Lifestyle

#Nghĩ: Làm thế nào để biết người đối diện có đáng tin cậy hay không?

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Mỗi người chúng ta, ai cũng có những bí mật. Bạn có những điều không thể tiết lộ cho người khác, đổi lại, người khác cũng thế. Ngoài giỏi giữ bí mật, chúng ta còn khéo “ngụy trang”. Từ sếp, đồng nghiệp, đến bạn bè, thậm chí người thân của bạn vẫn có thể đang khéo léo che giấu ý định thật sự của họ đằng sau những câu họ nói và những việc họ làm.

Photo: Beppe Giacobbe

Không phải ý định ẩn giấu nào cũng xấu, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, có không ít người chỉ chăm chăm vào việc dùng thủ đoạn lừa gạt người khác. Vậy thì đâu sẽ là những đặc điểm để bạn chú ý nếu đối phương đang “giả trân”?   

1. Họ hay dùng những câu nói mang tính chất tuyệt đối

Bạn sẽ bắt gặp những câu nói mang hàm ý khẳng định với những từ tuyệt đối như không bao giờ, luôn luôn khi đối phương muốn dùng để ủng hộ một quan điểm nào đó. Tuy nhiên, mặc dù nghe “chắc như bắp” nhưng chúng lại hiếm khi đúng sự thật, cũng như dễ dàng khơi gợi phản ứng phủ nhận hoặc phản đối từ người đối diện.

Ví dụ, khi ai đó nói rằng, “Đằng ấy chưa bao giờ khen gì mình cả!” thì khả năng cao họ chỉ nói thế để chờ bạn đáp lại, “Đâu có đâu, mình nhớ rõ ràng là có, mấy lần luôn ấy.” Ngay cả khi bạn biết chắc đối phương đang cố tình phóng đại sự việc, bạn vẫn sẽ dễ lâm vào thế bí trong trường hợp này vì không dễ dàng tìm ra ngay câu trả lời phù hợp nào khác ngoài những câu người kia đang muốn bạn nói ra. 

Photo: Aneta Radon Illustration

Lúc này, hoặc bạn sẽ im lặng, hoặc bạn sẽ lên tiếng phản đối lại lời nói kia. Nếu không phản ứng gì thì “sự thật” họ đưa ra sẽ gián tiếp được xác nhận (Bạn chẳng bao giờ khen ai, có phải bạn xấu tính đến thế không?). Còn nếu bạn lên tiếng, thì khả năng cao bạn sẽ rơi vào bẫy của họ.

Những người đáng tin cậy có xu hướng sử dụng những từ làm dịu đi sự tuyệt đối, như thường, thường xuyên, có thể, thỉnh thoảng, thường xuyên, nói chung,…

2. Họ khoe khoang bằng cách hạ thấp bản thân

Khoe là một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết cách làm một nghệ sĩ. Có những người khoe rất “thực”, có gì nói nấy, nói không ngừng nghỉ, nói đến mức người nghe phát ngấy rồi nhưng vẫn chưa dứt được câu chuyện. Lại có những người khoe khéo léo hơn và hay dùng thành tích cá nhân của mình để lấn át người khác.

Photo: fastweb

Giữa lúc đang nói chuyện vui vẻ, họ sẽ “ngẫu nhiên” chêm vào mười mấy giây tự-quảng-cáo bản thân. Đó có thể là một thông tin vô thưởng vô phạt (nhưng thực chất lại rất gì và này nọ), một người nổi tiếng hoặc quan trọng nào đó “vô tình” được nhắc đến cạnh một loạt những cái tên khác, hoặc một hồi ức thú vị “Ôi, làm mình nhớ lần mà mình…”. Sau đấy, nếu có ai lên tiếng trầm trồ hoặc tò mò – điều mà họ tìm kiếm – thì họ sẽ “nhẹ nhàng” gạt đi.  

Một ví dụ khác, có thể bạn đã từng gặp một người luôn trấn an và động viên rằng bạn sẽ làm tốt hơn những gì họ đã làm (phần nhắc lại những gì họ đã làm thường chiếm nhiều thời gian hơn trong cuộc trò chuyện). Nghe có vẻ tình thương mến thương nhưng khả năng cao họ chỉ đang muốn “nhắc nhở” bạn về sự tuyệt vời của chính họ mà thôi.

3. Họ tìm kiếm sự đồng tình của bạn bằng cách “dụ” bạn cùng phán xét người khác

Trong trường hợp này, “bia đỡ đạn” hay được sử dụng sẽ là người cả hai đều quen biết. Họ cho bạn cảm giác rằng bạn quan trọng và tốt hơn những người khác, vì “nếu không thì mình chẳng nói những chuyện này với đằng ấy làm gì”.

Cảm giác được người khác tin tưởng là một cảm giác vô cùng tuyệt vời. Nó đem đến cho chúng ta cảm quan về giá trị bản thân cũng như cảm giác trách nhiệm rất cao. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ dễ dàng có xu hướng đưa ra những kết luận tương tự như đối phương về người vắng mặt. 

Câu đùa “Không có gì đoàn kết bằng hai đứa cùng ghét một đứa thứ ba” lúc này trở thành vấn đề nghiêm túc thật sự

Vậy bạn có bao giờ nghĩ đến trường hợp họ nói gì về bạn trước mặt người khác chưa?

4. Họ dễ tự ái và hay bao biện

If I can’t see you, you can’t see me | Photo: tonynealart

Nhiều người tin rằng khi họ ra sức phủ nhận điều gì đó thì mặc nhiên điều đó sẽ không tồn tại (nữa).

Phần lớn những người không đáng tin cậy (dishonest) sẽ dựng lên cho mình một chiếc khiên cảm xúc. Chỉ cần giơ khiên lên, những thứ khác trên đà bay đến đều dội ngược ra ngoài. Tất cả những góp ý, những chỉ trích, những ý kiến trái chiều họ nhận được đều sẽ biến thành một trò cười hoặc một lời xúc phạm vô căn cứ. Lúc này, đối với họ, mọi thứ dù thiện chí hay ác ý đều bị “bóp méo” thành những hành động tấn công cá nhân.

Một lưu ý be bé, ở đây chúng ta không nên đánh đồng hành động phủ nhận này với việc chọn lọc thông tin để tiếp thu. Bạn có thể chọn cách không để ý kiến người khác làm ảnh hưởng đến mình, tuy nhiên bạn vẫn sẽ trực diện đối mặt và nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề nếu lỗi nằm ở bạn, chứ không phải chỉ bĩu môi rồi bỏ đi mỗi lần có ai đó góp ý gì cho mình. 

5. Họ thích tranh biện, à nhầm, tranh cãi

Tranh biện (debate) là một “bộ môn” đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, và sự luyện tập không ngừng nghỉ. Trong khi đó, tranh cãi thì dễ hơn. Tranh không xong thì cãi, cãi không được thì sẽ chuyển sang… vả (đúng chính tả sẽ là cãi vã nhưng phát âm cũng na ná). 

Trong cuộc sống, bạn sẽ có cơ hội gặp không ít người ưa tranh cãi hơn tranh biện. Thay vì những luận điểm vững chắc và lý lẽ thuyết phục, họ sẽ dùng những “mẹo” khác hòng thao túng và chiếm thế thượng phong. Một số ví dụ có thể kể đến như:

  • Tấn công cá nhân thay vì tập trung vào lời nói
  • Không trực tiếp vào thẳng vấn đề mà cứ vòng vèo, bóng gió, nói xa nói gần
  • Bắt thóp điểm yếu và nỗi sợ của đối phương, sau đó cứ nhằm vào đấy mà “ra đòn”
  • Tỏ thái độ mỉa mai, bác bỏ luận điểm của đối phương
  • Đổ lỗi, “vật tế thần” ở đây là ai hoặc việc gì cũng được, miễn không phải là mình
  • Đột ngột chuyển chủ đề hoặc cố tình đánh lạc hướng mọi người khỏi những chủ đề không có lợi cho mình
  • Dán nhãn (labelling) người khác

Trường phái giao tiếp… kỳ lạ này không trường lớp nào dạy, thế nhưng đáng buồn là môn đồ của nó hiện nay lại khá nhiều.

6. Nói rất nhiều, nhưng ý chẳng có bao nhiêu

Lý do là vì họ đang cố tình lấp liếm một điều gì đó, hoặc đơn giản vì họ chẳng có gì để nói cả. Vì không có gì để nói (và đôi khi cũng chẳng hiểu đủ sâu để biết mình đang nói cái gì), nên họ có xu hướng lấy số lượng bù chất lượng.

Photo: Marco Melgrati

Một số trường hợp sẽ rất thích thêm vào những cuộc trò chuyện thường ngày các từ “đao to búa lớn” nghe cực kỳ bắt tai, nhưng lại hoàn toàn không liên quan đến chủ đề cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, nếu để ý hoặc chỉ cần có tìm hiểu sâu về lĩnh vực họ đang nhắc đến, bạn sẽ nhận ra rằng kiến thức mà họ có đa phần chỉ là kiến thức bề mặt, chứ họ không hiểu cặn kẽ vấn đề mình đang nói đến.

7. Họ không biết, hoặc đơn giản là không, nhận lỗi

Trong một chừng mực nào đó, nhận lỗi là một việc khá dễ dàng. Có khó gì đâu khi nói 3 tiếng “Tôi xin lỗi.” Nhưng đáng tiếc, bạn sẽ hiếm có cơ hội nghe 3 chữ này từ những người không đáng tin.

Chính xác hơn, thì bạn sẽ hiếm có cơ hội chỉ nghe 3 chữ này, vì câu họ hay nói sẽ là, “Tôi xin lỗi, nhưng…”. Và theo sau chữ nhưng là 7749 lý do từ thuyết phục đến cực kỳ vô lý.

“Nhưng mình thế này là do đằng ấy đã thế kia đó chứ…”

Có nhiều nguyên nhân đằng sau hành vi này. Có thể đó là nỗi sợ, tính kiêu ngạo, lòng tôn sùng chủ nghĩa hoàn hảo hoặc trạng thái thượng đẳng của người đang “bị” nhận lỗi. Trong suy nghĩ của họ, không người nào đủ sức thuyết phục hoặc thẩm quyền để bắt họ nhận trách nhiệm về một việc do chính họ làm hỏng. Và nếu họ tiếp tục phủ nhận mọi lời cáo buộc, thì trạng thái “vô tội” tự nhận đó sẽ được giữ nguyên.

8. Cuối cùng, hãy để ý ngôn ngữ cơ thể

Trừ khi bạn được đào tạo đặc biệt hoặc làm những công việc cần kỹ năng “giả trân” cao, thì sẽ rất khó để bạn luôn ý thức cũng như điều khiển ngôn ngữ cơ thể theo mong muốn của mình.

Khi người đối diện đang cảm thấy không thoải mái, bạn có thể quan sát được một hoặc một số trong những dấu hiệu sau đây:

  • Nụ cười “giả trân”: khóe miệng không nhếch lên mà chỉ di chuyển sang ngang, hầu như không có cơ quan nào khác trên mặt “động đậy”.
  • Đầu hơi ngả về sau. Với tư thế này thì ánh mắt của họ sẽ hướng xuống phía bạn trong cuộc trò chuyện.
  • Cũng do tư thế đầu này mà bạn sẽ có cảm giác mình đang bị “kiểm soát” bởi ánh nhìn của họ. Mắt họ không mở to cũng không di chuyển linh hoạt (như khi đang hào hứng), trái lại sẽ có xu hướng dán chặt mắt vào bạn, ít khi di chuyển ánh nhìn đi nơi khác.

Khi bạn nhìn thấy những dấu hiệu này, sẽ rất tuyệt – và đôi khi cũng tốt nữa – nếu bạn dừng lại và thăm dò lý do vì sao họ đang bộc lộ sự không thoải mái. Có thể họ đang nói dối, nhưng cũng có thể do họ khó chịu vì một nguyên nhân khác.

Photo: Getty Images

Tất cả những trường hợp trên không phải lúc nào cũng xảy ra, tuy nhiên chúng vẫn là những “biển báo hiệu” đáng tin cậy để bạn chú ý hơn vào đối tượng mình đang trò chuyện, cũng như để tự bảo vệ mình trước những người có ý đồ không tốt.

Mi Nguyen

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

20 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

22 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago