Trong suốt nhiều thập kỉ, việc sử dụng lông thú trong ngành thời trang vốn là một chủ đề tạo nên nhiều cuộc tranh luận mãi không có hồi kết giữa các thương hiệu thời trang và những nhà hoạt động vì quyền lợi động vật.
Hàng năm, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại nhằm cung cấp sừng, da, lông cho ngành công nghiệp thời trang. Chất liệu này đã thu hút được sự yêu thích của các ngôi sao trên khắp thế giới. Chúng được xem như một món đồ thời trang cao cấp làm mê hoặc giới hoàng gia, các ngôi sao nổi tiếng như Lady GaGa, Selena Gomez hay gia đình nhà Kardashian.
Áo lông thú lấy từ lông của các loài động vật có độ ấm cao nên rất được những người dân xứ lạnh yêu thích. Ban đầu trang phục này chỉ xuất hiện ở Châu Âu, dần dần áo lông thú phổ biến rộng rãi cả ở Canada trong những mùa đông lạnh giá. Đặc biệt là ở Bắc Cực, áo lông từ động vật đã trở thành trang phục giữ nhiệt hàng ngày của dân tộc Inuit, Còn đối với vùng Scandinavia, Nhật Bản và Nga, chất liệu này cũng được coi là một phần của trang phục truyền thống.
Chất liệu lông thú là một trong những chất liệu tồn tại lâu đời nhất trong lịch sự phát triển loài người. Chẳng rõ con người bắt đầu mặc áo lông thú chính xác từ bao giờ, chỉ biết rằng từ rất lâu – có lẽ là giữa khoảng 100,000 cho đến 500,000 năm trước, loài người đã biết sử dụng lông, da thú quấn và buộc trên cơ thể để ủ ấm khi thời tiết lạnh giá.
Cho đến cách đây 30,000 năm, những mũi kim đơn giản từ xương thú đã làm nên các trang phục may từ lông và da thú. Nó không chỉ bảo vệ, che chắn con người trước thời tiết mà quan trọng hơn cả, khi khoác lên mình tấm da động vật, họ cảm nhận mình có được sức mạnh thần thánh từ chúng.
Khi loài người phát triển thành hình thái xã hội cao hơn, có tầng bậc cao thấp, những lễ nghi tôn giáo và thần linh riêng, lông thú là hiện thân cho những gì xa hoa, tối cao và quyền lực nhất. Từ thế kỷ XIV đến XVII, các vị vua và nữ hoàng ở Anh đã ban hành các sắc lệnh quy định về lông thú và chất liệu này, đặc biệt là để dành những loại lông quý như chồn marten, cáo, sóc xám và chồn ermine cho giới tu sỹ, quý tộc.
Những quy định này không những phân biệt thứ bậc cho giá trị của lông thú mà còn định ra sự khác biệt về phục trang của mỗi người ở từng địa vị xã hội. Trong khi phần lớn những loại lông giá trị là đặc quyền của tầng lớp thống trị. Giới trung lưu mặc những loại rẻ hơn như lông hải ly, rái cá, thỏ rừng và cáo, còn tầng lớp nông dân mặc những loại thô cứng hơn như lông sói, dê hay cừu.
Đối với những phụ nữ thời hậu chiến ở Anh, một chiếc áo khoác lông thú, đặc biệt là lông chồn Mink, đại diện cho sự sang trọng tột bậc, là món đồ số một mà họ hằng khao khát. Tại nhiều nơi, ước muốn sở hữu một chiếc áo lông thú trở thành thứ định nghĩa cho sự nữ tính, làm tôn lên sự gợi cảm, kiêu kỳ vốn có của họ.
Thời hiện đại, với những thương hiệu tên tuổi như Fendi, lông thú không chỉ là chất liệu sáng tạo thú vị, mà còn là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ. Bộ sưu tập đánh dấu chặng đường 50 năm làm việc tại Fendi của Karl Lagerfeld được xem như tác phẩm nghệ thuật chắt lọc từ những tinh hoa, mỗi mẫu thiết kế phải tiêu tốn trung bình 600 giờ lao động để hoàn thành. Những thiết kế giờ đây không còn bị đóng khung trong những chiếc áo khoác đồ sộ mà còn có cả váy, túi xách và thậm chí những chiếc đầm cocktail được làm thủ công từ lông chồn, cáo và chinchilla.
Rất dễ để mở miệng nói không với lông thú. Nhưng đây là một nền công nghiệp. Ai sẽ trả công cho những người thất nghiệp ngoài kia nếu thị trường lông thú bị đàn áp? Họ săn bắn cả đời để kiếm sống, rồi đột nhiên mất đi nguồn thu nhập chính của mình, mọi thứ sẽ như thế nào? Nghĩ đi, không phải ai cũng là Bill Gates.
Karl Lagerfeld
Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, thời trang lông thú còn thể hiện được sự chuyển biến mang tính thời đại. Rob Cahill – nhà đấu giá lông thú khu vực Bắc Mỹ, nhấn mạnh diện mạo mới mẻ của lông thú trong những bộ sưu tập đương đại, điều đã khiến người ta sẵn sàng đổ tiền vào nó.
Chúng không còn là những chiếc áo khoác lông đồ sộ của bà, của mẹ. Những bộ sưu tập của Thom Browne hay Emilio Pucci đã đưa kĩ thuật đan màu cho lông thú vào để tạo nên hiệu ứng đẹp mắt, không còn cảm giác nguyên thủy của lông thú mà là sản phẩm đan móc thủ công tinh xảo.
Rob Cahill
Thị trường thời trang lông thú thật hiện nay ước đoán có giá trị khoảng 40 tỷ USD. Và một số những thương hiệu sử dụng lông thú cao cấp, như Canada Goose và Moncler nằm trong danh sách được ưa chuộng nhất của giới trẻ.
Đằng sau những sản phẩm từ lông thú thường liên quan đến hành động ngược đãi động vật, chưa kể đến quá trình xử lý gây hại đến môi trường. Chính vì vậy, nó bị xem như một phát kiến lỗi của con người trong rất nhiều thập kỉ, bị lên án nặng nề và thậm chí các tín đồ mặc lông thú từng bị người biểu tình ném sơn vào người. Sự hiện diện ngày càng nhiều của lông thú trong thị trường thời trang cao cấp hoàn toàn không mang chút dấu ấn thời đại về ý thức xã hội và sinh thái.
Hàng năm, theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn môi trường, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại để nhằm cung cấp da, lông, sừng cho ngành công nghiệp thời trang. Lông thú nuôi tự nhiên được ưa chuộng một thì lông, da thú hoang dã phải được săn lùng gấp mười bởi tính chất “đẳng cấp”, hiếm, độc của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng nghìn loài động vật có tên trong sách đỏ đứng bên bờ tuyệt diệt và vô số loài quý hiếm đã bị tuyệt chủng. Cái chết thương tâm của chúng có thể chỉ bị đánh đổi chỉ để tạo nên những món đồ phù phiếm, kiêu sa có thể sẽ nằm lãng quên hàng thập kỷ trong tủ quần áo bệ vệ của những quý bà sành mốt chỉ sau một vài lần sử dụng.
Đơn cử như loài sơn dương, trên khắp thế giới chỉ còn khoảng 75,000 – 100,000 con ỏ Tây Tạng. Nó được xếp loại đang bị đe dọa tuyệt chủng. Bộ da của sơn dương được bán trên thị trường chợ đen để làm áo lông thú quý giá. Theo WWF, phải cần đến bốn con sơn dương mới may được một cái áo choàng, giá bán từ 700 – 3,500 euro.
Đứng trước nguy cơ nhiều loài bị tuyệt chủng và động vật bị đối xử tàn tệ để phục vụ cho các hãng thời trang, nhiều tổ chức phi chính phủ đã không thể ngồi yên. Đi đầu trong số này là tổ chức PETA – đây được coi là “kẻ thù” hung hãn và đáng sợ nhất đối với các nhà thiết kế yêu chuộng chất liệu lông, da, sừng của động vật.
Hội nhân đạo bảo vệ động vật PETA khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất.” Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân tại các nước phương Tây khi họ phải đối mặt với con số hơn 50 triệu động vật bị giết chỉ để phục vụ ngành công nghiệp thời trang.
Vài năm trở lại đây có thể nói là giai đoạn thời trang lông thú bị lên án nhiều nhất. Chưa bao giờ ngành lông thú gặp khó khăn như lúc bấy giờ. Nếu trước đây, thời trang lông thú được xem là sản phẩm xa xỉ, sang trọng, thì giờ đây dường như cả thế giới đang chống lại nó.
Nếu thời trang lông thú có một Karl Lagerfeld khó lay chuyển, thì đồng hành cùng các nhà hoạt động bảo vệ động vật hoang dã cũng có một Stella McCartney dũng cảm đứng về bên kia chiến tuyến.
Nếu có chung cảm nhận với tôi, bạn sẽ không bao giờ chọn những sản phẩm từ lông thú thật sau khi biết rõ những đau đớn mà động vật phải chịu đựng.
Stella McCartney
Không phủ nhận thương hiệu Stella McCartney được xem như hãng thời trang tiên phong gần như đã xoay chuyển cục diện ngành thời trang lông thú trong những năm gần đây, tác động mạnh mẽ đến nhiều thương hiệu thời trang cao cấp khác.
Net-a-Porter – trang web bán hàng thời trang xa xỉ trực tuyến, tuyên bố ngừng bày bán sản phẩm sử dụng lông thú từ năm 2018. Theo đó, công ty mẹ của Net-a-Porter, Yoox cho biết đây là quyết định kinh doanh dựa trên phản hồi của khách hàng.
Năm 2017 là năm đánh dấu bước chuyển mình đồng loạt của ngành thời trang lông thú khi Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Gucci – Marci Bizarri phát biểu tại trường Cao đẳng Thời Trang Luân Đôn về trách nhiệm cốt lõi của Gucci chính là xây dựng trách nhiệm đối với xã hội. Nhà mốt nước Ý hi vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng trong sự nghiệp đổi mới ngành thời trang cao cấp và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Ngay sau bài phát biểu của Gucci vào tháng 12/2017, thương hiệu thời trang cao cấp Michael Kors và Jimmy Choo cũng nhanh chóng tuyên bố định hướng phát triển tương lai của hãng về việc thay thế chất liệu da, lông thú thật bằng những chất liệu bền vững mới giống thật vào cuối năm 2018. Tuyên bố này khẳng định việc ủng hộ bảo vệ động vật, đồng thời vẫn đảm bảo được giá trị của thương hiệu mà không đánh mất đi chất lượng của các dòng thời trang của hãng.
NTK thời trang Tom Ford tất nhiên đã không đứng ngoài phong trào có mức độ ảnh hưởng rộng khắp như thế này. Ông không chỉ có bước thay đổi nhanh chóng đối với các sản phẩm lông thú trước đây mà hãng đã tạo ra bằng những chất liệu tân tiến và thân thiện với môi trường hơn – như thay thế lông thú bằng da cừu, da bò và giả lông dạng fleece; mà người ta còn thấy hình ảnh một NTK tài ba bắt đầu xây dựng chế độ ăn chay mới của mình, đây được xem là động thái rõ ràng và tích cực nhất từ thương hiệu Tom Ford.
Giữa tháng 3/2018, NTK Donatella Versace đã kịp hòa nhịp vào làn sóng nhân đạo đang cao trào của ngành thời trang. Trên trang chính thức của nhà mốt Ý Versace, bà chia sẻ niềm hy vọng về tương lai đổi mới của ngành thời trang khi rời bỏ những hành động phi nhân đạo với động vật và tìm kiếm những chất liệu phù hợp hơn. Qua đó, thương hiệu Versace sẽ chính thức ngưng trình làng và bày bán các sản phẩm lông thú bắt đầu từ năm 2019.
Về mặt luật pháp, lông thú chính thức bị cấm bày bán tại California, Mỹ. Chính quyền tiểu bang San Francisco là nơi tiên phong “cấm cửa” cá nhân, các nhà bán lẻ cùng những thương hiệu thời trang đang hoạt động tại San Francisco về việc sử dụng các sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ động vật vì không phù hợp với đặc tính của thành phố. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Trước làn sóng mạnh mẽ chống lại việc giết hại các loài động vật nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho thời trang, không ít những nhà bán lẻ hoặc cá nhân đưa ra giải pháp khác. Họ cho rằng nếu nuôi động vật hoang dã như cáo, chồn, chó sói Bắc Mỹ, cọp… trong những trang trại có quy mô lớn và hiện đại, động vật được phép tự do đi lại, các chất thải từ chúng sẽ là nguồn cung cấp lớn cho phân bón và sinh học, thì việc lấy da, lông từ những những loài động vật này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề nhân đạo.
Họ cũng tin rằng đây là điểm biệt giữa lông da hữu cơ và lông, da thương mại. Đây là niềm hy vọng của những nhà buôn bán lông, da động vật khi áp lực truyền thông, người tiêu dùng chống lại lông thú đang ngày càng gia tăng.
Song mục đích cuối cùng của việc nuôi nấng những động vật này là hoàn toàn phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Chỉ duy nhất mục đích đó thôi không đủ để thuyết phục khách hàng và các tổ chức bảo vệ động vật chấp nhận.
Mặc dù con người là mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã, nhưng chúng ta cũng là niềm hy vọng duy nhất của chúng.
Quả thật, rất khó để đi tìm một đáp án chắc chắn làm vừa lòng tất cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng rằng sẽ có một sự thay đổi và điều chỉnh phù hợp với thói quen mua sắm của người tiêu dùng, kèm theo những giá trị nhân đạo đối với động vật.
Trong khi nhiều quốc gia và thành phố ban hành những đạo luật cấm bán và sản xuất lông thú thì nhiều thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ đã tìm ra những phương án thay thế phù hợp và thân thiện hơn nhằm duy trì các sản phẩm thời trang, đồng thời bảo vệ môi trường động vật.
Ông P.J.Smith – đại diện phát ngôn của tổ chức Fur Free Alliance
Nếu bạn vẫn mong muốn tìm cho mình những chiếc áo lông thú, một lựa chọn còn tốt hơn cho bạn là tìm đến những nhà mốt sử dụng lông thú dạng sản phẩm phụ (by-product). Đây là những sản phẩm đến từ gia cầm có thể dùng trong ngành thực phẩm. Ví dụ như da dê, lông cừu, da hươu nai và tuần lộc, cũng như lông thỏ. Một số thương hiệu tiêu biểu bao gồm Mou (Anh) và Brother Vellies (Mỹ).
Ảnh bìa: furcommissionusa
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…