Lifestyle

#HọNóiLà: KTS Lê Hưng Trọng: “Từ chối đúng lúc cũng là một trách nhiệm của người làm kiến trúc”

#HọNóiLà là những câu chuyện, góc nhìn và trải nghiệm từ các nhân vật khách mời của TML.

Khi hỏi về lựa chọn giữa một thiết kế làm bản thân hài lòng nhưng lại nhận được nhiều phản ứng trái chiều và một sản phẩm được nhiều người khen ngợi nhưng lại không đem đến sự thỏa mãn, anh sẽ chọn điều gì, Kiến trúc sư (KTS) Lê Hưng Trọng thẳng thắn trả lời: “Thoả mãn bản thân.”

Mang đến những thiết kế phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách hàng, chàng kiến trúc sư này vẫn có thể hài hoà giữa việc làm hài lòng bản thân cũng như tạo nên những công trình kiến trúc mộng mơ.

Năm 2006, KTS Lê Hưng Trọng tốt nghiệp thủ khoa Khoa Kiến Trúc, Đại học Văn Lang và lập nghiệp tại Sài Gòn. Đó cũng là khoảng thời gian anh bắt đầu thử sức với những công việc đầu tiên liên quan đến kiến trúc và nội thất tại công ty thiết kế vừa và nhỏ. Công việc vừa-học-vừa-làm đã mang lại cho anh nhiều kinh ngiệm và kiến thức trong lĩnh vực thiết kế, để từ đó, KTS Lê Hưng Trọng đã trở thành một trong những cái tên quen thuộc đứng sau những dự án nhà hàng, quán cà phê tại hai miền Nam Bắc. Anh Trọng cũng đã cùng những cộng sự thân thuộc làm việc tự do, rồi lập cho riêng mình công ty thiết kế kiến trúc – nội thất, Lê House.

Ngoài lĩnh vực chính làm về kiến trúc – nội thất thì anh còn xuất bản sách vẽ (artbook) như Sài Gòn xưa-màu hoài niệm, Vùng đất thần tiên, và Sắc màu cỗ tích Việt Nam.

Khi nhắc đến căn nhà, công trình, không gian,… điều gì sẽ xuất hiện trong tâm trí anh?

Những bức tranh.

Nhà hàng lẩu Thượng Hải – The POT (Hà Nội)

Tại sao trong những bức tranh vẽ của anh luôn xuất hiện hình ảnh nàng tiên cá?

Đây là nhân vật yêu thích nhất của anh. Nó hội đủ hai thứ mà tính cách anh có: Sự bay bổng, giả tưởng mang tính truyền thuyết về nhân vật, nhưng rất đỗi trần tục, thực tế. Đây cũng là nhân vật mà đến bây giờ loài người vẫn tin có thật 100%.

Một điều về nghề KTS chỉ những người “từng trải” mới biết?

Nghề kiến trúc mang sứ mệnh cao cả nhất, đó là “định hướng cái đẹp cho xã hội.”

Một trong những thứ có hạn sử dụng lâu nhất là kiến trúc. Những tòa nhà, công trình phải được thiết kế để sao cho có độ bền, tính ứng dụng, tính phù hợp với môi trường trong hàng chục, hàng trăm năm. Vì vậy là một kiến trúc sư, nhiều người buộc phải suy nghĩ về cách mọi thứ sẽ tồn tại trong tương lai cũng như quãng đường xa nhất mà công trình đó có thể đồnghành cùng thời gian. Tuy nhiên gần đây, rõ ràng chúng ta đang sống rất nhanh và vội vã. Điều này khiến anh cảm thấy gì? Sự khẩn trương trong phong cách sống hiện đại này liệu có tác động đến công việc của anh trong vai trò một nhà thiết kế?

Khi xã hội càng phát triển, cuộc sống càng đủ đầy, chỉ cần cái lướt tay trên màn hình cảm ứng, chúng ta hiển nhiên có ngay năng lực sở hữu mọi thứ trên thế giới nhanh đến mức ngỡ ngàng. Chính sự tiện ích và lối sống thực dụng được hình thành trong thời đại của công nghệ.

Do đó, khi thiết kế cho một khách hàng, đôi khi khách hàng muốn KTS trả lại cho họ một sản phẩm cũng giống như cái chạm tay trên màn hình cảm ứng vậy. Từ đó, những vô vàn kiến trúc được thiết kế một cách hời hợp ra đời, kẻ may thì xài tạm, người không may thì nhận cái kết đắng.

Cá nhân anh phải mất khá nhiều thời gian ban đầu để tư vấn và phân tích cho khách hàng, để họ hiểu rằng, mỗi cá thể là một sự khác biệt độc lập. Chúng ta thiết kế kiến trúc không đơn thuần là sao chép thể loại hay phong cách nào, mà là thiết kế cả một lối sống khác biệt cho gia chủ.

Bản thân khách hàng phải hiểu rõ mình muốn gì nhất. Sẽ có những KTS “đóng vai” khách hàng và tự tạo nên những không gian mà họ nghĩ sẽ phù hợp với khách. Nhưng khi đến tay anh, anh sẽ “buộc” khách hàng dành thời gian cần thiết cho sản phẩm đầy sự sáng tạo này, để họ hiểu họ thật sự cần gì rồi mới truyền tải cho người KTS. Dù mất nhiều thời gian cũng không sao, bởi mỗi công trình đều xứng đáng được đầu tư.

Liệu anh có quan tâm đến sự hoà hợp giữa môi trường sống xung quanh và các công trình của mình không? Nếu có, yếu tố nào phản ánh tính kiến trúc xanh trong các bản thiết kế của anh?

Rất quan tâm! Và yếu tố phản ánh điều này trong những bản vẽ của anh có thể thấy được ở phần không gian thiết kế. Có yếu tố như giếng trời và cây xanh luôn được anh ưu tiên đặt lên hàng đầu, và anh luôn luôn muốn lồng ghép điều đó vào từng thiết kế.

Rất nhiều công trình của anh đều tận dụng ánh sáng tự nhiên, ưu tiên không gian mở, sử dụng nguyên liệu chính là gạch nung, gỗ… Liệu đó có phải là cách để anh đưa các thiết kế của mình đến gần với thiên nhiên hơn?

Đúng vậy! Bởi những thứ thuộc về tự nhiên là những cái đã thể hiện sẵn bản chất của nó. Chúng ta chỉ việc sắp đặt chúng sao cho hài hoà, không che phủ lớp ngoài cho nó một hình thức khác mà lấp đi vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Như thế sẽ không tạo được sự gần gũi, ấm cúng.

Anh nghĩ gì về sự kết hợp của các công trình tư nhân với kiến trúc đô thị của thành phố Hà Nội? Liệu tương lai có xu hướng nào để các công trình kết hợp hài hoà với nhau hơn cũng như đảm bảo các giá trị bền vững của thiết kế xanh?

Chính vì sự tiện dụng, cũng như sự hối hả trong cuộc sống, cùng với những thiết kế được đầu tư hời hợt đã cho ra đời những ngôi nhà dân dụng lộn xộn và ẩu thả, làm ảnh hưởng đến kiến trúc đô thị. Ngoài ra còn là vì năng lực qui hoạch và quản lí xây dựng đô thị còn yếu kém của các cơ quan.

Đôi khi chính vì phải tuân theo luật lệ, dẫn đến việc họ còn chưa xét tới tính thẫm mỹ cao của công trình đã vội qui chụp cho chúng những thiết kế không phù hợp, những kiểu mẫu rập khuôn, xấu xí.

Điều này chỉ có thể được cải thiện trong tương lai khi những điều kiện sau được quan tâm hơn:

  1. Tình yêu cây xanh của người dân
  2. Góc nhìn về giá trị thẫm mỹ đúng đắn
  3. Các cơ quan quản lí phải am hiểu rõ ràng về kiến trúc đẹp và sự đầu tư về quản lí qui hoạch được nâng cao
  4. KTS được sử dụng năng lực chuyên môn đúng nghĩa cho khách hàng, không thiết kế vì lợi ích bản thân mà đưa ra những nhận định sai trái cho khách hàng.

Trong một bài phỏng vấn anh đã từng nói: “Để có thể thiết kế ‘độc bản’ cho từng khách hàng, trước tiên chúng ta phải thật sự thấu hiểu con người khách hàng.” Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra nếu sở thích của khách không phù hợp với phong cách thiết kế của anh?


Mọi người nên hiểu rằng, khách hàng là những người hiểu rõ bản thân họ muốn gì nhất. Chính vì thế khi họ đặt niềm tin đầu tiên vào bất kì người thiết kế nào, anh tin rằng họ cũng phải tìm hiểu kĩ càng.

Đến với Lê House cũng thế, các sản phẩm của anh làm ra một phần nào đó đã phản ánh đúng cá tính sáng tạo của mình. Việc khách hàng tìm tới anh chứng tỏ họ yêu thích cá tính đấy. Do đó, đề bài đầu tiên là gần như 90% đều đã phù hợp ít nhiều với phong cách thiết kế. 10% còn lại, trong quá trình tư vấn, nếu anh nhận dịnh không phù hợp sẽ từ chối luôn, hoặc sẽ tư vấn để họ tìm được thiết kế khác phù hợp.

Anh nghĩ từ chối đúng lúc cũng là một trách nhiệm của người làm nghề kiến trúc.

Giữa một thiết kế làm bản thân hài lòng nhưng lại nhận được nhiều phản ứng trái chiều và một sản phẩm được nhiều người khen ngợi nhưng lại không đem đến sự thỏa mãn, anh sẽ chọn điều gì?

Thoả mãn bản thân! Chỉ có bản thân thấy có ý nghĩa và hạnh phúc, mới mong cầu mang điều đó tới mọi người. Anh không phải là tuýp người sống vì mọi người. Làm hài lòng bản thân đã là một quá trình khó nhất của con người rồi.

Điều gì làm nên một công trình khiến anh mãn nguyện? Có thể nói về một công trình mà anh rất thất vọng khi nghĩ về không?

Điều làm nên sự mãn nguyện của một công trình là khi ý tưởng thiết kế được bảo vệ tốt và được chủ đầu tư tin tưởng ủng hộ. Đồng hành với đó là dịch vụ thi công tâm huyết thực hiện dự án, biến sự tưởng tượng của người thiết kể thành một công trình có thực.

Thất vọng khi nghĩ về một công trình nào đó thì anh nghĩ nên giữ cho bản thân mình biết, tự kiểm điểm lại mình và cố gắng cho những công trình tiếp theo. Anh ít khi kể lể về điều gì đó nhằm trách móc hay đổ lỗi cho người khác. Khi một công trình gây thất vọng, lỗi nhiều nhất của KTS, đơn giản chỉ vậy thôi.

Post vào đây bức ảnh về một công trình mà anh thấy giữ được sự cân bằng nhất về cả tính sáng tạo trong kiến trúc, sự hoà hợp môi trường và cái đẹp. Chia sẻ 2-3 câu về nó.

Đây là một công trình nhà ở dân dụng ở phố Triệu Việt Vương, Hà Nội.

Khu phố này đa số có nhiều ngôi nhà cổ và cũ. Bản thân anh khi thiết kế cho ngôi nhà này vẫn muốn giữ lại đường nét, dáng dấp của những ngôi nhà đặc thù của phố cổ Hà Nội. Nhưng đồng thời, anh cũng muốn mang đến cho nó sắc màu trắng khác lạ, vừa hài hoà nhưng vẫn nổi bật. Không gian bên trong là sân trong giếng trời với chất liệu và đường nét khá hiện đại, phù hợp với lối sống của gia chủ. Sự kết nối không gian còn nằm ở những mảng xanh.

Những chất liệu của công trình cũng chính là những vật liệu và màu sắc thân thiện môi trường, tạo nên một tổng thể hài hoà môi trường xung quanh.

Cái “giá” để có thể mời KTS Lê Hưng Trọng vẽ thiết kế, thi công cho một công trình sẽ gồm những gì?

Chỉ cần chủ đầu tư biết rõ giá trị cái đẹp, hiểu rõ mình muốn gì nhất, và đương nhiên phải có thật nhiều tiền để đầu tư cho chính đứa con tinh thần của mình. KTS chỉ nhận đúng giá trị thật họ bỏ ra, không hơn không kém!

Nếu “thiết kế kiến trúc” là một cô gái, nàng sẽ là người như thế nào?

Như người cá vậy đó, vừa thật vừa mơ, vừa đẹp vừa huyền bí.

Một lời nhắn nhủ đến bản thân mình trong hai năm nữa?

Hãy giữ vững đức tin về nghề, xem nó như một tôn giáo dẫn lối, chỉ có thế chúng ta mới không lạc bước.

Xem thêm:
#HọNóiLà: Hanniefu – Giới tính và ngoại hình không “chụp ra” những bức ảnh đẹp
#HọNóiLà: Huppie in Taiwan – Cuộc cách mạng để mạnh dạn nói “Không!”
#HọNóiLà: Travel Blogger Vinh Gấu: “Chỉ nhìn thế giới qua TV thì thật phí hoài tuổi xuân”

Nghi To

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago