Cine

Lễ trao giải Quả Cầu Vàng 78 và “kỷ lục” lượt người xem thấp thảm hại

Lễ trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 78 vừa diễn ra vào Chủ Nhật vừa qua, và đã ghi nhận “kỷ lục” với lượng người xem thấp nhất trong lịch sử, kể từ khi chương trình này chuyển về kênh NBC vào năm 1996.

Theo số liệu của Nielsen, Lễ trao giải lần thứ 78 đạt trung bình 6,9 triệu người xem, trong đó tỷ lệ khán giả độ tuổi 18-49 là 5,4 triệu người (khoảng 1,5 điểm rating) – thấp kỷ lục trong lịch sử giải thưởng. Lần cuối cùng Lễ trao giải có số lượt xem thấp tương tự là vào 2008 (khoảng 6 triệu lượt), khi buổi lễ bị hủy bỏ (chỉ được tổ chức với quy mô họp báo) do bị Hiệp hội Biên kịch Mỹ tẩy chay.

Đáng nói, lượt xem của Quả Cầu Vàng năm ngoái là 18,4 triệu – biến Lễ trao giải thường niên của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood (Hollywood Foreign Press Association) thành một trong những chương trình phi thể thao được xem nhiều nhất trong năm. Như vậy, năm nay, lượt người xem Lễ trao giải đã giảm hẳn 63% so với năm trước.

Sam Mendes phát biểu khi nhận giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim về Thế chiến thứ nhất của ông, 1917 | Photo: Paul Drinkwater / NBC

Lễ trao giải Quả Cầu Vàng từ lâu đã trở thành một trong những sự kiện thường niên nổi tiếng nhất của truyền hình do không khí “lễ hội” và khả năng quy tụ những ngôi sao điện ảnh và truyền hình lớn nhất. Nhưng cũng như đa số những chương trình / sự kiện năm qua, Quả Cầu Vàng 78 đã trở nên không khác gì một cuộc họp Zoom nơi những người tham dự ăn diện lộng lẫy (nhưng không có “đất” nào để thể hiện).

Thêm vào đó, những trục trặc kỹ thuật (phần lớn màn livestream phát biểu của nghệ sĩ đều kém chất lượng, hình ảnh mờ và âm thanh không rõ ràng) đã biến sự kiện này thành một trải nghiệm… đầy thách thức cho khán giả.

Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho NBC hay HFPA về việc lượng người xem năm nay tuột dốc không phanh thế này. Đại dịch COVID-19 là “kẻ thủ ác” đầu tiên. Tình trạng phong tỏa và các rạp chiếu phải đóng cửa là lý do một số lượng lớn khán giả không biết đến những phim nhận đề cử và nhận giải năm nay.

Nomadland của đạo diễn Chloe Zhao

Đơn cử là trường hợp của Nomadland. Dù nhận được mưa giải thưởng: Phim chính kịch hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, tuy nhiên phim chỉ được hơn 1 triệu đô doanh thu phòng vé và chỉ mới ra mắt gần đây trên Hulu.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của COVID-19 nên Lễ trao giải năm nay bắt buộc phải diễn ra trực tuyến, trở thành buổi lễ đầu tiên diễn ra từ “2 đầu cầu” ở 2 bờ nước Mỹ: Tina Fey tại Rockefeller (New York) và Amy Poehler tại Khách sạn Beverly Hilton (California). Một trong những lý do khiến Quả Cầu Vàng “hút” khán giả hơn hẳn Oscar, đó là vì không khí nó mang lại, nơi những người nổi tiếng có thể… say xỉn và tương tác với nhau trong một môi trường thoải mái hơn hẳn Oscar. Một buổi lễ “ảo” không thảm đỏ, không khán giả trực tiếp, nghệ sĩ nhận giải qua livestream tất nhiên sẽ không có sức hấp dẫn tương tự.

Photo: VOX

Một lý do khác cho tỷ lệ người xem thấp năm nay là việc thay đổi thời gian phát sóng. Đây là lý do khách quan do Lễ trao giải bắt buộc phải hoãn lại khi nhiều bộ phim bị dời ngày phát hành.

Mặc dù đa số những lý do trên đều nằm ngoài tầm kiểm soát của HFPA, nhưng không thể phủ nhận Ủy ban trao giải cũng “góp phần” vào việc Quả Cầu Vàng đang dần bị mọi người ghẻ lạnh. Một tuần trước khi Lễ trao giải diễn ra, HFPA phải đối mặt với những cáo buộc về phân biệt chủng tộc và hành vi lạm quyền của các thành viên trong Hiệp hội. Tờ Los Angeles Times tung bài điều tra, chỉ ra sự thật về sự thiếu đa dạng chủng tộc trong thành phần Ban giám khảo: Hiệp hội đã không có một thành viên người da màu / gốc da màu nào trong ít nhất 20 năm trở lại đây.

Về vấn đề này, trong khuôn khổ Lễ trao giải lần thứ 78, đã có 3 người thuộc HFPA chính thức đưa ra những phát biểu về cam kết đa dạng hóa thành viên của mình. Tuy nhiên, màn xuất hiện 43 giây cùng thông điệp dài 6 câu nêu trên lại tiếp tục vấp phải những chỉ trích khác. Time’s Up – một tổ chức tại Hollywood chuyên đấu tranh cho sự bình đẳng và an toàn tại nơi làm việc – đã gửi đi lời phàn nàn của họ đến cả HFPA và NBCUniversal chỉ vài phút sau khi chương trình kết thúc hôm Chủ nhật.

Đây cũng là dấu hiệu đáng lo ngại cho chương trình sắp tới của đài ABC: Lễ trao giải Viện Hàn lâm (Oscars) lần thứ 93, sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 4 – với những khó khăn tương tự về giãn cách xã hội và từ việc người xem không biết nhiều về các tác phẩm có tên trong danh sách đề cử.

Hiện tại, sự chú ý của giới chuyên môn và công chúng đang dần chuyển sang Lễ trao giải Viện Hàn lâm. Nhưng có lẽ câu hỏi nhức nhối sắp tới sẽ là “Lượt người xem sẽ thấp hơn bao nhiêu?” chứ không còn là “Liệu lượt người xem có giảm hay không?” nữa.

Nguồn: LATimes, CNBC

Xem thêm:
Quả Cầu Vàng và “bước ngoặt” lịch sử với 3 nữ đạo diễn trong danh sách đề cử năm nay
Quả Cầu Vàng 2021: Đâu là những cái tên làm nên chuyện? (P1)
Quả Cầu Vàng 2021: Đâu là những cái tên làm nên chuyện? (P2)

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

20 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago