Lifestyle

#Localzine: Về quê chill gì?

“Về quê” chỉ hai từ thôi cũng đủ để những người xa quê nao nức cả năm trời. Dù là lúc mới bắt đầu xa quê đi học hay những lúc đã quen với việc xa quê đến mấy năm liền thì cái sự nao nao, trông chờ khi được về quê luôn hiện hữu. Vậy ở quê có gì mà khiến người ta cứ mong, cứ chờ đến vậy?

Những góc quen thân thuộc trong ký ức người xa quê

Góc ấm no ở cánh đồng
quê

Cánh đồng quê là sân chơi quen thuộc của bọn trẻ con. Những cánh đồng trải dài này là nơi có những cánh diều bay xa. Mỗi buổi chiều đến trong mùi lúa chín và cảnh người nông dân thong dong đi làm về, ta thấy tiếng trẻ con nô đùa bên cạnh từng đàn trâu thong dong gặm cỏ.

Ảnh: Le Huu Tinh

Những biển lúa rộng mênh mang còn mang lại cảm giác dễ chịu, êm ái suốt bốn mùa từ xuân, hạ, thu sang đông. Lúc nào ngươi ta cũng cảm nhận được những mảnh ghép của cuộc sống thông qua sự cần mẫn, qua những cánh tay làm việc thoăn thoắt của các bác nông dân từ lúc gà chưa kịp gáy tới lúc trời mịt mờ tối.

Nếu thành phố có những công viên lớn, khu vui chơi rộng rãi thì cánh đồng chính là sân chơi bát ngát, mênh mông của đứa trẻ mỗi chiều về. Khi gió vi vu cũng là lúc những chiếc diều bay cao, đem theo những ước mơ tuổi thơ. Đây cũng là khoảng thời gian tụi nhỏ tụ tập ở một góc chơi chuyền, đá bi, đào dế.

Cánh đồng quê không chỉ nuôi dưỡng niềm vui lao động lao động, niềm vui nô đùa con trẻ mà còn nuôi dưỡng cả những ước mơ của người dân nơi đây. Sau mỗi vụ thu hoạch, là tiếng cười của cha khi điện thoại báo đứa con đi học xa nhà “Tháng này cha gửi con thêm tiền, nhớ ăn uống đầy đủ vào nha con” hay là niềm vui của mẹ khi có thể mua thêm áo mới cho đứa con nhỏ mới vào lớp một.

Góc ấm lòng ở chợ quê


Nếu Doraemon có chiếc túi thần kỳ chứa vô vàn bảo bối thì đối với những đứa trẻ ở quê, “chợ” chính là kho báu của niềm vui, sự háo hức.

Chợ quê có kẹo, có bánh, có đồ áo mới, có đồ dùng học tập tinh tươm. Tới chợ được mẹ mua cho quà bánh, có khi là chiếc bánh miến nóng hổi, có khi là phần xôi thơm phức mùi nếp mới, lại còn có phần dành về cho đứa em ở nhà. Rồi mỗi độ Tết đến Xuân về lại được mẹ dẫn ra chợ mua quần áo mới, về nhà nhờ mẹ giặt thật kỹ rồi tới mùng 1 Tết mới dám mặc. Hay vào năm học mới lại được mẹ dẫn ra chợ mua ba lô mới, cặp sách mới, thước kẻ mới, lúc đấy đứa trẻ quê nào cũng cười tít mắt vì ấm lòng quá thể.

Chợ không chỉ là góc ấm lòng của con trẻ mà còn là góc ấm lòng của người lớn. Nhất là những khi bán được hàng, còn gì vui hơn khi bán hết mẻ cá, mớ rau, hay cả một rổ hoa quả to ơi là to.

Ảnh: Quang Tú

Góc vui khỏe ở sân sinh hoạt xóm


Nếu ngày xưa, sân sinh hoạt xóm ở quê chỉ bé bé, vừa đủ để tụi nhỏ đá cầu, bắn bi thì ngày nay sân sinh hoạt xóm đã nô nức hơn rất nhiều khi có sự tham gia của nhiều thế hệ, từ già đến trẻ.

Mỗi sáng sớm, khi mặt trời chưa kịp ló dạng, ông bà ngoại đã dậy thật sớm, đi bộ vài vòng, rồi ới vào hiên nhà bà Ba kế bên để rủ bà đi tập dưỡng sinh. Các bà, các ông lũ lượt từng người một đều tập trung ở một chỗ để tập dưỡng sinh trên những nền nhạc hết sức sôi động, tràn đầy sức sống. Có khi là những bản nhạc Cách mạng, mừng Đảng mừng Xuân vô cùng hào hùng, có khi là bản nhạc tiếng nước ngoài mà chả ai biết tên. Thế nhưng ai cũng hồ hởi và đầy khí thế để bắt đầu ngày mới.

Vừa tập, các bà, các ông vừa nghe ngóng thời sự trên chiếc Đài phát thanh của xã cập nhật tình hình nông thôn mới, tình hình vụ mùa hay diễn biến thời tiết của những ngày tiếp theo.

Trưa đến, đây là không gian của lũ trẻ trốn mẹ ngủ trưa, cả bọn sẽ cùng tụ tập trước sân để cùng chơi đuổi bắt, bịt mắt bắt dê, hay nghịch đất, nghịch đá cho tới khi mẹ dọa đánh mới chịu về.

Chiều về sân sinh hoạt xóm là nơi diễn ra những kèo bóng hấp dẫn giữa các anh thanh niên xóm hay giữa các các chú, các cô. Cả ngày làm việc mệt mỏi thế nhưng chỉ cần ra sân bóng là ai cũng hừng hực khí thế chiến thắng. Chơi hết sức sau một ngày lao động hăng say.

Góc thương nhớ ở vườn nhà ngoại

Trong “Bài này chill phết” Đen Vâu từng rap “Nếu mệt quá thì ta về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Vườn nhà ngoại chính là vùng quê bước ra từ lời rap đó. Vườn nhà ngoại có tất thảy mọi loại rau. Mùa xuân thì có cà rốt, súp lơ. Mùa hè thì có rau muống, dưa chuột, cà chua. Mùa thu lại trồng nào cải xoăn, cải bó xôi. Đến đông lại chẳng bao giờ thiếu xà lách, su hào. Mỗi lần mẹ vào nhà ngoại, bao giờ cũng có một túi to thật to đựng tất thảy các loại rau mang về.

Vườn nhà ngoại còn có một ao cá cũng mang lại cảm giác bình yên không kém. Mỗi lần con cháu vào thăm, ông ngoại sẽ câu một con cá rô thật to để bà hấp sả hoặc chiên giòn. Chấm với nước mắm tỏi, đứa nào cũng thích mê.

Không những có rau, có cá, vườn nhà ngoại còn có muôn vàn loài quả để mùa nào ngoại cũng có quà gói tặng cháu mỗi khi đi học, đi làm xa nhà. Quả xoài đem từ quê lên thành phố không chỉ có vị ngọt mà còn có tất thảy tình thương của ngoại.

Xem thêm: #LocalZine: Sống xanh như thời “ông bà anh”

Góc đong đầy ở nhà

Ở nhà đong đầy vì có bố, có mẹ, có gia đình – nơi mà chúng ta có thể lỡ lãng quên một chút nhưng không bao giờ lãng quên chúng ta.

Ảnh: Trần Văn Thiện

Những ngày xa nhà, tất bật với cuộc sống ngoài xã hội lắm lúc còn chẳng nhớ gọi về cho mẹ một câu, thế nhưng khi va phải những vấp ngã đầu đời, câu đầu tiên bố nói chính là “Về thôi”.

Về nhà có món thịt kho, sườn xào chua ngọt, canh rau ngót bao năm không đổi hương vị nhưng dù ở xa có nấu đúng công thức thế nào cũng không ra được hương vị mẹ nấu.

Về nhà có mùi hương của quần áo mẹ giặt, để rồi dù cách xa nhà tới tận 2000 km cũng vì nghe được mùi hương đó mà bật khóc vì nhớ nhà.

Nhà cũng là nơi giúp những vết thương được chữa lành, giúp tinh thần nhẹ tênh dù có bao nhiêu khó khăn. Vì ở nhà, luôn đong đầy thương yêu.

Kết

Dù đi xa tới đâu, tận phương trời nào thì những góc quen thân thuộc vẫn luôn là bến tựa trên hành trình đi để trở về của những đứa con xa quê. Qua thời gian, những góc quen sẽ dần trở nên khang trang hơn, xinh đẹp hơn tuy nhiên góc quen vẫn ở đó, ngày ngày chứng kiến những con người lớn lên, rời đi rồi lại trở về. Tất cả sẽ được gói gọn vào những ký ức chẳng bao giờ phai mờ.

Xem thêm:
#Localzine: Hà Nội và câu chuyện về những đôi bàn chân
#LocalZine x #HọNóiLà: Lời gửi đến cha
#LocalZine: Cô Mía – Người ấy là ai?

Võ Hoài

Recent Posts

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

20 giờ ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

22 giờ ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

5 ngày ago