Mỗi quốc gia đều cócho riêng mình một lá cờ đại diện, và lịch sử Quốc Kỳ Việt Nam cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm để có thể khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.
Cũng như đa phần những dân tộc khác, lịch sử Việt Nam đã trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm lịch sử, cùng với đó là những lá cờ khác nhau, đại diện cho từng triều đại trong từng thời kỳ.
Long Tinh Kỳ (龍星旗) được sử dụng như tên gọi chung các lá cờ dưới triều đại nhà Nguyễn, gắn liền với những thăng trầm lịch sử trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, Long Tinh Kỳ “nguyên thủy” chỉ tồn tại trong 327 năm, trải 9 đời Chúa và 9 đời Vua nhà Nguyễn. Đây nguyên là hiệu kỳ của Tiên Chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1558, sau khi vào Nam trấn thủ đất Thuận Hóa, ông lấy kỳ hiệu của mình làm chính kỳ (lá cờ đại diện) của xứ Đàng Trong. Các Chúa Nguyễn về sau tiếp tục kế thừa, trong đó có Nguyễn Ánh. Năm 1802, sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) chính thức lấy lá cờ này làm Quốc kỳ của nước Việt Nam, lấy tên là Long Tinh Kỳ.
Kỳ (旗) là cờ, lá cờ; Long (龍) vừa có nghĩa là rồng, vừa để chỉ ngôi vua; Tinh (星) là ngôi sao, viên ngọc quý. Cờ có dáng chữ nhật, viền vảy 3 cạnh màu xanh rồng (tương tự màu lam), bên trong là hình chữ nhật màu vàng, ở giữa là chấm tròn tượng trưng cho ngôi sao (theo quan niệm phương Đông, ngôi sao là hình tròn). Về tổng thể, Long Tinh Kỳ là bức tranh mô tả một con rồng đang uốn lượn quanh ngôi sao sáng.
Quốc kỳ của Việt Nam (niên hiệu nước ta thời bấy giờ) đã được vua Gia Long cắm trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa muộn nhất từ năm 1816 nhằm mục đích khẳng định chủ quyền của Việt Nam với vùng đất này. Điều này đã được người phương Tây ghi chép lại trong các tài liệu như:
Năm 1885, Pháp gây sức ép buộc vua Đồng Khánh thay đổi Quốc kỳ, vì vua Hàm Nghi trước đây đã sử dụng Long Tinh Kỳ làm cờ hiệu khi ông khởi xướng phong trào Cần Vương kháng Pháp.
Không thể chống lại chính phủ bảo hộ và chưa có ý tưởng thay thế nên cờ nước ta (bấy giờ có niên hiệu Đại Nam) trở thành Đại Nam Kỳ, với 2 chữ Đại Nam màu đỏ, xoay nghiêng 90 độ, nằm ngược chiều nhau trên nền vàng hình chữ nhật.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng hai chữ trên cờ không thật sự liên quan đến quốc hiệu Đại Nam vì chỉ có chữ bên trái khá giống chữ Đại (大) trong khi chữ bên phải thì lại khác chữ Nam (南). Nguyên nhân có thể do người phương Tây không rành chữ Hán nên đã thiếu sót vài nét khi chuyển chữ Nam thành hình vẽ. Một giả thuyết khác thì cho rằng đây là sự cố ý của triều đình Đồng Khánh để không làm mất lòng nhà Thanh cũng như chính phủ bảo hộ Pháp.
Đồng Khánh tại vị 3 năm thì băng hà. Triều đình đưa hoàng tử Bửu Lân (con vua Dục Đức) lên ngôi (1889), lấy hiệu Thành Thái. Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, dù tuổi còn nhỏ nhưng đã có ý chí tự cường dân tộc.
Sớm được tiếp xúc với các sĩ phu yêu nước và các chí sĩ cách mạng, Thành Thái đã nhiều lần tỏ ý chống đối chính phủ bảo hộ, trọng dụng nhiều nhân tài với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước. Năm 1890, vua xuống chiếu thay đổi lá cờ chữ Hán thành Quốc kỳ mới.
Vẫn lấy tên Đại Nam Kỳ, cờ được thiết kế ba sọc đỏ nằm ngang (như quẻ Càn trong Bát Quái) trên nền vàng. Đây được xem như “thủy tổ” của cờ vàng ba sọc sau này, nhưng màu đỏ trên Đại Nam Kỳ nhạt hơn và kích cỡ ba sọc cũng rộng hơn.
Thời điểm đó, nước ta đã không còn là một lãnh thổ nguyên vẹn. Theo Hòa ước Quý Mùi 1883, đất Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp, trong khi Trung và Bắc Kỳ nằm dưới quyền của chính phủ bảo hộ. Lá cờ này của vua Thành Thái thể hiện ý thức rõ ràng về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ba sọc cách đều với mong muốn xác quyết toàn vẹn lãnh thổ, ba miền Bắc – Trung – Nam đều có tư thế chính trị như nhau. Màu đỏ trên nền vàng còn có ý chỉ dòng máu dân tộc thắm đỏ chảy trong huyết quản mỗi người con da vàng của đất An Nam.
Lá cờ này được sử dụng dưới thời vua Thành Thái và sau đó là vua Duy Tân. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng lá cờ đã để lại dấu ấn trong lòng người dân về ý chí độc lập dân tộc của hai vị vua triều Nguyễn.
Năm 1920, vua Khải Định cho thay lá cờ ba sọc đỏ thành cờ nền vàng với một dải đỏ nằm giữa, chiều rộng bằng ¼ chiều dài. Động thái này nhằm xoa dịu mâu thuẫn với chính phủ Pháp.
Lá cờ này có tên là Long Tinh Kỳ. Tuy nhiên, Long Tinh Kỳ thời điểm này chỉ còn biểu hiện cho khu vực phía Bắc và Trung Việt Nam – hai miền đất nước đang nằm dưới chế độ bảo hộ của Pháp.
Lá cờ này trải qua hai triều vua, Khải Định và Bảo Đại.
Cũng trong thời gian này, miền Nam Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, có chính phủ riêng, quân đội riêng, và tất nhiên là một lá cờ riêng.
Lá cờ này được chính quyền Pháp sử dụng trên toàn Liên bang Đông Dương. Cờ có nền vàng, góc trái trên cao là hình lá cờ tam tài (cờ 3 màu) của mẫu quốc.
Sau khi Đế quốc Nhật lật đổ thực dân Pháp, Bảo Đại tuyên bố độc lập trên danh nghĩa, dưới sự bảo hộ của Nhật. Ngày 11/3/1945, ông thành lập Đế quốc Việt Nam – lấy lại tên cũ của nước ta dưới thời Gia Long.
Ngày 17/4/1945, Bảo Đại cho thành lập Chính phủ mới, đứng đầu là học giả Trần Trọng Kim, Quốc kỳ được chọn là cờ Quẻ Ly.
Cờ này cũng có nền vàng, bên trong có ba sọc đỏ bằng nhau nhưng sọc ở giữa đứt quãng, tựa như quẻ Ly trong Bát Quái.
Trong thời gian này, Long Tinh Kỳ trở thành cờ Hoàng gia, chỉ được treo tại Hoàng thành (Huế) và mang theo đến những nơi vua tuần du. Thiết kế lá cờ có chút thay đổi, nền vàng đậm hơn, dải đỏ thu hẹp lại để tương xứng với thiết kế của cờ Quẻ Ly.
Về danh nghĩa, trong thời gian này cờ Quẻ Ly được xem là Quốc kỳ, nhưng trên thực tế miền Nam Việt Nam vẫn nằm dưới sự cai trị của Đế quốc Nhật. Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, trao trả Nam kỳ. Thế nhưng chỉ 5 ngày sau, CMT8 thành công, chính quyền Trần Trọng Kim bị tiêu diệt. Không lâu sau đó, Bảo Đại cũng tuyên bố thoái vị (30/8/1945).
Do đó, cờ Quẻ Ly chỉ tồn tại trong khoảng 5 tháng với tư cách Quốc kỳ, trong đó “được” vỏn vẹn 5 ngày trở thành biểu tượng của toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Ngày 30/8/1945, chế độ quân chủ chính thức chấm dứt tại Việt Nam, Bảo Đại thoái vị, Long Tinh Kỳ bị hạ xuống.
Lá cờ đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Chính phủ mới của nước ta – được lấy theo mẫu lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh: Cờ Sao Mai. Theo ghi nhận, lá cờ này xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa (1940). Tác giả của cờ đỏ sao vàng là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, thường được gọi là ông Hai Bắc kỳ.
Năm 1946, Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa I đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, đến cuối năm đó, Việt Minh lui về hoạt động bí mật, cờ đỏ sao vàng tạm mất tư thế Quốc kỳ.
Năm 1954, chiến tranh Đông Dương kết thúc, Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được ký kết, Việt Nam chia nửa. Lúc này, cờ đỏ sao vàng “trở lại” làm lá cờ chính thức của chính quyền Việt Minh tại miền Bắc Việt Nam.
Trong lúc ấy, tại miền Nam, Chính phủ Quốc gia Việt Nam (1949 – 1955) và Việt Nam Cộng hòa (1955 – 1975) lần lượt được thành lập. Cả hai đều lấy lại thiết kế cờ vàng ba sọc đỏ thời vua Thành Thái để làm lá cờ biểu trưng cho mình.
Bàn về xuất xứ của lá cờ vàng của chế độ mới, cố GS Nguyễn Ngọc Huy cho biết lá cờ này “do một họa sĩ nổi tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến là Lê Văn Đệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Đại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948”.
Việt Nam Cộng hòa sau khi thành lập thì kế thừa luôn cờ của Quốc gia Việt Nam, chứ không có văn kiện nào của Tổng thống hay Quốc hội về việc chính thức công nhận cờ vàng ba sọc đỏ làm Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa.
Hiện nay, lá cờ này không được phép sử dụng tại Việt Nam và cũng không được Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác trên thế giới công nhận. Nó chỉ còn tồn tại với tư cách biểu tượng của một số cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ. Ngoài ra, cờ vàng ba sọc còn xuất hiện trong các bộ phim về chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra, còn một lá cờ khác cần được nhắc đến. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, sử dụng hiệu kỳ có nền gồm nửa trên màu đỏ, nửa dưới màu xanh, ở giữa là sao vàng.
Lá cờ này gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của thế hệ đi trước.
Năm 1969, hiệu kỳ này được dùng làm Quốc kỳ cho chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam – chính phủ đối trọng của Việt Nam Cộng hòa. Nó được sử dụng đến khi sáp nhập 2 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc) và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (miền Nam).
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội Việt Nam khóa VI đã lấy lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm Quốc kỳ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng trở thành lá cờ đại diện chính thức cho nước Việt Nam thống nhất từ đó cho đến nay.
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…