làm hoặc có sẵn trong thâm…

11 giờ ago

Những loại cocktail nên gọi cho lần đầu vào bar (Phần 1): 7 thức uống kinh điển

Đôi khi, những thức uống mà ta quen miệng gọi mỗi lần vào một quán…

2 ngày ago

10 nghịch lý thú vị giúp mở mang tư duy của bạn

Trong đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của…

3 ngày ago

6 phong cách kiến trúc Pháp phổ biến ở Việt Nam

Sự hiện diện của thực dân Pháp không chỉ giới hạn ở chính trị, mà…

4 ngày ago

5 dấu hiệu cho thấy bạn và tổ chức đang làm việc kém hiệu quả

Sau đây là những "sát thủ" thường đe doạ đến năng suất của một tổ…

4 ngày ago

Triển lãm mỹ thuật của hoạ sĩ Trương Hán Minh (Kể Chuyện Nghìn Năm): Thiên nhiên Việt Nam tái hiện qua những bức thuỷ mặc

Những tác phẩm của Trương Hán Minh, như là lời tự tình với cội nguồn văn…

5 ngày ago