Cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, điện ảnh Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Vì việc cắt giảm ngân sách của Nhà nước làm cho điện ảnh không đủ kinh phí để sản xuất phim. Dòng phim “mì ăn liền” ra đời như một luồng gió mới trong ngành điện ảnh Việt Nam.
“Mì ăn liền” là thuật ngữ chỉ dòng phim thương mại sử dụng chất liệu băng từ, được sản xuất nhanh – phần lớn là tại miền Nam, quảng bá đơn giản, và ra rạp chóng vánh để thu hồi vốn. Những bộ phim thời đó được quảng cáo rất giản đơn, đôi khi chỉ bằng hình ảnh các tờ rơi hoặc bằng xe chở loa phát thanh chạy trên đường và trong ngõ hẻm chứ không quảng cáo rầm rộ trên truyền hình như bây giờ.
Vị Đắng Tình Yêu, Phạm Công – Cúc Hoa, Người Đẹp Tây Đô,… là những tác phẩm tiêu biểu cho thời kì thịnh hành của dòng phim “mì ăn liền” tại Việt Nam vào những năm 90. Dòng phim này cũng đã tạo nên một thế hệ minh tinh điện ảnh mới như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Thu Hà,..
Trong thời kỳ bao cấp, các hãng phim được Nhà nước cấp kinh phí để sản xuất phim còn khâu phát hành phim do cơ quan khác quản lý.
Đầu thập niên 1990, việc cắt giảm ngân sách của Nhà nước làm cho ngành điện ảnh không đủ kinh phí để sản xuất phim. Điện ảnh Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thêm vào đó, máy móc và cơ sở vật chất để làm phim đã xuống cấp, nhà xưởng xập xệ, vài ba chiếc máy quay quá cũ, thiết bị thu âm lạc hậu đến mức bán được một bộ phim cho nước ngoài nhưng bị trả lại vì chất lượng âm thanh không theo tiêu chuẩn quốc tế.
1990 – 1993
Trong khi điện ảnh đang dần mất thế cân bằng thì thể loại phim video mới xuất hiện và nhanh chóng đạt tới thời kỳ hoàng kim, thu hút một số lượng khán giả rất lớn. Phim video đầu tiên là Bỉ vỏ, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng.
Số lượng máy video tăng nhanh và rạp chiếu phim không còn sức hút với khán giả. Nhiều hãng phim điện ảnh chỉ còn sản xuất một hai phim một năm, và chuyển sang làm phim video. Dòng phim này chủ yếu sản xuất ở miền Nam, rất nhiều bộ phim thương mại được sản xuất ồ ạt, nội dung đơn giản. Từ đó, khái niệm phim “mì ăn liền” từ đó ra đời.
Vị đắng tình yêu (1990) – được Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1991 trình chiếu năm 1992 và do Lê Hoàng đạo diễn, với các diễn viên Thủy Tiên, Lê Công Tuấn Anh, Lê Cung Bắc, Y Phụng, Phước Sang, là một trong những bộ phim mì ăn liền đầu tiên công chúng đón nhận. Tại LHP Việt Nam lần thứ 10 năm 1993, Vị đắng tình yêu đã giành nhiều giải quan trọng như Bông sen vàng, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc. Đây được xem là một bộ phim vừa thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật.
1994 – 1996
Sang giai đoạn tiếp theo, các nhà làm phim đua nhau khai thác dã sử võ hiệp phỏng theo phim chưởng Hồng Kông, hấp dẫn hàng triệu lượt khán giả chen chân đến rạp. Các bộ phim nổi trội thời kì này có thể kể đến như Thạch Sanh – Lý Thông, Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La…
Những phim thời này được quảng cáo rất giản đơn, đôi khi chỉ bằng các tờ rơi hoặc bằng xe chở loa phát thanh chạy trên đường và trong ngõ hẻm.
1997 – 1999
Thời kỳ cuối cùng, cũng là giai đoạn mạnh mẽ nhất, các phim “mì ăn liền” khai thác những chuyện tình bi lụy, sướt mướt, những cuộc tình tay ba ngang trái – như Sau những giấc mơ hồng, Em không dối lừa, Sau cơn mưa trời lại sáng, Tóc gió thôi bay, Sao em vội lấy chồng…
Dần dà, các phim “mì ăn liền” bị đánh giá là kém thuyết phục về mặt nghệ thuật, chạy đua theo lợi nhuận. Dòng phim này bắt đầu thoái trào khi thị hiếu của khán giả thay đổi.
“Mì ăn liền là một món dễ ăn, thậm chí nhiều người cho là ngon, nhưng ít chất – giống như dòng phim được gắn liền với món ăn này.” Nhà báo Nguyễn Minh Ngọc (tác giả cuốn sách Ba lô trên thảm đỏ) lý giải về cái tên đặc thù này.
“Phim ‘mì ăn liền’ cũng có những đặc điểm tương tự. Đó là dòng phim thương mại có câu chuyện đơn giản dễ xem, nhạc hay, diễn viên đẹp. Khai thác đủ đề tài về tình yêu, dã sử, kinh dị…, những bộ phim ấy chủ yếu được sản xuất theo định dạng video trong thời gian ngắn và ít tốn kém. Mỗi phim chỉ tốn khoảng 150 triệu -200 triệu đồng, tức là bằng một nửa kinh phí sản xuất phim nhựa.”
“Thời điểm đó, khán giả không chỉ quay lưng với diễn viên mà cả dòng phim thị trường, bởi vì kịch bản càng về sau càng ẩu, sản xuất càng ẩu, mà diễn viên mỗi người một tháng đóng 2-3 vai thì không thể làm sao cho hay được,” diễn viên Việt Trinh – “gương mặt thân quen” màn ảnh Việt năm 90s, chia sẻ.
Dòng phim thương mại chỉ có thời kỳ ngắn ngủi phát triển cực thịnh, sau đó xuống dốc vào khoảng giữa thập kỷ 90. Khán giả bắt đầu quay lưng với cách làm phim theo mô típ cũ tình yêu trai gái, tình yêu học trò, giả dối, lọc lừa. Có người cho rằng, phim “mì ăn liền” “chết” bởi lối làm phim nhanh, cẩu thả, dễ dãi khi chỉ tập trung vào những chủ đề tương tự nhau như: tình yêu trai gái, tình yêu học trò, giả dối, lọc lừa… Lý do khác được cho là bởi sự lấn sân của Internet, phim truyền hình thời hội nhập và phát triển.
Nhịp độ sản xuất phim hối hả trong năm năm trở lại đây khá giống với thập niên 90s. Phần lớn các nhà sản xuất mới thường chọn phim hài và kinh dị vì quy trình thực hiện nhanh gọn, dễ thu hồi vốn. Các phim chiếu rạp của điện ảnh Việt gặt hái doanh thu khả quan cũng đều nằm trong hai thể loại này.
Cuối năm 2014, bộ phim hài Để Mai tính 2 xác lập kỷ lục phòng vé khi thu hơn 100 tỷ đồng và trụ rạp suốt hai tháng trời. Dù có không ít ý kiến đánh giá rằng phim có nội dung “nhảm nhí”, xúc phạm cộng đồng LGBT, câu chuyện về chị Hội vẫn luôn kín suất chiếu và không có đối thủ nào xứng tầm ngoài phòng vé, tính cả phim ngoại.
Hồi tháng 5/2015, phim hài Việt Lật mặt làm nên hiện tượng khi thu hơn 10 tỷ đồng chỉ sau ba ngày trình chiếu. Tuy nhiên, giới chuyên môn không đánh giá cao, thậm chí gọi tác phẩm của Lý Hải là “thảm họa.”
Đặc điểm chung của nhóm tác phẩm này là có kịch bản nhạt nhẽo, dàn diễn viên là những ngôi sao nổi tiếng nhưng khả năng diễn xuất không được đánh giá cao. Các phim chủ yếu ra rạp trong hoặc sau dịp Tết nguyên đán (khi mùa phim bom tấn Hollywood chưa bắt đầu), hoặc mùa hè – thời điểm mà giới học sinh, sinh viên đang nghỉ ngơi.
Ngay trong giới sản xuất phim cũng đang chia thành hai dòng. Một dòng thiên về nghệ thuật, thường được nhà nước đầu tư và chủ yếu mang đi dự các liên hoan phim. Dòng còn lại thuần giải trí, do các hãng phim tư nhân bỏ vốn nên nhu cầu thu lợi nhuận rất cao. Rất khó để dung hòa hai yếu tố nghệ thuật và giải trí bởi điều này đòi hỏi đạo diễn cần phải rất “chắc tay.”
Bởi vậy, dòng phim thị trường vẫn ồn ào và áp đảo dòng phim nghệ thuật. Mặc dù không thể phủ nhận, những bộ phim điện ảnh chất lượng (như phim hành động, sử thi …) cũng được khán giả ưu ái, nhưng những thể loại này yêu cầu kinh phí lớn và không phải nhà làm phim nội nào cũng dám thử sức.
Nhiều người cho rằng, điện ảnh Việt Nam thời hiện đại nếu không kịp điều chỉnh thì cũng sẽ rơi vào vết xe đổ trước đây của dòng phim “mì ăn liền” thuở trước.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…