Culture

#Good9: Lade trái thơm – Loại bia quốc dân một thời của người Sài Gòn

Có lẽ thế hệ ngày nay ít người biết đến cái tên có phần hơi lạ lẫm này. Nhưng nếu bạn thử đem cái tên “Lade trái thơm” hoặc tấm ảnh con cọp màu vàng với 2 bên là hoa houblon (thực ra là trông giống trái thơm) này hỏi bố mẹ. Bạn sẽ bất ngờ với những câu chuyện “ăn chơi” hồi trẻ mà bố mẹ “thuận miệng” chia sẻ đấy.

Bia lade trái thơm là gì?

Năm 1973, hãng bia BGI có cho ra mắt một sản phẩm mới mang tính thương hiệu, được đựng trong chai 0,66 lít, nhưng có thêm hình con cọp và 2 bên là những quả trông khá giống như trái thơm, nên dân ta hồi ấy gọi luôn là bia trái thơm cho tiện.

Chai bia trước khi con cọp ra đời

Điểm đặc biệt là cả két thì chỉ có một chai bia này, thời ấy mọi người vẫn hay nói với nhau rằng chai này là loại bia đặc biệt, thơm ngon hơn hẳn loại thường và là món quà tặng kèm dành riêng cho khách hàng mua sỉ.

Ngày xưa người ta hay phân chia thế này, có 3 loại bia thì bia con cọp trái thơm là đứng đầu, sau đó tới bia con cọp thường và sau cùng là bia Quân Tiếp Vụ.

Bia lade trái thơm

Cũng vì vậy mà thời đó người ta toàn mua hẳn một két bia cốt chỉ để lấy chai trái thơm này đem đi tặng hoặc biếu nhau. Trong bàn nhậu, chỉ có những bậc đàn anh, chủ xị hoặc cấp trên mới được ưu tiên để thưởng thức chai bia “bình thường” này.

Câu chuyện marketing “thú vị” đằng sau chai bia được mọi người khen ngon

Không phải tự nhiên mà ở trên tôi nhấn mạnh chữ “bình thường”. Thực ra cả 3 loại bia được xếp hạng phía trên đều có chất lượng giống y chang nhau. Khổ nỗi ngày xưa người ta trọng hình thức, cứ thấy cái nào đẹp nhất mà hiếm nhất thì cứ mặc nhiên cho là nó ngon. Nhưng thực ra đâu phải vậy, tất cả chỉ là một sai lầm trong khâu thiết kế đồng thời cũng là một trong những câu chuyện marketing lạ lùng nhất Việt Nam.

Ảnh: BGI

Vào năm 1973, hãng BGI muốn đổi nhãn bia mới. Để tiết kiệm tiền thuê họa sĩ thiết kế ở Pháp như mọi khi, trưởng phòng tiếp thị khi ấy – ông Phan Văn Song quyết định giao cho họa sĩ quảng cáo trong công ty. Chê Agency mắc nên Client để nội bộ làm đây mà.

Vẫn giữ nhãn con cọp nhưng lần này ông muốn vẽ thêm hoa houblon, hay còn gọi là hoa hốt bố. Đây là loại hoa giúp tạo ra hương vị đắng cho bia. Đầu bếp giỏi biết dùng ngũ vị hương trong bếp núc, nghệ nhân giỏi biết vận dụng tài nghệ để thêm ít hoa houblon vào bia.

Thành phẩm của anh họa sĩ lúc vẽ xong thì tương đối ổn, dù không bằng họa sĩ ngoại nhưng cũng gọi là có tay nghề. Ngặt một nỗi là anh vẽ hoa houblon thế nào mà thành ra trái thơm, cả văn phòng marketing của BGI hồi ấy cũng chẳng ai biết hoa houblon tươi trông như thế nào nên chỉ lấy trái khô làm mẫu. Ấy vậy từ trưởng phòng cho đến các cấp đều duyệt “mượt mà” cho đến khâu làm chai.

Hình ảnh “thực tế” của hoa bia, nếu ngày xưa có internet thì đâu bị lộn như vậy, ảnh: Wikipedia
Thành phẩm con cọp và “trái thơm”

Khi đưa vào nhà máy ở Chợ Lớn, các kỹ sư cười vỡ bụng: “Sao hoa houblon lại giống trái thơm thế này”. Biết sao bây giờ, chiến dịch, quyết định đều là dân văn phòng và đội marketing “chốt hạ”, bổn phận các anh kỹ sư vốn là sản xuất, chỉ đâu đánh đó. Thế là 100 ngàn chai mới bị vẽ sai được đưa vào sản xuất. Mọi sự đã lỡ không lẽ lại bỏ cả 100 ngàn chai thì uổng phí quá, thế là có một cao kiến được đề ra, đó là bỏ mỗi két một chai, phân tán ra mà bán.

Thành công đến từ sự vô tình

Nhưng không phải tự nhiên mà bia trái thơm lại được mọi người săn lùng đến vậy, kể đến thì cái công lớn nhất chắc hẳn phải thuộc về nhóm người Hoa làm công việc phân phối bia cho BGI.

Từ trước đến nay, ở đất Sài Gòn này, người Hoa vốn có máu kinh doanh, họ rất nhanh nhạy với các cơ hội làm ăn và linh hoạt trong các mối quan hệ. Trong cái khó lại ló cái khôn, họ thấy được cơ hội trong cái tình cảnh oái oăm của các ông lớn ở trụ sở BGI.

Một đại lý bia của Sài Gòn ngày xưa

Thế là họ nghĩ ra một câu chuyện bịa đặt, họ nói với các đại lý rằng bia trái thơm là loại đặc biệt, mỗi két chỉ có đúng một chai, nhưng nếu “lị” lấy nhiều lô thì “ngộ” sẽ lén các sếp lớn nhét thêm mỗi két vài chai nữa. Nếu “lị” trở thành khách V.I.P thì một két bia trái thơm không phải chuyện khó khăn gì.

Thế là quy tắc ngầm mỗi két 1 chai bị rối loạn, tuy nhiên ban lãnh đạo cứ thế mà lờ đi, mặc cho nhóm nhân viên phân phối muốn làm gì thì làm. Bởi chỉ vì một sai sót vớ vẩn mà lại biến thành một câu chuyện khiến nhãn hàng thu hút được người tiêu dùng và khiến doanh thu tăng vọt thì chỉ có ai dại lắm mới đi đính chính, giải thích lại với người dùng.

Ảnh: HinhanhVietNam

Loại bia này phổ biến đến nỗi mà cụm từ “làm vài de” được mọi người dùng rất nhiều mỗi khi ra quán nhậu để chill và 1,2,3…Dzô!

Bài học về câu chuyện: Vẻ ngoài quyết định ý thức

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn thực ra chỉ có trong thơ cơ, nếu ngoài đời, những câu chuyện đó chắc hiếm như “mò kim đáy bể”. Con người ta vẫn hay lấy bề ngoài để mà làm nền cho thiện cảm về sau. Bố tôi vẫn hay bảo là Thúy Kiều khổ đấy nhưng Thị Nở thì khổ gấp trăm lần.

Câu chuyện về bia Lade con cọp trái thơm cũng vậy, cùng một sản phẩm nếu ta cho vào chai lọ, bao bì thật đẹp và thổi vào một vài câu chuyện thì lúc nào người ta cũng cảm thấy nó ngon hơn. Đến các anh “bợm nhậu” hay “nát rượu” thời ấy cũng đâu nhận ra được sự khác biệt giữa các loại bia này.

Bia và hột vịt lộn, đặc sản của dân chơi một thời, ảnh: danongmagazine

Bởi vậy nên trong tâm lý học mới có thuật ngữ gọi là hiệu ứng Placebo (hay còn gọi là hiệu ứng giả dược). Xét cho cùng, những gì bạn nghĩ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận của bạn.

#Good9 là nơi chúng mình chia sẻ những văn hóa thú vị khi “màn đêm trỗi dậy”. Good9 ở đây không phải là chúc ngủ ngon, mà có nghĩa là “chào buổi tối” – một lời chào thân mật của tụi mình hoan nghênh bạn đến với thế giới nightlife.

Bình Viết Gì

Sharing Good Stuff

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago