Thời gian gần đây, ẩm thực fusion được xem là một xu thế tất yếu được giới đầu bếp và các tín đồ yêu thích ẩm thực quan tâm thích thú. Cùng với nhịp độ phát triển của xã hội, nhu cầu ẩm thực cũng ngày càng tăng cao. Thực khách không chỉ trông chờ vào một món ăn ngon, chất lượng, mà còn bị thu hút bởi tính độc lạ và mới mẻ của nó.
Nương theo tâm lý đó, ẩm thực fusion đã ra đời. Đó là sự pha trộn từ ẩm thực truyền thống của hai quốc gia hay nhiều hơn để tạo ra những biến tấu thú vị cho món ăn. Các món ăn fusion sử dụng các loại nguyên liệu từ thượng hạng đến bình dân, mang những hương vị lạ lẫm đến thân quen, giúp đánh thức ngũ quan thực khách để cảm nhận sự độc đáo màu sắc cho tới hương vĩ. Ẩm thực fusion có xu hướng phổ biến ở các vùng văn hóa đa dạng, giàu bản sắc và đô thị, nơi có một lượng thực khách rộng lớn dễ tiếp cận và thích nghi với những cái mới.
Người Việt rất cởi mở và dễ dàng đón nhận cách tân, với ẩm thực cũng như vậy. Họ đều muốn ăn món lạ và thử món mới. Xu hướng ẩm thực fusion đã không còn lạ lẫm tại Việt Nam khi trào lưu “Tây hóa” – biến tấu các món ăn Việt thành món ăn phương Tây, đang dần trở nên phổ biến ở các nhà hàng, quán ăn trên khắp cả nước. Điểm đặc biệt là món ăn này tuy là các món “lai tây,” nhưng vẫn giữ được cái hồn của ẩm thực Việt, phảng phất trong đó hương vị quê nhà dân dã.
1. Pizza chả cá
Vốn là 1 fan của món Chả cá, anh Yoshihiko – quản lý nhà hàng Pizza 4P’s chi nhánh Tràng Tiền, đã kết hợp cùng anh Tùng Ngô – quản lý chất lượng thực phẩm tại Hà Nội, để tạo nên món bánh pizza chả cá độc đáo, một sự kết hợp vô cùng thú vị giữa món ăn Hà Nội và ẩm thực Ý.
Mãi sau 3-4 lần thử nghiệm với để có thể làm ra một công thức phù hợp với khẩu vị người Việt và cả người nước ngoài, món bánh bắt mắt với đủ các màu rực rỡ của ớt, rau, cá, phô mai, cùng mùi thơm đặc trưng của chả cá đã làm hài lòng những vị khách hàng khó tính nhất. Tất cả hương vị của món Chả cá Lã Vọng như mắm tôm, nước mắm, thì là, cá rán, lạc rang đều được tập hợp đầy đủ trong một chiếc pizza, đi kèm với mùi vị béo ngậy của phô mai Camembert. Thoạt nhìn qua sẽ nghĩ đây là một sự kết hợp kỳ dị, nhưng thật sự mùi vị lại hài hòa, vừa miệng đến bất ngờ.
2. Pizza bún đậu mắm tôm
Đậu rán, thịt luộc, chả cá, và lá tía tô kết hợp với phô mai béo ngậy và được đặt trên đế bánh pizza tạo nên món bánh pizza bún đậu mắm tôm “hồn Việt thân Ý” tại nhà hàng Pizza 4P’s chắc chắn sẽ mang lại sự mới lạ, thu hút nhiều người tìm đến thưởng thức.
Vẫn là phần đế bánh được nướng cùng một lớp phô mai mỏng, không khác gì so với các loại bánh pizza thông thường. Điểm nhấn của món ăn này chính là phần topping “thuần Việt” được bày biện bên trên đế bánh, bao gồm đậu rán, thịt lợn luộc, và chả cá chiên, cùng một ít rau tía tô và ngò. Phần bún đã được lược bỏ khỏi chiếc pizza độc lạ này, không giống với bản gốc của món bún đậu mắm tôm truyền thống của Việt Nam. Điều làm nên sự đặc biệt của món ăn chính là hương vị hòa trộn của 2 loại nguyên liệu lên men – mắm tôm và phô mai Camembert nhà làm, giúp làm tăng trải nghiệm của thực khách.
3. Pizza cơm tấm
Đến Sài Gòn mà chưa ăn cơm tấm thì xem như chưa đến Sài Gòn. Cơm tấm gần như đã trở thành một món ăn “biểu tượng” của Sài Gòn, được yêu thích bởi tất cả mọi người – từ trẻ em đến người lớn, đi ngõ ngách nào cũng bắt gặp – từ xe đẩy trên vỉa hè đến nhà hàng cao cấp, muốn ăn khi nào cũng có – từ sáng sớm đến đêm khuya.
Biết là món cơm tấm thì chẳng còn xa lạ gì với nhiều người, nhất là với người Sài Gòn. Thế nhưng, cơm tấm kết hợp với pizza thì lại thành một câu chuyện khác. So với những loại bánh pizza thông thường, pizza cơm tấm sườn bì trứng có cách chế biến tỉ mỉ và công phu hơn nhiều lần. “Đầu tiên, phần bột đế bánh được cán mỏng, thêm một ít sốt thịt lên trên rồi đến lòng đỏ trứng gà, một ít dầu ô liu, nấm mèo thái sợi và phủ thêm một lớp phô mai Mozzarella. Ngay sau đó, tất cả sẽ được đưa thẳng vào lò nướng trong 7 – 8 phút. Khi lớp phô mai bên trên chảy ra, quyện với nấm mèo, sốt thịt và viền bánh đã bắt đầu nóng giòn thì bánh sẽ được lấy ra khỏi lò và chuẩn bị đến công đoạn phủ topping,” nhà hàng chia sẻ.
Trên lớp sốt nền được cải tiến từ chả với thịt xay, trứng và nấm mèo khô, các đầu bếp của Pizza 4P’s sử dụng topping bao gồm phô mai Mozzarella nhà làm, những lát thịt sườn được tẩm ướp và nướng sẵn, một ít bì trộn cùng vài muỗng mỡ hành rưới lên trên mặt bánh, và một quả trứng ốp la được đặt ngay giữa để hoàn thành vẻ ngoài bắt mắt cho món ăn. Pizza cơm tấm được dùng với đồ chua và nước mắm để giữ trọn vẹn nhất hương vị “cơm tấm Sài Gòn.”
Được biết, lí do nhà hàng chọn Mozzarella mà không phải những loại phô mai khác cho phần sốt bánh là vì Mozzarella có vị béo nhưng ko bị chua như một số loại nguyên liệu khác, nên rất cân bằng khi ăn cùng thịt sườn đã được ướp đậm vị từ trước.
4. Pizza bánh mì
Từ một món ăn đường phố thông thường, bánh mì đã trở thành một biểu tượng ẩm thực và được ưa thích trên toàn thế giới. Không những người Việt mình yêu thích bánh mì, món ăn đường phố đó còn được lọt top 10 sandwich ngon nhất thế giới.
Được truyền cảm hứng từ món ăn độc đáo này, các đầu bếp của Pizza 4P’s đã kết hợp những nguyên liệu quen thuộc có trong ổ bánh mì thân thương vào món bánh pizza của người Ý. Với pate, thịt heo, dưa chuột, hành lá và ớt, với phô mai Burrata và đế bánh pizza đặc trưng của nhà hàng, món pizza bánh mì sẽ mang lại một trải nghiệm mới lạ cho những người yêu mến bánh mì, cũng như những người yêu mến các món ăn fusion của Pizza 4P’s.
Sau thành công liên tiếp của thực đơn bản địa hóa (Café sữa đá, Cơm, Gà rán giòn da), McDonald’s tiếp tục cho ra mắt sự kết hợp mới giữa món ăn được xem là tinh túy, là quốc bảo ẩm thực của Việt Nam với món Burger đậm nét phương Tây. Đây cũng là sự kết hợp thú vị và cực kỳ táo bạo khiến nhiều người tò mò, chờ đợi được thưởng thức.
Xuất phát từ một cuộc bình chọn có tên “Cảm Hứng Vị Việt by McDonald’s 2020,” vượt qua hai gia vị khác là cơm tấm Sài Gòn và bún bò Huế, phở Hà Nội đã chính thức góp mặt trong sáng tạo mới mượn cảm hứng từ ẩm thực Việt của McDonald’s. Đây cũng không phải là lần đầu tiên các thương hiệu fastfood nước ngoài biến tấu món phở Việt Nam trở thành món ăn phương Tây. Trước đây, Domino Pizza cũng đã từng cho ra mắt món pizza phở không kém phần thú vị.
Từ xưa, Phở là món ăn truyền thống đã vương vấn biết bao tâm hồn yêu ẩm thực Việt. Ngày nay, không chỉ chinh phục khẩu vị người Việt, phở còn được bạn bè thế giới yêu chuộng. Từ cảm hứng bất tận với Phở, McDonald’s đưa đến những thực khách yêu burger món ăn mới mẻ – Burger vị Phở. Đây là sự kết hợp vừa lạ vừa quen mang đến cho thực khách trải nghiệm đặc biệt bởi nét tinh túy cô đọng trong ẩm thực Á- Âu.
Điểm nhấn của món ăn thể hiện trong từng lớp bánh đặc biệt được sản xuất riêng cho Phở Burger, vừa dai vừa giòn. Trên thực tế, dù được gọi là “burger” nhưng phần bánh kẹp lại là bánh English Muffin (bánh nướng xốp kiểu Anh), kẹp giữa hai miếng thịt bò Úc đầy đặn, trứng gà ốp rán, hành tây, rau mùi tàu và húng quế. Và bằng tất cả đam mê và sự khéo léo, các đầu bếp người Việt của McDonald’s đã chế biến thành công sốt burger vị Phở từ các nguyên liệu của nước dùng Phở Việt, tạo nên món nước sốt dậy mùi, chuẩn vị phở Bắc đặc trưng của đất Hà Nội.
1. Bánh mì $100 USD
Giới sành ăn ở Sài Gòn đang xôn xao vì một món bánh mì được cho là mắc đến khó tin, có giá đến $100 USD (khoảng 2,3 triệu VNĐ) đến từ nhà hàng Anan Saigon – nhà hàng được xếp hạng thứ 78 trong số hơn 3.800 nhà hàng ở Sài Gòn trên TripAdvisor.
Ngay khi được “tung ra trên thị trường,” món bánh mì thượng hàng này nhanh chóng trở thành một trong những món bánh mì đắt nhất thế giới (theo kênh Best Ever Food Review Show trên trang Youtube).
“Người ta thắc mắc là tôi bỏ cái gì trong bánh mì, vàng hay là gì?,” bếp trưởng gốc Việt Peter Cường Franklin, đồng thời là người sáng lập nhà hàng Anan Saigon, cười tươi khi nói về món bánh mì có giá “trên trời” đến mức khó tin của mình.
Để bán với giá $100 USD, ổ bánh mì của đầu bếp Peter Cường Franklin sử dụng những nguyên liệu chất lượng thượng hạng như sốt nấm truffle, gan ngỗng, sườn nướng, trứng cá caviar và được chế biến theo công thức đặc biệt. “Chúng tôi đã kết hợp một số nguyên liệu sang trọng và kỹ thuật nấu ăn hiện đại vào những món ăn này, nhưng đồng thời vẫn giữ được sự nguyên vẹn, tươi ngon và hài hòa của hương vị – điều làm nên vị ngon của món ăn Việt Nam,” Peter Cường Franklin chia sẻ, “Chúng tôi muốn kích thích sự tò mò, khiến người ta muốn tìm hiểu, từ đó biết rằng Việt Nam không chỉ có thức ăn đường phố ngon rẻ, mà còn có ẩm thực sáng tạo và thượng hạng.”
Được biết, mỗi chiếc bánh mì sẽ có 4 miếng gan ngỗng với trọng lượng mỗi miếng khoảng 40 gram. Gan ngỗng được áp chảo cho mỡ chảy ra, phần nước mỡ sẽ được rưới lên toàn bộ bánh mì vào khâu cuối. Sườn heo nướng là phần nguyên liệu tạo nên hương vị chính cho món bánh mì. Sườn được đựng trong túi chân không, nấu ở nhiệt độ thấp trong 6 giờ nên thịt rất mềm mà vẫn giữ được hương vị ngọt thơm của thịt. Rau ngò, húng quế, bạc hà, dưa leo cắt lát và cà rốt thái sợi… được đặt lên trên cùng để bánh hài hòa. Điểm nhấn vào món bánh chính là trứng cá caviar hảo hạng, cùng với khoai lang chiên và rượu sâm banh đi kèm với món ăn.
2. Bánh xèo taco
“Nói một cách đơn giản thì đây là hương vị bánh xèo trong hình dạng taco. Nhưng để thành công, bạn cần thử nghiệm nhiều lần và nắm rõ những giá trị cốt lõi của hai nền ẩm thực.”
Một trong những món ăn nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi của nhà hàng Anan Saigon là món bánh xèo taco. Là bánh xèo kiểu miền Trung Việt Nam có phần vỏ được chế biến theo kiểu bánh taco của Mexico. Đội ngũ của Anan đã phải dành ra 6 tháng để hoàn thiện công thức để có thể “Việt hóa” vỏ bánh tortilla của ẩm thực Mexico – cứng, giòn nhưng vẫn giữ lại được hương vị đặc trưng của bánh xèo. Bên cạnh đó, nhà hàng cũng đã phải cất công tìm cách cô đặc phần sốt để thực khách không cần phải chấm khi ăn. Món bánh xèo taco có 3 loại nhân khác nhau là tôm thịt, chả cá Hà Nội và bò kho.
Xuất phát từ câu hỏi đơn giản, “’Hương vị nào sẽ gây ấn tượng mạnh với người Việt?’ ông Ralf Ehresmann – ông chủ người Đức của một tiệm gelato Ý ở Sài Gòn, đã nghĩ ra ý tưởng làm kem nước mắm.” Nước mắm là một hương vị đặc trưng của Việt Nam. Tuy chỉ sống ở Việt Nam hơn 3 năm, tình yêu của tôi dành cho nơi này hơn con số đó nhiều. Đây như một món quà của tôi dành cho các bạn”, ông chủ người Đức chia sẻ.
Vẫn giữ được độ mềm dẻo đặc trưng của kem gelato, món kem này không nồng nặc vị nước mắm như tưởng tượng, mà mà thay vào đó là vị phô mai mằn mặn. “Chốt hạ” là ở chỗ “cái hậu” của món này sau khi nuốt: mùi vị nước mắm sẽ cảm nhận rõ ngay khi kem vừa trôi qua cổ họng, và người ăn thật sự cảm nhận được mùi cá trong muỗng kem mình vừa ăn.
Nguyên liệu chính để làm kem vẫn là sữa và đường. Nước mắm được sử dụng là loại “nhiều cá ít muối”, 42 độ đạm, có xuất xứ từ Phan Thiết, được rót trực tiếp vào kem rồi trộn đều, đợi khoảng 30 phút mới cho vào tủ đông. Cứ mỗi chai 250ml làm được 2 hộp kem. Raft Ehresmann cho biết, hiện tại, quán không làm vị kem này thường xuyên mà chỉ sản xuất 3 lần mỗi tuần và mỗi lần ông làm khoảng 2 hộp để bán dần.
Việc pha trộn các nền văn hóa ẩm thực đa quốc gia với nhau không còn lạ lẫm với những thực khách trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Xu hướng ẩm thực fusion ắt hẳn đã tạo nên những biến tấu bất ngờ, đa dạng, đồng thời đã thổi những làn gió vô cùng mới mẻ vào các món ăn Việt. Ẩm thực được yêu thích hay bát bỏ đều phụ thuộc vào vị giác cá nhân của mỗi người, nhưng ta cũng phải công bằng nhìn nhận và tán dương trí tưởng tượng và sự sáng tạo độc đáo của các vị đầu bếp đã làm nên các món ăn Việt “lai Tây” đầy ấn tượng này.
Thuật xem chỉ tay đã cuốn hút con người suốt nhiều thế kỷ bởi lời…
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…