Lifestyle

#Nghĩ: “Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Hành vi làm hại người khác vì vui thú, thỏa mãn cá nhân (sadistic aggression) vẫn còn là một bí ẩn với ngành khoa học. Những hành vi tàn bạo, hung ác (sadistic behaviours) đã được ghi nhận hàng thế kỷ nay. Tuy nhiên, nguyên nhân tâm lý ẩn sau việc một số người thích làm hại người khác dù cho không thu được ích lợi nào cụ thể là gì?

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Personality and Social Psychology được thực hiện nhằm giải đáp thắc mắc này. Nhóm nghiên cứu đến từ Đan Mạch, Serbia, Mỹ, và Đức đã tiến hành 9 thí nghiệm trên 15 nhóm tình nguyện viên từ 3 đất nước khác nhau. Họ đã phân tích xem liệu sự chán chường (boredom) có phải là yếu tố quan trọng khiến một người thể hiện những hành vi hung bạo hay không. Nhiều người sẽ hoàn toàn ổn với buồn chán, nhưng phần lớn chúng ta sẽ thấy khó chịu, vì nó là dấu hiệu cho thấy đời sống hiện tại của họ hiện đang gặp vấn đề. 

Nghiên cứu trên nhằm chứng minh nhận định rằng “Liệu chán chường của làm tăng khả năng thực hiện hành vi hung bạo ở những cá nhân với tư tưởng sẵn có rằng đó là những hành vi hoàn toàn phù hợp”.

Ảnh: Kirill

Mối liên hệ giữa trạng thái chán chường và hành vi hung bạo

Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá sự chán chường và một số yếu tố tính cách cá nhân khác thông qua bảng câu hỏi (online và offline) trên 6 nhóm tình nguyện viên. Kết quả, những người thường xuyên chán nản trong cuộc sống thường ngày có xu hướng hung bạo hơn so với những người ít buồn chán.  

thí nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu xem xét đến online trolling(*) – một dạng khác của hung bạo trên mạng. Kết quả tìm ra mối liên hệ giữa trolling và chán chường: những người hay thấy chán nản có nhiều khả năng troll người khác trên mạng hơn.

(*)troll: trong tiếng lóng internet, troll là kẻ đăng các thông điệp gây tranh cãi tại một cộng đồng trực tuyến, chẳng hạn diễn đàn thảo luận trực tuyến, với mục đích gài bẫy để những người dùng khác xúc động hay bị kích động và phản ứng lại với mục đích giải trí hoặc có động cơ khác.

Thí nghiệm thứ ba tìm hiểu về hành vi hung hãn trong môi trường quân đội. Qua khảo sát trực tuyến, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những người làm công việc phục vụ trong quân đội có nhiều khả năng thể hiện hành vi hung bạo với những đồng chí của mình hơn nếu họ cũng thường xuyên cảm thấy buồn chán.

Đối tượng nghiên cứu của thí nghiệm thứ tư là những người làm cha mẹ và hành vi hung hăng của họ dành cho con cái. Dữ liệu từ 300 cặp phụ huynh được thu thập bằng bảng khảo sát trực tuyến. Nhìn chung, thống kê cho thấy những người đã làm cha mẹ có biểu hiện buồn chán và bạo lực ở mức độ thấp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ ra được mối liên hệ giữa xu hướng hung hăng và sự chán chường – bao gồm cả những buồn chán trong cuộc sống hằng ngày và trong suốt quá trình chăm sóc con mình.

Ảnh: Lena

Trong thí nghiệm thứ năm, nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra về việc liệu một người thấy ‘chán kinh niên’ với cuộc sống của mình thì có xu hướng mơ mộng / ảo tưởng về hành vi hung bạo cao hơn người ít buồn chán hay không. Một lần nữa, kết quả cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa buồn chán và bạo lực. Những người trải nghiệm cảm giác chán nản dai dẳng cũng là những người hay mơ mộng về bạo lực, giả dụ như bắn chết ai đó để cho vui.

Từ suy nghĩ đến thực tế

5 thí nghiệm trên đã chứng minh mối liên hệ chặt chẽ giữa cảm giác chán chường và hành vi hung bạo trên những nhóm người, trong những bối cảnh khác nhau. Trong thí nghiệm thứ sáu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thử nghiệm tâm lý thực tế, thay vì bảng câu hỏi. 

Đối tượng tham gia được phân loại ngẫu nhiên vào 2 nhóm, tạm gọi là A và B. Mỗi nhóm được cho xem một video tầm 20 phút. Video dành cho nhóm A là một đoạn clip quay cảnh một thác nước. Nhóm B được xem một bộ phim tài liệu thú vị về dãy núi An-pơ (Alps). Sau đó, đối tượng thí nghiệm được hỏi về lựa chọn của họ với việc giết chóc. Cụ thể là giết những con giòi còn sống bằng cách bỏ chúng vào máy nghiền cà phê. 

Đây là một chiếc máy nghiền đã được điều chỉnh, nên thực tế không có con giòi nào bị giết cả. Những người tham gia không biết điều này cho đến khi thử nghiệm kết thúc. Có hơn 89,9% lựa chọn không giết bất cứ con giòi nào. Tuy nhiên, có 13 người đã bỏ giòi vào máy nghiền, với niềm tin rằng họ đang thật sự tiễn đám sâu bọ này ‘lên đường’. 1 người trong số đó thuộc nhóm B, còn lại đều ở nhóm A.

Thí nghiệm thứ sáu này chỉ ra rằng sự buồn chán làm tăng khả năng một con giòi bị bỏ vào máy nghiền. Kết quả từ thí nghiệm này không những chứng minh được mối liên hệ giữa cảm giác chán chường và hành vi hung bạo mà còn cho thấy rằng trạng thái chán nản thật sự dẫn đến bạo lực.

Ảnh: Marjan Sadeghi

Những người tham gia thí nghiệm thứ bảy cũng được chia thành 2 nhóm, cũng được xem 2 video nội dung khác nhau – nhóm A xem một hòn đá, nhóm B xem cảnh ảo thuật gia biểu diễn. Nhóm nghiên cứu không hỏi ý kiến của họ về giòi nữa, thay vào đó, là vấn đề tăng / giảm lương cho những tình nguyện viên khác tham gia thí nghiệm này. 

Kết quả, hơn 92% quyết định không giảm lương của những tình nguyện viên khác. Đa số (89,1%) còn muốn thêm tiền cho họ. Có 5,1% người trong nhóm B và 11% nhóm A là có ý định giảm lương. Việc một người quyết định thực hiện hành vi hung bạo hay không còn bị ảnh hưởng bởi tính cách của họ. Trạng thái chán chường thật sự gây tác động đến những người có sẵn khuynh hướng bạo lực, khiến họ sẵn sàng thể hiện điều đó ra. Ngược lại, với những người không có xu hướng này, thì chán nản có tác động rất ít, hoặc không gây ảnh hưởng gì.

Ảnh: Tasha Levytska

Hai thí nghiệm còn lại tập trung vào vai trò của những phương án thay thế. Cụ thể những phương án có thể dẫn đến hành vi hung hãn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối liên hệ giữa buồn chán và bạo lực. Thí nghiệm thứ tám được thiết kế giống thứ bảy, nhưng người tham gia không có sự lựa chọn ‘thêm tiền cho người khác’. 36,1% người nhóm A bộc lộ hành vi hung bạo (bớt đi phần lương). Con số này ở nhóm B là 21,7%, và ở nhóm C – không xem video nào – là 15,4%.

Trong thí nghiệm cuối cùng, người tham gia được chia thành 4 nhóm, được xem video sau đó tiến hành thử nghiệm. 2 nhóm đầu tham gia mô hình giống như ở thí nghiệm trước. Trong khi đó, 2 nhóm sau được giao vai trò “trừng phạt” với tư cách bên thứ 3 trong một trò chơi – họ sẽ có quyền quyết định hình phạt dành cho một người chơi trong game này.

Cụ thể, người chơi ‘bị phạt’ ban đầu được giao 100% tiền. Thay vì chia đều số tiền theo luật, họ giữ 70% cho mình, chỉ đưa người còn lại 30%. Những người tham gia được hỏi rằng liệu họ có muốn trừng phạt người chơi gian dối này bằng cách trừ tiền hay không. Trong trường hợp này, hành vi hung hăng (giảm tiền) vẫn được thực hiện mà không có bất cứ tổn hại gì đến người đưa ra quyết định, khác với những thí nghiệm trước (mặc dù quyết định giảm tiền là giảm tiền của người khác, nhưng ‘người khác’ đó vẫn là những tình nguyện viên đồng tư cách với người ra quyết định).

Một thay đổi thú vị đã xuất hiện. Chỉ có 29,2% những ‘người trừng phạt’ chọn giải pháp không trừ tiền người chơi. Điều này cho thấy, sau khi chứng kiến bất công, con người có xu hướng thể hiện bạo lực hơn. Và trong cả hai trường hợp, cảm giác buồn chán đều làm tăng khả năng một người muốn cắt giảm thu nhập của người khác.

Kết

Cả 9 mô hình thí nghiệm đều cho thấy một điều: cảm giác chán nản có thể trở thành động lực khiến một người hãm hại người khác để cho vui. Tuy nhiên, họ có hiện thực hóa những suy nghĩ / ảo tưởng giết chóc, hành hạ,… của mình hay không còn phụ thuộc vào tính cách của mỗi cá nhân. Với số đông thì trạng thái chán chường không thật sự dẫn đến hành vi hung bạo.

Ngoài ra, mức độ liên quan giữa chán chường với online trolling, thái độ hung hăng của phụ huynh và các loại hành vi tàn độc khác được chứng minh trong nghiên cứu này đưa ra một gợi ý quan trọng cho nỗ lực giảm trừ bạo lực trong xã hội nói chung: tìm ra những biện pháp để giảm bớt hoặc loại bỏ chán nản ở những người có khuynh hướng bạo lực.

Xem thêm:
#Nghĩ: Halo Effect – Khi một người trở thành “hào quang” trong mắt ta
#Nghĩ: Tư duy con cua và những tác động tiêu cực của nó với con người
#Nghĩ: Catcalliing – “Gọi con mèo” và nguồn gốc của việc trêu hoa ghẹo nguyệt trên đường phố
#Nghĩ x #NgườiLớnĐiLàm: 7 thói quen ngỡ lười biếng nhưng lại giúp ta làm được nhiều thứ hơn

Mi Nguyen

Recent Posts

Mai Ngọc Linh – Founder của LaBase: Sự khác biệt giữa kinh doanh trên sàn thương mại và dịch vụ trong ngành làm đẹp

Thương hiệu LaBase Cosmetics & Spa của chị Mai Ngọc Linh đã làm thế nào…

8 giờ ago

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

1 ngày ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago