Lifestyle

Hiệu ứng Người ngoài cuộc – Cha chung mà sao không ai khóc?

Thấy ai đó gặp nạn, đặc biệt là khi nó xảy ra ngay trước mắt, bạn sẽ làm gì?

Thông thường thì câu trả lời sẽ là “Thì giúp người ta một tay”. Giúp gì chưa biết, miễn là không ngồi yên. Lòng trắc ẩn là một trong những bản năng của con người. Khi chứng kiến đồng loại chịu đau khổ hoặc gặp nguy hiểm, bản năng thôi thúc ta giúp đỡ họ. Tuy nhiên vẫn có một khoảng cách nhất định từ lý thuyết đến thực tế. Ở góc độ tâm lý, việc ta có giúp ai đó hay không còn phụ thuộc vào số lượng người liên quan đến vấn đề hoặc đang có mặt vào lúc đó.

Hiệu ứng Người ngoài cuộc

Hiệu ứng Người ngoài cuộc (Bystander Efferct) — hay còn gọi là Hiệu ứng Bàng quan, hoặc ‘Cha chung không ai khóc’ — là hiện tượng khi số lượng người có mặt càng nhiều thì khả năng người gặp nạn được giúp đỡ càng ít. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra, chúng ta có xu hướng ‘làm gì đó’ cao hơn khi xung quanh có ít, hoặc chỉ có mỗi mình ta là người chứng kiến. Trở thành một phần của đám đông đồng nghĩa với việc không cá nhân cụ thể nào phải đứng ra nhận trách nhiệm cho hành động, hoặc phải chịu trách nhiệm vì đã không hành động.

Hiệu ứng Người ngoài cuộc đã được chứng thực qua một loạt các nghiên cứu do Bibb Latané và John Darley thực hiện. Hai người ghi nhận rằng, các đối tượng thí nghiệm mất những quãng thời gian khác nhau trước khi quyết định hành động và tìm kiếm sự giúp đỡ. Sự khác biệt này tùy thuộc vào số lượng người quan sát có trong phòng.

Cụ thể, trong một thí nghiệm, các đối tượng được yêu cầu tham gia vào những hoàn cảnh khác nhau: 
(1) Ở trong phòng một mình
(2) Ở trong phòng cùng với 2 đối tượng thí nghiệm khác
(3) Ở trong phòng cùng với 2 người ‘giả mạo’ làm đối tượng thí nghiệm 

Ảnh: Louise Reimer

Khói bắt đầu lan khắp phòng trong lúc các đối tượng đang làm khảo sát. Có 75% người nhóm (1) báo động khi thấy khói. Con số này ở nhóm (2) là 38%. Ở nhóm (3), những người ‘giả mạo’ có nhiệm vụ làm lơ khi khói bốc lên, kết quả chỉ có 10% đối tượng trong nhóm này báo động.

A Lady in Distress — một thí nghiệm khác thực hiện năm 1969 bởi Bibb Latané và Judith Rodin — cho thấy có 70% đối tượng tham gia ra tay giúp đỡ người bị nạn khi họ là nhân chứng duy nhất, trong khi chỉ có khoảng 40% đề nghị hỗ trợ khi xung quanh họ có sự hiện diện của những người khác.

Vụ án Kitty Genovese

Vụ án Kitty Genovese (The Kitty Genovese Case) là ví dụ thường xuyên được nhắc đến nhất trong các tài liệu tâm lý học nhập môn về hiệu ứng Người ngoài cuộc. Thứ Sáu, 13/3/1964, trên đường đi làm về, Catherine “Kitty” Genovese — một phụ nữ 28 tuổi — bị tấn công bởi Winston Moseley, khi cô đã gần đến căn hộ của mình. 

Genovese đã liên tục kêu cứu nhưng không ai trong số vài chục người sống ở tòa nhà gần đó báo cáo vụ việc, mặc dù họ có nghe thấy tiếng khóc của cô. Vụ tấn công xảy ra lúc 3:20 sáng, nhưng tận nửa tiếng đồng hồ sau đó, người báo án đầu tiên mới liên hệ với cảnh sát.

Một trong những nơi đầu tiên đưa tin về vụ việc này là New York Times. Bài báo này cho đăng tin theo chiều hướng giật gân, kèm theo đó là một số thông tin sai sự thật. Tháng 9/2007, tờ American Psychologist ra kết luận sở dĩ câu chuyện về Kitty Genovese thường “bị hiểu nhầm” là do những tình tiết thiếu chính xác liên tục xuất hiện trên các bài báo cũng như những đầu sách giáo khoa tâm lý học.

Bài báo về vụ án của Kitty Genovese trên tờ New York Times

Mặc dù ‘Vụ án Kitty Genovese’ ít nhiều bị xem là sản phẩm của xuyên tạc thông tin, vẫn còn rất nhiều trường hợp khác được ghi nhận qua thời gian, cho thấy hiệu ứng Người ngoài cuộc có tác động mạnh mẽ đến hành vi xã hội.

Lý giải tâm lý thờ ơ

Có hai nguyên nhân chính cho việc khi xung quanh nạn nhân càng có nhiều người thì họ càng ít có khả năng được giúp đỡ hơn. Lý do thứ nhất, sự hiện diện của đám đông khiến cho cảm giác trách nhiệm bị phân tán. Chúng ta sẽ không cảm thấy quá áp lực về chuyện “mình phải làm gì đó”, bởi vì “còn nhiều người mà lo gì”. Trách nhiệm hành động lúc này được chia sẻ bởi tất cả những ai đang có mặt.

Lý do thứ hai là nhu cầu của con người trong việc thể hiện “hành vi đúng đắn và được xã hội chấp nhận”. Khi đám đông không có phản ứng, chúng ta sẽ tự nhiên cho rằng việc phản ứng là một hành vi không cần thiết, hoặc không phù hợp. 

Ngoài ra, khả năng một người chứng kiến can thiệp vào tình huống đang xảy ra sẽ càng thấp hơn nếu đối với họ, đó là một tình huống mơ hồ (do không chắc chắn hoặc do hiểu nhầm). Với trường hợp của Genovese, nhiều người trong số 38 nhân chứng cho biết họ nghĩ rằng mình chỉ đang chứng kiến cảnh “một cặp đôi cãi vã” mà không nhận ra sự thật cô gái đang gặp nguy hiểm.  

Không phải trường hợp nguy hiểm nào cũng trông rõ như ban ngày. Chúng diễn ra khá nhanh và hỗn loạn. Do đó, những người có mặt thường không thể chắc chắn về điều đang diễn ra. Trong những khoảnh khắc đó, chúng ta thường nhìn sang người xung quanh để xác định phản ứng phù hợp. Nếu không ai làm gì thì điều đó ‘có nghĩa là’ ta cũng không cần thiết phải làm gì.

Ảnh: Lillian Li

Làm thế nào để chống lại hiệu ứng Người ngoài cuộc?

Một số nhà tâm lý học cho rằng, nhận thức sự tồn tại của hiệu ứng Người ngoài cuộc cũng chính là cách tốt nhất và đơn giản nhất để thoát khỏi nó. Khi đối mặt với những tình huống đòi hỏi phản ứng giúp đỡ, chủ động hiểu được cách bạn đang bị ‘cản trở’ sẽ giúp bạn dễ dàng đứng ra hành động hơn.

Trường hợp bạn là người gặp nạn, thay vì kêu cứu “chung chung”, hãy cá nhân hóa đối tượng hỗ trợ bằng cách tương tác (hướng về họ, giao tiếp mắt, chỉ tay,…) với một người cụ thể bất kỳ trong đám đông. Một khi đã bị “quy trách nhiệm” trực tiếp, họ sẽ khó lòng từ chối việc giúp đỡ bạn. Đồng thời điều này cũng sẽ thôi thúc những người khác hành động tương tự.

Xem thêm:
Những câu nói nồng mùi gaslighting nhưng không nhiều người nhận ra
Vì sao bạn vẫn cô đơn ngay cả những khi bạn không một mình?
5 điều chúng ta không thể thay đổi ở người khác
Cách sử dụng thời gian hiệu quả trong những ngày làm việc tại nhà

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

18 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago