Sinh năm 1993 nhưng Louise Linh Phạm – cô gái tự nhận “là người thích bay bổng, thích thay đổi thế giới” – đã sở hữu bảng thành tích đáng nể: tốt nghiệp ngành Khoa học tự nhiên Đại học Cambridge, từng là chuyên viên phân tích phần mềm cho tập đoàn tài chính Goldman Sachs, nằm trong danh sách 30 Under 30 năm 2020 của cả Forbes Việt Nam và Forbes Asia.
Louise Linh Phạm cũng là cái tên nổi bật trong giới khởi nghiệp những năm gần đây, với LOGIVAN – nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ logistics. Ứng dụng này đã giành chiến thắng tại cuộc thi khởi nghiệp Uber Exchange, trở thành startup duy nhất giành tấm vé đến Thung lũng Sillicon, nhận được sự cố vấn trực tiếp từ Tổng Giám đốc công nghệ toàn cầu Uber, Thuận Phạm.
Đồng thời, LOGIVAN còn đạt giải nhất tại Pitch@Palace Global 2018, được Hội đồng giải thưởng đánh giá không chỉ đem đến giải pháp đột phá trong lĩnh vực logistics mà còn có tác động tích cực đến xã hội, nền kinh tế, và môi trường sống tại Việt Nam. Trải qua 3 vòng gọi vốn, LOGIVAN đã thành công gọi được 7,95 triệu USD từ các nhà đầu tư như Insignia Ventures Partners, VinaCapital Ventures, Alpha JWC Ventures.
Vừa qua, Louise Linh Phạm đã xuất hiện với vai trò khách mời trong buổi chia sẻ Technology to Change Life & Bring Values. Chương trình này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Fireside Chat with Expert do JobHopin – nền tảng tuyển dụng bằng AI đầu tiên tại Việt Nam với hơn 2,1 triệu ứng viên khắp cả nước – thực hiện. Trong chương trình này, Louise Linh Phạm đã chia sẻ những góc nhìn của mình về những giá trị tích cực mà công nghệ mang đến cho cuộc sống.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung podcast Technology to Change Life & Bring Values
Rất vui khi được tham dự chia sẻ với Digikigai. Mang sứ mệnh số hóa ngành vận tải đường bộ Việt Nam, LOGIVAN ra đời vào cuối năm 2017. Bằng cách ứng dụng các tiện ích công nghệ (GPS, AI, …), LOGIVAN hướng đến giải quyết vấn đề về sự phân mảnh của ngành vận tải VN, đồng thời để giảm số lượng xe tải về rỗng.
LOGIVAN đã và đang phục vụ hàng nghìn chủ hàng nhỏ lẻ trên khắp cả nước, cùng với đó là những công ty, tập đoàn lớn khác như Unilever, Coca-Cola, hay Ajinomoto.
Trước khi startup LOGIVAN, mình từng làm trong mảng công nghệ cho một công ty tài chính ở Anh. Về Việt Nam, Linh cũng có thời gian làm việc tại một nhà máy sản xuất. Lúc ấy, Linh để ý rằng 10 xe tải của nhà máy lúc về luôn rỗng. Thấy vậy, mình nghĩ sao không thử dùng công nghệ để giúp chủ hàng và chủ xe kết nối hiệu quả hơn, lại còn hạn chế lãng phí nhiều mặt như xe cộ, nguồn lực.
Lúc mới bắt đầu, Linh không nghĩ rằng đây là ngành ‘khó nhằn’ hay gì cả. Giờ nghĩ lại, thật ra, những ngành càng khó sẽ càng ít cạnh tranh. Ví dụ như trước đây, Linh có phát triển một số ý tưởng khác như ứng dụng săn coupon cho giới trẻ, ứng dụng dạy học tiếng Anh. Từng làm rồi thì nhận ra rằng những mảng nhiều tiềm năng là những mảng mà ai cũng có thể nhảy vào, thị trường đông đúc, tỉ lệ cạnh tranh rất cao.
Hơn nữa, Linh hứng thú với việc dùng công nghệ để giải những bài toán khó. Nên với Linh, dù là ngành gì thì quan trọng nhất vẫn là độ lớn và tiềm năng ứng dụng công nghệ của ngành – xem công nghệ sẽ giúp giải phóng hay giải quyết những bất cập gì đang tồn tại.
Cánh tài xế xe tải là những người chịu áp lực rất lớn, từ chuyện bảo đảm an toàn khi lưu thông, đến việc phải đối mặt với tắc đường, thời tiết thất thường, thủ tục giấy tờ trên đường và tại kho phức tạp, … Stress nên họ dễ quạu lắm. Vì vậy, lúc vận hành, mình cần bình tĩnh, nhẹ nhàng, thông cảm với họ.
Team làm việc trực tiếp với tài xế tại LOGIVAN hầu hết đều là nữ. Ưu điểm của các bạn nữ là khả năng giữ bình tĩnh và thái độ giao tiếp nhẹ nhàng. Nhưng khi đến khâu deal giá, thanh toán, các bạn sẽ cần… ‘đanh đá’ lên một xíu để giữ vững lập trường, không bị tài xế ép giá. Các bạn mới vào thường sẽ còn hơi nhút nhát và ngại ở khâu này, dần dần mới dạn dĩ hơn được.
Làm việc với tài xế xe tải có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, thói quen. Ví dụ như chỉ buổi tối thì các anh mới tiện để nói chuyện, chứ ban ngày rất ít bắt máy. Bản thân Linh cũng bỡ ngỡ với những điều này vào buổi đầu. Nhưng với mình thì đây là những thử thách cần thiết, khuyến khích mình nỗ lực hơn nữa để có thể hòa nhập tốt vào ngành logistics.
Đã làm startup thì phải xác định đánh đổi. Thời gian là thứ đầu tiên. Hiện tại, do lockdown, thời gian ở nhà nhiều, nên Linh có cơ hội gặp gia đình thường xuyên hơn. Còn thời gian dành cho bản thân, thú thật Linh cũng thấy hơi tiếc. Mình là người thích học hỏi nhiều thứ, nhưng trong vòng 2–3 năm trở lại đây, hầu như mình không còn thời gian học thêm kỹ năng gì khác ngoài những thứ liên quan đến công việc.
Điều thứ hai là những cơ hội mới. Trong thời gian vừa qua, mình thấy được rất nhiều thứ khiến mình phải ồ à, phải thừa nhận là hay đấy, có tiềm năng đấy, hào hứng đấy. Nhưng mình cần ghi nhớ rằng, đã gắn bó với điều gì rồi thì không đứng núi này trông núi nọ nữa.
Trước đây, Linh hay nghĩ là có những thứ nằm ngoài tầm với của mình. Nhưng sau khi đọc quyển Mindset: The New Psychology of Success thì dần dần mình cũng bỏ được kiểu tư duy cố định đi. Thay vào đó, Linh hình thành thói quen khuyến khích việc tự phát triển kỹ năng và kiến thức trong những mảng khác mà mình chưa bao giờ đụng đến hoặc nghĩ rằng mình sẽ làm rất dở.
Logistics là một ngành lớn, trong đó mảng vận tải đường bộ đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Hiện nay, các nhà sản xuất lớn của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một điểm đến rất thu hút cho chuỗi cung ứng mới của họ. Các ông lớn không còn muốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ nữa. Sau đợt đại dịch này, các tập đoàn lớn lại càng có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Nói về độ bão hòa, theo Linh, thị trường tải khô hiện nay đang có một mức độ cạnh tranh nhất định. Nhưng thị trường tải lạnh là một câu chuyện khác. Mặc dù đang phát triển rất nhanh nhưng phần cơ sở hạ tầng (kho lạnh) và sự chuẩn hóa trong vận chuyển lưu trữ hàng lạnh vẫn chưa thể bắt kịp để đáp ứng nhu cầu hiện tại.
Đây vẫn là thị trường tiềm năng, mang nhiều cơ hội lớn cho các startup công nghệ, hay thậm chí là những công ty truyền thống khác.
Biến đổi khí hậu là một trong những mảng Linh quan tâm. Bài toán khí hậu là vấn đề toàn cầu chứ không của riêng quốc gia nào. Sau này, nếu có cơ hội, thì đây là mảng mà Linh muốn thử sức.
Có 30% lượng khí thải gây ô nhiễm đến từ farming, từ việc trồng trọt, chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm. Nhưng vấn đề này có thể được giải quyết trên quy mô cá nhân, ví dụ như thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế tiêu thụ thực phẩm từ động vật.
Vận tải, bao gồm vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, cũng là một tác nhân lớn gây biến đổi khí hậu. LOGIVAN hiện vẫn đang cố gắng đóng góp sức nhỏ của mình vào việc giảm thiểu khí thải từ vận tải đường bộ. Ngoài ra, mình còn nghĩ đến những ý tưởng khác, như phân bón không thải ra CO2, hoặc đầu tư phát triển những loại vật liệu xây dựng ‘sạch’, giảm tối đa lượng khí thải ra môi trường.
Ngoài quyển Mindset: The New Psychology of Success về tư duy phát triển đã nhắc đến, Linh muốn chia sẻ với mọi người quyển How to Avoid a Climate Disaster: The Solutions We Have and the Breakthroughs We Need. Đây là quyển sách đã khai sáng cho Linh về nhiều vấn đề xã hội và khí hậu. Mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ ưu tiên cho những thứ khác nhau, như thời của bố mẹ mình thì quan tâm hơn đến phát triển kinh tế. Nhưng đến mình, thì vấn đề môi trường là thứ chúng ta cần phải nghiêm túc nghĩ đến, không chỉ cho tương lai bản thân mà còn là tương lai của các thế hệ sau.
Quyển thứ hai được mệnh danh là ‘Kinh thánh của giới khởi nghiệp’, The Lean Startup. Quyển sách này đã giúp thay đổi góc nhìn của Linh, mang đến nhiều giá trị và bài học cho hành trình khởi nghiệp của mình. Nó khiến Linh nhận ra rằng không cần phải quá cầu kỳ hay quá hoàn hảo từ ban đầu. Điều quan trọng là phải test được những giả định, những ý tưởng, những câu hỏi chính nhất, và cần phải test nó trong thời gian nhanh nhất có thể.
Cuối cùng là quyển sách Linh vừa đọc dịp Tết năm nay, No Rules Rules: Netflix and the Culture of Reinvention. Quyển sách này nói về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp coi trọng sự tự do (freedom) và tính trách nhiệm (responsibility). Bạn có thể áp dụng những bài học này vào thực tế thị trường Việt Nam, hoặc không.
Cùng lắng nghe những chia sẻ về sự nghiệp và kinh nghiệm công việc từ các chuyên gia hàng đầu qua chuỗi podcast đa lĩnh vực do JobHopin thực hiện
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: Cùng CTO Huân Trần bàn về khả năng sáng tạo – “vũ khí” sắc bén của nhân loại
WorkHoursLove: Cùng LOGIVAN nghe nghề lao động “khó tính” kể chuyện đi làm
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Câu nói: "Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở." quả là không sai. Nhưng…
Tính nam độc hại không chỉ ảnh hưởng đến đàn ông, mà còn ảnh hưởng…
Vì không thể bắt ép người khác nhìn nhận giá trị bản thân, chúng ta…
Là thức uống “ngon-bổ-rẻ” của nhiều người Việt cho ngày nóng nực; bạn đã biết…
Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, trong đây, The Millennials Life sẽ…
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…